Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ý thức về giới, một tiếng nói khác trong văn chương

“Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có sự diệu kỳ”, Ntozake Shange, nữ nhà thơ người Mỹ ghi dấu ấn trong các phong trào nữ quyền, đã từng phát biểu như vậy. Phụ nữ là một nửa thế giới, là một thực thể sống động không thể thiếu trong văn chương.

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, văn chương không chỉ là tấm gương phản chiếu xã hội mà còn là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự thay đổi và ở đó không thể không có sự hiện diện của phụ nữ. Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà văn chương đã góp phần lên tiếng chính là bình đẳng giới – một mục tiêu cốt lõi trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc hiện nay. Dù thế giới đã có nhiều tiến bộ trong việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, nhưng những bất bình đẳng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, từ định kiến vô hình đến sự phân biệt rõ rệt trong đời sống. Trong bối cảnh đó, văn chương trở thành một phương tiện mạnh mẽ giúp phụ nữ tìm lại tiếng nói, phá bỏ những rào cản truyền thống và khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Trong nhiều thế kỷ, nhân loại đã duy trì hệ thống gia trưởng, đề cao nam quyền và do đó tiếng nói của phụ nữ bị hạn chế. Chính văn chương đã giúp phụ nữ giành được vị trí của mình trong các cuộc thảo luận xã hội và chính trị. Hay như những nhà văn nữ đã sử dụng tác phẩm của họ để lên án bất công và đòi hỏi quyền lợi bình đẳng.

Đầu tiên, chúng tôi muốn thảo luận về bình đẳng giới (gender equality), rằng nam và nữ có cùng quyền lợi, nghĩa vụ và cơ hội trong xã hội, là một vấn đề quan trọng đã được nhân loại đề cập trong nhiều thế kỷ. Trong quá khứ, phụ nữ đã gặp nhiều rào cản trong việc khẳng định tiếng nói của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực văn chương. Tuy nhiên, họ đã không lùi bước mà thay vào đó, sử dụng chính văn chương như một công cụ để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Mặc dù đối mặt với sự “thống trị” và dẫn dắt của nam giới trong ngành nghề này, nhiều nữ tác giả vẫn đạt được những thành tựu to lớn, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vị thế của phụ nữ trong nghệ thuật và tri thức. Mary Wollstonecraft với Bằng chứng về quyền của phụ nữ (1792) là một trong những tác phẩm đầu tiên đề xuất việc giáo dục và trao quyền cho phụ nữ.

Lịch sử văn học cho thấy phụ nữ từng bị hạn chế trong việc xuất bản và công nhận tác phẩm của mình. Trên thế giới, cho đến thế kỷ XIX, nhiều nhà văn, cả nam lẫn nữ, thường sử dụng bút danh để xuất bản tác phẩm. Xã hội thời bấy giờ không khuyến khích phụ nữ theo đuổi sự nghiệp văn chương, dẫn đến việc họ phải tìm cách che giấu danh tính thật để có thể tiếp cận độc giả và được xem xét nghiêm túc. Tuy nhiên, bất chấp những rào cản này, nhiều nữ tác giả vẫn không ngừng viết và xuất bản các tác phẩm của mình. Họ sử dụng văn chương như một phương tiện để phản ánh những bất công mà phụ nữ phải đối mặt, đồng thời đấu tranh cho quyền bình đẳng. Điều này đã góp phần quan trọng vào phong trào nữ quyền và sự thay đổi trong cách nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là Hội nghị Seneca Falls năm 1848 tại New York, Mỹ. Tuyên ngôn về tình cảm và bất bình của bà Stanton tại hội nghị với lời lẽ thống thiết: “Chúng tôi coi những chân lý này là hiển nhiên: rằng tất cả nam giới và phụ nữ đều bình đẳng; rằng họ được Tạo hóa ban tặng cho một số quyền bất khả xâm phạm.” Và tại đây, nghị quyết cuối cùng đã được thông qua với sự nhất trí, khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia vào các lĩnh vực nghề nghiệp, thương mại và nghệ thuật. Mặc dù phụ nữ đã giành được quyền được lắng nghe, thực tế vẫn cho thấy tiếng nói của nam giới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Điều này phản ánh những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong hành trình tìm kiếm sự công nhận và bình đẳng thực sự.

Một ví dụ điển hình về sự đấu tranh của phụ nữ trong văn chương là trường hợp của Marian Evans, một nhà văn và nhà báo thời Victoria, người đã chọn bút danh nam George Eliot để xuất bản tác phẩm của mình. Bằng cách này, bà có thể tránh bị gán ghép với các tiểu thuyết gia lãng mạn nữ đương thời và đảm bảo rằng tác phẩm của mình được đánh giá nghiêm túc. George Eliot tin rằng xã hội Victoria không tạo điều kiện cho phụ nữ trở thành những nhà văn chuyên nghiệp. Bà nhận thức rõ rằng việc xuất bản dưới tên thật có thể khiến tác phẩm của mình bị coi nhẹ, chỉ vì định kiến giới tính. Tuy nhiên, với tài năng và quyết tâm, George Eliot đã trở thành một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XIX, chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có khả năng sánh ngang với nam giới trong lĩnh vực văn chương. Do đó, văn chương không chỉ giúp phụ nữ thể hiện tiếng nói của mình mà còn là công cụ nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới. Những tác phẩm văn học có thể phản ánh sự áp bức, truyền cảm hứng cho phong trào nữ quyền và thúc đẩy những thay đổi trong xã hội. Câu chuyện của người hầu gái (1985) của Margaret Atwood – một tiểu thuyết phản ánh xã hội giả tưởng nơi phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi, nhưng cũng cho thấy sức mạnh phản kháng của họ. Gần đây, Chimamanda Ngozi Adichie với Chúng tôi là nhà nữ quyền (2014) đã truyền tải thông điệp về bình đẳng giới theo cách gần gũi với thế hệ trẻ.

Trên bình diện thành tựu, phụ nữ đã khẳng định tên tuổi mình ngay trong những giải thưởng danh giá nhất toàn cầu như Giải Nobel Văn chương. Nữ văn sĩ Selma Lagerlöf (Thụy Điển) là người phụ nữ đầu tiên được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh năm 1909 “vì những tác phẩm đã kết hợp được sự trong sáng và giản dị của ngôn ngữ, vẻ đẹp của văn phong và trí tưởng tượng phong phú với sức mạnh đạo lý và độ sâu của các cảm xúc tín ngưỡng”. Năm 1993, nữ văn sĩ Toni Morrison (Mỹ) là người da đen đầu tiên nhận giải thưởng với nhận định: “Những miêu tả giàu chất thơ về cuộc sống của người da đen ở Mỹ”. Năm 2024, Hàn Quốc vui mừng khi nữ văn sĩ Han Kang vinh dự nhận giải thưởng danh giá này vì: “Áng văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của đời người”. Tính đến nay, đã có 18 phụ nữ được trao giải Nobel Văn chương.

Bình đẳng giới trong văn chương là một hành trình dài đầy gian nan, nhưng cũng là một quá trình phản ánh sự tiến bộ của xã hội. Từ việc phải sử dụng bút danh đến việc khẳng định tên tuổi trên văn đàn, phụ nữ đã từng bước giành lại quyền tự do sáng tác và tiếng nói của mình. Dù nam giới vẫn chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực, những nỗ lực của các nữ tác giả đã góp phần thay đổi nhận thức về vị trí của phụ nữ trong văn học và nghệ thuật.

Văn chương không chỉ là phương tiện phản ánh xã hội mà còn là vũ khí đấu tranh cho công bằng và bình đẳng, giúp thế hệ sau tiếp tục kế thừa và phát triển những giá trị mà các nhà văn nữ đi trước đã xây dựng. Nhờ vào văn chương, tiếng nói của phụ nữ ngày càng mạnh mẽ, và mục tiêu về bình đẳng giới đang dần trở thành hiện thực.

Chúng ta thấy rằng mục tiêu của đấu tranh nữ quyền là xóa bỏ bất bình đẳng giới, chống lại các định kiến và áp bức đối với phụ nữ, đồng thời thúc đẩy quyền tự do, tự chủ của họ trong các quyết định cá nhân, xã hội và kinh tế… Các khía cạnh của nữ quyền đề cập đến bình đẳng giới; quyền tự chủ của phụ nữ, không bị áp đặt; xóa bỏ phân biệt đối xử; chống tư tưởng gia trưởng, phụ nữ là lệ thuộc… Các làn sóng nữ quyền từ cuối thế kỷ XIX kéo dài cho đến nay đã đấu tranh cho quyền bầu cử, quyền sở hữu tài sản, quyền lao động, quyền sinh sản, bình đẳng trong gia đình, chống bạo lực giới, lên án các tiêu chuẩn áp đặt về giới tính, đấu tranh chống quấy rối tình dục, phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng toàn diện. Nữ quyền không chỉ đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ mà còn hướng tới một xã hội công bằng hơn, nơi tất cả mọi người đều có cơ hội và tiếng nói như nhau, bất kể giới tính. Trên tinh thần đó, văn chương đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh, cổ vũ và thúc đẩy phong trào nữ quyền. Những tác phẩm của Jane Austen, Virginia Woolf, Simone de Beauvoir hay Margaret Atwood không chỉ đặt vấn đề về sự bất bình đẳng mà còn mở ra hướng đi mới cho nữ quyền trong văn học. Họ không chỉ viết về phụ nữ mà còn viết cho phụ nữ, khẳng định vai trò và tiếng nói của họ trong xã hội. Văn chương nữ quyền cũng đóng góp vào việc thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ, từ những hình tượng bị động, yếu đuối thành những con người mạnh mẽ, có tiếng nói và làm chủ cuộc sống của mình. Những tác phẩm mạnh mẽ đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ đứng lên đòi quyền lợi. Đồng thời, tạo ra diễn ngôn mới về phụ nữ, thay đổi từ hình ảnh phụ nữ cam chịu, yếu đuối, văn chương đã khẳng định hình tượng phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và thông minh.

Trong văn học Việt Nam, vai trò của người phụ nữ luôn có những biến đổi đáng kể, từ những hình tượng nữ thần trong văn hóa dân gian đến những hình ảnh phụ nữ mạnh mẽ, dám thể hiện bản thân trong các tác phẩm văn chương đương đại. Trước đó, các yếu tố nữ quyền trong văn chương chỉ xuất hiện một cách gián tiếp qua các hình ảnh và biểu tượng trong văn hóa dân gian hoặc trong các tác phẩm văn chương trung đại. Ở góc nhìn văn hóa, văn học Việt Nam trong suốt mười thế kỷ dưới ảnh hưởng của Nho giáo, với tư tưởng trọng nam khinh nữ, đã hạn chế sự thể hiện và phát triển của những vấn đề liên quan đến nữ quyền. Dù vậy, vẫn có những tác phẩm văn chương trung đại ghi dấu ấn với sự thể hiện mạnh mẽ của những nhân vật nữ, ví dụ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm hay Bà huyện Thanh Quan. Những tác phẩm này đã giúp mở ra không gian cho việc thể hiện vai trò và số phận của phụ nữ trong văn chương.

Thời kỳ trước năm 1975, ở miền Bắc, văn học chủ yếu mang tính sử thi và lãng mạn, ít chú trọng đến vấn đề nữ quyền. Sau năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, văn chương nữ quyền bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Những nhà văn nữ đã mạnh dạn thể hiện những trăn trở và nỗi niềm của phụ nữ, từ đó góp phần mở rộng phạm vi và chiều sâu của nữ quyền trong văn chương. Các tác phẩm không chỉ kể về những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong xã hội, mà còn cho thấy những khát vọng tự do, tình yêu và hạnh phúc mà họ mong muốn có được. Các tác phẩm nữ quyền trong văn chương đương đại không chỉ khắc họa nỗi đau và khát khao hạnh phúc của phụ nữ, mà còn phản ánh sự thay đổi tâm lý và trạng thái cảm xúc phức tạp của họ trong cuộc sống, tình yêu, gia đình và công việc. Các nhà văn nữ có xu hướng khai thác thế giới nội tâm nhân vật một cách tinh tế và sắc sảo, thể hiện được những sự mâu thuẫn và đấu tranh trong lòng người phụ nữ, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và khẳng định vị trí của mình trong xã hội và gia đình. Những tác phẩm nữ quyền hiện đại không còn chỉ dừng lại ở việc xót thương hay ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ mà là cái nhìn đa chiều, phức tạp hơn về người phụ nữ. Phụ nữ không chỉ có cái tốt mà còn có những yếu điểm thơ dại, sự yếu đuối, bất lực, những nỗi đau và sự giằng xé không có hồi kết... Những nhân vật nữ trong văn chương đương đại đã bắt đầu đương đầu và vượt qua khó khăn để tự khẳng định mình và làm chủ cuộc đời. Ý thức nữ quyền trong văn chương Việt Nam ngày càng được phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và những nhà văn nữ đã đóng góp không nhỏ vào việc thay đổi cái nhìn của xã hội về phụ nữ. Điều đó đã khẳng định vị trí của họ trong gia đình, xã hội, và trên cả bình diện văn chương.

Các nhà văn nữ sinh trong khoảng thời gian 8X - 9X là một hướng mở trong vấn đề nữ quyền mà chúng tôi xem xét. Các nhà văn Trường An, Thiên Di (1983), Nguyễn Thị Kim Hòa (1984), Maik Cây (1988), Nguyễn Khắc Ngân Vi (1989) Nguyễn Dương Quỳnh (1990), Thảo Trang (1991), Hoàng Yến (1993), Phạm Giai Quỳnh (1997)… viết về nhiều đề tài, từ đời sống gia đình, tình yêu, tâm lý con người, cho đến những vấn đề xã hội, hiện thực, lịch sử, chiến tranh, hậu chiến, giả tưởng... Họ thường chú trọng vào việc khai thác thế giới nội tâm, cảm xúc và mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật. Phong cách viết đặc trưng có sự pha trộn giữa lối viết hiện thực và lãng mạn. Nhiều tác phẩm của họ kết hợp giữa cảm xúc chân thật và tư duy phản biện, với một số tác phẩm có tính tự sự, mang đậm dấu ấn cá nhân. Mặc dù chủ đề nữ quyền chưa thực sự rõ nét trong văn chương Việt Nam đương đại, nhưng một số nhà văn nữ đã mạnh dạn đưa những vấn đề về vai trò, sự độc lập và tự do của người phụ nữ vào trong tác phẩm của mình, phản ánh sự tìm kiếm một tiếng nói riêng cho nữ giới trong xã hội. Về văn phong, có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc thử nghiệm với phong cách viết, thể loại và cách kể chuyện. Nhiều tác phẩm của họ tập trung vào sự phát triển nhân vật và những suy ngẫm cá nhân, giúp làm sáng tỏ nhiều góc khuất trong tâm hồn con người.

Một số tác phẩm của các nhà văn nữ trẻ hiện nay

Một số tác phẩm của các nhà văn nữ trẻ hiện nay

Ở đây, chúng tôi chú ý đến 2 nữ nhà văn 8X đang có những lan tỏa tác phẩm rất tốt về chủ đề bình đẳng giới, nữ quyền là Nguyễn Thị Kim Hòa và Nguyễn Khắc Ngân Vi. Văn chương của Nguyễn Thị Kim Hòa và Nguyễn Khắc Ngân Vi đều thể hiện những góc nhìn sâu sắc về con người, đặc biệt là phụ nữ trong xã hội hiện đại, ít nhiều đã nhấn nhá đến yếu tố nữ quyền, khắc họa và lên tiếng thay cho người phụ nữ trong xã hội Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Nếu như Nguyễn Thị Kim Hòa tập trung khắc họa hình tượng người phụ nữ kiên cường, đấu tranh để khẳng định bản thân, vượt lên trên những định kiến xã hội và tìm kiếm hạnh phúc, thì Nguyễn Khắc Ngân Vi lại đi sâu vào những vấn đề về bản thể, giới tính, và sự giằng xé nội tâm giữa các giá trị truyền thống và khát vọng cá nhân. Cả hai nhà văn đều dùng ngòi bút của mình để tạo nên những câu chuyện vừa chân thực, vừa giàu tính triết lý, giúp người đọc thấu hiểu hơn về cuộc sống, về thân phận con người và những biến động của xã hội. Chính sự kết hợp giữa tính hiện thực và tư tưởng nhân văn đã làm nên giá trị bền vững trong tác phẩm của họ, đồng thời góp phần thúc đẩy nhận thức về quyền tự do, bình đẳng và sự tôn trọng đối với những lựa chọn cá nhân trong đời sống đương đại. Qua diễn biến thời gian, vai trò của phụ nữ trong văn chương không ngừng thay đổi, phản ánh sự vận động của xã hội và ý thức về bình đẳng giới. Đặc biệt, các nhà văn nữ thế hệ 8X - 9X đã mang đến một làn gió mới, góp phần mở rộng diễn ngôn nữ quyền, đặt ra những câu hỏi về bản sắc, quyền tự chủ và vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Mặc dù chủ đề nữ quyền, bình đẳng giới vẫn chưa hẳn chiếm tỷ lệ lớn trong văn chương Việt, nhưng sự thay đổi trong cách tiếp cận nhân vật nữ, từ bình đẳng giới, từ những hình tượng thụ động sang những con người mạnh mẽ, tự chủ, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng.

Bình đẳng giới trong văn chương không chỉ là một chủ đề, mà còn là một hành trình dài đầy thách thức và nỗ lực của các nữ tác giả trong việc khẳng định tiếng nói của mình. Như nữ văn sĩ Han Kang bày tỏ trong diễn từ của mình: “Và khi biết luồng điện này đã được truyền đến độc giả, tôi kinh ngạc và xúc động. Trong những khoảnh khắc này, tôi lần nữa trải nghiệm sợi chỉ ngôn ngữ kết nối chúng ta, mối liên quan giữa những câu hỏi của tôi với độc giả, thông qua luồng điện sống động ấy”.

Rõ ràng rằng từ những rào cản xã hội, định kiến giới cho đến những thành tựu đáng kể trên văn đàn quốc tế, phụ nữ đã và đang sử dụng văn chương như một công cụ mạnh mẽ để phản ánh, đấu tranh và thúc đẩy sự thay đổi. Tại Việt Nam, ý thức về nữ quyền trong văn chương ngày càng phát triển, phản ánh sự thay đổi tư duy và nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ. Dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng hành trình hướng tới bình đẳng giới vẫn còn dài. Chính sự đa dạng và phong phú trong các sáng tác của những nhà văn nữ đã và đang góp phần định hình một nền văn chương bình đẳng hơn, nơi mà mọi tiếng nói đều được lắng nghe và tôn trọng, bất kể giới tính.

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
366

Mới nhất

Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, hướng đến báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

5 Giờ trước

Tạp chí văn nghệ địa phương là diễn đàn Văn hóa - Văn nghệ của những người yêu mến văn học nghệ thuật. Tạp chí mang sứ mệnh giới thiệu, lan tỏa những nét đặc sắc văn hóa vùng miền, phản ánh sâu sắc các sự kiện chính trị, thành tựu kinh tế - xã hội, góp phần vun đắp, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc của quê hương, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người đến bạn bè gần xa.

Nửa thế kỷ "Nối tròn một vòng Việt Nam"

5 Giờ trước

Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó... Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. 

Nữ giới và vấn đề bình đẳng giới hiện nay

5 Giờ trước

Tạo hóa sinh ra phụ nữ với thiên chức cao quý là làm mẹ, là người thầy đầu đời. Phụ nữ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, là biểu tượng cho cái đẹp bất tận. Bên cạnh những mỹ từ mà cuộc đời dành cho họ, thì nữ giới cũng thường chịu những thiệt thòi nhất định, do đặc điểm sinh học và định kiến xã hội. Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ; vì thế vấn đề bình đẳng giới luôn được đặt lên hàng đầu trong mối quan tâm của các quốc gia, dân tộc.

Dùng dằng với bến sông xưa

13/04/2025 lúc 09:13

Ngoại kể tôi nghe câu chuyện về một thời vừa đẹp, vừa đau, cứ day dứt trong lời hát ru, trong tiếng ầu ơ da diết. Dần dà tôi mê chuyện thời của bà, nó vọng lại từ bến nước, dòng sông. Nếu sông thôi chảy thì may ra chuyện của bà mới thôi dùng dằng.

Tuần tra song phương trên tuyến biên giới Việt - Lào

12/04/2025 lúc 08:01

Tuần tra song phương giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng biên phòng Lào là hoạt động quan trọng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...

Báo chí cách mạng Việt Nam: Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Trị

09/04/2025 lúc 21:42

Sáng 9/4/2025, tại TP. Đông Hà, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Báo chí cách mạng Việt Nam: Một thế kỷ xung trận và tự hào báo chí Quảng Trị”.

Tọa đàm Báo chí Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước

09/04/2025 lúc 21:38

TCCVO - Chiều 9/4, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground