PV: Chào nhà văn Ngô Thảo, xin được bắt đầu cuộc trò chuyện từ cuốn sách mới của ông: "Văn hóa trong phát triển, Văn hóa của phát triển, Từ thực tiễn hoạt động sân khấu". Trong cuốn sách của mình, nhiều lần ông khẳng định, nông thôn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa ngàn đời của các dân tộc Việt Nam. Trong dịp Tết - Xuân này, ông có thể chia sẻ thêm về nhận định đó.
Nhà văn Ngô Thảo
Nhà văn Ngô Thảo: Trước hết, xin được nói rõ, đây không hề là một phát hiện gì mới mẻ, mà tôi chỉ nhắc lại một nhận định đã có từ lâu. Nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, xã hội cơ bản là nông thôn, nên người nông dân là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa của mình. Gần đây, người ta thống kê, có hơn 200 định nghĩa về văn hóa, định nghĩa nào cũng bao gồm nếp sống, lối sống, cái ăn, cái mặc, phong tục, tập quán, quan niệm về đạo đức, luân lý… cùng những sáng tạo văn học, nghệ thuật truyền khẩu dân gian và thành văn. Nước ta vốn là đất nước thuần nông, nên những biểu hiện này thấy rõ nhất ở nông thôn. Không chỉ “Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”, mà ngay trong từng dân tộc, cũng có sự biến đổi theo địa - lịch sử, nên kho tàng văn hóa của 54 dân tộc là vô cùng giàu có. Mặt nổi này đặc biệt thấy rõ trong những dịp lễ, tết. Từ trang phục, ẩm thực, nghi lễ cúng tế tổ tiên, thần thánh, lễ hội, các trò chơi, các hình thức ca hát, nhảy múa, trình diễn sân khấu, nghi thức cưới xin, ma chay. Cho đến thế kỷ XXI, nông thôn vẫn là nguồn cội, quê hương của hầu hết người Việt, trí thức, văn nghệ sĩ. Chỉ cần nhớ lại hình ảnh những ngày dịch Covid ở các thành phố, đô thị, hàng triệu người bất chấp thời tiết, bằng mọi phương tiện có thể, dắt díu nhau vượt hàng ngàn cây số suốt chiều dài đất nước bằng được để về quê hương, là ta thấy rõ nhất vị trí của nông thôn trong lòng mỗi người. Lễ, Tết, cũng lại có hàng triệu người về quê bằng được, bởi đây không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà với nhiều người còn là dịp tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đoàn tụ với gia đình. Hàng vạn người Việt định cư hay làm việc ở nước ngoài cũng xếp hàng rồng rắn trên các sân bay để về quê trong dịp Tết. Nông thôn vẫn giữ được những nề nếp lễ nghĩa và sự cố kết gia đình, dòng tộc theo nghĩa tích cực. Có câu thơ mới của nhà thơ Từ Kế Tường như thể hiện tâm thế ấy: Quê nhà buộc thắt lòng nhau / Để xa ngàn dặm. Biển dâu muôn trùng.
PV: Phải nói là nông thôn có một vị trí đặc biệt trong văn hóa dân tộc, nhưng hiện nay nhiều người cho rằng, văn hóa nông thôn Việt đang bị đứt gãy, nhận định của ông về vấn đề này?
Nhà văn Ngô Thảo: Trong quá trình phát triển với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự biến động của nông thôn là khó tránh khỏi. Hình thức và địa bàn cư trú mới, cấu trúc dân số và dân cư biến động theo hướng lớp trẻ bị cuốn hút vào các khu công nghiệp và đô thị, rút rỗng nhân lực có sức sáng tạo của nông thôn. Hầu hết các dân tộc thiểu số, đặc biệt các dân tộc ít người, do thủy điện, quy hoạch lâm nghiệp, khai thác rừng bừa bãi, họ bị rời khỏi môi trường sinh sống nhiều đời, nên việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống, vốn là sản phẩm của hệ sinh thái nguyên sinh là bất khả, nói chi đến việc tiếp tục sáng tạo.
Nhưng những năm gần đây, nhận ra sự đứt gãy đó, ở một số địa phương, vùng miền, đã có những hành động thiết thực xây dựng nền kinh tế xanh, khắc phục những gì chúng ta đã nóng vội tàn phá, khôi phục có chọn lọc những hình thức và loại hình văn hóa bản địa đặc sắc. Việc Unesco công nhận một số địa danh có cảnh quan đẹp và các loại hình sinh hoạt văn hóa bản địa đặc sắc là một chỉ dấu. Năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế xếp hạng Việt Nam là nơi hấp dẫn du khách hàng đầu với những chỉ dấu nổi trội, là một tín hiệu đáng mừng.
PV: Như trong sách, ông viết, xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều nơi đã làm đứt gãy văn hóa nông thôn. Vậy theo ông, chúng ta phải xây dựng Nông thôn mới như thế nào để nơi đó vẫn tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những giá trị văn hóa mới?
Một số tác phẩm của nhà văn Ngô Thảo
Nhà văn Ngô Thảo: Một đáp án chung, cũng như một mô hình chung cho tất cả nông thôn cả nước là con đường ngắn nhất triệt tiêu bản sắc văn hóa vùng miền cũng như của các dân tộc. Những chỉ tiêu chung là cần thiết cho một cuộc vận động lớn. Nhưng nông thôn nước ta với 54 dân tộc, sinh sống trên những địa hình khác nhau, ngay mỗi dân tộc, màu sắc ngôn ngữ, nếp sống, phong tục, tôn giáo, lễ hội cũng khác nhau ở mỗi nơi cư trú, thiết kế, cấu trúc một ngôi làng, bản, từng ngôi nhà cũng nhiều nét khác nhau. Cách canh tác, chọn cây trồng, vật nuôi vốn không giống nhau. Nay lấy việc đô thị hóa nông thôn với một hình hài chung, mà không còn giữ được những nét riêng làm nên những khác biệt của trung du, đồng bằng, với miền núi phía Bắc, với Tây nguyên, miền Tây, miền Đông Nam Bộ trong xây dựng nhà cửa, chùa chiền, các cơ sở sinh hoạt cộng đồng, sẽ là một mất mát không dễ khắc phục. Chưa kể trên cùng một xã, một làng, có mấy dân tộc cùng sinh sống, sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khi duy trì nét riêng về văn hóa, sự hòa huyết giữa các sắc tộc do tự do về hôn nhân, mà để mất đi bản sắc này cũng bằng làm tiêu vong một dân tộc. Một quốc gia cũng vậy. Có lẽ, việc xây dựng Nông thôn mới nên tôn trọng sự lựa chọn từ cơ sở, của cơ sở hơn là mô hình chung từ trên xuống.
PV: Nghĩa là theo ông, làm gì chúng ta cũng phải hướng tới mục tiêu văn hóa?
Nhà văn Ngô Thảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi đầu xây dựng Nhà nước kiểu mới đã xác định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Ngày nay, Đảng ta cũng khẳng định: Văn hóa còn là dân tộc còn, và nhấn mạnh việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đường lối là vậy. Nghị quyết cũng nhiều và cụ thể. Nhưng trong thực tế, văn hóa nước nhà còn nhiều việc phải lo. Văn hóa nền của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, kể cả cấp cao, thể hiện trong nếp sống, lối sống, đạo đức, nhân cách, tinh thần cống hiến, ý thức gương mẫu, là những điều Đảng luôn dành nhiều công sức, biện pháp chấn chỉnh, nhưng xem ra cuộc chiến vẫn rất gay go. Rồi đạo đức của giáo viên và học sinh, cán bộ, viên chức trong một số ngành vẫn luôn là nỗi lo chung của xã hội, dẫu biết, đó chỉ là một bộ phận. Nếu với số đông, càng trong khó khăn, càng bộc lộ những phẩm chất cao quý, thì một bộ phận có quyền chức lại tận dụng cơ hội để vun vén cho cá nhân, đáng tiếc là cả với một số người thực tài, có quá khứ nhiều thành tích, cũng bị gục ngã trước sức cám dỗ của đồng tiền, rất nhiều tiền.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày trước từng nói, nền tảng văn hóa giúp con người vượt qua những cám dỗ, chính là với những trường hợp này. Văn hóa nền của xã hội với cấu trúc đa thành phần trong nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu với một quốc tế có quá nhiều khác biệt và bất toàn, đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Ngày trước, gặp những trường hợp này, ta tìm nguyên nhân ở tàn dư của đế quốc và phong kiến. Nhưng chế độ mới của chúng ta sắp tròn 80 năm, đất nước lại đã có nửa thế kỷ thống nhất trong hòa bình, xây dựng. Hầu hết lớp cán bộ đương chức hiện nay là con đẻ của chế độ mới, lại được học tập, phát hiện, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện qua nhiều vị trí công tác. Ấy thế mà… Đó là nói về con người. Mà trong xây dựng đất nước, cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định.
PV: Xin được nói đến văn hóa ở một nghĩa hẹp hơn là các sáng tạo văn học nghệ thuật. Nhiều người cho rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, đặc sắc về nông thôn và nông dân - những chủ nhân của văn hóa trong thời bình, cũng như về con người và cuộc sống muôn màu hiện đại? Nhưng trước khi đi vào câu chuyện này, tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại một chút nền văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến 1945 - 1975? Dường như nền văn học nghệ thuật giai đoạn này đã đáp ứng thành công những yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử đặc biệt thời đó?
Nhà văn Ngô Thảo: Hai cuộc kháng chiến lớn kết thúc sắp được nửa thế kỷ rồi, nhưng ngoài một số tác phẩm nhìn lại từng mặt, chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu đầy đủ có tính chất tổng kết về hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn lịch sử rất đặc biệt này. So với lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, thì 30 năm ấy không phải là dài. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, trong chớp mắt của lịch sử ấy, buộc phải đối đầu với hai đế quốc giàu mạnh hàng đầu thế giới, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam từ trong nô lệ, đói nghèo, lạc hậu, đã vụt lớn lên như Phù Đổng, không chỉ giành chiến thắng để có một nước độc lập, thống nhất, hòa bình, giấc mơ ngàn đời, mà còn tự biến mình thành một dân tộc hiện đại, với những phẩm chất tốt đẹp, được quốc tế công nhận. Nền tảng lịch sử bi thương mà hào hùng ấy đã sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ sĩ tài hoa, đông đảo, dễ thường chưa bao giờ có trong quá khứ, chính họ bằng tác phẩm nhiều thể loại, đã góp phần phát dương hào khí của mọi người dân. Đến hôm nay, chính những tác phẩm xuất sắc trong số đó, còn lại không chỉ như những chứng nhân của lịch sử mà còn mang lại hơi ấm và ánh sáng lý tưởng cho công chúng hiện thời. Nhìn lại, thời kỳ kháng chiến, phần nhiều văn nghệ sĩ học vấn không cao, điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, quỹ thời gian suy nghĩ và học tập chính là để có vũ khí tiêu diệt kẻ thù, rồi lý luận và chỉ đạo văn nghệ cũng còn hạn chế, không khó để nhận ra những những thiếu khuyết của từng tác phẩm, nhưng những sáng tác văn nghệ trong 30 năm ấy đã làm tròn sứ mệnh động viên tinh thần chiến đấu của dân tộc, ghi dấu lịch sử những chiến công, những con người và địa danh lẫy lừng. Hào khí của dân tộc tiếp sức cho mọi sáng tạo của nghệ sĩ. Đó là thời kỳ mà số tác giả và tác phẩm có ảnh hưởng xã hội là một con số nhiều. Tổng kết, không chỉ có nghĩa là vinh danh, vì việc này, lâu nay Đảng và Nhà nước đã làm qua các kỳ tặng các giải thưởng cao quý, mà quan trọng hơn là rút ra những bài học, vể tổ chức, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người và tác phẩm. Đồng thời cũng nhận ra những thay đổi từ nền tảng tổ chức xã hội, để tìm ra những phương thức lãnh đạo, và tổ chức cho hoạt động văn hóa, văn nghệ ở một đất nước đã hòa bình, với một quy mô dân số lên gần 100 triệu, trong thế giới mở rộng giao lưu, giữa thời kỳ khoa học - kỹ thuật phát triển vũ bão, những hình thức truyền thông truyền thống của văn học nghệ thuật đã không còn là lựa chọn của số đông công chúng.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra một hệ thống tổ chức xã hội đa thành phần, đa trung tâm, nên nền văn nghệ đề tài xem ra không còn phù hợp. Không chỉ nông dân và nông thôn, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nền văn hóa lâu đời, mà giai cấp công nhân, anh bộ đội cụ Hồ của ngày hôm nay, vốn là những nhân vật mới xuất hiện trong văn học nghệ thuật hiện đại cũng thiếu vắng những tác phẩm đặc sắc, mặc dầu vẫn thường xuyên có các cuộc vận động, và cuộc thi sáng tác về các đề tài đó. Ở đây, phải nhắc lại một nhận định cũ: Thiên tài xuất hiện thường không mấy khi liên quan đến thể chế chính trị đương thời. Nhưng chế độ chính trị nào cũng cần kiến tạo và nuôi dưỡng một nền văn nghệ, không chỉ là trung tâm cho nền tảng tinh thần xã hội, mà còn lưu giữ cho muôn đời những ký ức đẹp đẽ của mỗi thời.
PV: Vâng! Còn hiện nay, khi cuộc sống hòa bình đã trở lại, dường như văn nghệ sĩ lại đang xa rời thực tiễn đời sống, xa rời tinh thần văn hóa dân tộc mình. Vì sao?
Nhà văn Ngô Thảo: Thật ra, xưa nay văn nghệ sĩ vẫn sống cuộc sống của cộng đồng, họ chẳng đi đâu để xa rời được cuộc sống xã hội. Có điều, cảm hứng sáng tạo của họ đã thay đổi. Bạn có quan sát thấy, lâu nay không còn ai sáng tác những bài hát cho các tập thể đồng ca như trong các cuộc sinh hoạt thời chiến? Hành khúc hầu vắng bóng. Các lý thuyết văn nghệ hiện đại của thế giới qua nhiều thời kỳ được du nhập và quảng bá, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo không còn mặn mà với quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của cha ông. Lý thuyết trò chơi đang được hồi sinh. Lớp trẻ hiện nay được trang bị vốn tri thức cao hơn trên một mặt bằng dân trí cao, điều kiện sống và làm việc tốt hơn, không khí dân chủ và cởi mở cho phép được phổ biến tác phẩm thoáng, rộng hơn xưa rất nhiều. Nhưng những người có thể sống bằng nghề là không nhiều, sáng tác càng nghiêm túc càng khó phổ biến rộng rãi… Số người trẻ đa tài cũng không mấy người chọn văn chương làm nghề suốt đời, đơn giản là không thể sống bằng nghề. Chính vì thế, Nhà nước cần có những quyết sách cụ thể để tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ văn nghệ sĩ có đủ tài trí, tâm huyết, như một loại trí thức đặc biệt. Đầu tư xứng đáng, nhưng chấp nhận đầu tư mạo hiểm, bởi sáng tạo văn học nghệ thuật rất khó theo những kế hoạch định sẵn.
PV: Vậy điều ông lo lắng nhất lúc này là gì?
Nhà văn Ngô Thảo: Như mở đầu câu chuyện, chúng ta đã nói, đó là sự quan tâm đến vị trí văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển. Không lâu nữa, nước ta sẽ đứng vào hàng các nước phát triển, với thu nhập cao, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta đã nhìn thấy trong lòng xã hội, những mầm mống nhiều hiện tượng mà các nước phát triển đang phải đối diện. Trước hết là dân số. Trong vòng 50 năm qua, nhất là sau chiến tranh, dù kinh tế rất khó khăn, dân số nước ta đã tăng hơn gấp đôi. Hiện nay đã đứng hàng thứ 13/hơn 200 quốc gia trên thế giới. Tiếng Việt không chỉ phát triển toàn diện, mà ở nhiều quốc gia cũng được phổ biến, hiện nay, đứng thứ 5 ở Mỹ và thứ 3 ở Úc. Tuy vậy sự phát triển hiện đại đang tác động rất rõ đến việc thay đổi hình thức và quy mô tổ chức nông thôn, sự cố kết dòng tộc và đặc biệt gia đình đang lỏng dần. Những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống cá nhân buộc lớp trẻ tính toán nhiều hơn trong việc lập gia đình và nuôi con cái. Mấy năm gần đây, ở Nhật, có hàng nghìn trường học phải đóng cửa, vì không còn trẻ em đi học. Ở Hàn quốc, thanh niên nam nữ không muốn lập gia đình cũng đang báo động. Xu hướng dân số già và sút giảm xuất hiện ở nhiều quốc gia phát triển, hiện tượng thừa nữ thiếu nam khá phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt châu Âu. Đó là chưa kể hiện tượng thiếu lý tưởng sống, ở lớp trẻ đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy khó lường. Cho nên, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có những chủ trương, quyết sách gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ này, tránh những hiện tượng không hay đang xảy ra khá phổ biến ở các nước phát triển.
PV: Xin được cám ơn ông về cuộc trò chuyện.