Trong nỗ lực sáng tạo không ngừng phấn đấu để có những tác phẩm ngang tầm với truyền thống lịch sử và công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, những năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị liên tục mở ra nhiều trại sáng tác của các loại hình văn học nghệ thuật và đã thu được nhiều thành quả rất phấn khởi. Đây là cơ hội thuận lợi để cho văn nghệ sĩ Quảng Trị bám sát cuộc sống đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt, cho ra đời những tác phẩm bằng tất cả cảm xúc chân thành cùng quê hương hồi sinh và phát triển trong thời đổi mới.
Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 43 năm ngày giải phóng huyện Triệu Phong, 25 năm ngày lập lại huyện Triệu Phong, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong đã phối hợp tổ chức Trại sáng tác ca khúc “Đất và Người Triệu Phong năm 2015”. Đây là trại sáng tác chuyên đề nhằm ca ngợi truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, hội nhập, đổi mới và phát triển của quê hương Triệu Phong trong tiến trình đi lên của quê hương, đất nước.
Trại sáng tác ca khúc “Đất và Người Triệu Phong năm 2015” thực sự là tấm lòng và tình cảm chân thành của các nhạc sĩ Quảng Trị dành cho mảnh đất nơi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng nghiệp xứ Đàng Trong, là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn và các vị cách mạng tiền bối khác, với mong muốn góp thêm một tiếng nói thiết tha của nhạc sĩ Quảng Trị trên diễn đàn văn học nghệ thuật về một miền quê luôn ghi dấu trong ký ức của bè bạn xa gần và đồng bào cả nước.
Tuy thời gian mở trại không dài, nhưng 14 tác phẩm ra đời lần này đã phản ánh chân thực hình ảnh đất và người Triệu Phong với những cảm xúc sáng tạo mới... Đây là những góc nhìn, những cảm nhận riêng của 14 nhạc sĩ thuộc Phân hội Âm nhạc Quảng Trị đối với sự đổi thay trên quê hương Triệu Phong anh hùng. Mặc dù quy mô không lớn, tuy nhiên ý nghĩa và thành quả đạt được của trại sáng tác này rất đáng được ghi nhận. Có thể nói, 14 ca khúc là 14 giọng điệu, 14 dấu ấn, 14 cái nhìn và tình cảm của 14 tác giả đối với mảnh đất và con người Triệu Phong, cũng như về lịch sử, văn hoá và truyền thống yêu nước của người dân nơi đây. Các tác giả đã bám sát chủ đề, thâm nhập thực tế, cộng với sự trải nghiệm, đồng cảm, chia sẻ, nên chỉ cần khơi gợi lại một câu chuyện, một sự tích về mảnh đất và con người Triệu Phong là đã cho ra đời một tác phẩm mang cốt cách, tâm hồn và hơi thở của cuộc sống đương đại, sống động, nhiều nội lực của đất và người nơi đây.
Nhạc sĩ Võ Thế Hùng từng bộc bạch, anh tâm đắc với câu thơ của một thi sĩ: “Ta quê hương nhưng thiếu một quê nhà”. Và cuộc đời anh may mắn là có một quê nhà Triệu Phong để thương, để nhớ. Nếu 6 năm trước, anh đã viết ca khúc “Miền quê thương nhớ” đậm chất dân ca trữ tình, da diết yêu thương, trong đó thấp thoáng bóng dáng ngôi làng Xuân Dương của anh, thì hôm nay, anh lại viết “Quê nhà” như một khúc romance với ca từ sâu sắc và giai điệu đậm chất kỹ thuật. Bài hát ngắn gọn, súc tích như khái quát lại bao câu chuyện bi tráng và hào hùng đã in vào từng thớ đất và trong tâm trí của biết bao thế hệ người Triệu Phong.
“Mạch đời cha dào dạt xứ Đàng Trong
Mạch đời con chảy trong đất Triệu Phong
Ôi lòng mẹ rưng rưng trời Ái Tử
Thương Huyền Trân xiêm áo xuống thuyền hoa”.
Trung thành với chất liệu dân ca trong tiết điệu dân vũ, nhạc sĩ Hoàng Anh đến với trại sáng tác lần này với ca khúc “Nhịp cầu chung thủy”, lời thơ Hoàng Thỉ. Ca khúc hát về những nhịp cầu được bắc qua sông trên những miền quê Triệu Phong, nhịp cầu “nối liền quê mẹ hai đầu nhớ thương”. “Nhịp cầu chung thủy” ngân lên đã chạm tới trái tim người nghe với giai điệu trữ tình, các cung bậc đặc trưng của dân ca Bình Trị Thiên cùng những nhấn nhá làm lay động lòng người.
Bằng lời thơ đằm thắm, thiết tha, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng đã viết “Yêu lắm Triệu Phong ơi” vẽ lên bức tranh lấp lánh hào quang của Triệu Phong thời Nguyễn Hoàng mở cõi, và hồ hởi, khỏe khoắn trong lao động dựng xây. Lời thơ ấy đã được nhạc sĩ Xuân Vũ phổ thành ca khúc với giai điệu sâu lắng, mênh mang nhưng không kém phần hào sảng. Ca từ và giai điệu đôi khi hòa nhập thành một niềm tự hào cao vút:
“Đồng Triệu Phong xưa đất khát hoang vu nay hai vụ lúa,
Đồng trĩu hạt, đồi xanh cây, đại ngàn gió hát
Đập Trấm miệt mài mang nước ngọt nuôi cây”.
Như một tất yếu, âm hưởng trữ tình trở thành âm hưởng chủ đạo trong các sáng tác ca khúc về Triệu Phong lần này. Nhìn chung, dù thể hiện dưới hình thức và thể loại âm nhạc nào, các nhạc sĩ đã cố gắng truyền cảm hứng từ hơi thở cuộc sống của mảnh đất, con người Triệu Phong vào trong tác phẩm của mình với khả năng phản ánh hiện thực sinh động nhất.
Về ca từ, các ca khúc đều đã phản ánh được phần nào hơi thở cuộc sống của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng và truyền thống văn hóa. Cảm xúc đó đã được thể hiện trong những ca khúc như “Về Triệu Phong” của Văn Lượng, “Ân tình Triệu Phong” của Phan Thảng, “Bích La đêm chợ đình” của Phan Thạch Hùng, “Du xuân chợ đình” của Thanh Liêm, “Triệu Phong quê mẹ của tôi” của Lê Đình Trí, “Tình trong hương lúa” của Hoàng Hữu Lộc; và có hai ca khúc viết riêng cho hai miền quê là nơi mà các tác giả muốn gửi gắm tình cảm sâu nặng của mình, đó là “Triệu Sơn quê tôi” của Trần Kiềm và “Triệu Trạch yêu thương” của Lê Phương Bắc.
Về giai điệu, các ca khúc phần lớn được viết ngắn gọn, trong sáng, khoẻ khoắn, phù hợp để dàn dựng cho đơn ca, tốp ca hoặc song ca nam nữ. Tuy nhiên, giai điệu của nhiều ca khúc còn hơi hướng chung chung, theo lối mòn, không có nhiều sự đột phá trong cách tiến hành giai điệu và âm hình tiết tấu…
Được ghi nhận trong đột phá về tiết tấu trong trại sáng tác lần này là ca khúc “Triệu bông hồng vọng mãi lời ru” của nhạc sĩ Trần Tích. Vẫn trung thành với chất liệu Chầu văn, một thể loại ca nhạc thính phòng Cung đình Huế, nhưng lần này, tác phẩm cho thấy chất Chầu văn rõ hơn, tiết tấu và ca từ cũng phù hợp với ngữ cảnh. Bên cạnh đó, hai ca khúc có ca từ và giai điệu mềm mại cuốn hút lòng người, đó là “Tháng ngày Triệu Phong” của Văn Sỹ và “Triệu Phong tình yêu mùa hoa” của Thanh Ngọc. Điều ghi nhận ở Thanh Ngọc và Văn Sỹ trong sáng tác lần này là đã dày công hơn trong việc viết ca từ. Ca từ của hai anh đậm chất thơ, giai điệu cho thấy có sự tìm tòi, suy nghĩ. Khi nghe Văn Sỹ hát: “Đường về Triệu Phong ngát hương lúa vàng/ Vọng lời nhặt khoan ru đời mênh mang” hay khi nghe Thanh Ngọc viết: “Ngập ngừng ánh mắt cánh môi thơm/ Ngỡ làn hương mùa hoa lúa trao/ Giọt mồ hôi má em trưa hè/ Thành mùa hoa vàng như ánh sao” thì thấy quê hương Triệu Phong đẹp lung linh trong từng nốt nhạc.
Chúng ta đều hiểu rằng, sáng tạo nghệ thuật luôn có sự đòi hỏi khắc nghiệt về tính độc đáo và không chấp nhận sự lặp lại. Viết về một mảnh đất, như là một “địa phương ca” dễ tạo nên sự lặp lại, nhất là về ca từ, do vậy đây là một áp lực đối với các nhạc sĩ. Đối với địa phương ca, khác biệt không nằm ở chỗ ca khúc có địa phương hóa được các địa danh hay không… mà ở chỗ thưởng thức, nghĩa là khán giả có hình dung được hồn đất, hồn người của từng địa phương trong ca khúc hay không? Điều đó cho thấy những tên gọi địa lý mới chỉ là cái vỏ vật chất của một vùng miền. Điều quan trọng là người nhạc sĩ phải tìm ra cảm xúc và diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật của mình cái “hồn vía lịch sử”, cái “tâm thức văn hóa” đặc trưng của cộng đồng dân cư nơi đó.
Vẫn biết địa danh là “căn cước” của một vùng đất, là những tên gọi không thể thiếu trong ca từ của một bài hát địa phương ca. Nhưng nếu hình dung những ca khúc nào viết về Triệu Phong cũng vang lên những địa danh nổi bật như Bích La, Ái Tử, Thạch Hãn, Vĩnh Định… một trại sáng tác gồm toàn những ca khúc như vậy thì người nghe sẽ nhàm chán. Cho nên, chúng ta cùng thấy rằng trong tâm thức người Triệu Phong không chỉ có những dòng sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, những chợ đình Bích La, chợ Cạn… không chỉ là những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát hay một vùng quê nào đó… mà trong tâm hồn người Triệu Phong ắt phải có cả yếu tố văn hóa truyền đời của vùng miền, có cả vị thế lịch sử xác lập kiên trì, bền vững qua bao mồ hôi, máu lửa, nước mắt, nụ cười; những khát vọng dịch chuyển đổi đời qua bao thế hệ, và cả những phận người trên quê xứ. Nói vậy để thấy rằng: Trại sáng tác ca khúc “Đất và Người Triệu Phong năm 2015” đã làm được điều đó, đã biết tư duy hình tượng văn học sâu sắc hơn, đã biết khai thác chất liệu âm nhạc mới lạ hơn, để tạo nên một xung lực mới trong lĩnh vực sáng tác về mảnh đất và con người của một địa phương.
Dĩ nhiên, không thể nào gói ghém được tầm vóc lớn rộng của đề tài Triệu Phong địa linh nhân kiệt vào trong chiếc áo hạn hẹp của một trại sáng tác. Vẫn còn đó những món nợ lòng về đề tài, về cảm xúc đối với Triệu Phong mà các nhạc sĩ canh cánh riêng mang. Còn nợ thì hẳn còn duyên. Trại đã kết thúc nhưng âm ba các ca khúc còn xao động sóng lòng. Trái tim của các nhạc sĩ, như một thứ quán tính không cưỡng nổi của ký ức, vẫn thường xuyên quay về với đất này, hay nói như Chế Lan Viên “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Vậy xin được hẹn có ngày tái ngộ với Triệu Phong để mở ra những trại nhạc mới.
Ca khúc về Triệu Phong không nhiều, nhưng mỗi lần nghe là mỗi lần tâm hồn ngập tràn cảm xúc về tình đất, tình người và qua đó tình yêu cuộc đời cũng như được nhân lên, bồi đắp. Chúng tôi hy vọng rằng, 14 ca khúc trong trại sáng tác lần này khi lan tỏa theo thời gian cũng có được niềm thăng hoa cảm xúc đó.
V.T.H