Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết đang về trong mỗi khu vườn

Cuối năm miền Trung thỉnh thoảng mưa lây phây, gió trời se lạnh. Mùa xuân rất gần mà tưởng còn xa xăm, ai nấy ngại ra đường, cứ lu thu trong nhà sửa soạn chuyện Tết nhất. Ấy thế mà lại hay, bởi Tết là sự trở về trong chính mỗi khu vườn, mỗi căn nhà, cũng là cuộc trở về tuổi thơ đong đầy ký ức.

1. Qua một con đường nhỏ vùng ven thành phố Đông Hà, tôi nhìn thấy căn nhà cấp bốn cũ và bình dị, hàng rào tre. Nổi bật lên giữa khoảnh vườn là một cây mai toà nở vàng rực, mấy đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa. Đứng thật lâu ngắm nghía khung cảnh hồn hậu mà ăm ắp xuân, ngỡ như Tết xưa hiện về rõ rệt.

Cây mai nở trước ngôi nhà bình dị vùng ven thành phố Đông Hà - Ảnh: T.A

Cây mai nở trước ngôi nhà bình dị vùng ven thành phố Đông Hà - Ảnh: T.A

Ấy là thuở còn thiếu thốn khó khăn, Tết hầu như toàn những thứ nhà làm được, kể cả hoa hòe cũng đều tự trồng lấy. Đầu tháng mười âm lịch đã bắt đầu rục rịch ươm các loại giống hoa. Củ thược dược, củ lay ơn được cất từ mùa xuân. Tức là lúc ra giêng hoa tàn, moi đất lên sẽ được một chùm củ, đem vào để ở dưới gậm giường. Nhà khi ấy còn là nền đất nện, rải một lớp cát rồi đặt củ lên thì nó mới không bị mọc mầm.

Củ giâm dưới đất ẩm vài ngày đã nẩy chồi ngoi lên. Phải dùng tre rào chắn xung quanh để ngăn không cho gà vịt chó mèo đến phá. Chăm cây như chăm con dại! Mỗi buổi sáng thức dậy ra ngắm xem nó lên được thêm chừng nào, đã ra bao nhiêu lá. Xới đất, vào phân chuồng, vun gốc. Cây cao chút nữa phải cắm mấy nhành nè làm choái để giữ không cho mưa gió xô gẫy.

Bông vạn thọ là thứ hoa không thể thiếu trong bất kỳ vườn nhà quê nào hồi đó. Vạn thọ dễ trồng, chỉ cần đi quanh xóm thấy nhà ai có thì xin ngắt vài nhánh, đem về cắm xuống đất là nó bắt rễ liền. Sau này đi học mới biết chính cách trồng bông như thế lại là phương pháp bảo toàn nguyên vẹn đặc tính cây mẹ. Đấy là phương pháp nhân giống vô tính, khác với cách gieo hạt hay ươm củ là nhân giống hữu tính, thường bị suy thoái phẩm chất giống. Vạn thọ cho hoa nhiều và hoa nở lâu tàn, cây nở cả tháng vẫn còn rực màu. Có hai loại thọ là giống cồi, hoa ít cánh và giống kép, hoa nhiều cánh. Người ta thường chỉ thích hoa vạn thọ kép vì bông đầy đặn và cũng tươi tắn hơn.

Hoa tự trồng vừa trang trí cho ngôi nhà đón Tết, nhưng cũng chính là thứ để chưng lên bàn thờ và các lễ cúng. Mỗi nhà ở quê sơ sơ có vài ba lễ cúng: cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng đầu năm, cúng đưa. Lễ thì tất nhiên phải có bình hoa, nếu đi mua chừng đó cũng tốn kém một khoản, mà tới dịp này hoa lại giá cao. Vậy nên người ta ra vườn cắt một vài bông thược dược, lay ơn, bông thọ, thậm chí hoa chuối tây (tựa như hoa thiên điểu) đem vào cắm là có ngay lọ hoa trang nhã.

Trong mỗi khu vườn thôn dã luôn sẵn những thứ “của nhà làm được” là vậy. Chính sự khiêm kham, tự túc này mà không khí Tết ở làng quê thường đậm đà hơn và đến sớm hơn vùng đô thị. Sau hoa hòe thì đến lo cái ăn, cũng từ trong vườn quê ấy.

Đầu tháng chạp tranh thủ những ngày tạnh ráo người ta cuốc đất lên phơi ải một hai hôm, lại lên luống đánh tơi đất để trồng trỉa những thứ rau và hoa màu. Cả một kỳ đông mưa gió rau ráng hư hoại, giờ là lúc bắt đầu một vụ rau mới. Những thứ rau màu, rau mùi làm gia vị nấu nướng cho mấy ngày sum họp. Rồi thì rau cải cay, thứ này lên rất nhanh, chỉ gieo độ dăm hôm đã xanh mơn mởn. Các loại sâu bọ cũng rất thích cắn phá lá cải non, nếu thu hoạch không kịp thì lá lấm chấm lỗ thủng dày đặc, đến lúc ấy chỉ có bỏ đi. Nhưng cứ để cải mọc vô tư như thế, đến qua Tết sẽ có một vườn hoa vàng đẹp mắt và cũng thật bâng khuâng như trong thơ Nghiêm Thị Hằng: Có một mùa hoa cải / Nở vàng bên bến sông / Em đương thì con gái / Đợi tôi chưa lấy chồng… Tôi lại gieo hạt cải / Lại âm thầm đợi mong / Có một người con gái / Đợi tôi chưa lấy chồng.

2. Những lùm cây rậm rạp trong vườn cũng bắt đầu ra lứa lá non mới. Bụi cây lá gai, thứ cây mọc hoang không hề chăm sóc, nhưng đến lúc này lại rất được việc. Lá gai được ngắt đem vào luộc, nấu, giã, nhồi để làm bánh ít lá gai - một đặc sản bình dị của quê tôi và ngày Tết nhất quyết phải có trên mâm cúng. Món bánh mà nguyên liệu chính lại từ thứ lá mọc hoang dại, ngờ đâu thơm ngon đáo để.

Đúng là người quê, cái gì cũng có thể tận dụng. Hãy xem những cây chuối trong vườn thì biết, cũng không cần mất công trồng hay chăm sóc gì, tự nó “nhảy” thành bụi. Vậy mà thân chuối thì làm thức ăn cho lợn, cho vịt. Bắp chuối làm đủ món từ ăn sống, món nộm đến nấu chín. Nải chuối để thờ cúng, tới Tết hầu như nhà nào cũng phải đặt lên bàn thờ một nải thật đẹp nhất, ưng ý nhất. Ở đây, xin kể thêm một quan niệm, không hiểu sao người ta lại thích số trái trên nải chuối thờ ngày xuân phải là số lẻ, được mười bảy quả càng quý. Nghe đồn nhau dân kinh doanh rất thích nải chuối có mười bảy quả, giá bán đến cả triệu bạc. Thêm nữa, đi chọn chuối không được sờ tay lên đếm quả, mà phải đếm bằng mắt. Mắt thật tinh rõ mới đếm được vì các nải chuối mọc xen kẽ so le trên mỗi buồng. Nếu ra chợ mua chuối thì phải đếm thật nhanh để không bị người khác chọn trước.

Nói về sự an ổn của một ngôi nhà nông thôn có thành ngữ: Trước cau sau chuối. Hẳn vì điều này nên trong vườn quê hầu như đều có bụi chuối, được trồng tranh thủ những chỗ đất không biết phải làm gì, không trồng được thứ gì. Ấy vậy mà giữa tháng chạp, nếu tiết trời còn mưa gió mạnh thì chợ cuối năm lá chuối cũng… đắt! Độ này, ta có thể bắt gặp trong vườn quê những người đi rọc lá. Họ cầm cây sào tre dài, phía trên cột tháp một cây dao, bằng một động tác nhanh nhẹn dứt khoát và cũng thật khéo léo, khứa một nhát để tấm lá chuối rơi nhẹ vừa đủ xuống đất mà vẫn nguyên lành. Lá chuối dùng để gói bánh chưng bánh tét.

3. Vợ chồng tôi năm nào cũng gói bánh, nhen lửa đun nồi nấu ngay trước sân nhà. Nhớ lời ông nội dặn, dù giàu hay nghèo thì tới Tết cũng phải tự mình gói nấu cho được một nồi bánh để cúng tổ tiên ông bà, để gia đình có không khí, các con các cháu có được tuổi thơ đầy đặn. Ông cũng dặn rằng bánh nấu càng lâu càng dẻo ngon, và nhất quyết phải nấu qua đêm.

Hai chín tháng chạp, đêm áp Tết, chúng tôi ngồi canh lửa nấu bánh. Khói lửa và khói hơi nước luộc hòa quyện thành hương thơm quen thuộc của đồng quê ủ trong hạt nếp, lá chuối, nuộc lạt buộc. Lạ thay, mùi hương ấy qua bao năm vẫn không thay đổi, từ ký ức xa xăm của tuổi thơ tôi cho đến khi lớn lên, đấy chính là mùi Tết.

Trẻ con thích thú ngồi canh lửa nấu bánh - Ảnh: T.A

Trẻ con thích thú ngồi canh lửa nấu bánh - Ảnh: T.A

Khuya cuối năm vắng lặng, bếp than hồng ánh lên những tia lửa nổ lép bép từ củi đượm nắng. Một bếp củi đêm gợi nhớ quá khứ đầy gian khó. Vợ đem ra mấy củ khoai lang vỏ tím, thứ này khi xưa từng là lương thực của cha ông mình đây. Và tới thời chúng tôi, có nhiều buổi sáng đi học chỉ lót lòng một củ khoai luộc.

Bây giờ đời sống đã khá lên rất nhiều, khoai chỉ là món ăn chơi, ăn vặt. Thế nhưng trong cái đêm áp Tết như hôm nay, củ khoai vùi trong lửa than lại bồi hồi bao ký ức. Chờ khoai chín, chúng tôi cứ lặng yên không nói gì, chỉ chằm chằm nhìn vào bếp than rực hồng. Chốc chốc dùng que lật củ khoai lại để nó chín đều. Mùi vỏ khoai cháy thơm. Cứ để cho nó cháy hết lớp ngoài thì bên trong mới chín. Khều củ khoai ra, hai bàn tay hất qua chuyền về vừa để cho ấm và khoai nhanh nguội. Bóc hết lớp vỏ cháy cứng ra, bên trong khoai chín vàng rộm. Bẻ một miếng khoai đưa lên hít hà, mùi thơm bùi.

Tôi nhớ cánh đồng buổi mùa đông, cỏ úa xác xơ, trên những luống đất đã thu hoạch vẫn còn sót lại những củ khoai đâu đó. Lũ trẻ chăn trâu dùng cái chét (cái cuốc nhỏ) bớt đất tìm được vài củ khoai sâu hà rúm ró. Gom củi chất thành một đống bên bãi cỏ để sưởi ấm, vùi củ khoai vào đợi một lúc khều ra, bóc vỏ chia nhau mỗi đứa một miếng ăn cho đỡ lạnh. Những đứa trẻ chăn trâu cùng trang lứa tôi ngày ấy nay đã lập gia đình, có con cái, xây được căn nhà riêng ở trong làng. Cuối năm nhà đứa nào cũng gói một nồi bánh. Chúng tôi dặn nhau phải gìn giữ, duy trì việc này để không khí Tết luôn được đậm đà. Dạo một vòng quanh làng, những bếp lửa đặt trước sân nhà ấm áp. Ghé thăm nhau một chút cuối năm, kể đôi ba câu chuyện xưa bên bếp lửa, ký ức những mùa Tết cũ được gợi lại. Nhâm nhi chén trà thơm và thưởng thức củ khoai vừa nướng xong.

Tết nhất, ăn uống thất thường qua quýt bởi bận bịu bao việc, giờ khuya tĩnh lặng, bụng thấy đói cồn cào. Miếng khoai mật thơm ngọt lại là một món ngon không gì hơn vào lúc này. Ngày xuân, ăn một miếng là nhớ tổ tiên ông bà ta xưa, ấy là tôi nghe các cụ bảo vậy. Miếng bánh miếng mứt ngày Tết để cúng ông bà, hay đãi khách cũng với ý nghĩa nhắc nhớ đó. Qua bao nhiêu năm dân ta vẫn cứ phải bánh chưng, bánh tét mới đầy đủ vị thức xuân. Đấy là món bánh ăn chặt bụng, no lâu, lại có thể để lâu tận rằm giêng, ngụ ý tinh thần no đủ cần kiệm. Cũng như củ khoai tôi đang cầm trên tay, đầy nhớ thương bao lớp tiền nhân một đời gian khó để mong con cháu được khấm khá.

Ước nguyện của tổ tiên nay đã thành hiện thực. Củ khoai gợi lại câu tục ngữ: Được mùa chớ phụ ngô khoai / đến khi thất bát lấy ai bạn cùng. Đấy cũng là lời dạy của tiền nhân, một ngụ ngôn dân gian khuyên nhủ sự khiêm nhường, biết ăn ở, có trước có sau. Những tổn thương của đại dịch gần đây khiến cả xã hội khó khăn, biết bao nhiêu người mất việc, bao người không thể trở về đón Tết nơi cội quán. Những ai giờ này được ở quê nhà, ngồi bên bếp lửa ấm hẳn đã là một may mắn vô cùng lớn lao. Chúng tôi tận hưởng những thời khắc ý nghĩa này, với củ khoai nướng bên bếp lửa ấm, khi ngoài trời se lạnh đã sang ngày ba mươi.

Xung quanh đây, Tết đang về trong mỗi khu vườn, chín thơm.

 

Tùy bút của TRÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 364

Mới nhất

Tân xuân xóm vạn thuở lênh đênh

28/01/2025 lúc 23:00

Nếu sớm đầu năm thong thả đạp xe ra đôi bờ sông Hiếu, cảm nhận được chút gió đông đi

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

27/01/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ nguyên mới từ xuân này

28/01/2025 lúc 23:05

Trước ngày 22 tháng 12 năm 2024, tôi và mấy phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị

Mùa xuân chân phương

28/01/2025 lúc 23:03

“Chân phương” là từ hay dùng của ba tôi. Với ba, mọi thứ nên chân phương. Tết đến xuân về,

Về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù ngày xuân

5 Giờ trước

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Quảng Trị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2025

31/01/2025 lúc 15:19

TCCVO - Sáng 20/1/2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà

Thượng Lập - nơi ươm mầm cách mạng

28/01/2025 lúc 23:18

Quê ngoại - làng Hàm Hòa, xã Vĩnh Long là nơi tôi gắn bó từ tấm bé cho đến

Nước non ngàn dặm

28/01/2025 lúc 23:14

Đầu năm 1973. Sau mấy lần lặn lội quanh miệt Đường 9, Đông Hà, Hướng Hóa, Triệu Phong..., sáng

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/02

25° - 27°

Mưa

04/02

24° - 26°

Mưa

05/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground