Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khởi sắc Vĩnh Ô

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, từ những chắt chiu trong cuộc sống thường ngày, cần cù trong lao động, học hỏi, áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh đã mang đến những đổi thay về vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô và từng bước đưa nơi này thoát dần những khó khăn đeo đẳng bao đời.

Giống chuối Thái Lan trông theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Cây Tăm phát triển xanh tươi - Ảnh: P.L

Giống chuối Thái Lan trông theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Cây Tăm phát triển xanh tươi - Ảnh: P.L

Giảm nghèo bền vững nhờ chính sách đúng

Từ thành phố Đông Hà, chúng tôi vượt hơn 100 km qua con đường độc đạo ngoằn ngoèo đèo dốc để đến với mảnh đất Vĩnh Ô. Chừng hơn mười giờ sáng nhưng trên những khúc đường cheo leo sương núi vẫn đặc quánh là đà bay. Như đã hẹn trước, chúng tôi được Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Đàn tiếp chuyện cởi mở rằng, xã Vĩnh Ô hiện có 376 hộ với 1.457 nhân khẩu và đồng bào Vân Kiều chiếm tới 96,8%. Trong 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh (Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê) thì Vĩnh Ô là xã nằm ở vị trí xa xôi gần như biệt lập nên còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn cây, con giống trong đầu tư sản xuất nông nghiệp... Nhưng nhiều năm trở lại đây nhờ vào những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trên địa bàn xã Vĩnh Ô nói riêng đã có nhiều khởi sắc.

Đồng bào Vân Kiều không phải không biết đến kỹ thuật canh tác sản xuất nông nghiệp, kỹ năng trong chăn nuôi theo hướng “hiện đại”, mà họ cần có thời gian tiếp cận, vừa làm vừa điều chỉnh, vừa đúc rút kinh nghiệm để thành thạo, quen việc. Thực tế, qua những lớp tập huấn kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi… bà con Vân Kiều ở Vĩnh Ô đã tiếp thu được kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, nhất là trong hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp. Và để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo ở cơ sở, công tác tập huấn, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia được xem là khâu then chốt. Bởi nó sẽ tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội và phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với những khó khăn hiện tại ở địa phương không phải là trở ngại lớn lao trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bởi đồng bào luôn tin tưởng vào những chính sách của Đảng, Nhà nước. Tại Vĩnh Ô, bên cạnh những chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước cho đồng bào vùng núi thì các dự án đầu tư hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo của các ban ngành đoàn thể ở địa phương trong tỉnh đã được triển khai kịp thời đến người dân… Nhờ đó, từ một xã gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo từ 40 - 50% những năm trước, nhưng đến thời điểm cuối 2023 tổng số hộ nghèo trên toàn xã chỉ còn 94 hộ, chiếm 25%.

Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Đàn cũng chia sẻ thêm, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với những chủ trương chính sách khác đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế. Thương mại dịch vụ phát triển, kinh tế nông nghiệp phát triển đa dạng, đời sống vật chất tinh thần đồng bào được nâng lên. Hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt được chú trọng đầu tư. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân để thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Thành lập Hợp tác xã VietGAP đầu tiên

Được chỉ dẫn, giới thiệu của Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Đàn, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Cây Tăm (thôn Cây Tăm, xã Vĩnh Ô), do ông Hồ Văn Tốt người dân tộc Vân Kiều làm giám đốc và cũng là Bí thư Chi bộ thôn. Hợp tác xã được thành lập từ cuối tháng 3 năm 2023. Không phải ngẫu nhiên mà ông Tốt được người dân tin yêu, quý trọng và tín nhiệm giao giữ nhiều công việc quan trọng ở thôn Cây Tăm, mà đó là quá trình hoạt động trong xây dựng cuộc sống gia đình cũng như đóng góp công sức trong xây dựng cộng đồng, bản làng phát triển. Từ một hộ gia đình khó khăn, vất vả chạy ăn từng bữa ở mảnh đất nghèo khó Vĩnh Ô, ông Tốt luôn cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên làm giàu. Cùng với tính tình hiền lành, chất phác, thương đồng bào mình đang còn khó khăn nên ông thường chia sẻ những thành công của mình cũng như tuyên truyền, vận động người dân cùng làm theo. Hiện, hộ gia đình ông Tốt có 4 héc-ta đất trồng tràm keo, lúa nước, chuối và đàn gia súc lớn với 12 con trâu, bò...

Chúng tôi hỏi ông Tốt về những thành công bước đầu cũng như những dự định gì trong phát triển kinh tế hộ gia đình và Hợp tác xã Nông nghiệp Cây Tăm trong thời gian tới? Ông Tốt đưa tay xoa xoa lên trán rồi nở nụ cười hiền và trải lòng: Để có được những thành quả trong lao động, sản xuất vươn lên làm giàu thì mỗi cá nhân, tập thể không những cần cù, chăm chỉ mà phải biết học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và chắt chiu trong cuộc sống... So với ngày trước thì bây giờ điều kiện thuận lợi hơn nhiều nên phải chịu khó làm ăn để thoát nghèo. Thiếu vốn thì ngân hàng cho vay ưu đãi, ngoài ra Nhà nước còn hỗ trợ cây, con giống, phương tiện, công cụ cho đồng bào sản xuất, kinh doanh... Cái gì chưa biết thì mình tìm cách học hỏi, cái gì biết rồi thì phải mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm...

Ông Tốt tiết lộ thêm rằng, ban đầu được đề cử làm giám đốc Hợp tác xã thì không dám nhận vì xem trên tivi, giám đốc họ toàn mặc áo đẹp, đi họp hành, quản lý nhiều người... Nhưng sau đó được chính quyền địa phương, gia đình động viên, giải thích thì hiểu ra và cùng bà con chung tay nỗ lực phấn đấu để đưa Hợp tác xã ngày càng phát triển đi lên.

Hợp tác xã Nông nghiệp Cây Tăm có 8 thành viên, chuyên trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án này thuộc kế hoạch nghiên cứu thử nghiệm vùng sản xuất chuối tại 3 xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh theo Đề án số 2050/ĐA-UBND ngày 12/11/2021 của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giai đoạn 2021 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện dự án tại thôn Cây Tăm gần 365 triệu đồng, trong đó ngân sách từ huyện hỗ trợ hơn 343 triệu đồng, người dân đối ứng 21 triệu đồng. Hợp tác xã trồng giống chuối tây Thái Lan, chuối sứ Thái đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi xuống giống chỉ từ 10 - 12 tháng thì có thể cho thu hoạch và khai thác liên tục trong vòng 5 - 7 năm mới phải trồng lại. Đến thời điểm hiện tại, hợp tác xã đã trồng được hơn 2,8 héc-ta trên 6 tháng tuổi, cây phát triển rất tốt, dự báo chuối cho năng suất cao.

Đi dưới những hàng chuối xanh mát kéo dài tít tắp, ông Hồ Văn Sanh, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Cây Tăm thổ lộ thêm, khi bắt đầu san đất đào hố để trồng thấy cây chuối nhỏ nhoi cũng hơi e ngại, nhưng qua một thời gian chăm sóc thì chuối phát triển tốt, cao ngang người lúc nào không hay. Một số hộ dân thấy giống chuối phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên trồng thêm và bây giờ diện tích trong thôn đã hơn 3 héc-ta rồi…

Niềm hy vọng của ông Tốt, ông Sanh, ông Luân, chị Ngủi, chị Phương… được di dưỡng từng ngày qua màu xanh ngút ngàn của chuối làm chúng tôi vui theo và không muốn rời đi dù trong cái nắng cuối tháng sáu vẫn còn gay gắt. Việc hình thành vùng sản phẩm rất có ý nghĩa đối với đồng bào, đặc biệt là đồng bào Vân Kiều ở Vĩnh Ô, Vĩnh Linh. Từ diện tích chuối này sẽ tạo nên vùng sản phẩm chuối chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho thị trường nông sản trong tương lai.

HOÀNG LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 369

Mới nhất

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

11 Giờ trước

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024

17/12/2024 lúc 00:02

TCCVO - Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối

Ấn tượng không gian văn hóa và ẩm thực truyền thống các dân tộc

16/12/2024 lúc 22:11

(TCCVO) Sáng ngày 16/12, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày chế biến, giới thiệu ẩm thực truyền thống; hướng dẫn giới thiệu điểm du lịch cộng đồng trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/12

25° - 27°

Mưa

23/12

24° - 26°

Mưa

24/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground