Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Theo những bước quân hành

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Người lính đồng hành cùng nhân dân

Trải qua 80 năm, lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam được viết nên bởi biết bao mồ hôi và xương máu, sự đóng góp quên mình của những người con đất Việt, trong đó có những người Quảng Trị. Từ miền quê thương khó, họ mang theo tinh thần bất khuất anh dũng để phụng sự dân tộc.

Cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê là một tấm gương sáng, một người Quảng Trị ưu tú đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao to lớn: "Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của Quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao". Với 76 năm tuổi đời, 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã sống một cuộc đời thật đẹp. Sự tận hiến ấy bắt nguồn từ truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời bên cạnh vị tướng trận mạc lẫy lừng còn có hai người phụ nữ âm thầm chịu đựng những gian khổ, hi sinh trong 30 năm chiến tranh đầy biến động, đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dương và phu nhân của Đại tướng - bà Trương Thị Sương. Họ đã cùng những người vợ, người mẹ đi qua chiến tranh với nhiều hi sinh mất mát, nhưng vượt lên mọi gian khổ, mãi là tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang (Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê, Nguyễn Chí Hiếu).

Từ buổi đầu của Cách mạng tháng Tám 1945, đã có những người Quảng Trị đóng góp sức mình vào lực lượng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà như ông Lê Đình Bá - người lính Chi đội Nguyễn Thiện Thuật năm xưa. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, người lính ấy không ít lần vào sinh ra tử nhưng không bao giờ từ bỏ quyết tâm đánh giặc. Cụ đã trút hơi thở cuối cùng khi 105 tuổi, song tấm gương chiến đấu anh dũng quên mình của cụ vẫn còn sống mãi trong lòng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, bởi vì ai lớn lên mà không nhớ về cội nguồn, nhất là cội nguồn của đội quân đã làm nên sức mạnh Việt Nam (Người lính Chi đội Nguyễn Thiện Thuật năm xưa, ghi chép của Minh Tứ).

Hòa bình lập lại, người Quảng Trị từ hầm hào địa đạo bước lên, dựng xây quê hương trên những hoang tàn đổ nát. Có nơi đâu tiêu điều hơn thế, nhưng, cũng có nơi đâu ý chí vượt khó mãnh liệt đến thế. Những người lính bước ra từ cuộc chiến lại thắp lên một thứ ánh sáng ấm áp, đấy là "lửa của người anh hùng" như cách nói của nhà báo Nguyễn Hoàn trong bút ký cùng tên. Trong cuộc đời xông pha nơi “mũi tên hòn đạn” để bảo vệ quê hương, ông Trương Đức Hai đã tham gia đánh hàng trăm trận bằng tất cả sự mưu trí và dũng cảm của mình. Đặc biệt, có nhiều trận đánh phủ đầu, đánh chớp nhoáng đầy công hiệu, dù tương quan lực lượng, ta mỏng hơn địch nhiều. Từ thời chiến trở về với thời bình, cuộc đời ông những tưởng sẽ êm đềm, bình lặng, nhưng không, trước mặt còn bao vất vả, gian truân nhọc lòng cần phải vượt. Lòng ông giữ lửa, và lại đốt lên ngọn lửa. Lửa của những ngày thường vẫn âm thầm cháy lên. Ông lại lăn lộn, trải nghiệm, thử thách mình qua nhiều công việc khác nhau. Với chất lính đã được tôi luyện dạn dày, cho dẫu gặp những chông gai, trắc trở, những nắng mưa thế thái nhân tình thời bình, trong anh vẫn cháy lên ngọn lửa chính trực, khí khái (Lửa của người anh hùng, bút ký của Nguyễn Hoàn).

Thời mở cửa kinh tế thị trường, giữa bộn bề tất bật của cuộc sống, những người anh hùng một thời trận mạc vẫn lặng lẽ làm lụng, nuôi nấng con cháu, xây đắp cuộc sống gia đình. Gặp họ giữa đời thường, ít ai biết rằng một thời họ đã sống, chiến đấu và yêu cũng hết mình. Bởi cũng như bao người, họ vốn là những nông dân chân đất đi ra từ những làng quê bình dị của mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Đó là đời thường của người anh hùng trong bút ký của Minh Tứ.

Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau còn âm ỉ như những dư chấn, trong lòng đất Quảng Trị suốt hàng chục năm vẫn tiềm ẩn nguy cơ của đạn bom. Để cuộc sống được bình yên, lực lượng vũ trang cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nỗ lực cải tạo môi trường, rà phá bom mìn, chăm lo thực hiện các chính sách xã hội (Trả lại bình yên cho đất, Nguyễn Chí Hiếu).

Những người may mắn đi qua cuộc chiến còn lãnh nhận một sứ mệnh, một nghĩa cử thiêng liêng là đi tìm những hài cốt của đồng chí, đồng đội. Trong bút ký Hành trình 15 năm đi tìm đồng đội của một anh hùng, có một chia sẻ xúc động của Đại tá Trần Hữu Lưu: “Đất nước hòa bình, thống nhất đã 45 năm, nhưng vẫn còn hàng ngàn đồng đội đang nằm lại giữa núi rừng đại ngàn trên đất bạn Lào. Đó là điều làm tôi trăn trở nhất. Nhiều người vợ, người mẹ… đang ngày đêm đau đáu chờ tin chồng, con".

Quảng Trị, như cách nói hình tượng thì đó là điểm tỳ vai trên chiếc đòn gánh giang sơn. Và thật không quá lời, đó cũng chính là sự oằn gánh chịu đựng khắc nghiệt của lịch sử và thời gian. Trời hành cơn lụt mỗi năm, lại có năm bão lũ chồng nhau nối tiếp. Những khi thiên tai, lực lượng bộ đội luôn thường trực bên dân, sẵn sàng ứng cứu và cũng sẵn sàng cảm tử. Quên làm sao được trận lũ năm 2009, Thiếu tá Lê Văn Phượng đã lao vào dòng nước xoáy suốt đêm để cứu dân. Nhưng thật xót xa, giây phút tưởng chừng như đã thoát được dòng nước để lên cầu, thì anh lại lao xuống để cứu tiếp đồng đội đang mắc kẹt. Và thật không may. Tấm gương của anh còn được nhắc nhớ thành Truyền kỳ về một người anh hùng hi sinh trên dòng Thạch Hãn (bút ký của Lê Đức Dục).

Giấu kín những tâm tư bên trong

Những bút ký, ghi chép trong tập sách đã phần nào làm toát lên vẻ đẹp lấp lánh của những người lính. Song, ẩn kín bên trong tâm hồn, họ cũng chất chứa những suy tư, trăn trở, nỗi niềm không biết kể cùng ai. Khi ấy, chính văn chương hư cấu là phương tiện chuyển tải, nói hộ lòng họ. Các truyện ngắn về người lính khá sâu sắc, tinh tế, gây xúc động mạnh cho người đọc.

Một chiến sĩ miền biên giới mang về nhà một chú chó, để vợ con có thêm "người bạn" cho đỡ vắng vẻ ngày dài. Bởi lấy chồng bộ đội nên chẳng mong mỗi ngày anh ấy sáng đi chiều về như chồng người ta, một năm về một hai lần cũng được, xa xôi biền biệt mấy cũng được nhưng chỉ cần có thể bình an quay về. Chỉ một câu văn mà có thể cảm nhận được sự cảm thông, đức hy sinh và cả niềm khát khao lớn lao của người vợ lính khi chấp nhận Yêu thương biền biệt (truyện ngắn của Diệu Ái).

Tình yêu của người lính tưởng chừng khô khan song cũng thật lãng mạn. Cái lãng mạn không chỉ ở mỹ cảm mà cả ở đức hy sinh. Một chàng lính trẻ yêu một cô gái, họ chấp nhận những khoảnh khắc thiêng liêng ngày Tết không được ở bên nhau vì chàng lính bận làm nhiệm vụ. Tưởng thế thôi là đủ thử thách. Nhưng rồi chàng trai tìm cách trốn tránh, tự nguyện xa rời người mình yêu bởi nửa khuôn mặt chàng đã bị bỏng khi huấn luyện. Tình yêu của lính, đôi khi đành phải ngậm ngùi, âm thầm như những Phút giao thừa lặng lẽ (truyện ngắn của Ngô Diệu Hằng).

Một người lính tình nguyện đi chiến trường Campuchia, cho đến khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc lại tiếp tục cùng đơn vị đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Miệt mài mấy chục năm như thế, nhưng phía sau anh là nỗi đau giấu kín - cả ba người con bị di chứng chất độc da cam. Tác giả Lê Thị Khánh Hà kể câu chuyện Nỗi đau lặng thầm một cách từ tốn, nhẹ nhàng như tiêu đề, nhưng kết truyện lại bùng lên một sự xúc động mãnh liệt: Tôi hiểu, phần nỗi đau anh đã giữ cho riêng mình mấy chục năm qua, lặng thầm không chia sẻ, không oán thán; nỗi đau mà anh hay tự nhắc nhở là nếu có thì nên “gói ghém để lại phía sau”, bây giờ anh mới thực sự đối diện.

Vẫn ánh lên nét trữ tình cách mạng

Nếu như thể loại văn xuôi các tác giả đã khắc họa tính chất anh hùng ca người lính, thì ở thể loại thơ lại ánh lên nét trữ tình cách mạng. Các nhà thơ đã bắt được những khoảnh khắc đáng yêu của người lính và có nhiều tứ thơ, câu thơ độc đáo.

Người lính miền rừng gặp cô sơn nữ trong một đêm trăng bàng bạc thật dễ thương: Anh lại hành quân vượt qua đèo Sương Mù / Gặp em … gùi trăng xuống núi / Em nhìn kìa những cánh tay quạt gió / Mai điện về thắp sáng bản làng ta! (Miền huyền thoại xanh, Trương Lan Anh).

Trên những dặm dài hành quân, đôi khi người lính bỗng hóa thành lữ khách, và những phút giây thưởng gió ngắm hoa giúp đôi chân bớt mỏi khi hình dung chặng đường phía trước có hình bóng người thương: Tôi đi tìm em / Hoa bằng lăng tím sườn đồi đến lạ / Con sóc buồn, con thỏ trắng vụt qua khóm lá / Tôi soi bóng mình / Như soi vào cổ tích / Có một nơi xa nào! (Có một nơi xa nào, Võ Văn Hoa).

Sự lạc quan lúc nào cũng sẵn có đã giúp người chiến sĩ vượt qua chướng ngại, nhìn đâu cũng thấy niềm hân hoan, kể cả khi gặp thời tiết bất lợi: Người lính hát tình ca / Tiếng chim rừng hòa tiếng suối / Mênh mang giữa rừng biên giới / Mưa chiều đệm nhạc ngân nga... (Người lính hát, Trần Tuyết Thanh).

Từ nơi hải đảo, người lính luôn có nhiều tâm sự, nhất là mỗi độ cuối năm xuân về Tết đến. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân yêu lắng sâu trong những câu thắc thỏm: Tháng Chạp rồi em đã nhận lương? / Chút sắm Tết, chút dành thăm nội, ngoại / Đừng tủi nghe em khi anh xa ngái / Nhiệm vụ thiêng liêng anh phải vắng nhà (Mùa xuân và người lính đảo, Nguyễn Văn Dùng).

Và người lính đảo Cồn Cỏ cũng thật khéo léo gửi một món quà rất đặc trưng khiến ta bất ngờ: Gửi em muối mặn bờ môi / Làn da rám nắng nụ cười dễ thương / Gửi em một trái bàng vuông / Khắc tên hai đứa màu hường thủy chung (Gửi em, Mai Thanh Tịnh).

Thơ ca cho ta những khoảnh khắc đáng yêu là vậy, và thơ về người lính đôi khi cũng có những phút tự trào đầy kiêu hãnh: làm lính thật như... con nít / ở rừng sâu suối trong / tắm tiên cứ tồng ngồng / chẳng so cao thấp / chẳng bì sang hèn / hồn nhiên giữa đất trời / đá núi cũng biết cười / với cuộc đời của lính (Làm lính, Võ Văn Luyến).

Với một ấn phẩm công phu, đầy đặn như Vang mãi khúc quân hành, chắc chắn sẽ khó để điểm hết những sáng tác hay, độc đáo. Sự dày công, góp sức của đội ngũ sáng tác trong và ngoài Quân đội đã cho thấy sức hấp dẫn lâu bền của đề tài về lực lượng vũ trang. Từ những chủ đề có tính truyền thống, các tác giả đã mở rộng biên độ và cách tiếp cận mới, thể nghiệm về mặt thể loại đáng ghi nhận. Những điều ấy làm cho chủ đề cuốn sách tưởng chừng "cứng thép", nhưng lại thật sinh động, cảm xúc.

T.Đ

 

 

TRÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 363

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Quãng vắng quạnh quẽ

16 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tâm sự với anh; Hồn nhiên lính trẻ

23/12/2024 lúc 16:53

Tâm sự với anhGửi tặng vợ các liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng và Đoàn KTQP 337Con bây giờ đã khôn

Mùa xuân và người lính đảo; Bên hàng mộ vô danh

23/12/2024 lúc 16:51

Mùa xuân và người lính đảo Mùa xuân này ta lại phải xa nhauHai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụAnh vẫn biết nhiều đêm không

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground