Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Độ lùi về thời gian ấy cho phép người cầm bút có tầm nhìn về chiến tranh xa rộng hơn cùng với những ngẫm nghĩ, suy tưởng đa diện và nhiều tầng bậc. Chiến tranh được phản ánh trong nhiều tác phẩm chẳng còn một chiều nữa và hình ảnh đối phương không bị khắc họa méo mó, xấu xí quá đáng. Xu hướng viết về chiến tranh đúng như nó từng xảy ra; nhân vật “ta - địch” đều là những con người bị ném vào cơn lốc thời cuộc dữ dội bộc lộ phẩm chất, bản năng của họ một cách ít tô hồng hoặc bóp méo nhất. Vì thế văn học có sức sống, nhiều tác phẩm viết về chiến tranh đã được bạn đọc đánh giá cao.

Viết về chiến tranh là thách thức với bất cứ người cầm bút nào ở Việt Nam dù họ đã trải qua hay chưa từng nếm mùi bom đạn. Với Văn Xương, dù đã có những năm tháng tuổi học trò sống trong bom đạn ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) quê hương anh nhưng chiều sâu, độ lớn trải nghiệm về cuộc chiến như thế hệ cầm bút đi trước mặc nhiên là không bằng. Thế mà, anh vẫn chọn chiến tranh làm đề tài chủ yếu cho sáng tác văn học của mình, đặc biệt trong thể loại được coi như sở trường cho đến nay của tác giả là truyện ngắn. Từ năm 2006, Văn Xương đã công bố những tập truyện ngắn của mình như Hoa gạo đỏ bên sông; Hồn trầm (2008); Lỗ thủng (2021) cùng các giải thưởng như Giải Ba cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Cửa Việt năm 2004 - 2005; Giải B Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2009; Giải Nhì (không có Giải Nhất về văn học) Giải thưởng Chế Lan Viên năm 2020; Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quảng Trị 50 năm đổi mới và phát triển. Và trên tay tôi bây giờ là tập truyện ngắn Những chặng bay ký ức (NXB Quân đội nhân dân) gồm 11 truyện ngắn viết về chiến tranh chọn lọc của Văn Xương.

Có thể nói ngay rằng đây là một sự cố gắng và đóng góp của Văn Xương về đề tài chiến tranh trong thể loại truyện ngắn. Anh chầm chậm kể chuyện về người lính để làm sống lại một thời bi tráng đã đi qua bằng sự trân trọng, chia sẻ thành thật của người cầm bút. Câu chuyện của anh là những lát cắt của quá khứ, nhân vật của anh đến từ năm tháng khốc liệt của cuộc chiến đã qua hay từ hôm nay lặng lẽ tìm về dĩ vãng khó nguôi quên. Những con người của quá khứ hay hiện tại ấy như vừa từ cuộc sống bước vào trang văn của anh, sinh động và nóng hổi như ta từng gặp đâu đó trên đất nước này. Nhiều câu chuyện xúc động dường như đã được rút ra từ hồi quang dĩ vãng. Ký ức chiến tranh ngỡ như còn bỏng cháy, trần trụi trong những truyện ngắn của Văn Xương. Cuộc chiến chưa kết thúc trong tâm tưởng của dân tộc này, từ niềm tự hào đến nỗi đau thương mà cái nào cũng đều lớn lao cả. Từ kỷ vật giản đơn của một liệt sĩ là chiếc lược được làm ra từ mảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc ta nhận ra quê hương yêu dấu của người lính và khát vọng hòa bình của dân tộc (Hoa gạo đỏ bên sông). Làng quê ấy có một ngày cuối tháng ba, hoa gạo nở đỏ rực, từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống sông, những bầy chim đi tránh rét mùa đông trở về xây tổ ấm kêu ríu ra, ríu rít trên những hàng cây. Bọn trẻ chúng tôi bắt đầu được nhảy xuống dòng sông để tha hồ mà bơi lội… Thế nhưng, rất nhiều chàng trai trẻ phải từ biệt làng quê yêu dấu của mình như anh Hải để ra trận và trong số họ không ít người đã hy sinh ở mặt trận.

Cái đối lập, tương phản giữa chiến tranh và hòa bình luôn được tác giả nhấn mạnh trong nhiều truyện ngắn. Truyện Thiên nga trắng là một ví dụ xót xa, tuy nó được dựng lên trên nền hiện thực huyền ảo. Yếu tố tâm linh được Văn Xương chủ ý khai thác để xác tín sự bất tử của những người lính đã dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Một khoảng trời thanh khiết hiện ra bồng bềnh, nhẹ nhàng rơi rơi những cánh hoa tươi ngát, thả hương vào không gian thơm nức, ngất ngây. Rồi từ trong cái thiên đường muôn ngàn sắc hoa, ngời đẫm ánh trăng ấy, bỗng đâu có mười con thiên nga trắng phau nối nhau sà xuống chờn vờn, chờn vờn trên mặt hồ Thiên Thu, từ từ trút bỏ những bộ xiêm y. Một thoáng trôi qua, trước mắt tôi không phải là mười con thiên nga mà là mười cô gái đẹp lộng lẫy như những thiên thần. Họ vây lấy nhau, ngụp lặn, cười đùa, nhảy múa, nuột nà, phơi lộ ra những “vầng trăng” đầy căng, tươi hồng, phập phồng theo hơi thở. Rồi không hiểu sao họ lại ôm lấy nhau cứ thế rưng rưng khóc… Họ là ai? Trời ạ, mười con thiên nga ấy không gì khác chính là kiếp khác của mười cô thanh niên xung phong đã hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn. Đọc đến rưng rưng cảm động. Họ trẻ, sống đầy cống hiến nhưng cũng thật khao khát bản năng. Cái bản năng trong trẻo của những cô gái như Lan qua câu nói Đây là lần đầu tiên trong đời em được giặt quần áo cho người con trai đó anh ạ. Khát vọng làm vợ bình dị biết bao với mỗi người phụ nữ nhưng chiến tranh không cho họ thực hiện điều đó. Một quả bom trong đêm đã lao vào lán của mười cô gái, dân bản đi tìm xác họ hai ngày mới gom đủ vào một chiếc ba lô con cóc. Nhiều ý nghĩa chất nén trong một truyện ngắn thoạt đọc ta thấy đẫm chất liêu trai. Nhưng đâu phải thế, cái hiện thực chiến tranh tàn khốc đến lạnh lùng trĩu nặng vào từng dòng chữ. Cũng vậy, cái sự bất tử của những cô gái Trường Sơn kiên cường được gửi gắm vào hình tượng mười nàng thiên nga rất đẹp trên hồ Thiên Thu. Đau thương xót xa mà không bi lụy, vết thương chiến tranh cơ hồ đã được băng bó lại và làm dịu bởi những trang văn xuôi thấm đẫm chất thơ như thế.

Chiến tranh mang trong nó những bi kịch dữ dội hay thầm lặng, những chất chứa hận thù không né tránh được. Có muốn tránh cũng chẳng thể nào tránh được. Truyện ngắn của Văn Xương giăng mắc những số phận người, bên này hay bên kia đều bị cuốn hút vào cơn lốc xung đột kéo dài hằng mấy chục năm. Dù vậy, anh vẫn đề cao những gì thuộc về sự tốt đẹp của con người. Trong nhiều truyện ngắn của Văn Xương thấm đẫm sự chia sẻ sâu sắc, lòng vị tha cao cả cùng với ước mong về một cuộc sống bao dung, giàu tình yêu thương như Già bản Tà thiêng; Bàn giao số phận; Hoài vọng… Ta hãy nghe cuộc đối thoại của anh bộ đội giải phóng và người lính dù phía bên kia trong một căn hầm ẩm ướt ở Thành Cổ Quảng Trị giữa cảnh đổ nát tan hoang vì bom đạn. Thật xúc động: Ngoài trời mưa vẫn giăng kín mịt mùng, mưa xuyên qua hai khe hở của bức tường bịt miệng hầm chảy loang xuống. Long cởi chiếc áo đang mặc của mình nhét kín một khe hở rồi bảo: - Còn khe hở kia là của mày. Người lính ngụy giả bộ không nghe thấy, anh ta nghĩ bụng thằng Việt cộng này đã làm một việc vô ích và đến mức này rồi còn tính toán hơn thiệt. Kệ má nó cho nước chảy đầy hầm rồi cả hai cùng chết. Hết khổ đau, hết giành giật. - Tao và mày đang lâm vào tình thế khốn cùng, nhưng không phải là không còn hy vọng. Cố mà sống. -Thôi đi mi ơi - Người lính ngụy chua chát - Cố mà sống để rồi còn uýnh nhau phải không? - Tùy mày. Tao thì nghĩ: Phải cố mà sống rồi về với mẹ…(Hoài vọng). Cuối cùng, hai người lính ấy đều may mắn được sống sót qua cuộc chiến khốc liệt, họ không bị nghiền nát trong cái “cối xay thịt” Thành Cổ Quảng Trị mùa hè 1972 và trở thành hai nhà văn gặp nhau trong một trại viết hòa bình.

Không thể không kể tới những tình yêu đẹp của người lính thời bom đạn. Hồi quang của những mối tình thời chiến là những bản tình ca đẹp bền với thời gian. Các truyện ngắn Lời thề Tà Cai; Lá thư người lính là những ví dụ. Có người lính (chú Hưng) tự nguyện nhận nhiệm vụ nguy hiểm để đồng đội mình (nhân vật ông bố) được hưởng một đêm hạnh phúc hiếm hoi trong chiến tranh. Và đây là lời bố kể cho con trai sau này: Đêm ấy trong căn hầm của địa đạo Vịnh Mốc, dưới làn bom đạn rền rã của kẻ thù, đêm tân hôn đích thực của bố mẹ và kết quả của những giờ phút hạnh phúc đó chính là con. Còn chú Hưng… sau chuyến đi ấy đã mãi mãi không về. Ở đời hạnh phúc và nỗi đau thường song hành với nhau, có khi để có hạnh phúc cho người này thì phải đánh đổi bằng sự mất mát, hy sinh của người khác. Có điều trong chiến tranh tình đồng chí, đồng đội cao cả, thiêng liêng lắm, người ta không so đo tính toán thiệt hơn… sẵn sàng nhận về mình sự mất mát, hy sinh… (Lá thư người lính).

Tôi bị ám ảnh rất nhiều với truyện ngắn Chiếc thùng phuy đựng cát. Bối cảnh câu chuyện là Thành Cổ Quảng Trị xoay quanh ba nhân vật, ba người lính Thanh, Hà, Thái vốn là sinh viên ngành xây dựng cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1972, họ trở thành lính và đã vượt sông Thạch Hãn để bổ sung cho lực lượng chiến đấu ở Thành Cổ. Cảnh đêm vượt sông: Trời mưa như trút, cứ như trên trời có bao nhiêu nước đều dồn đổ hết xuống. Sông Thạch Hãn, nước dâng cao, chảy xiết cuốn rác rưởi, gỗ mục, xác động vật… trôi đi phăng phăng. Trên trời máy bay, pháo địch gầm rú, quần đảo, bắn phá không ngưng nghỉ… Nhiều người lính đã nằm lại trên dòng sông lửa đó. Vào thành rồi những người lính vừa rời giảng đường đó lại đối mặt ngay với bom đạn ác liệt. Hà, Thái đã hy sinh và Thành thì bị cụt một chân khi trận địa của họ trúng pháo địch. Tại trận địa trời vẫn mưa tầm tã, pháo địch vẫn bắn tới tấp. Không thể để thi thể của đồng đội phải phơi dầm ngoài trời mưa, và bị pháo địch bắn trúng, anh em trong tiểu đội đã dùng dao găm đục thủng hai cái thùng phuy đựng cát trên bờ thành công sự của tổ để làm quan tài cho Hà và Thái. Khi đặt, hai đứa phải nằm ở tư thế co chân vì thùng phuy ngắn hơn người nhiều… Chiến tranh là thế đó. Chiến tranh không phải trò đùa. Sống, chết thì người lính đều phải chịu đựng nhiều cái bất thường, nghiệt ngã nhất. Truyện ngắn ghim được vào lòng người đọc nhờ nhân vật và chi tiết. Chi tiết nằm ở tư thế co chân của hai người lính hy sinh trong chiếc quan tài thùng phuy ở Thành Cổ Quảng Trị thật ám ảnh.

Sẽ trở nên thừa thãi khi tôi tiếp tục kể về những câu chuyện như thế. Tôi nghĩ, các bạn sẽ tự mình đọc và rút ra những điều cần thiết, những suy ngẫm từ tập truyện ngắn của Văn Xương. Truyện ngắn của Văn Xương có khá nhiều chi tiết đắt, có không gian rộng và man mác chất thơ. Yếu tố huyền ảo cũng được nhà văn khai thác khá hiệu quả bên cạnh chất liệu đời sống bộn bề được tác giả tích lũy sau nhiều năm công tác. Cảm giác, anh là một nhà văn có tấm lòng nhân hậu, nhạy cảm, luôn lắng nghe những vang vọng hay dư âm cuộc sống. Từ đó, chọn lọc và đưa nó vào trang viết của mình với tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm ngắn và đầy trách nhiệm. Tôi nghĩ, tác giả đã được đền đáp xứng đáng. Nhiều truyện ngắn của Văn Xương là những vệt bay, chặng bay của ký ức chiến tranh. Nói như thế cũng có nghĩa là chiến tranh dường như vẫn thao thức khôn nguôi trong lòng chúng ta.

                                                                            N.H.Q   

 

 

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 363

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Quãng vắng quạnh quẽ

16 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tâm sự với anh; Hồn nhiên lính trẻ

23/12/2024 lúc 16:53

Tâm sự với anhGửi tặng vợ các liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng và Đoàn KTQP 337Con bây giờ đã khôn

Mùa xuân và người lính đảo; Bên hàng mộ vô danh

23/12/2024 lúc 16:51

Mùa xuân và người lính đảo Mùa xuân này ta lại phải xa nhauHai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụAnh vẫn biết nhiều đêm không

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground