TCCV Online - Người Tà Ôi gọi cây đùng đình là Pârđin, loại cây này có mặt hầu khắp ở vườn rừng lẫn vườn nhà của họ. Trước đây, cây Pârđin mọc nhiều ở các nương rẫy, rừng rậm sau dần dần do biết được công dụng của cây này nên họ đem về trồng quanh nhà với nhiều mục đích: làm cây cảnh, làm hàng rào, khai thác nguồn nước từ thân cây, làm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Từ đó trở đi và cho đến tận ngày nay cây đùng đình có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Tà Ôi.
Cây đùng đình hiện nay trên địa bàn cư trú của người Tà Ôi hiện có hai loại:
- Cây đùng đình bụi, tên khoa học là Caryota mitis, thuộc họ Cau - Arecaceae. Đây là một loại cây thường mọc hoang dại, ít ai trồng. Chúng mọc được trên nhiều loại đất ẩm và có mặt khắp các vùng sinh thái từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo. Khả năng tái sinh của cây đùng đình bụi là rất mạnh. Do khả năng sản sinh hạt lớn, một bụi đùng đình trưởng thành có thể nhân giống tự nhiên đến hang trăm cây con trên mảnh đất hoang vài trăm mét vuông, đủ ẩm, không người kiểm soát, loại cây này có độ cao từ 3 - 4m.
- Cây đùng đình núi mọc đơn độc từng cây một, không thành bụi, thường mọc nhiều ở vùng núi mà đặc biệt vùng Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Cây đùng đình núi còn có nơi gọi là móc, với tên khoa học là Caryota urens. Đây là một loài thân cột to lớn, có thể cao đến 10 - 15m, đường kính thân từ 40 - 50cm. Lá kép lông chim, có lá chét xẻ thùy hình tam giác, mép ngoài dài hơn mép trong, có răng cưa không đều ở phía trước. Cụm hoa ở nách lá, thành bông mo phân nhánh, dài 30 - 40cm. Quả hình cầu lõm, đường kính 12 - 15cm, màu đỏ nâu khi chín, có vỏ ngoài hơi dày, vỏ quả trong có hạt ngọt. Buồng quả thõng, dài tới 2 - 3cm.
Do hiện hữu rộng khắp vùng người Tà Ôi gần gũi thân thiết hằng ngày mỗi khi người Tà Ôi đi nương rẫy, đi rừng cho nên cây đùng đình cũng tạo nên một mối quan hệ khá đặc sắc với cuộc sống đời thường của nhiều tộc người như Tà Ôi, Pacô, Pahy, Cơtu và Bru - Vân Kiều ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Lúc đầu người Tà Ôi dùng lá, thân, bùi nhùi khô của cây đùng đình tạo lửa đỏ mà người Tà Ôi gọi là pết puy, họ tận dụng các bộ phận của cây đùng đình để làm chất đốt, dùng để nấu ăn, đốt rẫy. Về sau người Tà Ôi qua kinh nghiệm nên họ đã biết tạo nên nét văn hóa dân gian đặc sắc cho cộng đồng mình qua nhiều nội dung, nhiều đề tài khác nhau trong đời sống văn hóa vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần.
Lá đùng đình được người Tà Ôi dùng để lợp nhà ở, nhà kho, nhà ma. Khi có lễ hội thì họ hái lá về trang trí ở các cổng làng, nhà Rông, chặn lối vào làng…
Ngoài ra lá đùng đình còn được người Tà Ôi sử dụng là chổi quét nhà, quét sân vườn. Treo lá đùng đình trước cổng nhà, hiên nhà, ở bếp, ở suối, ở bến nước, ở chuồng gia súc, gia cầm, treo ở nhà kho, ở rẫy để trừ ma quỷ, trừ điều xấu và những chuyện ô uế khác.
Thân lõi ruột non của cây đùng đình được người Tà Ôi chế biến thành các món ăn đó là luộc để chấm với muối giã ớt trái xanh. Khi hạ cây đùng đình xuống, chẻ thân cây ra làm hai, ngang buồng trái của nhưng cây sắp nở buồng, móc lấy lõi ra sẽ thấy có màu trắng ngà rất đẹp, đem ruột đó luộc nhừ, bỏ đi nước chát đắng, cắt khúc ra ăn với muối ớt thì nghe có mùi bùi và béo.
Cũng từ lõi ruột non đó người Tà Ôi lại chế biến món gỏi đùng đình hấp dẫn. khi lõi còn tươi non, cắt nhỏ ra luộc sơ qua rồi bào mỏng, trộn với gia vị như ớt, muối, mỡ động vật trộn đều rồi ăn.
Lõi đùng đình còn được nhiều người lấy ra phơi cho khô rồi nướng trong than hồng sau đó chấm muối để ăn có mùi vị thơm và bùi gần giống như nướng đọt mây vậy.
Hạt đùng đình có những buồng cây trái to bằng ngón chân cái người lớn thì chất bột bên trong rất nhiều và dày, nhiều lúc giáp hạt thì được bà con Tà Ôi nướng trong than hồng cho cháy hết vỏ rồi lấy hạt ra để ăn. Hoặc đập vỡ hạt, nghiền nát nặn thành bột để làm bánh ăn cũng vượt qua được những ngày đói kém.
Đối với chồi non của đùng đình được hái xuống và bào mỏng trộn chung với các loại rau sống như cải, hoa chuối để ăn sống chấm với nước mắm cá với ớt trái tươi hoặc những hạt tiêu rừng thì có món ngon và cay xé lưỡi. Món này rất thích hợp với những người làm công việc nặng nhọc.
Nếu như có nhiều gia đình không thích món ăn rau sống trên thì họ sử dụng chồi non đùng đình này để nấu canh. Cắt mỏng từng lát có chiều dài bằng ngón tay út trẻ em, sau đó um với cá suối hoặc cua, ốc cho thấm rồi chêm nước nhiều vào nồi, cho lửa đỏ mạnh để chồi non nhanh chín. Nêm gia vị thật nhiều như muối, ớt, hành và tiêu để bão hòa độ đắng của chồi non với cá, nước canh cùng gia vị.
Đồng bào Tà Ôi còn sử dụng cây đùng đình như một nguồn nguyên liệu để làm thức uống truyền thống đó là thứ rượu đùng đình (Riêu Pârđin), loại rượu này tương đương với rượu đoác (Arenga saccharifera) hay rượu tà vạt mà cả người Tà Ôi lẫn người Cơtu hay làm. Rượu đùng đình được trích từ dịch đường của buồng hoa chưa nở của cây đùng đình núi qua lên men với một ít vỏ cây chuồn.
Cách thức làm rượu này qua các công đoạn cũng giống như rượu đoác và rượu tà vạt. Vì cây đùng đình thân nhỏ và khá thấp nên việc khai thác nước cũng có nhiều thuận lợi là không cần làm thang leo, không làm giàn để đứng khi khai thác mà chỉ cần 1 chiếc ghế nhỏ hoặc 1 khúc gỗ tròn để làm vị thế đứng của người lấy nước, 1 con dao nhỏ rạch các bẹ lá và buồng hoa chưa nở rồi móc các ống đựng nước vào vị trí mới rạch, có bắc thêm một tấm máng nhỏ bằng ống lồ ô chẻ đôi để dẫn nước từ bẹ, buồng hoa về ống đựng nước.
Sau một ngày là có thể dồn số lượng nước đã lấy được từ nhiều cây đùng đình khác rồi đem về bỏ vỏ chuồng vào và ngâm ủ đợi thành rượu sau 3 ngày là có thể uống được.
Loại rượu này uống rất nặng mùi, đắng và mau say. Cho nên, rượu chỉ dùng trong một số người già, người lao động chân tay để chống mỏi sau một ngày làm việc vất vả.
Vào những dịp lễ hội truyền thống, những ngày tết, đám tiệc, tang ma, cưới hỏi thì người Tà Ôi xen rượu đùng đình là một loại rượu truyền thống có giá trị. Vào dịp áp tết, nhiều gia đình Tà Ôi bán loại rượu này cho dân trong vùng để có hương vị vui trong mấy ngày nghỉ ngơi.
Chính những món ăn, thức uống này mà đã giúp người Tà Ôi có bữa ăn ngon cơm, lạ miệng, bồi bổ sức khỏe.
Quả đùng đình rất ngứa nhưng được trẻ con Tà Ôi chọn đó làm trò chơi trong những ngày hè. Bọn chúng hái xuống, chà xát vào người nào đó thì ngứa gãi làm thành trò hề, con gà ăn vào ngứa cổ thì gáy vang cả làng tạo sự tò mò lạ lẫm cho những người già.
Ngày nay, những cây đùng đình bụi lẫn những cây đùng đình núi vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở trên các cánh rừng, vườn nhà của người Tà Ôi là nguồn sinh vật cảnh quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ vốn văn hóa truyền thống của tộc người. như vậy cùng với cây đoác, cây tà vạt thì cây đùng đình của người Tà Ôi đã ăn sâu vào trong đời sống văn hóa vật chất là những món ăn, thức uống, vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Còn trong đời sống văn hóa tinh thần thì cây đùng đình cũng là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân dệt dzèng gửi gắm vào trang phục những loại hoa văn thực vật trong đó có hoa văn ala pârđinh là cây đùng đình trên nền vải dzèng rực rỡ.
Như vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển, người Tà Ôi cũng đã biết sáng tạo để thích nghi, biết lấy thiên nhiên để phục vụ mình và hình ảnh cây đùng đình nói trên là một thí dụ điển hình.
T.N.K.P
Nguồn- TCCV