Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trường Sơn những ngày đầu mở lối

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết. Theo đó, Việt Nam tạm chia thành hai miền, lấy sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Điều 1 của Hiệp định quy định rõ: “Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ để lực lượng của hai bên sau khi rút lui sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến ...”.

Cụ thể trên thực địa, giới tuyến quân sự tạm thời được ấn định:“Cửa sông Bến Hải (sông Cửa Tùng) và dòng sông đó (trong vùng núi sông này gọi là sông Rào Thành) cho đến làng Bồ-hồ-sư, rồi vĩ tuyến Bồ-hồ-sư cho đến biên giới Lào - Việt”(1). Như vậy, với việc vạch giới tuyến quân sự tạm thời và Khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17, không chỉ đất nước bị chia đôi, tỉnh Quảng Trị bị chia cắt mà ngay cả một huyện là Vĩnh Linh, thậm chí đến một xã (Vĩnh Sơn) cũng bị chia. Đi kèm với sự chia cắt về địa giới, nhiều gia đình ở Vĩnh Linh, nhất là những gia đình ở dọc hai bên sông Hiền Lương cũng lâm vào cảnh chia ly. Không kể số cán bộ và đồng bào miền Nam (chủ yếu ở Trị - Thiên) tập kết, ở Vĩnh Linh còn hơn 300 gia đình có người thân, 60 gia đình có ruộng đất và nhiều gia đình có mồ mả bên bờ Nam. Nỗi đau chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình. Vì vậy, khát vọng thống nhất đất nước của người dân trên mảnh đất này cũng mãnh liệt hơn bất cứ nơi đâu.

Nhân dân Hướng Lập tham gia cắm chông chống địch đổ bộ đường không để bảo vệ tuyến đường những năm 1960 - Ảnh: T.L

Nhân dân Hướng Lập tham gia cắm chông chống địch đổ bộ đường không để bảo vệ tuyến đường những năm 1960 - Ảnh: T.L

Lợi dụng sự thay đổi tương quan lực lượng sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ra Bắc, kẻ địch ngay lập tức tiến hành khủng bố lực lượng cách mạng. Với phương châm “Tiêu diệt cộng sản không thương tiếc”, “tiêu diệt cộng sản tận gốc”,... Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây ra hàng loạt vụ tàn sát, làm cho cách mạng miền Nam tổn thất nghiêm trọng(2). Ở Quảng Trị cuối năm 1954, sau khi thực hiện xong việc chuyển quân tập kết, số đảng viên còn lại là 8.400. Cuối năm 1957, toàn tỉnh chỉ còn 306 cán bộ, đảng viên (nghĩa là chỉ còn hơn 3,6% đảng viên so với trước đó)(3). Tính đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết hại khoảng 68.800 cán bộ, đảng viên, bắt giam 466.000 người và tra tấn thành thương tật 680.000 người.

Không còn con đường nào khác, cách mạng miền Nam, nhân dân miền Nam phải đứng lên để cứu lấy mình. Nghị quyết 15 (1959) ra đời là một tất yếu nhằm đưa cách mạng miền Nam tiến lên bằng hình thức đấu tranh vũ trang. Với vai trò là căn cứ địa của cách mạng cả nước, miền Bắc sẽ đóng vai trò hậu phương lớn, hỗ trợ cách mạng miền Nam tiến lên. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chuyển tải được sức mạnh từ hậu phương miền Bắc đến với cách mạng miền Nam? Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Ngày 19/5/1959, Đoàn vận tải quân sự đặc biệt ra đời (Đoàn 559) do thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn sẽ tổ chức Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn 559 đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động.

Để chuẩn bị mở đường, đồng chí Võ Bẩm đã vào Hồ Xá, làm việc với Khu ủy Vĩnh Linh và đại diện Liên khu ủy Khu 5. Qua khảo sát, Đoàn quyết định chọn Khe Hó thuộc xã Vĩnh Hà, ở tây nam Vĩnh Linh, cách thượng nguồn Rào Thanh chừng 2km, làm điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao điểm mở đầu con đường chi viện chiến lược lại nằm quá gần giới tuyến quân sự tạm thời và Khu phi quân sự đến như vậy? Mặt khác, dù ở khu vực miền núi, dân cư thưa thớt nhưng Khe Hó cũng chỉ cách Quốc lộ 1 chưa đầy 20km đường chim bay. Hồi ký của Võ Bẩm dù tường thuật khá kỹ công tác khảo sát chọn địa điểm nhưng không có sự giải thích về quyết định này(4). Theo chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này của Đoàn 559. Một là, tháng 8/1954, khi quy hoạch giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự, Ban Liên hiệp chiến trường Bình Trị Thiên chỉ quy hoạch giới tuyến từ Cửa Tùng lên đến Bến Tắt (vị trí Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn hiện nay) mà không phải chạy hết toàn tuyến từ biển lên đến biên giới Việt - Lào. Khu phi quân sự cũng chỉ được thiết lập tương ứng với đoạn giới tuyến được quy hoạch. Nghĩa là, Khe Hó đã nằm ngoài và nằm trên đỉnh của Khu phi quân sự. Hai là, vì lý do trên nên phía chính quyền Sài Gòn chỉ đóng đồn cảnh sát kiểm soát giới tuyến từ Cát Sơn lên đến Bến Tắt và từ khu vực này vào đến đường 9 được gọi là công hoang quốc gia. Do đó, việc vượt giới tuyến sẽ tương đối dễ dàng, chỉ cho đến khi qua đường 9, Đoàn 559 mới vấp phải sự kiểm soát chặt chẽ của đối phương(5). Ba là, từ địa điểm này, Đoàn 559 kế thừa được những kinh nghiệm vượt sông Hiền Lương và những tuyến đường dây liên lạc mà Khu ủy Vĩnh Linh và Tỉnh ủy Quảng Trị đã thực hiện trong những năm trước đó(6). Bốn là, địa điểm chọn làm hậu cứ và vượt giới tuyến của Đoàn 559 không thể xa hơn về phía Tây, lên gần đến biên giới Việt - Lào bởi những năm 1958 - 1959 tình hình vùng đất Hướng Lập chưa ổn định. Nguyên thuộc Hướng Hóa nhưng do việc quy hoạch giới tuyến không đầy đủ nên Hướng Lập bị “bỏ quên” khiến vùng đất có vị trí trọng yếu, vừa tiếp giáp miền Nam vừa có chung đường biên giới với Lào lúc này hầu như không có bên nào quản lý. Do vậy, đây là thời điểm mà Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ phái hữu vương quốc Lào đang lấn chiếm quyết liệt vùng đất Hướng Lập.

Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó phát triển về hướng tây nam vượt các đỉnh 1001, 1600, qua đỉnh 1701 (động Voi Mẹp), Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường số 9, qua Đá Bàn vào Tà Riệt. Điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Phương châm hoạt động của Đoàn là “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Để đảm bảo hóa trang giống như nhân dân vùng tạm chiếm, được sự hỗ trợ hết lòng của Khu ủy Vĩnh Linh, toàn Đoàn được trang bị hơn 1.000 bộ quần áo bà ba, 600 đôi dép lốp...

Trên cơ sở khảo sát, toàn tuyến được bố trí làm 9 đội - tương ứng với 9 trạm. Quân số mỗi đội giảm dần từ đội đầu đến đội cuối cùng. Đội đầu có 60 cán bộ, chiến sĩ. Đội cuối 30 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đội tổ chức một chi bộ. Chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn 301 đứng ở trạm 5 và trạm 6 trực tiếp chỉ huy toàn tuyến, tại đây bố trí một máy vô tuyến điện và hai tổ trinh sát kiêm bảo vệ, liên lạc. Vô tuyến điện của Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn chỉ được làm việc với vô tuyến điện Chỉ huy sở Lữ đoàn 341 ở Vĩnh Linh. Để hỗ trợ cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tổng tham mưu quyết định tăng cường cho Đoàn ba trung đội trinh sát bảo vệ lấy từ Lữ đoàn 341. Ba trung đội này đảm trách những cung, chặng trọng yếu nhất (trạm 3 - trạm 4, trạm 5 - trạm 6 và khu vực Đakrông - Đá Bàn - Ly Tông - Tà Riệt).

Để bảo đảm bí mật, việc giao nhận hàng giữa các trạm được quy định theo ký, tín hiệu, mật khẩu. Riêng giao nhận hàng giữa trạm 5 và trạm 6 (qua đường số 9) phải tiến hành vào ban đêm. Lối vượt đường số 9 cũng phải luôn luôn thay đổi, tập trung từ Cà Lu đến Khe Sanh (km 41 đến km 61).

Ngày 20/8/1959, sau 8 ngày vận chuyển (tương ứng với 8 cung đường), chuyến hàng đầu tiên xuất phát từ Khe Hó (gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường) đã được Đoàn 559 chuyển tới Tà Riệt an toàn. Đồng chí Nguyễn Vạn - Thường vụ Liên khu ủy, đại diện Liên khu ủy khu 5 cùng một số cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi và xúc động khi tiếp nhận số hàng này; vì họ biết mỗi khẩu súng, viên đạn đến được nơi này là tình dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của quân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Phát huy thắng lợi chuyến đi đầu tiên, đồng thời tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn Đoàn nỗ lực chuyển hàng và dẫn quân qua tuyến. Đến hết tháng 8/1959, Đoàn 559 đã chuyển giao cho Liên khu 5 được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.

Kết thúc năm 1959, Đoàn đã chuyển vào Tà Riệt - Pa Lin 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, súng trường, tiểu liên, súng ngắn... và một số quân dụng thiết yếu khác giao cho Liên khu 5. Một phần trong số đó được Liên khu 5 chuyển tiếp vào phía trong để trang bị cho các đơn vị vũ trang tự vệ vừa thành lập ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Trung Bộ. Cũng theo tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn, đến cuối năm 1959, đã có 542 cán bộ, chiến sĩ gồm phần lớn là cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội, cán bộ kĩ thuật quân khí vào làm nhiệm vụ ở miền Nam, trong đó có 515 người vào Liên khu 5 và 27 người vào Nam Bộ. Những cán bộ, chiến sĩ này đã tham gia ngay vào việc thành lập các tiểu đoàn, đại đội bộ đội tập trung ở Liên khu 5 và Nam Bộ...(7)

Dù đã hết sức đảm bảo bí mật, song điều kiện hoạt động gian khổ trong tình hình địch đẩy mạnh tấn công cách mạng miền Nam, sau những thành công ban đầu, tháng 10/1959, tuyến đường bị đối phương phát hiện(8). Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ dọc Đường 9 và sang giữa năm 1960, chính quyền Sài Gòn triển khai kế hoạch “quy dân lập ấp”, gom toàn bộ đồng bào Vân Kiều từ giới tuyến đến Đường 9 vào trong ấp Khe Kiều và ấp Ba Trăng (nằm ở km 29 và km 31 của Đường 9). Trong những trận càn này, để bảo vệ an toàn của tuyến đường, nhiều người con đã anh dũng ngã xuống, như già Nường, già Riêu, vợ chồng anh Lâm Pàng,…

Trước tình hình đó, Đoàn 559 lùi Sở Chỉ huy ra Làng Ho (Quảng Bình), tiếp tục “xoi đường”, men theo đỉnh Trường Sơn, vào Tà Rụt, tây Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, tuyến đường này không thể vận chuyển quy mô lớn và thường xuyên bị gián đoạn. Do đó, để đảm bảo hành lang an toàn cho tuyến đường hoạt động, trên cơ sở đề nghị của phía cách mạng Lào, việc mở rộng vùng giải phóng dọc biên giới hai nước được đặt ra. Thực hiện quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, Khu Công an Nhân dân Vĩnh Linh tổ chức một đội công tác phối hợp với Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) sang giúp bạn. Tối 17/3/1960, ta nổ súng đồng loạt tấn công và nhanh chóng tiêu diệt các vị trí Ra Cồ, Ra Mai, Na và Chiềng Túp. Thắng lợi này đã mở rộng tuyến hành lang biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện cho cách mạng Lào xây dựng và củng cố các cơ sở, phát triển lực lượng.

Tiếp theo, phát huy những thắng lợi đã đạt được, ngoài Trung đoàn 101, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tăng cường Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 95), một đại đội cao xạ và một số đơn vị bảo đảm phối hợp với một tiểu đoàn Pa-thét Lào tiến đánh các vị trí địch ở khu vực Đường 9, như tài xén Pabang, Xieng Hom, chiếm thị trấn Mường Phìn, Sê Pôn, Thà Khống, đập tan tuyến phòng thủ dài hơn 100 km của địch, góp phần mở rộng vùng giải phóng của Lào ở tỉnh Savannakhet xuống Sê Kông, nối căn cứ kháng chiến của Việt Nam ở phía tây tỉnh Quảng Nam với tây tỉnh Quảng Bình. Hành lang của tuyến vận tải Trường Sơn được nối lại. Tuy nhiên, sự đánh phá của địch cùng với yếu tố địa hình hiểm trở khiến hiệu quả vận chuyển của Đoàn 559 trong năm 1960 không cao. Kết thúc năm, Đoàn chuyển giao cho Liên khu 5 được 30,6 tấn vũ khí, đạn và hàng quân dụng (trong tổng số hàng bao gói xuất tại kho hậu cứ là 50 tấn). Hàng chục tấn gạo, muối được gùi cõng vào tuyến, bảo đảm cho Đoàn và cứu đói cho dân 1.808 cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân vào miền Nam.

Qua đầu năm 1961, triển khai cuộc “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường xây dựng tuyến phòng thủ Đường 9 và phối hợp với quân Chính phủ phái hữu vương quốc Lào mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn dọc theo Đường 9 đánh vào một số căn cứ của ta và bạn trên hành lang đông Trường Sơn, khiến hoạt động trên tuyến hành lang cũ gần như ngưng trệ. Trong khi đó, nhu cầu của chiến trường ngày càng cấp thiết, nóng bỏng. Một thuận lợi lúc này là sau khi giải phóng được vùng rộng lớn đông Sê Pôn kết nối với bắc Hướng Hóa và Vĩnh Linh, ta đã xóa được mối uy hiếp thường trực đối với địa bàn tây nam của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đồng thời nhổ được “điểm nghẽn” trên con đường chi viện cách mạng miền Nam vốn đang bị bế tắc bởi các chiến dịch càn quét của chính quyền Sài Gòn dọc biên giới. Do đó, trên cơ sở đề nghị của Đoàn 559, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tỉnh ủy Savannakhet, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất chủ trương mở đường vận chuyển chiến lược sang phía tây Trường Sơn.

Việc chuyển hướng vận chuyển chiến lược sang Tây Trường Sơn(9) không chỉ tạo ra thế và lực mới cho cách mạng hai nước, mà còn là hành động cao đẹp thể hiện ý chí quyết tâm cao của hai Đảng và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho hai dân tộc. Đây chính là bước ngoặt quyết định trong quá trình phát triển của tuyến đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Hướng Lập trở thành bàn đạp chiến lược của công tác chi viện cách mạng miền Nam, bởi đây chính là con đường ngắn nhất để xuống Đường 9, Sê Pôn, vươn dài vào chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Campuchia.

Ngày 14/6/1961, tuyến đường mới chính thức bước vào hoạt động. Tuyến bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592) đi ngang qua động Vàng Vàng, bản A Chóc, vượt biên giới sang bản Tà Ha - cao điểm 1034 (đất bạn), xuôi xuống bản Tà Lăng, qua Cha Ky, vượt sông Sê Pôn, đường số 9 (vùng Bản Keng), men theo phần cao điểm 549, qua Sa Đi, Mường Noọng tới La Hạp. Chỉ sau hơn một năm, từ Hướng Lập, ta đã có thể mở được nhiều tuyến khác nhau để xuống Đường 9, hoặc men theo sông Sê Băng Hiêng xuống Sê Pôn hoặc cắt rừng vào Bản Đông, với quy mô ngày càng lớn. Tài liệu của chính quyền Sài Gòn ghi nhận:“Đối với các đơn vị chính quy Việt Cộng vào Nam thì đi từ Đồng Hới vào Vĩnh Linh, hoặc từ Đồng Hới đi thẳng vào vùng sơn cước Vĩnh Linh, theo hướng ChaLi, Cobai vào Nam trên hai trục: Cobai-Vilco-Bản Đông hoặc Cobai-Bản Na-Tchepone”(10). Tuy nắm rõ các tuyến đường xâm nhập nhưng việc ngăn chặn của đối phương “có thể nói ngay là không có hiệu quả mấy”(11). Trong năm 1962 trên những tuyến vận tải này, Đoàn 559 đã đưa vào tới các chiến trường 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần một vạn cán bộ vào và ra. Cũng từ năm 1962, phần lớn các thương binh nặng đã được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc để điều trị bằng tuyến đường này. Nghĩa là, từ “bàn đạp” Hướng Lập, tuyến vận tải Trường Sơn được mở rộng, vươn sâu vào chiến trường miền Nam. Sứ mệnh “khai rừng mở lối” đường Trường Sơn trên đất Vĩnh Linh, Quảng Trị đã được Đoàn 559 hoàn thành xuất sắc. Đất mẹ Quảng Trị dang tay chào đón và che chở những người con Nam tiến dũng cảm đầu tiên vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Như vậy, từ mảnh đất hàng ngày trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, Vĩnh Linh vinh dự được chọn làm hậu cứ, đồng thời là nơi khởi đầu của tuyến đường Thống Nhất lịch sử. Từ đây, tuyến đầu của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng chính đồng thời là hậu phương của cách mạng miền Nam, trực tiếp là chiến trường Trị - Thiên - Huế. Mặt khác, từ vị trí “địa đầu giới tuyến” của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Quảng Trị trở thành nơi đầu tiên tiếp nhận và chuyển tải sự chi viện về người, vũ khí và cao hơn hết là tình cảm từ hậu phương lớn Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Không chỉ là địa bàn mở đầu, địa bàn Vĩnh Linh còn là nơi quyết định sự phát triển của tuyến vận tải chiến lược khi tạo điều kiện để tuyến đường “lật cánh” qua Tây Trường Sơn - bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển của con đường đi đến thống nhất đất nước. Đồng thời, vùng đất này còn ghi dấu ấn đậm nét của tình đoàn kết chiến đấu chống thù chung của nhân dân và cách mạng hai nước: Việt Nam và Lào.

___________________________________________ 

1 The Agreement on the Cessation of Hostilities in Vietnam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, kí hiệu PTT 14.655, tr. 1.

2 Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 2: Chuyển chiến lược, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2013.

3 Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, Tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.

4 Võ Bẩm, Những nẻo đường kháng chiến, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006.

5 Xem thêm: Hoàng Chí Hiếu, Khu phi quân sự - Vĩ tuyến 17 (1954 - 1967), xuất bản lần thứ Ba, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2024.

6 Hoàng Chí Hiếu, “Đường dây liên lạc qua giới tuyến quân sự tạm thời những năm 1954 - 1959”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 3/2009.

7 Trường Sơn Đường khát vọng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

8 Tháng 10/1959, tổ trinh sát bảo vệ tuyến đường đụng độ thám báo ở khu vực sông Đakrông cạnh Đường 9, Thiếu úy Nguyễn Minh Thông và Thượng sĩ Trần Tương hi sinh. Cũng trong tháng này, tại đồn điền Rome (Khe Sanh), Đoàn vận chuyển để sót 2 khẩu súng, bị chính quyền Sài Gòn phát hiện.

9 Một số đoạn của tuyến giao liên hành quân này về sau phát triển thành đường 16 - một trục ngang vượt khẩu vô cùng quan trọng của đường Trường Sơn Võ Bẩm, Những nẻo đường kháng chiến, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006.

10, 11 Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Nghiên cứu xâm nhập của Việt Cộng vùng giới tuyến và biên giới Lào - Việt Nam năm 1962 và nửa đầu 1963. Dẫn từ Hoàng Chí Hiếu, Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2020.

HOÀNG CHÍ HIẾU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 357

Mới nhất

Thượng Lập - nơi ươm mầm cách mạng

5 Giờ trước

Quê ngoại - làng Hàm Hòa, xã Vĩnh Long là nơi tôi gắn bó từ tấm bé cho đến

Nước non ngàn dặm

5 Giờ trước

Đầu năm 1973. Sau mấy lần lặn lội quanh miệt Đường 9, Đông Hà, Hướng Hóa, Triệu Phong..., sáng

Kỷ nguyên mới từ xuân này

5 Giờ trước

Trước ngày 22 tháng 12 năm 2024, tôi và mấy phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị

Mùa xuân chân phương

5 Giờ trước

“Chân phương” là từ hay dùng của ba tôi. Với ba, mọi thứ nên chân phương. Tết đến xuân về,

Tân xuân xóm vạn thuở lênh đênh

5 Giờ trước

Nếu sớm đầu năm thong thả đạp xe ra đôi bờ sông Hiếu, cảm nhận được chút gió đông đi

Tết đang về trong mỗi khu vườn

6 Giờ trước

Cuối năm miền Trung thỉnh thoảng mưa lây phây, gió trời se lạnh. Mùa xuân rất gần mà tưởng còn

Khoảnh khắc đáng yêu của cuộc sống

26/01/2025 lúc 22:57

Tôi ngồi trên cỏ, nước mắt lăn dài trên má. Đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi biết chắc sẽ ở lại với tôi và thay đổi tôi mãi mãi.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/01

25° - 27°

Mưa

31/01

24° - 26°

Mưa

01/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground