Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

TCCV Online - Trải qua các giai đoạn lịch sử, mảnh đất Vĩnh Linh "luỹ thép" anh hùng đã khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024), được sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, vào tối ngày 25/8/2024, huyện Vĩnh Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương kết nghĩa và từng cưu mang con em Vĩnh Linh, đông đảo bà con Nhân dân

Cách đây tròn 70 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Theo nội dung Hiệp định, đất nước tạm thời bị chia ra hai miền Nam- Bắc, dự kiến chờ hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến quân sự tạm thời.

Thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève, ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta và rút quân về bờ Nam sông Bến Hải đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Ngày 25/8/1954 đã trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Lê Quang Tùng - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị trao Huân chương độc lập hạng Nhì cho huyện Vĩnh Linh

Lúc này, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng lại bị cắt một phần bao gồm toàn bộ xã Vĩnh Liêm, một phần xã Vĩnh Sơn thuộc phía Nam khu phi quân sự với số dân 13.267 người và 351 đảng viên của ta phải ở lại bám đất, bám dân hoạt động trong lòng địch. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định Genève chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tấn công miền Bắc XHCN. Cả Vĩnh Linh trở thành tọa độ của bom đạn, của hủy diệt; biết bao đau thương, mất mát mà người Vĩnh Linh phải chịu đựng khi mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom đạn trong suốt những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Vượt lên tất cả mọi khó khăn, thử thách, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Vĩnh Linh đã tỏ rõ gan vàng dạ sắt, một tấc không đi, một ly không rời. Ở nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh vẫn vững vàng, giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột Hiền Lương, giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng.

Vĩnh Linh đã cùng với Quảng Trị làm tròn sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó, viết nên dòng son tươi thắm vào trang sử tiến bộ của loài người, làm lay động lương tri nhân loại, xứng đáng với nhiều danh hiệu tự hào: “tiền đồn miền Bắc XHCN”, “mảnh đất kim cương”, “tuyến lửa anh hùng”.

Vĩnh Linh - Bài ca hy vọng

Trải qua các giai đoạn lịch sử, mảnh đất luỹ thép anh hùng đã khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn. Hơn một thập kỷ cùng với Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, Bình Trị Thiên, hay khi trở về tên gọi của mình cùng Quảng Trị thân yêu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Linh luôn nỗ lực phấn đấu, có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Dáng hình mới của quê hương đang ngày ngày đổi thay, phát triển, xứng đáng là trung tâm, là đầu tàu kinh tế - xã hội phía Bắc tỉnh Quảng Trị.

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đổi mới, tháng 8/2007, cán bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; tháng 11/2011 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 2014 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và tháng 8/2024 thêm một lần nữa, huyện Vĩnh Linh vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Sau phần nghi lễ là Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Vĩnh Linh- Dấn ấn bảy thập kỷ” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo nội dung; Cục Nghệ thuật biểu diễn và huyện Vĩnh Linh chỉ đạo thực hiện; Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức và thực hiện. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Hưng, NSND Mai Hoa, NSND Diệu Hương, NSƯT Việt Hoàn, Anh Thơ, Trọng Tấn, Thanh Thảo, Trung Sỹ, Phúc Đại, Huệ Thương, Thu Lan, Rapper Hoàng Trung, cùng Nhóm Thời Gian, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Hy Vọng, Vũ đoàn Mây… và sự tham gia của 150 diễn viên quần chúng huyện Vĩnh Linh. Chương trình đã ôn lại truyền thống vẻ vang 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển của quân và dân Vĩnh Linh qua các giai đoạn lịch sử.



Vĩnh Linh, mảnh đất nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, của khúc ruột miền Trung, trên dặm dài thiên lý Bắc – Nam. Người và đất Vĩnh Linh nghĩa tình, chung thủy. Nhưng, giữa thế kỷ 20, lịch sử đã chọn đất này làm nơi đối mặt với nỗi đau và nơi thử lửa. Ngày 25 tháng 8 năm 1954, Vĩnh Linh đã chứng kiến một cuộc chuyển giao lịch sử ngay tại đầu cầu Hiền Lương, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu cũng là lúc mảnh đất này bỗng thành tiền đồn, thành nơi đầu sóng ngọn gió.

Vĩnh Linh thành đặc khu trực thuộc trung ương, một đặc khu chiến trận của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa không phải chỉ 2 năm theo tinh thần tổng tuyển cử thống nhất hai miền nam bắc của hiệp định Genève mà dằng dặc suốt 20 năm đau thương và bất khuất trước một kẻ thù hùng mạnh nhất hành tinh.



Câu hò bên bờ Hiền Lương - lời nhớ thương gửi gắm ước vọng thống nhất

Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải hiền hoà bỗng thành nhát chém của lịch sử để chịu sự bầm dập, rớm máu trong một cuộc chiến tranh không cân sức nhưng mang tầm thời đại. Vĩnh Linh luỹ thép luỹ hoa. Luỹ thép ăn sâu vào lòng đất, luỹ hoa bay lên vi vút ca khúc tự do với gió trời.

Vĩnh Linh luỹ thép. Vĩnh Linh kiên cường. Trong lịch sử chiến tranh thế giới thử hỏi có nơi nào như mảnh đất chỉ hơn sáu trăm cây số vuông như nơi này phải hứng chịu nửa triệu tấn bom đạn của kẻ thù, tức là trên 7 tấn bom đạn cho mỗi đầu người. Và cũng có ở đâu như ở đây, con người đã bền bĩ đi xuống lòng để trả lời câu hỏi Tồn tại hay không tồn tại? Địa đạo Vịnh Mốc sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một huyền thoại của con người trước bạo tàn và hủy diệt. Để ngày ngày, tại những ngôi làng kỳ diệu trong lòng đất ấy vẫn vang lên tiếng trẻ học ê a, tiếng cô giáo lên lớp dịu dàng, vẫn có những em bé cất tiếng khóc chào đời như bản giao hưởng hợp xướng anh hùng ca bình dị và vĩ đại nhất.

Ca sĩ Anh Thơ - Trọng Tấn với ca khúc "Tình trong lá thiếp"

Cả nước hướng về Vĩnh Linh, cả nhân loại hướng về Vĩnh Linh với sự sẻ chia và niềm tự hào chưa từng có. Vĩnh Linh sẽ nhớ mãi 8 lần vị cha già dân tộc đã xúc động gửi thư khen; sẽ nhớ mãi những cuộc Trường Chinh có một không hai trong lịch sử khi đã đưa hàng vạn trẻ em, người già đi hàng ngàn cây số dưới mưa bom bão đạn sơ tán về các tỉnh phía Bắc để bảo toàn tính mạng, giữ gìn nòi giống; sẽ nhớ mãi hình ảnh dung dị của vị thủ tướng Phidel ở bên kia bán cầu đứng lẫn trong những người dân quân đang chĩa thẳng những khẩu pháo lên bầu trời Quảng Trị với câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến cả máu của mình”.



Đông đảo bà con Nhân dân đến dự khán chương trình

Và Vĩnh Linh, như một định đề không thể khác của chí can trường bất diệt và lòng yêu nước vô song đã kiên trung bắn rơi hàng trăm chiếc máy bay và đánh chìm hàng chục tàu chiến của kẻ thù để lá cờ tổ quốc, lá cờ do người mẹ đêm đêm cặm cụi ngồi vá đặng sớm mai lại tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cột cờ giới tuyến trong lời thề “Một tấc không đi, một ly không rời”!



Chiến tranh chấm dứt. Cùng với đồng bào cả nước, người dân Vĩnh Linh nghẹn ngào ca khúc khải hoàn từ quê hương đổ nát. Từ trong hoang tàn, đổ nát, phải làm gì đây để hàn gắn vết thương và đi lên? Có độc lập tự do nhưng dân không no ấm thì độc lập tự do phỏng có ích gì? Câu nói đó của Bác Hồ đã trở thành nhức nhối và thôi thúc con người Vĩnh Linh phải trả lời.

Và họ đã trả lời. Trả lời bằng sự kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường đã được hun đúc từ trong lửa đạn. Quá khứ hùng anh cho người ta hiểu mình nhưng hiện tại mới làm cho thiên hạ trọng mình.


Vĩnh Linh sắc màu bình minh

Cả một cuộc cách mạng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng đã trở thành kim chỉ nam cho hàng loạt các hoạt động kinh tế, văn hoá, du lịch, Quốc phòng an ninh…về sau. Thu ngân sách, thu nhập đầu người năm sau cao hơn năm trước. Một Mô hình Nông thôn mới, một vóc dáng người nông dân mới đã được hình thành và dẫn đầu toàn tỉnh. Vĩnh Linh từng ngày thay da đổi thịt trong sự âm thầm, lặng lẽ đi lên.



Vĩnh Linh ngày mới

Trong chiến tranh, hai lần được phong tặng anh hùng, trong xây dựng, lại được phong tặng danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới cùng nhiều huân chương cao quý. Vĩnh Linh xứng đáng là "luỹ thép, luỹ hoa" trên hành trình bảy thập kỷ vừa qua và mai sau.

Màn pháo hoa kết thúc đêm lễ kỷ niệm

Thực hiện: NGUYÊN QUÝ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

4 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground