Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kiểu nhân vật song trùng trong tiểu thuyết của F.Dostoevski

Dostoevski là nhà văn độc đáo trong văn xuôi hiện thực Nga đã đi tiên phong khám phá những miền đất bí ẩn trong tâm hồn con người cùng với những tìm tòi, đổi mới nghệ thuật biểu hiện. Không phải ngẫu nhiên, Dostoievski sử dụng hình tượng mẫu gốc về kẻ song trùng trong sáng tác của mình. Kiểu nhân vật song trùng được coi là một chuỗi công trình nghiên cứu tâm lý sâu sắc của Dostoievski để tìm ra “bản chất người” chân thực và vĩnh cửu. Hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoevski, đặc biệt trong hai tiểu thuyết Tội ác và trừng phạtAnh em nhà Caramazov được xây dựng theo một nguyên tắc đặc biệt - nguyên tắc song trùng. Nhà văn đặt nhân vật trong sự đối chiếu, đối lập, tương phản và trùng khớp nhau, qua đó để cho nhân vật tự hoài nghi về mình, soi chiếu bản thân thông qua cuộc đối thoại với kẻ song trùng nhằm “đập tan cái khung đã hoàn tất và dường như đang bóp nghẹt nó của những lời người khác về nó”1, tr.49. Kiểu nhân vật song trùng trong tiểu thuyết của Dostoevski góp phần làm rõ chân lí trên con đường tự ý thức của nhân vật, là một phương thức cơ bản để khám phá “con người trong con ngườivới sự hỗn độn giao tranh giữa thiên thần và ác quỷ trong tâm hồn.

Nhân vật song trùng phân thân - nhân vật với bản ngã thứ hai hay hai linh hồn một thể xác xuất hiện trong tiểu thuyết Sói đồng hoang của Hermann Hesse, Trường hợp kỳ lạ của Bs Jekyll và Ông Hyde tiểu thuyết của M. Fris, Kapka, A. Camus, hay trong truyện ngắn của Edgar Poe. Tuy nhiên, nhân vật song trùng trong hai tiểu thuyết Tội ác và trừng phạtAnh em nhà Caramazov được F. Dostoevski xây dựng với những hình thức và cấp độ đa dạng hơn và đặt trong trường đối thoại, buộc các nhân vật đối diện, đối thoại với chính mình, với kẻ song trùng với mình kiến tạo nên tính đa thanh cho tiểu thuyết.

Đến với sáng tác của Dostoevski, Cacnaval hóa là một nguyên tắc sáng tác chủ đạo góp phần hình thành nên tiểu thuyết đa thanh. Bản chất của Cacnaval là phỏng nhại tạo ra những tiếng cười hài hước hay hạ bệ thần tượng và châm biếm sâu cay. Tội ác và trừng phạt Anh em nhà Caramazov vốn là kiệt tác của Dostoevski đã khai thác đến tận đáy sâu tâm hồn nhân vật. Do vậy, kiểu nhân vật song trùng phỏng nhại hóa là “nghệ thuật mẹo luật”( từ dùng của Iu.Lotman) tự sự của Dostoevski nhằm mô hình hóa sự phức tạp trong tâm hồn con người.

Mỗi nhân vật trong tác phẩm có cá tính riêng, đều mang những sắc thái cá biệt. Tuy nhiên, chàng thanh niên xuất hiện trong quán rượu, các nhân vật Xvidrigailov, Lugin, Lebeziatnicov đều có tính chất phỏng nhại lại Raxcolnicov (Tội ác và trừng phạt); Raxkitin và Xmerdiacov phỏng nhại nhạo báng Ivan (Anh em nhà Caramazov) như góp phần bổ sung cho bản chất tàn ác ẩn sâu trong tâm hồn mà Raxcolnicov, Ivan không hề biết trước cũng như người đọc khó nhận biết. Kẻ song trùng phỏng nhại hóa xuất hiện nhạo báng bản chất của cái ác - con người siêu nhân bên trong của nhân vật. Chúng ta hiểu về Raxcolnicov, Ivan thông qua những nhận xét và suy ngẫm của kẻ song trùng đang nhạo báng lại nó mà thôi. 

Một hình thức cao hơn của phỏng nhại, và những thái cực khác của tâm hồn “siêu nhân” được Dostoevski đã đặt nhân vật chính trong sự đối sánh với Lujin và Xvidrigailov. Trong cuộc đối thoại ồn ào muốn hạ bệ và tiêu diệt lẫn nhau, bản chất của cái ác, ích kỉ trong bản năng của nhân vật được có cơ hội hóa thân trình diễn trên sân khấu tâm hồn. Chúng hóa trang đủ mọi dạng thức khác nhau, chúng trình diễn tự do không tuân theo giới hạn đã tô điểm sẵn.

Bản chất của Lujin và Xvidrigailov là một dạng thức khác trong quá trình nổi loạn cùng với tư tưởng nghịch dị Raxcolnicov. Trong nội tại sâu xa của bản chất, các nhân vật đều nuôi trong mình những tư tưởng nghịch dị với lý thuyết “vượt giới hạn” của con người. Lujin với lý thuyết “vượt giới hạn” của sự ham muốn tiền bạc và lòng ích kỷ. Xvidrigailov “vượt giới hạn” về những khoái lạc của bản thân. Raxcolnicov “vượt giới hạn” của lương tâm. Bản chất “gian ác, thô bỉ, dâm ô, hèn mạt” 3, tr.45 của Lujin và Xvidrigailov là sự phỏng nhại lại bản chất “ác quỷ” của Raxcolnicov và được biến dạng như một dạng thức khác của quá trình “vượt giới hạn”. Vì vậy, Raxcolnicov căm ghét ghê tởm bản chất xấu xa bỉ ổi của Lujin và Xvidrigailov, bởi anh nhìn thấy bóng mình trong đó. Sự khiêu khích của những kẻ song trùng phỏng nhại hóa, sự hoang mang đau đớn của nhân vật chính, kết hợp với sự rùng rợn khiếp sợ của người kể chuyện và người đọc về  bản năng của “cái ác” đã báo trước cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ sau.

Những nhân vật trong Anh em nhà Carramazov được xây dựng theo nguyên tắc song trùng thành từng cặp hay thành nhóm đều theo trật tự tuyến tính của văn bản truyện kể và theo tần số nghệ thuật tăng dần. Vì vậy, ngay những phần đầu truyện chúng ta nhận ra nhân vật Raxkitin - kẻ song trùng phỏng nhại hóa Ivan. Raxkitin là một nhân vật đặc biệt trong truyện, anh ta được Dostoevski giao cho nhiệm vụ quan sát, thấu hiểu và kể lại câu chuyện hình sự cũng như phân tích vụ án như một “thượng đế” nắm trong tay vận mệnh của các anh em nhà Carramazov. Raxkitin là “nhân chứng quan trọng nhất và chắc chắn là viên biện lý rất quý”4, tr.837, anh biết hết tất cả mọi chuyện, lên tiếng phê phán Ivan một cách sắc sảo và dẫn dắt người đọc đi sâu khám phá con người thầm kín bên trong của Ivan.

Dostoevski đã xây dựng thành công Xmerdiakov - hình tượng ghê tởm nhất, hiện thân của sự đe doạ ghê gớm của con người và là bản chất thầm kín của Ivan. Hắn sống trong tận đáy sâu tâm hồn Ivan, thấu hiểu hết bản năng “ác quỷ” của anh. Xmerdiakov là cái bóng của Ivan và giết người theo lý luận “mọi việc đều được phép làm” của anh ta. Hắn chính là kẻ song trùng phỏng nhại hóa lại Ivan. Bản chất tàn ác, lạnh lùng của Ivan được cụ thể hóa, hiện thực hóa qua hành động và lời nói của Xmerdiakov. Ivan “dường như rối loạn trong não”4, tr798 với những xung đột căng đầy kịch tính giữa lương tâm và ác quỷ của bản năng. Quỷ xuất hiện trong cơn ác mộng của Ivan, bắt chước anh và nhạo báng một cách cay độc, buộc Ivan phải chấp nhận mình như chấp nhận hiện thực con người của anh ta. Sự xuất hiện của quỷ minh họa cho lí thuyết của Dostoevski về sự tồn tại của nó trong bản thân con người và nó được sống như thế nào là tùy vào “thói quen” của họ.

Tất thảy những con người ấy trong Anh em nhà Caramazov dường như được tôi luyện qua bao thế kỉ để thành những kẻ đê tiện, trâng tráo tàn nhẫn nhất. Những con người ấy tự do hành động không tuân theo một khuôn tắc đạo lí nào. Gia đình đối với họ chỉ là sân khấu để họ đấu súng mà thôi. Dostoevski “nhìn thấy họ đến tận các nhánh cuối cùng của những dây thần kinh; ông khám phá họ tận chiều sâu các giấc mộng,… không một mảnh nào của chất trí tuệ của họ mất đi, không một ý nghĩ nào của họ bị tước bỏ”5, tr.296.

Bên cạnh đó, hình ảnh con người kép với hai nửa thiện - ác đầy mưu thuẫn thể hiện rõ ở kiểu song trùng phân thân trong hai tiểu thuyết của Dostoevski. Nhân vật song trùng phân thân (bản ngã song trùng, hai linh hồn một thể xác) là biện pháp nhân đôi thành hai con người, hai tính cách trong một nhân vật. F.Dostoevski đã xây dựng trong Tội ác và trừng phạt Anh em nhà Caramazov những nhân vật với những thái cực tư tưởng hỗn độn, “những bước ngoặc đột biến, đôi lúc mang tính nghịch lí”2, tr.74 cùng tồn tại bên trong tâm hồn mỗi con người. Nhân vật của ông không phải là những con người hoàn chỉnh, thống nhất mọi hành động và tư tưởng. Nhân vật mà Dostoevski quan tâm yêu thương đó là những con người chìm đắm trong đau khổ tột cùng của nhân loại, họ dằn vặt căng thẳng giữa “tôi” và “ta”, giữa thiện và ác, họ phân thân thành hai con người với hai động cơ khác nhau thôi thúc giằng xé buộc phải lựa chọn.

  Trong mỗi nhân vật đều tồn tại “con người siêu nhân”và “con người sâu bọ”. Đặc biệt, khi chúng ta dấn thân vào hai tiểu thuyết của Dostoevski và đau đớn cùng nổi đau giày xéo của Raxcolnicov, của Ivan. Trong con người Raxcolnicov, Ivan quả là được cấu thành bởi sự kết hợp nghịch lý những phẩm chất dường như không thể dung hoà với nhau: một Raxcolnicov tột mực ích kỷ, tàn nhẫn đến quái ác, kịch liệt khinh ghét con người, ngang ngược chà đạp lên công lý. Và một Raxcolnicov vị tha, hiền từ đến mềm yếu; nhiệt thành thương yêu con người; và tha thiết hướng về công lý. Anh muốn trở thành một Napoleon toàn năng nên đã giết người, nhưng “giết người theo lương tâm” chính vì vậy anh phải đau khổ “đó chính là hình phạt rồi, nói chi thêm ngục tù nữa!”3,tr.247. Raxcolnicov mang trong mình con người kép với hai lý tưởng thiện - ác giao tranh với nhau. Vì lòng thiện muốn tiêu diệt cái ác để xoay chuyển thế giới, nhân loại có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng anh đã dùng cái ác để tiêu diệt cái ác với động cơ của lòng nhân đạo. Raxcolnicov trải qua những cuộc phiêu lưu tư tưởng nhằm tìm ra câu trả lời “Tôi là ai?”. Tuy nhiên anh không ngoảnh lại để đợi câu trả lời, mà lướt ngang qua và lao vào thế giới mới không quen biết. Anh đuổi theo cái bóng - bản ngã song trùng với mình như một quy luật tất yếu để từ đó nuôi dưỡng bản thể cô đơn trong sự ngưỡng vọng về cái thời nguyên thủy của mình. Khác với Đôn Kihôtê trong tác phẩm cùng tên của Cervantes, Raxcolnicov không trải mình trên những chuyến đi của hiệp sĩ, mà đấu tranh để xây dựng một học thuyết nhân sinh. Raxcolnicov là nhân vật chịu nổi thống khổ nhất của nhân loại về những dằn vặt trong tâm hồn về bản thân và thế giới, bởi “nổi đau khổ bao giờ cũng là một hệ quả tất yếu của một lương tâm rộng lớn và một tâm hồn thâm thúy”3, tr.247. Raxcolnicov đối thoại với chính bản ngã của mình thông qua quá trình đi tìm lại chính mình.

Quả thực, mỗi nhân vật của Dostoevski mang vác một tâm hồn phức tạp cùng với những hành động và suy nghĩ gần như điên loạn của họ là một triết lí về con người. Với Dostoevski trong mỗi con người thiện - ác luôn giao tranh với nhau tạo nên những kẻ song trùng phân thân thành con người kép. Nhân vật của ông luôn quằn quại với những giằng xé nội tâm gay gắt. Hình ảnh con người kép trong tiểu thuyết của Dostoevski đã mở ra cho nhân loại một thế giới mới, một cách nhìn mới về con người.

Dostoevski đi trước phân tâm học trong việc khám phá chiều sâu trong tâm hồn con người, bằng việc để cho cái tôi khác đối thoại với chính mình, đối thoại với bóng ma bằng ngôn ngữ vô thức hay những cuộc đối thoại với những kẻ song trùng phỏng nhại hóa, kẻ song trùng tương phản đó là biện pháp nhằm xây dựng nhân vật tự ý thức của mình. Kiểu nhân vật song trùng trong sáng tác của Dostoevski tồn tại nhiều dạng thức khác nhau ngay trong chính nội văn bản và ngoại văn bản. Đặc biệt sáng tác của ông là một quá trình bổ sung và hoàn tất cho công trình nghiên cứu về “con người trong con người”. Trong hai tác phẩm Tội ác và trừng phạt Anh em nhà Caramazov, kiểu nhân vật tự ý thức được lặp lại rất phổ biến, đặc biệt là nghệ thuật xậy dựng hình tượng nhân vật Ivan là dị bản của Raxcolnicov. Mặc dù, họ là những cá nhân độc lập, nhưng họ là nhân vật tư tưởng của tác giả, mang trong mình những hoài nghi về con người và thế giới cũng như chuyên chở ý niệm triết học của Dostoveski.

Trong toàn bộ sáng tác của Dostoevski là quá trình khám phá thế giới nội tâm phức tạp đầy kịch tính giữa thiện - ác trong tâm hồn trong quá trình tự ý thức của nó. M. Bakhtin đã từng nhận xét “nhân vật làm cho Dostoevski quan tâm chỉ như một quan điểm đặc biệt đối với thế giới và đối với chính nó, như một lập trường ý nghĩa và lập trường đánh giá của con người đối với bản thân và đối với thế giới xung quanh nó” 1, Tr.36. Từ tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt đến Anh em nhà Caramazov là quá trình tổng kết cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn đã mang lại những đóng góp quan trọng cho văn học, phê bình và nhiều lĩnh vực khác. Xây dựng kiểu nhân vật song trùng, hướng đến hình tượng “con người trong con người” đặt trong trường đối thoại của nó với chính nó, với thế giới xung quanh là một sáng tạo độc đáo của Dostoevski trong cấu tứ của tiểu thuyết đa thanh.

L.T.P

Lê Thị Phương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 266

Mới nhất

Niềm riêng

24/05/2025 lúc 23:47

Anh về xóm nhỏ ngày xưaTìm lại tuổi thơ ngây ngô khờ dạiNơi hai ngõ gần,

Cho con về với những tháng năm xa

24/05/2025 lúc 23:45

Cho con về với tháng năm xaLúa đã chín trên cánh đồng giông bãoMẹ gặt lúa

Tự khúc quê; Mẹ quê

24/05/2025 lúc 23:44

Tự khúc quê… Gửi tôi một cánh chuồn chuồnCủa ngày thơ dại nỗi buồn đã quaViên bi ở góc sân nhàCòn lăn về phía

Bông dủ dẻ

24/05/2025 lúc 23:40

Như cỏ dại ven đườngEm lẫn vào hương hoa đồng nộiTôi nhận ra em muộn màng để

Về sống những ngày lành

24/05/2025 lúc 23:38

Tôi sống xa quê nhưng lòng thì chưa bao giờ ngừng tâm tư về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Giữa tấp nập phố thị, tôi hay nhớ về làng, nghĩ về làng, kể câu chuyện về làng như là một cách để chữa lành sự mệt nhoài.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/05

25° - 27°

Mưa

28/05

24° - 26°

Mưa

29/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground