Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phương Đông, Phương Tây huyền thoại về sự khác biệt

S

ự đối lập Đông-Tây mà nhiều người coi là hiển nhiên, là một đặc tính gần như cố hữu của nhân loại, đặc biệt là nhân loại hiện đại, thực ra không phải là cách duy nhất được và có thể được sử dụng để phân chia xã hội loài người, cũng không phải là những khái niệm bất biến. Dĩ nhiên, từ trong cội nguồn, các khái niệm phương Đông và phương Tây là những khái niệm địa lý, nhưng cách hiểu như ngày nay thì có lịch sử chưa lâu. Cho đến tận thế kỷ XIX, ở Châu Âu, người ta dùng từ “phương Đông” để chỉ vùng lãnh thổ nằm dưới sự thống trị của đế quốc ottomane. Việc châu Âu xâm nhập vào Trung Quốc, cuối thế kỷ XIX, dẫn đến việc người ta sáng tác ra từ Viễn Đông, và từ này, đến lượt nó, lại làm nảy sinh ra từ Cận Đông. Đến đầu thế kỷ XX, người Anglo - Saxons đưa ra khái niệm Trung Đông để chỉ khu vực từ Biển Đỏ đến Ấn Độ thuộc Anh.

Lịch sử đã đem đến cho cặp khái niệm phương Đông - phương Tây những ý nghĩa khác. Về chính trị chẳng hạn, phương Tây từng có thời đồng nghĩa với thế giới những quốc gia TBCN, nơi kinh tế thị trường cùng tất cả những hệ thống chính trị - xã hội gắn liền với nó đạt tới một trình độ phát triển cao. Phương Tây, do vậy, bao gồm không chỉ Tây Âu, Châu Mỹ mà cả những nước như Nhật Bản, Australia chẳng hạn. Phương Đông, theo cách phân chia này, bao gồm những quốc gia có hệ  thống xã hội - chính trị ít nhiều phi TBCN: Đông Âu và Liên Xô trước đây cùng với các nước thuộc thế giới thứ ba. Cách phân chia này từng là mốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã không còn ý nghĩa sau khi Liên Xô và khối XHCN sụp đổ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nó dường như lại đang được tái sinh với những đường ranh giới khác, dù với màu sắc chính trị khác.

Một cách hiểu khác cũng đang ngày một được cổ suý dựa trên quan điểm văn hoá. Người ta dường như cho rằng phương Đông là khái niệm dùng để chỉ các nền văn hoá vẫn tiếp tục trung thành với tinh thần truyền thống, nơi duy lý và phi lý tồn tại song song, còn phương Tây là nơi tinh thần truyền thống đã bị quên lãng, nhường chỗ cho sự thống trị hầu như tuyệt đối của lý trí. Theo quan điểm này, phương Tây bao gồm toàn bộ châu Âu, gồm cả Đông Âu và những phần nối dài của nó như châu Mỹ hay Australia. Đối với phương Đông thì phức tạp hơn. Người ta không những không thống nhất về ranh giới mà thậm chí còn cho rằng có nhiều nền văn minh phương Đông mà sự khác nhau giữa chúng hoàn toàn không nhỏ hơn giữa chúng với văn minh phương Tây.

Chúng ta thường gặp ba huyền thoại về sự khác biệt Đông-Tây. Huyền thoại thứ nhất là cho rằng có một mẫu số chung của các xã hội phương Đông: Sự chấp nhận thực tại, bất kể thực tại đó là tốt hay xấu, là có thể chấp nhận được hay không, và một mẫu số chung khác cho các xã hội phương Tây: Khẳng định cá tính. Có nhiều người cho rằng đó là khác biệt có tính chất căn bản, cố hữu, đến mức hầu như không thể vượt qua. Huyền thoại thứ hai ca ngợi phương Đông như một đỉnh cao và cho rằng phương Tây duy lý và đồi bại đã buộc phải quay về phương Đông. Huyền thoại thứ ba liên quan đến hai khái niệm văn minh vật chất và văn minh tinh thần, theo đó phương Tây chạy theo vật chất, phương Đông chạy theo tinh thần, vì thế mà phương Đông dường như cao quý hơn. Những người đang cổ suý cho cái gọi là “những giá trị châu Á” không ngớt lên án lối sống phương Tây như là thủ phạm của đủ thứ tệ nạn lan tràn như dịch bệnh tạo những quốc gia đang thay đổi đến chóng  mặt của châu lục này.

Tôi cho rằng cả ba huyền thoại này đều không đúng. Tôi xin chia xẻ một kinh nghiệm cá nhân. Năm 1995, khi bắt tay vào viết luận văn Ma trong văn học kỳ ảo phương Đông và phương Tây, tôi hình dung công trình sẽ là bản tổng kết những khác biệt trong quan niệm về ma, cũng như trong những đặc điểm về đề tài, nhân vật và cấu trúc của truyện ma trong hai nền văn hoá được coi là rất khác nhau này. Nhưng thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Càng nghiên cứu sâu tôi càng thấy sự tương đồng. Đến mức có thể nói rằng mọi đề tài trong thế giới truyện ma phương Tây đều có trong thế giới truyện ma phương Đông và ngược lại.

Cảm giác này lặp lại khi tôi đọc lại các nhà hiền triết phương Đông cũng như phương Tây: Điều khiến chúng ta kinh ngạc không phải là sự khác nhau mà giống nhau kỳ lạ của họ. Sự kinh ngạc càng lớn hơn nếu lưu ý rằng Platon và Khổng Tử là những người gần như đồng thời. Và ngay cả trong lý thuyết của Marx, quy luật đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập dường như cũng chỉ là hình thức diễn đạt khác những nguyên lý Âm Dương của Kinh dịch mà thôi.

Lý do của sự giống nhau ấy, theo tôi, chẳng có gì khó hiểu. Dù phương Đông hay phương Tây thì đó cũng là một loài người duy nhất, sống trên một trái đất duy nhất. Những người đang lên án phương Tây không để ý rằng cặp khái niệm Đông Tây chính là sản phẩm phương Tây rất đặc thù. Người phương Đông chưa bao giờ dùng cặp khái niệm này. Trong toàn bộ lịch sử lâu dài  của mình, Trung Quốc luôn coi mình là trung tâm của thế giới. Đối với họ phương Tây chỉ là phương Tây của Trung Quốc mà thôi. Từ thời tiền sử đến tận thời Trung Cổ - cũng là một khái niệm phương Tây - các “nền văn minh phương Đông” cả các “nền văn minh phương Tây”, nếu xét chúng trên những nét cơ bản, không khác nhau nhiều lắm.

Phương Tây có cả duy lý lẫn phi lý, phương Đông cũng vậy. Ở phương Tây người dân cũng đã từng dùng lá cây hay các bộ phận của cơ thể động vật để chữa bệnh. Trong một chuyến đi thăm miền Nam nước Pháp, vào các làng của họ thì tôi được thử rất nhiều phương thuốc truyền thống. Một số loại được người dân chế biến thành kẹo chữa bệnh, giống như các loại dược phẩm truyền thống ở Việt Nam hay Trung Quốc. Còn ở phương Đông, những luật lệ chặt chẽ chi phối xã hội Trung Hoa trong hàng ngàn năm, những thành tựu toán học kỳ diệu của người Ấn Độ chẳng phải là bằng chứng của lý trí hay sao? Thậm chí ngay cả sự khác biệt về tôn giáo, theo tôi, cũng hoàn toàn không phải là bản chất như người ta tưởng. Việc phân chia nhân loại ra thành phương Đông và phương Tây, rồi phương Nam hay phương Bắc, rõ ràng mang tính lịch sử và đầy định kiến.

Tuy nhiên người phương Tây đã đi được những bước dài. Bên cạnh những phương thuốc truyền thống, họ đã chế ra các loại dược phẩm hiện đại, họ có thể tiến hành giải phẫu, ghép các cơ quan và tiêm vc xin phòng bệnh... Xuất phát điểm gần như giống nhau, phương Đông và phương Tây đã đi theo hai con đường khác nhau như chúng ta đã thấy. Phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, có thời đã đóng vai trò của nền văn minh phát triển nhất. Hãy nhớ lại những sáng tạo tuyệt vời của người Trung Hoa như la bàn, thuốc nổ, tên lửa, đồ sứ, nghề làm giấy và nghề in. Sau đó phương Đông đã tụt lại phía sau trong vòng vài thế kỷ vừa qua, nhưng tôi cho rằng sự khác nhau đang giảm dần.

Phương Tây không ít cao thượng hơn phương Đông, và phương Đông cũng khốn khổ vì vật chất chẳng ít hơn phương Tây. Có thể nói rằng trong toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại, con người, dù ở đâu cũng gần gũi nhau trong quan niệm về hạnh phúc, về sự thịnh vượng cũng như về phương thức để đạt tới hạnh phúc đó. Và dù ở phương Đông hay phương Tây, khái niệm thịnh vượng đều bắt đầu từ những thành tựu về kinh tế. Đó là sự thịnh vượng mang tính vật chất. Người ta không thể trốn tránh tính chất đó. Không thể nói đến sự thịnh vượng mà không nói đến vật chất, không thể nói đến giàu có phi vật chất. Thậm chí đôi lúc, đôi nơi người ta đồng nhất sự thịnh vượng mà với sự giàu có. Bạn có thể thấy điều đó trong khẩu hiệu dân giàu nước mạnh đang vang lên ở tất cả các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tất cả những ai cố tình lờ đi mặt vật chất và cường điệu những mặt còn lại của sự thịnh vượng đều là những người không dám nhìn vào sự thật.

Những người đang báo động một cách quá đáng về ảnh hưởng đồi bại của lối sống phương Tây không hiểu rằng con người phương Đông không những không hề sợ lối sống phương Tây mà trái lại còn bị nó hấp dẫn. Thay vì phản ứng một cách máy móc, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: Cái gì tạo ra sự hấp dẫn của lối sống, của thói quen văn hoá phương Tây? Theo tôi, bất chấp những mặt tiêu cực của nó, văn hoá phương Tây hấp dẫn mạnh mẽ bởi tinh thần tự do và các giá trị nhân bản.

Nếu tôi không nhầm thì thái độ trân trọng các giá trị vật chất cũng có nguồn gốc từ chủ nghĩa nhân bản. Ở phương Đông do ảnh hưởng của một số luồng tư tưởng, người ta cho rằng cuộc sống trên trần thế chỉ là phù du, rằng sống chỉ là ở tạm, chết mới thực là trở về. Quan niệm của người phương Tây suốt thời Trung Cổ cũng gần như thế: Cuộc sống chẳng khác gì một cuộc chờ đợi để được lên Thiên Đàng. Chính vì thế, ngay cả ngày hôm nay, những nhà doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn không dám công khai phô diễn sự giàu có của mình. Họ cố gắng phân bua rằng đối với họ, tiền bạc là không quan trọng. Một số cố chứng tỏ rằng họ tôn đời sống tinh thần và trí tuệ bằng cách mua những cuốn Kinh Dịch dày cộp để gối đầu giường nhưng không bao giờ đọc. Chủ nghĩa nhân bản, trái lại, luôn đề cao cuộc sống con người và những niềm vui trần thế. Tất cả những gì đem lại hạnh phúc cho con người, kể cả vật  chất, tiền bạc, đều xứng đáng được tôn vinh.

Trong thời đại hội nhập, sự tương tác giữa lối sống phương Đông và lối sống phương Tây là tất yếu. Trong quá trình tương tác đó, không chỉ có phương Đông hấp thụ được những giá trị của phương Tây, mà ngược lại phương Tây cũng có thể học phương Đông được rất nhiều điều. Theo tôi, nhiệm vụ của chúng ta không phải là chống lại lối sống phương Tây mà là nhận thức những cái hay cái dở trong lối sống của dân tộc mình và nỗ lực hiện đại hóa nó.

Dĩ nhiên, sự nhấn mạnh thái quá vai trò của những yếu tố vật chất có nguy cơ sẽ dẫn đến sự tha hoá: Nó thúc đẩy con người làm mọi điều để nhanh chóng đạt tới sự giàu có vật chất, điều mà Platon đã từn lên án. Nhưng điều này đúng cho cả phương Đông lẫn phương Tây. Và dù ở phương Đông hay phương Tây thì sự thịnh vượng cũng không  đơn thuần chỉ là vật chất. Sự thịnh vượng còn thể hiện ở vẻ đẹp,  ở sự hoàn mỹ trong đời sống tinh thần của các dân tộc. Đó có thể là nghệ thuật, như kiến trúc, âm nhạc, hội hoạ... hay những phong tục tập quán và rất nhiều khía cạnh khác nữa của đời sống tinh thần.

Cũng cần nói thêm rằng việc phân chia văn hoá thành hai lĩnh vực: Văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần... phản ánh lối tư duy lưỡng phân điển hình và không phải lúc nào cũng hợp lý. Thật khó, và ngày càng khó phân biệt rạch ròi đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần. Không có sản phẩm tinh thần nào lại không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, cũng như không có một sản phẩm vật chất nào lại không mang trong nó những giá trị tinh thần. Từ nhà cửa, đường phố, cầu cống... đến những vật dụng tầm thường nhất, kể cả những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, cũng đều là hiện thân của những giá trị văn hoá, thể hiện bản sắc dân tộc, trí tuệ và tài năng của những người làm ra chúng.

Hiểu được mối liên hệ mật thiết không thể tách rời của những giá trị văn hoá tinh thần và vật chất là điều vô cùng quan trọng. Liệu chúng ta có thể chỉ sử dụng những giá trị vật chất có nguồn gốc ngoại lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần bao hàm trong đó hay không? Liệu chúng ta có thể trở thành một mắt xích trong hệ thống sản xuất đang trong  quá trình toàn cầu hoá vũ bão mà vẫn nguyên vẹn là một người ngoài cuộc về văn hoá hay không?

Trong những năm gần đây, người ta có thể nhận thấy hai xu hướng ngược nhau, thực ra là hai mặt của một xu hướng chung của thế giới hiện đại: Một mặt, trong thế kỷ XX, chúng ta được chứng kiến sự biến mất từ từ nhưng không thể nào cưỡng nổi của những nền văn minh nông nghiệp, chủ yếu ở phương Đông. Rất nhiều quốc gia thuộc cái gọi là “văn minh nông nghiệp” ấy lần lượt trở nên ngày càng  “hiện đại”, “công nghiệp” và gần như bao giờ cũng đồng nghĩa với “phương Tây hóa”. Trong số những ví dụ điển hình nhất có thể kể Nhật Bản hay Đài Loan. Mặt khác, tại nhiều nước thuộc cái gọi là “văn minh phương Tây”, sau những bước phát  triển vũ bão về công nghệ, đang có xu hướng khôi phục lại những giá trị truyền thống từng bị đe doạ bởi thứ chủ nghĩa duy vật tầm thường. Hàng loạt nước công nghiệp hoá  dường như đang bước vào một giai đoạn trở về với truyền thống. Nhưng trái với những lời rêu rao, sự trở về này là vì một giai đoạn phát triển tiếp theo của chính họ chứ không phải là trở về với phương Đông. Cũng tương tự như vậy, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đang diễn ra sôi sục ở nhiều nước phương Đông là vì nhu cầu của phương Đông chứ hoàn toàn không phải là vì bị những quan niệm  của phương Tây đầu độc.

N.T.L

Ngô Tự Lập
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 96 tháng 09/2002

Mới nhất

“Tôi ước giá như cha tôi còn sống để xin lỗi Việt Nam”

23/04/2025 lúc 09:05

Tin ông Craig Mc Namara, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.Mc Namara đến Việt Nam, trong đó có Quảng Trị tham gia làm phim theo đề nghị của Ban Truyền hình đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam khiến tôi thấy thú vị, hồi hộp đợi chờ lúc gặp mặt ông nên cả buổi trưa không ngủ.

Từ “thần tốc” đại thắng mùa xuân đến “thần tốc” vươn mình vào kỷ nguyên mới

23/04/2025 lúc 09:00

Năm mươi năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi lại nghe trên Quảng Trị khúc ca hào hùng của những năm tháng đã qua, những bè cao và bè trầm hòa quyện vào nhau cùng những khoảng lặng dài và sâu ngân rung từ lòng đất đang mang nhịp sống của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì hòa bình. Và tôi lại nghe, lại thấy khát vọng hòa bình bay lên từ mảnh đất thân thương Quảng Trị.

Văn học nghệ thuật nỗ lực sáng tạo góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương Quảng Trị

23/04/2025 lúc 08:56

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Quảng Trị bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải - Vĩ tuyến

Hà Thị Học - gương sáng giữa đại ngàn

23/04/2025 lúc 08:54

Bằng tất cả tâm huyết, lòng yêu thương và lẽ phải, bà Hà Thị Học người Vân Kiều ở thôn

Ước hẹn ngày xưa

22/04/2025 lúc 23:25

Anh là Chung, đồng hương của tôi. Những ngày chủ nhật anh thường rủ tôi về nhà riêng ở một con phố ngay giữa lòng thủ đô. Đến đây, tôi được gặp chị Dung, vợ anh. Chị không đẹp, nhưng có một giọng nói rất dễ thương, rất phổ thông, rất Hà Nội, kèm theo là nụ cười lúc nào cũng tươi rói trên môi.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground