Đoạn sông Thạch Hãn chảy qua làng Trà Liên - Ảnh: Thanh Hồ
Tại một làng nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn (làng Trà Liên) vừa được giải phóng, chúng tôi: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Tính, Lý Hoài Xuân (Nguyễn Quốc Duẩn), Trần Phá Nhạc, Tăng Phiệt, Lê Anh Phong, Doãn Yến, Phạm Vũ (Vũ Thuộc),... cùng sống, sáng tác trong những căn nhà tạm dùng để trao trả tù nhân chính trị của ta sau Hiệp định Paris. Hoàng Nhuận Cầm khi ấy đã đoạt giải Nhất Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, là “thần tượng thơ” trong trại viết của chúng tôi. Đến thăm và nói chuyện kinh nghiệm sáng tác với chúng tôi có các nhà thơ, nhà văn: Thanh Hải, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Trần Công Tấn, Duy Khán, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Thị Mây. Đi qua cuộc chiến tranh, trong chúng tôi nay có người từng là ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam như Đinh Thế Huynh; nhiều người đã thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng văn học như: Hoàng Nhuận Cầm, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Quang Tính; có người là nhà báo như Lê Anh Phong; có người sống tự do như Trần Phá Nhạc.
Xin kể mấy mẩu chuyện vui của chúng tôi ngày ấy.
Hoàng Nhuận Cầm kiến nghị tăng thêm thịt
Mặc dù tiêu chuẩn ăn của trại viên chúng tôi cao hơn nhiều so với các chiến sĩ ở đơn vị chiến đấu (sáng: ngô bung xào thịt hộp hoặc cháo thịt lợn tươi; trưa: cơm, thịt hộp, cá hộp, trứng rán, rau xào; tối: giống trưa). Thế nhưng do làm việc ban đêm nhiều nên đang tuổi đôi mươi mà người nào cũng gầy xanh. Trong một cuộc họp, Hoàng Nhuận Cầm kiến nghị với Ban phụ trách trại tăng lượng thịt cho anh em mỗi bữa. Ý kiến của Cầm được anh em đồng tình. Vài ngày sau, khi Ban phụ trách trại báo cáo lên trên, mỗi bữa ăn chúng tôi có thêm mấy miếng thịt. Nguyễn Quang Tỉnh nói đùa đó là “thịt Hoàng Nhuận Cầm”.
Hai đồng chí bị du kích chặn đường
Đinh Thế Huynh và Lý Hoài Xuân ở cùng Trung đoàn (E101), Sư đoàn 325. Một hôm nhớ đơn vị quá, hai anh em xin phép Ban phụ trách trại về thăm. Khi đi qua một làng giáp ranh giữa ta và địch, bỗng có ba người du kích ra chặn đường hỏi giấy tờ. Cả hai cùng đấu lý với ba người du kích rằng chúng tôi có phiên hiệu đơn vị thêu ở trên ngực áo, các anh không tin thì về đơn vị chúng tôi mà kiểm tra. Mấy người du kích không chịu, cứ buộc hai chiến sĩ mặc quân phục Quân Giải phóng xuất trình giấy tờ. Trong lúc Lý Hoài Xuân đang băn khoăn lo lắng thì Đinh Thế Huynh hỏi ai là tổ trưởng du kích trong ba người này. Một du kích tự xưng mình là tổ trưởng. Đinh Thế Huynh xin phép gặp riêng tổ trưởng để cho xem giấy tờ. Không ngờ sau mấy phút gặp riêng giữa Đinh Thế Huynh và tổ trưởng du kích, hai anh em chúng tôi được ung dung dạo bước về nơi đồng đội mình đang ở. Dọc đường đi, tôi hỏi Đinh Thế Huynh: “Anh đưa giấy gì mà họ tin thế?”. Đinh Thế Huynh cười, rút từ túi áo ngực tờ giấy đưa cho tôi xem. Thì ra là quyết định kết nạp đảng viên.
Cô giáo bị kiểm điểm vì… yêu nhà thơ Duy Khán
Cùng làng nơi trại viết chúng tôi đóng, có một trường tiểu học dành cho các em trong vùng mới giải phóng. Giáo viên hầu hết là người từ miền Bắc vào. Trong số các thầy cô, có một nữ giáo viên rất đam mê thơ tên là Kim Liên. Không rõ nhà thơ Duy Khán từ Văn nghệ Quân đội vào cùng ở chung với chúng tôi để giúp đỡ sửa chữa, nâng cao chất lượng bản thảo, đã làm quen, tặng thơ cho cô Kim Liên thế nào, cô Kim Liên thổ lộ thế nào với nhà thơ mà bị Hội đồng giáo viên kiểm điểm.
Một buổi tối, khi chúng tôi đang say mê ngồi vào bàn viết thì nghe tiếng kêu cứu, tiếng khóc, tiếng la hét om sòm ngoài bến sông. Chúng tôi bỏ bút chạy về phía tiếng kêu. Cô Liên được mọi người vớt lên trong bộ áo quần dài ướt sũng. Mọi người xốc nước, làm hô hấp nhân tạo cứu sống cô. Sáng hôm sau Hoàng Nhuận Cầm trong bữa ăn sáng có ngay thơ ứng khẩu:
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đây sông Thạch Hãn chứ có phải sông Tiền Đường đâu em!
Chuyện bài thơ tặng người đẹp của Phạm Ngọc Cảnh.
Gần cuối trại, do sợ ma trong một ngôi nhà bị bom B52 Mỹ đánh sập, có nhiều người chết, Hoàng Nhuận Cầm chuyển về ở cùng nhà với Lý Hoài Xuân và Nguyễn Quang Tính. Hàng ngày, có một cô du kích bận áo quần bà ba đen, khoác súng trường đi lại trước mắt chúng tôi rất điệu. Cô tên là Thương. Nước da trắng và khuôn mặt xinh càng tôn thêm vẻ đẹp của cô trong bộ trang phục. Chúng tôi ai cũng ngấm ngầm yêu, cũng thích “tán” mà không dám gần. Càng khó gần hơn là khi biết bố cô từng là sĩ quan ngụy bị mắc kẹt lại vùng giải phóng, vừa đi cải tạo về.
Một hôm, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (Vũ Ngàn Chi) từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào thăm trại chúng tôi. Nguyễn Quang Tính mang chuyện ra kể cho nhà thơ nghe. Nhà thơ lần mò tìm đến nhà người đẹp. Ông bố và cô gái hết sức ái ngại khi tiếp xúc với vị sĩ quan Việt cộng nom bên ngoài có dáng vẻ đạo mạo. Mấy ngày sau, tác giả Đêm Quảng Trị (tập thơ của Vũ Ngàn Chi) khoe với chúng tôi bài thơ mới làm tặng người đẹp có tiêu đề Bài thơ tình tặng cô gái có nỗi buồn ở Triệu Phong. Anh bộc bạch nào là “Anh không có ý định về làng tìm cha em vặn hỏi...”, nào là “Anh muốn hỏi em đã biết vặn bấc đèn hay chưa...”. Tôi nói đùa với Tính và Cầm: Nhà thơ già “ăn đứt” nhà thơ trẻ chúng mình rồi! Tất cả cùng cười. Cũng nhờ có chuyện trên mà sau này trong một bài thơ tôi làm tặng nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, có đoạn:
Cô Thương giờ có chồng rồi
Vẫn như thơ tặng cái hồi mới quen
Cất cùng áo bà ba đen
Thơ anh cô lặng mở xem một mình
Tuổi đang xanh biết mấy tình
Hỡi anh, có giữ cái nhìn lúc yêu
Cho bao nhiêu, nhận bao nhiêu
Đêm Quảng Trị với những chiều Đậu Kênh
(Thăm lại Đậu Kênh)