Các cuộc chiến tranh giải phóng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn mang áo lính hùng hậu trong hơn bảy mươi năm qua. Trong Tổng tập Nhà văn quân đội, kỷ yếu và tác phẩm (NXB Quân đội nhân dân, năm 2000) có khoảng 300 nhà văn chiến sỹ với lời giới thiệu trân trọng: Đội ngũ những người cầm bút trong quân đội, nếu được tập hợp lại đã có thể thành một binh đoàn. Đây là một binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt, cùng với các loại hình nghệ thuật khác đã làm nên sức mạnh tinh thần hào hùng trong suốt nửa thế kỷ qua... Trong binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt đó có 3 thế hệ nhà thơ mang áo lính nối tiếp nhau đồng hành cùng dân tộc làm nên nền thi ca Cách mạng hào hùng - lãng mạn - nhân văn với hình ảnh trung tâm Bộ đội Cụ Hồ.
Từng có một đội ngũ nhà thơ mang áo lính đông đảo
Có thể nói rằng, không thể loại văn chương nào lưu giữ được tâm hồn dân tộc sâu sắc và bền chặt như thơ ca. Đất nước Việt
Theo tôi, ở nước ta trong hơn bảy thập kỷ với nhiều biến động thăng trầm qua đã có ba thế hệ nhà thơ chiến sỹ nối tiếp nhau. Đây chính là lực lượng nhà thơ chủ yếu tạo nên diện mạo, tầm kích của một thời đại thi ca quan trọng gắn liền với sự nghiệp giải phóng Đất nước và gìn giữ Tổ quốc thiêng liêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hôm nay và mai sau cần phải ghi nhận, tôn vinh những nhà thơ mang áo lính bởi họ đã góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp của Dân tộc.
Đó là, thế hệ nhà thơ chống Pháp lấp lánh những gương mặt của không ít người cầm bút nổi tiếng ở Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám như Thanh Tịnh, Thâm Tâm, Tố Hữu… và trong Chín năm kháng chiến thánh thần như Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Trần Dần, Vĩnh Mai, Hữu Loan, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Quang Dũng, Chính Hữu, Trần Mai Ninh, Phùng Quán, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Lưu Trùng Dương, Xuân Hoàng, Xuân Sách, Xuân Miễn, Vũ Cao…
Tuy nhiên, thế hệ nhà thơ mang áo lính hùng hậu nhất chắc chắn thuộc về thời chống Mỹ với các tác giả tiêu biểu như Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Văn Lê, Trần Đăng Khoa, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Thu Bồn, Vũ Đình Văn, Lê Đình Cánh, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Quang Tính, Nguyễn Trọng Tạo, Y Phương, Lưu Quang Vũ, Ngô Minh, Nguyễn Hoa, Trần Mạnh Hảo…
Thế hệ nhà thơ bộ đội xuất hiện vào thời hậu chiến và đổi mới (sau năm 1975 đến nay) có thể kể đến Trần Anh Thái, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Việt Chiến, Lê Mạnh Tuấn, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Hữu Quý, Lương Ngọc An, Nguyễn Trọng Văn, Mai Nam Thắng, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Trần Quang Đạo, Nguyễn Sỹ Đại, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Bùi Quang Thanh, Phạm Sỹ Sáu, Đoàn Minh Tuấn, Tô Nhuần, Đoàn Văn Mật…
Các lớp nhà thơ đã từng và đang mang áo lính đó nối tiếp nhau tạo nên dung mạo, tinh thần của nền thi ca chiến tranh Cách mạng và Người lính Cụ Hồ rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Nhiều tác phẩm của họ đã trở thành món ăn tinh thần quý giá của bộ đội và nhân dân trong thời chiến cũng như thời bình. Có tác phẩm xuất sắc vượt qua được thử thách nghiệt ngã của thời gian mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
“Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình…”
Trong chín năm kháng chiến chống sự xâm lăng của thực dân Pháp đã sản sinh ra những bài thơ hay như Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ; Đồng chí của Chính Hữu; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Tây Tiến của Quang Dũng; Nhớ máu và Tình sông núi của Trần Mai Ninh; Nhớ của Hồng Nguyên; Các anh về của Hoàng Trung Thông, Đèo Cả và Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Đây, Việt Bắc của Trần Dần; Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ; Thăm lúa của Trần Hữu Thung; Việt Bắc và Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu… Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Núi Đôi của Vũ Cao dù hoàn thành sau năm 1954 vẫn mang âm hưởng của chín năm kháng chiến đánh Pháp.
Vừa mang phôi liệu kháng chiến vừa thấp thoáng chất tráng sĩ hào hoa và cũng chưa thoát hẳn ảnh hưởng của thơ mới, thơ chống Pháp có sức hấp dẫn riêng. Dấu ấn chủ thể sáng tạo thể hiện đậm đà trong những thi phẩm hay. Đó là cái riêng tư chưa bị khuếch tán, hòa tan mạnh mẽ trong cái tập thể. Sự hồn nhiên của thơ, dù viết về sự mất mát bi thương phần nhiều còn được bảo lưu trong các tác phẩm.
Các tác phẩm thơ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ mang âm hưởng chủ đạo là anh hùng ca với tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược và tràn trề lòng lạc quan. Những đau thương mất mát nếu có nói đến thì nó cũng ở trong một giới hạn cho phép, cái bi không bị triệt tiêu cấm đoán nhưng chưa phải là ưu tiên của văn chương thời này. Cái hùng, cái đẹp vẫn vút cao, vẫn nổi trội như một xu hướng phản ánh không thể nào khác. Điều này cũng không có gì lạ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và cực kỳ gian khổ cần sự cổ vũ động viên lớn lao và hiện thực cuộc sống hào hùng nhiều chất huyền thoại của quân và dân ta đã tác động, chi phối sâu sắc đến cảm xúc, xu hướng sáng tạo của các nhà thơ. Với các nhà thơ quân đội tác động này càng sâu sắc và thường xuyên hơn.
Cho đến bây giờ chúng ta vẫn thường nhắc đến những tác phẩm tiêu biểu của thơ chống Mỹ như Mẹ và Lý ngựa ô ở hai vùng đất của Phạm Ngọc Cảnh; Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ; Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn; Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em, cô thanh niên xung phong, Nhớ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật; Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu; Bầu trời vuông và Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy; Cây xấu hổ và trường ca Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc; Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân; Chuyến đò đêm giáp ranh và trường ca Sức bền của đất của Hữu Thỉnh; các trường ca Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm… Những năm cuối chiến tranh và vài chục năm đầu thời hậu chiến, nhiều trường ca có giá trị về nội dung và nghệ thuật của thế hệ nhà thơ chống Mỹ lần lượt ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng như Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh; Những người đi tới biển của Thanh Thảo; Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu; Sông Mê Công bốn mặt của Anh Ngọc; Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo…
Sau chiến tranh, do có độ lùi về thời gian, sự cởi mở thoáng đãng trong nhìn nhận đánh giá văn học và được tiếp nhận nhiều phương pháp sáng tác mới nên các tác phẩm viết về người lính cũng đa dạng, phong phú hơn. Trong ý thức, các nhà thơ xem việc viết về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như là trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân với đồng chí, đồng bào nhất là những người đã đổ máu vì nền độc lập, tự do, hoà bình đất nước. Bên cạnh tô đậm thêm, lý giải sâu sắc hơn về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng tập thể cao cả, người cầm bút không ngần ngại phản ánh sự hy sinh mất mát to lớn của dân tộc… Những tác phẩm thơ như trường ca Biển của Hữu Thỉnh; Điệp khúc vô danh của Anh Ngọc; Mở bàn tay gặp núi của Nguyễn Đức Mậu, Sinh ở cuối dòng sông của Nguyễn Hữu Quý Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái… cũng như một số tập thơ của Phạm Ngọc Cảnh, Phùng Khắc Bắc, Vương Trọng, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Trung Lai, Lê Thành Nghị, Tô Nhuần, Mai Nam Thắng, Hải Đường, Trần Quang Đạo, Lê Mạnh Tuấn, Đoàn Minh Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Hưng Hải… đã chứng mình cho điều đó…
Thơ khắc họa đậm nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ là người nông dân mặc áo lính. Họ đầu quân, vào trận từ những làng quê lam lũ, đói nghèo và kết thành đồng đội yêu thương: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau …(Đồng chí - Chính Hữu). Gắn liền với hình ảnh người nông dân mang áo lính chân mộc là biểu tượng Đầu súng trăng treo lung linh mãi tới bây giờ. Có thể nói đây là thi ảnh đẹp nhất, bao quát nhất về Bộ đội Cụ Hồ thời đánh Pháp. Nhà thơ Hữu Loan cũng phác thảo rất thành công hình ảnh người lính chống Pháp vừa dũng mãnh, vừa lãng mạn, thấp thoáng chất tráng sỹ hào hoa trong thi phẩm Đèo Cả của mình: Sau mỗi lần thắng/ Những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu/ Suối mang bóng người/ soi/ những/ về đâu? Những con người như thế đã làm nên kỳ tích, chiến công to lớn cho dân tộc: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt
Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm là trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đã có những bài thơ khai thác rất sâu và rất thật nỗi đau thương, mất mát của anh bộ đội mà tiêu biểu nhất là bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Bài thơ như một khúc bi ca xa xót khóc người vợ trẻ ở hậu phương thấu động tới trời cao đất dày, cho đến hôm nay tôi đọc lại vẫn ngân ngấn nước mắt: Ngày hợp hôn/ nàng không đòi/ may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/ đôi giày đinh/ bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/ bên anh chồng độc đáo/ Tôi ở đơn vị về/ cưới nhau xong/ là đi/ Từ chiến khu xa/ nhớ về ái ngại/ Lấy chồng đời chiến chinh/ mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ thì thương/ người vợ chờ/ bé bỏng/ chiều quê!/ Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ mà chết/ người gái nhỏ/ hậu phương/ Tôi về/ không gặp nàng/ Má tôi ngồi bên mộ con/ đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương/ tàn lạnh/ vây quanh…
Thời chống Mỹ, hình ảnh người lính ra trận phổ biến là những thanh niên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Lớp lớp mười tám, đôi mươi Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Thơ Tố Hữu). Đối với những người lính thời ấy không có gì cao quý hơn khi được ra chiến trường đánh giặc: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật). Cuộc sống bước vào thi ca thật giản dị tự nhiên, hay hiện thực ấy đã mang chất thơ đích thực rồi: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng/ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa, như ùa vào buồng lái…(Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật).
Sinh ra trong khói lửa đạn bom, từng phút từng giây đối mặt với mất mát hy sinh, người lính vẫn rất yêu đời và lãng mạn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đã nâng cánh cho không ít bài thơ bay bổng. Chất trữ tình làm cho những bài thơ chính trị không còn khô khan và ta nhận ra trong đó chiều sâu tâm hồn dân tộc cũng như văn hoá Việt
Tinh thần xả thân vì Tổ quốc là nét nổi bật nhất của người chiến sĩ. Sự hi sinh của người lính dựng đắp nên tượng đài yêu nước Việt
Những người lính giữ gìn biên cương biển đảo Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng Đất nước sau năm 1975 đến nay cũng được thơ ca phác họa khá nhiều. Trần Đăng Khoa viết về sự cống hiến thầm lặng của những người lính trẻ biên phòng thật xúc động: Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già/ Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay/ Lời yêu không muốn ngỏ/ E lẫn vào gió mây (Đỉnh núi, Lê Mạnh Tuấn có những câu thơ trĩu nặng, day dứt về những người lính tình nguyện đã từng chiến đấu ở Cam-pu-chia: Tuổi trẻ anh lửa bom đã tắt/ Mùi khét còn trong máu thịt nhâm nhi/ Thương em về sao khuya/ Gió thổi rợp cánh rừng săng lẻ/ Em ơi em những ngày em rất trẻ/ Anh đã kịp ngắm nhìn hạnh phúc chúng mình đâu! (Phải sống)…
* * *
Đây chỉ là chấm phá sơ lược về đội ngũ nhà thơ mang áo lính và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thơ của hơn bảy mươi năm qua. Cần có những công trình nghiên cứu kỹ càng về vấn đề này. Và đề tài chiến tranh - người lính vẫn rất hấp dẫn với các nhà thơ vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn song hành với xây dựng Đất nước như mấy ngàn năm dân tộc Việt đã trải qua. Những người lính hôm nay vẫn hy vọng được đọc những tác phẩm văn chương xúc động viết cho họ, vì họ. Lòng yêu nước, sự lãng mạn, tính nhân văn thời nào cũng là phẩm chất được gìn giữ, bồi đắp của Bộ đội Cụ Hồ. Một thời đã như thế và mãi mãi sẽ như thế!
N.H.Q