Trước hết, nghệ thuật góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa bằng cách lưu giữ tinh thần, ý nghĩa và hình hài của các giá trị truyền thống. Đây có thể là những câu chuyện dân gian, các biểu tượng văn hóa hay phong cách mỹ thuật cổ, vốn là nền tảng nhận diện của một cộng đồng hay dân tộc. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, nghệ thuật còn mang tính sáng tạo và đổi mới. Khi gắn với hội họa hoặc các hình thức thể hiện hiện đại khác, nghệ thuật đưa các giá trị cổ xưa vào mối liên hệ với xã hội đương đại. Điều này không chỉ làm cho văn hóa trở nên sống động và phù hợp với thời đại mà còn mở rộng khả năng tiếp cận văn hóa đối với công chúng. Nghệ thuật tạo nên sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, làm phong phú thêm ý nghĩa của các giá trị truyền thống trong bối cảnh mới. Một khía cạnh khác là khả năng khơi dậy niềm tự hào của cộng đồng thông qua tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm không chỉ đơn thuần là một sản phẩm sáng tạo mà còn là biểu tượng của văn hóa, phản ánh bản sắc và lịch sử của cộng đồng. Tác phẩm nghệ thuật có thể mang theo những thông điệp sâu sắc, nhắc nhở cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa, qua đó tạo nên sự gắn kết và niềm tự hào tập thể. Cuối cùng, nghệ thuật còn đóng vai trò như một công cụ quảng bá văn hóa ra thế giới. Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc có khả năng vượt qua biên giới địa lý, giới thiệu những giá trị văn hóa của một quốc gia đến với cộng đồng quốc tế. Qua đó, nghệ thuật không chỉ là công cụ bảo tồn mà còn là phương tiện giao lưu và hợp tác văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của một dân tộc trong mắt bạn bè quốc tế. Với sự kết hợp giữa bảo tồn, đổi mới và quảng bá, nghệ thuật thực sự trở thành một sức mạnh mềm, không chỉ bảo vệ di sản mà còn làm giàu thêm giá trị văn hóa trong dòng chảy phát triển toàn cầu.
Lấy ví dụ về tính liên kết văn hóa và tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như dùng chất liệu quạt giấy Phương Ngạn, nón lá Bố Liêu… là những sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong bối cảnh đương đại ở Quảng Trị, chúng ta đã đặt nó trong không gian của một tác phẩm hội họa. Chúng ta thấy rằng trong lịch sử, nghệ thuật hội họa gắn liền với giới thượng lưu và văn hóa thưởng thức/sử dụng/sở hữu của tầng lớp đó, trong khi nghề thủ công mỹ nghệ gắn liền với tầng lớp bình dân và văn hóa dân gian. Do đó, nghệ thuật hội họa và thủ công mỹ nghệ truyền thống là hai phạm trù khác nhau và được đánh giá tính thẩm mỹ, sáng tạo khác nhau. Tuy nhiên, tác phẩm hội họa và thủ công mỹ nghệ đều đóng vai trò quan trọng như nhau trong việc bảo tồn văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nói như nhà nhân chủng học Clifford Geertz: “Nghệ thuật như là một hệ thống văn hóa”, vì thế hội họa và thủ công mỹ nghệ đều bắt nguồn từ lịch sử và truyền thống của một dân tộc, một địa phương, có thể xem là một phần cốt lõi của văn hóa. Nghệ thuật cũng là một lối sống, là một phần cơ bản trong văn hóa của một dân tộc, nếu tách rời nghệ thuật ra khỏi một nền văn hóa thì xem như là nền văn hóa đó khuyết tật, khập khiễng.
Chúng tôi mở rộng thêm rằng nghệ thuật không chỉ là phương tiện sáng tạo mà còn là một “phương tiện hữu hiệu” để thúc đẩy tính nhân văn, nhân bản và giáo dục con người về sự tử tế, hướng thiện. Qua quá trình sáng tạo và cảm thụ, nghệ sĩ phát triển khả năng đồng cảm, nhận thức sâu sắc hơn về cảm xúc, trải nghiệm và góc nhìn của người khác. Quá trình định hình tư duy của nghệ sĩ đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật trở thành cầu nối, giúp các cá nhân không chỉ sáng tạo mà còn học hỏi, tiếp nhận và hòa nhập với những nền văn hóa khác biệt. Những loại hình nghệ thuật khu biệt về văn hóa địa phương mang trong mình những trách nhiệm cụ thể, gắn bó mật thiết với cộng đồng nơi nó sinh ra. Ví dụ như những nghệ sĩ sinh sống và làm việc trên mảnh đất Quảng Trị hoặc trưởng thành từ mảnh đất này nhưng lập nghiệp ở nơi khác... thì chính văn hóa của vùng đất đã tạo nên “cấu hình” sáng tạo và phẩm chất riêng của họ, và cùng hòa chung trong dòng chảy văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Loại hình nghệ thuật mang đậm chất địa phương không chỉ phản ánh đặc trưng địa lý và lịch sử mà còn là tiếng nói của những vấn đề xã hội, nhân khẩu học, và những giá trị đặc thù của cộng đồng đó. Bản chất của nghệ thuật cộng đồng là lòng trung thành với nơi chốn và những truyền thống, tập quán riêng biệt của nó. Chúng ta tìm thấy những kho tàng lưu giữ những giá trị văn hóa, phong tục và truyền thống của một cộng đồng. Những tác phẩm nghệ thuật chú trọng đến đề tài này có khả năng phản ánh đời sống, tín ngưỡng, và lịch sử, giúp bảo tồn các yếu tố đặc trưng không bị mất đi trong quá trình hiện đại hóa. Đây là nền tảng cho bản sắc văn hóa, là nguồn gốc để cộng đồng nhận diện chính mình và tự hào về những gì họ thuộc về. Thông qua việc bảo vệ và tôn vinh các thể chế, cảnh quan, cũng như các giá trị chung, nghệ thuật địa phương duy trì sự kết nối sâu sắc giữa con người và nơi họ thuộc về. Những sứ mệnh này không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của nghệ thuật mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của cộng đồng. Chúng giúp giữ vững bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi mà các giá trị địa phương có nguy cơ bị mai một. Bằng cách giữ vững truyền thống và đồng thời đối thoại với thế giới, nghệ thuật địa phương trở thành lực đẩy cho sự phát triển văn hóa, vừa bảo tồn giá trị cốt lõi vừa mở rộng tầm nhìn toàn cầu. Bằng cách giữ vững truyền thống, nghệ thuật địa phương góp phần bảo vệ di sản văn hóa. Khi tham gia vào cuộc đối thoại với thế giới, nó không chỉ khẳng định bản sắc mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển. Kết quả là một nền văn hóa vừa giàu truyền thống vừa năng động, hội nhập sâu sắc nhưng không đánh mất bản chất riêng, tạo ra một sự cân bằng giữa việc bảo tồn di sản và mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới.
Triển lãm tranh Lê Bá Đảng - "Khát vọng hòa bình" tại quê nhà Quảng Trị năm 2024 - Ảnh: Trúc An
Trường hợp Lê Bá Đảng là một họa sĩ thành danh ở cả ba mảng hội họa, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Ở đây chúng tôi phân tích riêng về dòng tranh sơn dầu. Sở dĩ người phương Tây, mà trước hết là người Pháp, yêu thích tranh của Lê Bá Đảng vì ông hội tụ được cả ba yếu tố: kỹ thuật điêu luyện, bản sắc văn hóa vừa riêng biệt vừa phổ quát và phong cách cá nhân độc đáo. Ông không chỉ là một người vẽ tranh, mà còn là một người kể chuyện bằng hội họa, tạo ra sự kết nối cảm xúc vượt qua ranh giới địa lý và văn hóa. Tranh sơn dầu có nguồn gốc và lịch sử phát triển lâu đời ở châu Âu, nơi nó được coi là biểu tượng của nghệ thuật hàn lâm. Đối với một họa sĩ gốc Việt Nam như Lê Bá Đảng, việc sử dụng chất liệu sơn dầu để sáng tác đòi hỏi không chỉ kỹ thuật điêu luyện mà còn sự tinh tế để đạt đến chuẩn mực mà người châu Âu có thể thừa nhận. Ông đã vượt qua rào cản kỹ thuật này, chứng minh tài năng và sự chuyên nghiệp trong việc xử lý chất liệu, tạo nên sự tin tưởng và ngưỡng mộ từ giới nghệ thuật phương Tây. Tính Việt Nam gắn liền với giá trị phổ quát: Lê Bá Đảng đã đưa hình ảnh quê hương Việt Nam - như rơm rạ, ruộng đồng, những ký ức làng quê - vào tranh, gợi lên bản sắc dân tộc rõ nét. Tuy nhiên, ông không dừng lại ở việc minh họa một Việt Nam “đơn thuần” mà đã tạo nên một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn, chạm đến cảm xúc chung của nhân loại. Những hình ảnh này, tuy rất Việt Nam, lại phản ánh những nỗi buồn thầm lặng, sự mất mát và thay đổi là những cảm xúc mà con người ở bất kỳ đâu cũng có thể thấu hiểu. Sự giao thoa này tạo nên một cầu nối văn hóa, giúp người phương Tây cảm nhận được hồn cốt Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. Tranh của Lê Bá Đảng không chỉ mang kỹ thuật và bản sắc mà còn chứa đựng “chất riêng Lê Bá Đảng”, một phong cách mà không ai khác có thể tái hiện. Điều này nằm ở cách ông diễn đạt, cách nhìn nhận và thể hiện thế giới qua đôi mắt của mình. Sự độc đáo ấy làm cho tác phẩm của ông không chỉ là đại diện cho một quốc gia hay một nền văn hóa mà còn là biểu hiện cá nhân sâu sắc. Chính yếu tố hiếm có này đã nâng tầm Lê Bá Đảng thành một nghệ sĩ lớn, để lại dấu ấn khó quên trong lòng người yêu nghệ thuật thế giới.
Như vậy, văn hóa ảnh hưởng đến nghệ thuật và nghệ thuật là điểm nhấn ấn tượng của văn hóa. Ở đây, mảnh đất Quảng Trị có thể được mô tả như một dạng ý chí xã hội, là nền tảng của các giá trị, thái độ và quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cốt lõi là niềm tin vào tầm quan trọng của nghệ thuật, giáo dục và di sản của xứ sở đã hun đúc nên một phẩm chất sáng tạo. Mặt khác, văn hóa luôn biến đổi và kéo theo những thay đổi trong nghệ thuật. Lịch sử nhân loại đã tường minh rằng các tác phẩm nghệ thuật đã được sáng tạo trong chính môi trường văn hóa và xã hội, hay nói cách khác tác phẩm nghệ thuật chính là sự mô phỏng/tái tạo/ trích xuất văn hóa và xã hội trong thời kỳ tác phẩm được khai sinh. Đằng sau một tác phẩm nghệ thuật chính là một bộ "font" văn hóa, một "background" cho phép tác phẩm hiển thị điều mà tác giả gửi gắm. Chính bộ khung văn hóa tạo ra con người văn hóa nói chung, tạo ra họa sĩ nói riêng, đồng thời xem xét ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật trong mối quan hệ với quan niệm xã hội, cộng đồng nơi tác giả và tác phẩm hình thành, phát triển. Tác phẩm nghệ thuật góp phần nối dài di sản, nối dài tinh thần văn hóa. Vì chính tác phẩm nghệ thuật cũng chính là căn cước văn hóa một vùng đất, một dân tộc. Điều này giải thích vì sao người họa sĩ vẽ chính xác những gì nhìn thấy và cách anh nhìn thấy chúng như thế nào. Đó chính là nghệ thuật thị giác (visual culture) trong các tác phẩm này vậy. Có lẽ lời khuyên của Doug Roysdon rằng “Chúng ta tạo ra nghệ thuật từ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là” đã đúng với trường hợp sáng tạo lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng.
Tìm hiểu lịch sử nghệ thuật của thế giới và Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm rằng một nền nghệ thuật khi tiếp xúc với nhân tố mới thường trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu là tiếp nhận cái mới, thường mang tính chất máy móc và chưa sâu sắc, dẫn đến những biểu hiện khoa trương thái quá do sự tiếp thu còn hời hợt, mang tính hình thức. Đồng thời, những mâu thuẫn giữa nền nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật mới vẫn chưa được giải quyết. Giai đoạn thứ hai là sự chuyển hóa, hình thành một nền nghệ thuật vừa mang bản sắc dân tộc vừa hiện đại. Ở giai đoạn thứ ba, nghệ thuật đó phát triển mạnh mẽ và tạo ảnh hưởng tích cực ra bên ngoài, đóng góp vào thế giới. Đặc biệt, giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi đối đầu được thay thế bằng đối thoại và kinh tế thị trường, nơi văn hóa trở thành trung tâm của sự phát triển. Xu hướng này bắt đầu từ cuối những năm 1980 và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Nếu thành công, Việt Nam không chỉ nâng cao uy tín quốc tế mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhìn nhận rằng: “Người ta nói người Việt Nam giỏi bắt chước. Nhưng đó là chưa hiểu người Việt Nam. Người Việt Nam giỏi kết hợp để tạo nên cái độc đáo. Tôi hy vọng với giai đoạn mới, giai đoạn chưa hề có trong lịch sử dân tộc, cái tài kết hợp của Việt Nam sẽ được phát huy để làm rạng rỡ đất nước này”. Đó cũng là bài học chung trong khoa học, kỹ thuật và cả nghệ thuật. Theo các nhà nghiên cứu, trong thế kỷ XXI, chi tiêu cho văn hóa được dự đoán sẽ vượt xa chi tiêu cho các nhu cầu sinh tồn cơ bản. Phải chăng đó là một cơ hội lớn cho nghệ thuật nước nhà khi chúng ta hội nhập quốc tế?
Tựu trung, tác phẩm nghệ thuật phải đi đến một nhận thức chung là thể hiện tình cảm của người nghệ sĩ, từ đó lan tỏa, thiết lập hành vi ứng xử cho cộng đồng, xa hơn nữa là nhân loại vượt qua những giới hạn tù túng của thời gian và sự lãng quên. Các tác phẩm tạo ra những nấc thang cảm xúc tri nhận của cộng đồng qua việc gửi những thông điệp, những tuyên ngôn xã hội được truyền tải sâu kín qua tác phẩm nhằm thức tỉnh cộng đồng. Hay nói một cách khác, nghệ thuật mang lại cho con người cảm giác về bản sắc văn hóa và niềm tự hào trên chính bản sắc quê hương, xứ sở mà người nghệ sĩ được nuôi dưỡng, hấp thụ và sáng tạo nên một khả thể của riêng mình.
L.V.T.G