Rắn trong văn hóa, văn học dân gian
Trong những truyền thuyết, truyện cổ tích Việt Nam, hình tượng con rắn và những loài vật tưởng tượng gần với con rắn như: chằn tinh, thuồng luồng, giao long, thủy thần… rất phổ biến. Chẳng hạn như trong truyện Thạch Sanh, chằn tinh là con rắn tu luyện nhiều năm, vua bắt nhân dân lập miếu thờ và mỗi năm phải cống nộp một mạng người. Đến khi mẹ con Lý Thông lừa Thạch Sanh đi nạp mạng thay mình thì chằn tinh đã bị Thạch Sanh tiêu diệt. Hay câu chuyện rắn báo oán trong vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Dân gian truyền miệng rằng con rắn bị cha Nguyễn Trãi giết đã hóa thân thành Nguyễn Thị Lộ bởi lúc sinh ra bà đã có chiếc vảy ở dưới sườn.
Ở sự tích Hồ Ba Bể, con giao long hóa thân thành bà cụ để báo đáp hai mẹ con bà góa tốt bụng khi cả làng bị nước lũ cuốn trôi. Trong tín ngưỡng dân gian, người dân thờ rắn như một vị thần bảo vệ sông nước và mùa màng. Hình tượng rắn gắn liền với các dòng chảy ao hồ, sông suối, thể hiện sự kết nối với thế giới tự nhiên. Những câu chuyện về thần rắn thường xoay quanh việc giúp đỡ hoặc trừng phạt con người, phản ánh mối quan hệ tương hỗ nhưng đầy thử thách giữa con người với tự nhiên.
Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ ca dao của người Việt, rất nhiều câu đề cập đến con rắn với ý thâm thúy. Thường nghe nhất là câu khẩu phật tâm xà, nhắc đến những người đạo đức giả, miệng nói điều thiện nhưng tâm lại độc ác. Vẽ rồng vẽ rắn, ý chỉ sự bày vẽ lãng phí, không cần thiết. Rắn mất đầu, chỉ sự rối loạn, hoang mang, mất phương hướng khi không có người lãnh đạo. Cõng rắn cắn gà nhà, chỉ sự phản bội, vì lợi ích mà quay lưng, làm hại người. Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng, ý nhắc đến quy luật sinh lão bệnh tử của con người… Ngoài ra, trò chơi rồng rắn lên mây là một trong những trò chơi dân gian phổ biến của trẻ nít. Trò chơi này gắn với bài đồng dao: Rồng rắn lên mây / Cỏ cây lúc lắc / Có quả đồng hồ / Hỏi thăm thầy thuốc / Có nhà hay không? Đây là trò chơi quen thuộc, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và đoàn kết, tạo không khí vui vẻ, xôm tụ.
Trong dân gian, đôi khi người ta lấy con rắn để tượng trưng cho sự may rủi. Chẳng hạn như quan niệm kiêng kỵ khi xuất hành hoặc mỗi khi đi đâu lo giải quyết công việc quan trọng, nếu lúc đi đường gặp rắn là may mắn, mọi chuyện sẽ hanh thông toại nguyện. Rắn đi, quy về, nghĩa là gặp rắn thì nên đi tiếp còn gặp quy (rùa) thì nên quay về vì công việc sẽ không thành. Hoặc câu Khi đi gặp rắn thì may / Khi về gặp rắn thì hay ăn đòn cũng mang ý nghĩa chỉ hên xui, may rủi ở thời điểm gặp rắn. Người xưa cũng coi rắn là loài biết dự báo thời tiết. Vào mùa hè, dù thời tiết đang oi nắng nhưng thấy rắn ráo bò ra khỏi hang thì hôm sau trời sẽ có mưa.
Nhìn chung, hình tượng con rắn trong văn hóa dân gian khá phong phú và đều mang ý nghĩa về sức mạnh, quyền uy, mang nghĩa của sự nguy hiểm, phản trắc. Song, ở khía cạnh nào đó, rắn luôn là hiện thân của sự huyền bí, linh thiêng.
Con rắn trong tôn giáo, tín ngưỡng
Con rắn là một biểu tượng lâu đời trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng trên thế giới. Trong Phật giáo, rắn được xem là con vật linh thiêng, gắn liền với Đức Phật từ khi ngài được sinh ra. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa vừa chào đời đã được vua rắn Naga chín đầu phun nước tắm. Sau này, rắn thần Naga đã bảo vệ và chứng kiến sự đắc đạo của Phật Thích Ca. Vì vậy, trong Phật giáo, rắn Naga được xem là hộ pháp, là biểu tượng cho sự che chở, bảo vệ. Trong các truyền thuyết về Đức Phật, hình ảnh của Naga là một phần quan trọng, thể hiện sự kết nối giữa các thế giới, từ cõi phàm trần đến cõi thần linh. Một trong những câu chuyện nổi bật về Naga là sự che chở của Naga dành cho Đức Phật trong tuần thiền định đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ. Khi trời mưa lớn, Naga đã quấn quanh Đức Phật, dùng thân mình làm tán che mưa, thể hiện lòng trung thành và kính trọng với người đã truyền đạt những chân lý của vũ trụ. Câu chuyện này không chỉ nhấn mạnh sự bảo vệ của Naga mà còn biểu thị sự hòa quyện giữa thiên nhiên và nhân loại. Vì vậy, trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông thì rắn là biểu tượng quen thuộc trong các họa tiết hoa văn trang trí.
Hình tượng con rắn cũng được nhắc đến nhiều trong Kinh thánh của Cơ Đốc giáo, mở đầu với câu chuyện con rắn xúi giục nàng Eva ăn trái cấm trong sách Sáng Thế. Sau khi nghe lời cám dỗ của con rắn, họ ăn trái cấm và mắt đã mở ra, thấy mình trần truồng và xấu hổ. Cuối cùng, Chúa đã đuổi hai người ra khỏi vườn địa đàng. Loài người bị mất cơ hội trường sinh bất tử và phải lao động kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt của mình, phải trải qua hoạn nạn, đau khổ vì sự lựa chọn của chính mình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đến sách Dân số (cuốn sách thứ tư trong Kinh thánh Cựu ước) thì hình ảnh con rắn là biểu tượng cứu rỗi. Loài người chỉ cần nhìn lên con rắn bằng đồng được treo trên cột với sự ăn năn sám hối thì sẽ được cứu thoát, chữa lành.
Ở Việt Nam, hình tượng con rắn trong đạo mẫu gắn liền với khả năng sinh sản, là biểu tượng của nữ giới. Câu chuyện về Mẫu Liễu lần thứ ba xuống trần gian và vụt hóa trở thành rắn khi bị thái tử chọc ghẹo là minh chứng cho điều đó. Sự uyển chuyển mềm mại, khả năng sinh sản, kích thích của rắn cũng được ví như người phụ nữ. Trong các điện thờ mẫu luôn có hình ảnh đôi rắn hiện diện trên xà ngang và chầu về tượng Mẫu.
Ngoài ra, tục thờ rắn cũng khá phổ biến đối với một số tôn giáo và nền văn hóa khác trên thế giới. Tại Trung Quốc, tín ngưỡng thờ rắn được biết đến sớm với câu chuyện thần Nữ Oa đầu người mình rắn. Ở Ấn Độ, rắn được xem như biểu tượng của bất tử, tín ngưỡng thờ rắn đã ăn sâu vào đời sống của người dân. Nhiều địa danh được đặt tên từ âm hưởng của thần rắn Naga. Hình tượng rắn xuất hiện trong nhiều đền đài và cả đồ trang sức.
Như vậy, hình tượng rắn đã xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa, tôn giáo và mang nhiều lớp nghĩa khác nhau, gắn liền với những ý niệm quan trọng của con người về sự sống, cái chết và sự huyền bí của vũ trụ. Biểu trưng cho cả tính nam và nữ, vừa là phúc thần, vừa ác thần, tượng trưng cho sự hủy diệt lẫn tái sinh. Sự hiện diện của con rắn trong xuyên suốt lịch sử đã chứng minh vai trò đặc biệt của nó trong đời sống tâm linh của nhân loại.
Từ đời sống đến nghệ thuật tạo hình
Con rắn có đủ màu sắc, kích cỡ, có thể sống trong hầu hết các môi trường tự nhiên. Rắn không có chân nhưng di chuyển nhanh. Trong thực tế, rắn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên. Là loài săn mồi bậc cao, rắn giúp kiểm soát số lượng chuột và các loài gặm nhấm phá hoại đồng ruộng, qua đó duy trì hệ sinh thái và bảo vệ mùa màng. Độc tố của rắn dù nguy hiểm nhưng lại mang giá trị về mặt y học. Đã có nhiều công trình nghiên cứu nọc độc của rắn để điều chế các loại thuốc chữa bệnh. Ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, việc uống rượu pha tiết rắn hoặc rượu ngâm rắn được cho là làm tăng sinh lực của phái mạnh. Thịt rắn cũng được ưa chuộng vì có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, ít chất béo, đặc biệt được tin là có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Rắn còn là nguồn cảm hứng nghệ thuật trong kiến trúc, hội họa và điêu khắc. Hình ảnh rắn quấn quanh trụ cột hay tượng rắn trong đình, chùa, đền miếu thể hiện sự kết nối giữa con người với thế giới siêu nhiên. Trong Ai Cập cổ đại, hình ảnh rắn hổ mang Uraeus thường được gắn trên vương miện của các Pharaoh, biểu tượng cho quyền lực tối cao và sự bảo hộ thần thánh. Tại Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, rắn thần Naga được chạm khắc trên các đền đài, cung điện như một linh vật mang ý bảo vệ và may mắn, thịnh vượng.
Trong truyền thuyết Hy Lạp, ông Asklepios - con trai của thần Apollo có tài trị bệnh và được tôn làm thần, gắn liền với hình ảnh con rắn. Sau này, cả ngành y và ngành dược đều lấy hình ảnh con rắn làm biểu tượng. Biểu tượng ngành y là hình con rắn quấn quanh cây gậy, còn biểu tượng ngành dược là con rắn quấn quanh chén thuốc.
Như vậy, hình tượng con rắn vừa là biểu tượng của sự sinh sôi, bảo vệ và trí tuệ, vừa đại diện cho hiểm nguy, phản trắc. Điều này phản ánh nhận thức của con người về tự nhiên, vừa sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, vừa ngưỡng mộ vẻ đẹp và sức sống của nó. Một trong những biểu tượng nổi bật nhất của con rắn là sự tái sinh. Rắn có khả năng lột xác, từ đó được xem như hiện thân của sự đổi mới, hồi sinh và bất tử. Trong văn hóa Việt Nam, sự lột xác của rắn được hiểu như một dấu hiệu của sự chuyển mình, thay đổi để đạt tới trạng thái tốt hơn.
Nhìn chung, tâm lý con người đối với hình ảnh con rắn khá trái chiều, vừa sợ hãi, vừa kính nể. Chuyện đáng sợ lẫn chuyện linh thiêng đều liên quan đến con vật này. Bởi vậy, hình tượng con rắn vô cùng phức tạp. Sự đa diện này khiến hình ảnh con rắn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân loại, vừa gợi lên sự tôn kính, vừa ẩn chứa nhiều giá trị đặc biệt. Dù đứng trong khía cạnh tốt hay xấu, con rắn vẫn là một thực thể của tự nhiên cần được tôn trọng.
K.V