Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 31/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Địa danh và quá trình phát triển vùng đất Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử

Vài nét về địa danh Đông Hà
Theo các nguồn tư liệu và thư tịch cổ mà chúng ta biết đến hiện nay thì địa danh Đông Hà xuất hiện đầu tiên trong ghi chép của Nhà bác học Lê Quý Đôn vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đó là vào năm 1776, khi ông giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hoá.

Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị tại Đông Hà sau ngày giải phóng, năm 1972 - Ảnh: T.L

Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị tại Đông Hà sau ngày giải phóng, năm 1972 - Ảnh: T.L

Làng Đông Hà ngày nay là một trong những khóm phố của Phường 3 thuộc thành phố Đông Hà, phía bắc làng là dòng Hiếu giang, phía đông giáp thôn Tây Trì, phía nam giáp quốc lộ 9 và ở phía tây là thôn Thiết Tràng. Làng Đông Hà là một làng có lịch sử hình thành tương đối muộn so với nhiều làng xã khác trong vùng. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết 1555) chưa hề có ghi chép gì đến địa danh Đông Hà, như thế khó có thể nói rằng làng Đông Hà được hình thành trước năm 1555. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng làng Đông Hà được hình thành dưới thời Chúa Nguyễn (1558 - 1776)(1), làng có 5 họ được coi là khai khẩn, gồm: Trần, Nguyễn, Lê, Ngô, Hoàng, các dòng họ đó sinh sống ở đây trên dưới 14 đời. Như vậy các dòng họ vào lập nghiệp ở đây trong khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII và làng Đông Hà từ khi được thành lập đến nay mang một tên duy nhất. Từ địa danh của một làng, tên Đông Hà lần lượt được người Pháp sử dụng để đặt tên cho các công trình xây dựng của mình trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên các địa điểm thuộc làng Tây Trì và làng Đông Hà, sau đó trở thành tên gọi chính thức cho một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện: Thị trấn Đông Hà (centre de dong ha).

Năm 1904, chính quyền Pháp cho mở con đường thuộc địa số 9 (routes coloniales no 9) mà nay là quốc lộ 9, thì tên Đông Hà đã được ghi trong dự án này để chỉ khu vực đầu mối giữa routes coloniales no 9 và routes coloniales no 1 (đường thuộc địa số 1). Từ cơ sở này, năm 1909, khi lập dự án đường sắt xuyên Việt đoạn từ Đà Nẵng đến Đông Hà thì người Pháp cũng dùng tên Đông Hà cùng với touran (Đà Nẵng) để gọi cho hai khu vực đầu mối quan trọng của hai đầu tuyến đường sắt thuộc dự án(2). Vì thế, đến tháng 4/1927, tuyến đường sắt xuyên Việt đoạn Quảng Trị - Đà Nẵng, Vinh - Đông Hà hoàn thành, đưa vào sử dụng thì chiếc cầu sắt của đường xe lửa bắc qua sông Hiếu nối làng Nghĩa An với Đông Hà được người Pháp gọi là cầu sắt Đông Hà. Nhà ga xe lửa được xây dựng trên đất làng Tây Trì (nay là khu vực giao nhau giữa các trục đường Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo và Trần Phú) cũng được gọi là ga Đông Hà. Năm 1923, người Pháp cho xây dựng cầu đường bộ dài 154,50m trên đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1 nay), bắc qua sông Hiếu nối làng An Lạc với Tây Trì thì khi hoàn thành chiếc cầu này được mang tên là cầu Đông Hà, từ đó, toàn bộ khu vực cư dân nằm ở bờ nam sông Hiếu, trên một phần đất đai của làng Tây Trì được gọi chung là khu vực Đông Hà.

Chợ xép Tây Trì (nằm ở điểm chợ Đông Hà hiện nay) chuyển thành chợ Đông Hà, chính từ tên gọi của điểm cư trú này, đến ngày 5/9/1929, phủ toàn quyền Đông Dương đã ra quyết định thành lập thị trấn Đông Hà (centre de dong ha), từ đó Đông Hà chính thức có điều kiện để trở thành một đầu mối giao thông, một vị trí quan trọng đối với Quảng Trị nói riêng và cả miền Trung nói chung. Tên Đông Hà trở thành tên địa danh của một đơn vị hành chính cấp huyện, được nhiều người biết đến bắt đầu từ đó. Thực ra, xét cho cùng, đa số các công trình của người Pháp thực hiện trong giai đoạn đầu thế kỷ XX chủ yếu là nằm trên đất của làng Tây Trì, chỉ có chiếc cầu sắt và một đoạn đường xe lửa là đi qua địa phận làng Đông Hà, tên Đông Hà có lẽ đã được người Pháp cảm tình hoặc thiên về cảm nhận của mỹ tự nên đã thành tên gọi của cả một khu vực/vùng và trở thành tên một đơn vị hành chính với nhiều thay đổi và biến động về địa giới, về quy mô, cấp độ của tổ chức hành chính... qua nhiều thời kỳ.

*Quá trình phát triển của vùng đất Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử

Trước khi thuộc về người Việt (đầu thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XIV), vùng đất Đông Hà hiện nay về cơ bản là một phần của đất châu Ô (phía nam sông Hiếu) và châu Ma Linh (phía bắc sông Hiếu) của vương quốc Chămpa. Năm 1069, từ chiến dịch chinh phạt của quốc gia Đại Việt do vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt cầm quân đánh vào Vijaya (Chà Bàn), bắt được vua Chăm là Chế Củ (yan cri rudravarman hay rudravarman iv), đã dẫn tới một cuộc trao đổi trong lịch sử giữa việc bảo toàn mạng sống của một vị vua Chăm thất trận với việc giao vùng đất rộng lớn gồm 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt. Từ đây, một phần đất của Đông Hà hiện tại nằm phía bắc sông Hiếu thuộc châu Ma Linh sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Để hợp thức hóa lãnh thổ, năm 1075, nhà Lý cho đổi châu Ma Linh thành châu Minh Linh(3), đặt quan cai trị, chiêu mộ nhân dân đến khai thác. Tuy nhiên, thời gian này do hoàn cảnh chiến tranh liên miên nên người Việt vẫn chưa vào đến vùng đất phía bắc sông Hiếu.

Từ năm 1306, dưới thời nhà Trần, nhờ cuộc tình duyên lịch sử giữa công chúa Đại Việt là Huyền Trân với Quốc vương Chăm là Chế Mân (jaya shimhavarman iii) mang lại cho dân tộc Việt một vùng đất hai châu Ô, châu Lý “vuông nghìn dặm” nên phần đất phía nam Đông Hà/Quảng Trị hiện nay - châu Ô của Chămpa thuộc về Đại Việt(4). Tháng giêng năm Đinh Mùi (1307), nhà Trần đổi châu Ô thành châu Thuận, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào tuyên bố đức ý của triều đình, vỗ yên nhân dân, cấp ruộng đất và tha thuế 3 năm(5). Sau Đoàn Nhữ Hài là một số quan lại cao cấp được vua Trần cử vào trấn nhậm hai châu Thuận Hoá, dân nghèo vùng Thanh Nghệ hưởng ứng đợt vận động di dân vào lập làng ở vùng đất mới. Đông Hà hiện nay thuộc một phần của châu Minh Linh (phía bắc sông Hiếu) và một phần của châu Thuận (phía nam sông Hiếu). Cuối thời Trần, suốt thời Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ, vùng đất Đông Hà hiện nay là một phần của huyện Lợi Điều thuộc châu Thuận, trấn/phủ/lộ Thuận Hoá(6) (và có thể là một phần của huyện Dạ Độ thuộc châu Minh Linh (từ năm 1407 đổi thành châu Nam Linh), trấn/phủ/lộ Tây Bình/Tân Bình ở phía bắc sông Hiếu). Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất Đông Hà thời kỳ này chủ yếu là các làng Chăm còn ở lại sống cộng cư với các nhóm chiến binh Việt, các làng Việt và cư dân Việt còn rất thưa thớt. Và phải đến sau năm 1471, với chiến dịch của Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Vijaya, kéo biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên, kết thúc sự tồn tại của vương quốc Chămpa, đồng thời mở ra một trào lưu di dân mạnh mẽ của người Việt tiếp tục vào khai phá vùng Thuận - Quảng, thì vùng đất Đông Hà hiện nay mới đồng loạt xuất hiện nhiều làng/xã của người Việt.

Từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, châu Nam Linh đổi làm huyện Minh Linh (gồm 8 tổng, 63 xã), thuộc phủ Tân Bình, châu Thuận cải đặt thành hai huyện: Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ Xương (8 tổng, 53 xã) cùng với 2 châu: Sa Bôi (10 tổng, 68 xã) và Thuận Bình (6 tổng, 26 xã) ở miền tây, thuộc phủ Triệu Phong nằm trong thừa tuyên Thuận Hóa(7). Đông Hà vào thời Lê - Mạc thuộc huyện Vũ/Võ Xương (tương ứng với huyện Triệu Phong nay), châu Thuận, thừa tuyên Thuận Hoá theo sách Ô châu cận lục, vào giữa thế kỷ XVI, huyện Võ Xương có 59 xã/làng thì trên đất Đông Hà đã có các làng/xã như sau: Hướng Ngao (sau đổi là Điếu Ngao), Hạ Đô, Thượng Đô (sau đổi là Thượng Nghĩa), Trung Chỉ, Thượng Độ, Hạ Độ (sau đổi là Đại Độ), Nghĩa Đoan (sau đổi là Nghĩa An), Vĩnh Phước, Thiên Áng, Tiểu Áng (sau đổi thành Đại Áng), Lai Cách (sau đổi là Lai Phước), Vĩnh Phúc/Vĩnh Phước, Liên Trì (sau đổi là Tây Trì)(8).

Đông Hà thời các Chúa Nguyễn theo Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục là đất của hai tổng An Đôn và tổng An Lạc thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá thuộc tổng An Đôn có các xã, phường sau: Vĩnh Phúc (tức Vĩnh Phước), Lai Phúc (tức Lai Phước), Vân An, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Phương Lương, Phú An, Lãng Phúc, Điếu Ngao, Đông Hà, Liên Trì (tức Tây Trì), Đông Vu (tức Đông Lai), Thượng Đô (tức Thượng Nghĩa), Thiết Trường tử chính, Thiết Trường hạ phường, Sơn Trập, Sơn Bàng, An Trung ngũ giáp. Thuộc tổng An Lạc có các xã phường sau: An Lạc, Nghĩa An, Thanh Lương, Đình Tổ, Thượng Độ, Hạ Độ (tức Đại Độ), Thiết Trường (tức Thiết Tràng)(9).

Ngày 3/5/1890, toàn quyền Đông Dương ra một sắc lệnh giải thể tỉnh Quảng Trị sáp nhập vào tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị và đặt dưới quyền cai quản của công sứ Đồng Hới, đất Đông Hà khi ấy thuộc tỉnh Bình Trị. Ngày 23/1/1896, toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định tách Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, hợp cùng với Thừa Thiên đặt dưới quyền khâm sứ Trung kỳ, đặt một phó công sứ đại diện cho khâm sứ ở Quảng Trị; đất Đông Hà lại thống thuộc phủ Thừa Thiên. Đối chiếu nhiều nguồn tư liệu cổ với địa bàn thị xã Đông Hà ngày nay, có thể thấy vào cuối thế kỷ XIX vùng đất Đông Hà nằm trong địa giới của phủ Cam Lộ và huyện Thuận Xương thuộc phủ Triệu Phong, trong đó gồm các làng/xã An Lạc, Nghĩa An, Đại Độ, Thượng Độ, Đình Tổ, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Thanh Lương, Đông Hà, Tây Trì, Thiết Tràng thuộc tổng An Lạc phủ Cam Lộ; và các làng Đại Áng, Vân Yên, Trà Lương, Lạng Phước, Điếu Ngao, Trung Chỉ, Lập Thạch, Vĩnh Phước, Phương Gia, Phú Lễ thuộc tổng An Đôn, huyện Thuận Xương, phủ Triệu Phong. Năm 1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Quảng Trị thành tỉnh riêng biệt trở lại. Đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị lúc này có bốn phủ và một huyện, gồm: phủ Triệu Phong (lấy huyện Thuận Xương lập thành), phủ Hải Lăng (lấy huyện Hải Lăng lập thành), phủ Vĩnh Linh (lấy huyện Vĩnh Linh(10) lập thành), phủ Cam Lộ và huyện Gio Linh, từ đó vùng đất Đông Hà cũng đạt được sự ổn định lâu bền trong tỉnh Quảng Trị.

Năm 1904, thực dân Pháp cho mở con đường thuộc địa Đông Dương (routes coloniales) mà nay là quốc lộ 9. Năm 1923, xây dựng cầu Đông Hà dài 154,50 mét, bắc qua sông Hiếu nối liền nam bắc sông; tháng 4/1927, tuyến đường sắt xuyên Việt đoạn Quảng Trị - Đà Nẵng, Vinh - Đông Hà hoàn thành, đưa vào sử dụng thì Đông Hà chính thức có điều kiện để trở thành một đầu mối giao thông, một vị trí quan trọng đối với Quảng Trị nói riêng và cả miền Trung nói chung. Đến năm 1908, ba tổng người kinh thuộc phủ Cam Lộ được tách thành huyện Cam Lộ, 9 tổng còn lại của phủ Cam Lộ chủ yếu là người dân tộc thiểu số lập thành huyện Hướng Hoá(11). Với việc phân chia này, các đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị bao gồm 3 phủ là: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và 3 huyện là Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá cùng thị xã Quảng Trị. Vào thời điểm này, vùng đất Đông Hà ngày nay là các làng thuộc huyện Cam Lộ và một phần thuộc phủ Triệu Phong.

Ngày 5/9/1929 Khâm sứ Trung kỳ kiêm Chủ tịch hội đồng Thượng thư triều đình Huế là Gia-bui-jơ (jabouille) ra Nghị định thành lập trung tâm đô thị Đông Hà (centre de dong ha) và được toàn quyền Đông Dương Pát-xki-ê (pasquier) ở Hà Nội chuẩn y vào ngày 6/11/1929(12). Từ đó quá trình đô thị Đông Hà bắt đầu được hình thành và phát triển. Thị trấn Đông Hà là một đơn vị hành chính có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng về tính chất và vị trí lại có vai trò quan trọng trên các mặt: chính trị, quân sự, kinh tế... cho cả miền Trung và Đông Dương nên dưới thời Pháp thuộc thị trấn Đông Hà được đặt ngang cấp phủ, huyện, dưới quyền của Viên tuần phủ Quảng Trị và do công sứ Quảng Trị kiêm nhiệm trong việc quản lý. Đứng đầu thị trấn Đông Hà lúc bấy giờ có viên bang tá, có đội lính khố xanh, lỵ sở của cơ quan hành chính thị trấn đóng trong khuôn viên của Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hà (nay là thành phố). Việc phân chia đơn vị hành chính ở thị trấn Đông Hà từ khi thành lập đến năm 1945 còn hết sức giản đơn với quy mô nhỏ, với hai phường có tên gọi là phường Đệ Nhất và phường Đệ Nhị (ngày nay là khu đất thuộc Phường 1, nằm ở trung tâm thị xã mà trục lộ chính bắt đầu từ ngã ba giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 9 chạy dọc lên theo phía tây). Mỗi phường có một phường trưởng đứng đầu, diện tích chỉ khoảng chừng 1km2, với hơn 300 hộ và khoảng 2.000 nhân khẩu, phân bố trong hai phường Đệ Nhất và Đệ Nhị. Sự phân chia hành chính thị trấn Đông Hà thành hai phường không thay đổi từ khi thành lập đến năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, các huyện, thị trong toàn tỉnh tiến hành hiệp xã, bãi bỏ cấp tổng, sáp nhập nhiều thôn, làng lại với nhau thành những xã lớn; đơn vị hành chính cấp tổng (cũ) bị bãi bỏ để thành lập đơn vị hành chính mới là cấp xã. Đến tháng 11/1945, hệ thống chính quyền từ huyện thị đến cơ sở được thiết lập, kiện toàn và đi vào hoạt động, lúc này toàn địa bàn Đông Hà có 7 xã và thị trấn Đông Hà, gồm:

- Xã Cam Ninh, gồm 6 thôn: An Lạc, Tây Trì, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Tràng Tre, Vĩnh Ninh.

- Xã Cam Đình, gồm 3 thôn: Thượng Độ, Đình Tổ, Đại Độ.

- Xã Cam Tường, gồm 3 thôn: Nghĩa An, Thanh Lương, Hoàn Thịnh.

- Xã Cam Hà, gồm 3 thôn: Đông Hà, Tây Trì, Thiết Tràng.

- Xã Từ Hiệp, gồm 3 thôn: Điếu Ngao, Đại An, Lương An và Phường Gióc.

- Xã Lập Phúc, gồm 4 thôn: Lập Thạch, Long Phước, Phú Lễ, Vân An.

- Xã Đại Phước, gồm 3 thôn: Trung Chỉ, Đại Áng, Vĩnh Phước.

- Thị trấn Đông Hà, gồm khu vực đất đai Phường 1 hiện nay(13) .

Đến giữa năm 1946, lại có sự sắp xếp sáp nhập các xã nhỏ lại với nhau để phù hợp với tình hình mới, các đơn vị hành chính vùng Đông Hà từ 7 xã chỉ còn lại 3 xã và 1 thị trấn, gồm:

- Xã Cam Giang sáp nhập từ 2 xã Cam Ninh, Cam Đình cộng thêm khối vạn đò Trọng Đức; trực thuộc huyện Cam Lộ.

- Xã Cam Thanh sáp nhập từ xã Cam Hà, Cam Tường; trực thuộc huyện Cam Lộ.

- Xã Phong Hanh sáp nhập từ các xã Lập Phúc, Từ Hiệp, Đại Phước, trực thuộc huyện Triệu Phong.

- Thị trấn Đông Hà vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính như cũ và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh(14).

Cuối năm 1949 đầu năm 1950, để phù hợp với tình hình mới, tăng thêm sức mạnh chiến đấu liên hoàn của các xã, cuộc hiệp xã lần thứ ba được tiến hành, các xã được mở rộng thành những xã lớn hơn: xã Đông Thanh nhập thêm các làng của xã Cam An như Mỹ Hòa, Trúc Sơn, An Bình, Cam Lộ Hạ, Phú Ngạn thuộc Cam Lộ. Xã Đông Giang nhập thêm các làng phía dưới đường quốc lộ 1 của xã Cam An như Trúc Kinh, Trúc Khê, Phổ Lại, Phú Hậu, Kim Đâu, Cẩm Thạch, An Xuân, Phi Thừa thuộc Cam Lộ. Xã Phong Hanh gồm Phường II, Triệu Lương, Triệu Lễ nhập thêm các làng như: Hà Xá, Phước Mỹ, Tam Phố, Kiên Khước, Trung Yên và đổi thành xã Triệu Hoà. Đông Hà thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh(15).

Ngày 18/9/1950, theo Quyết nghị số 1104-QN/P5 của UBKCHCLK4, các xã thuộc huyện Cam Lộ hợp nhất thành 3 xã: xã Vĩnh Hộ, do Cam Thuỷ và Cam Mỹ hợp thành; xã Cam Lộc, do xã Cam Lộc và Cam Hoà hợp thành; xã Cam An, do xã Cam Giang và Cam Tường hợp thành(16). Từ 1946 đến 1954, Đông Hà nằm trong vùng Pháp chiếm đóng. Thời kỳ này có hai sự điều chỉnh địa giới hành chính: Một là, ngày 9/1/1951, Thủ hiến trung Việt ban hành Nghị định số 19-NĐ-PC tạm sáp nhập 11 làng, xã gồm: Tuy An, Cẩm Thạch, An Xuân, An Bình, Phú Hậu, Phổ Lại xã, Phổ Lại phường, Cam Lộ, Tây Trì, Đông Hà, Nghĩa An, nguyên thuộc huyện Cam Lộ vào trung tâm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hai là, ngày 22/3/1951, Thủ hiến trung Việt lại ban hành Nghị định số 433-NĐ-PC tạm sáp nhập làng Lạng Phước - nguyên thuộc tổng An Đôn, phủ Triệu Phong vào trung tâm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị(17). Sau ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới quân sự tạm thời, chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Theo đó, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai: khu vực Vĩnh Linh (phần phía bắc sông Bến Hải) thuộc tỉnh Quảng Trị được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh và tạm thời đặt khu vực Vĩnh Linh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương (Nghị định số 551-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 16/6/1955)(18); còn phần lớn diện tích và dân cư Quảng Trị ở phía nam sông Bến Hải thì thuộc chính quyền Sài Gòn. Cấp đơn vị hành chính các huyện gọi là cấp quận, ngoài các đơn vị hành chính cấp quận mang các tên cũ như: Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, còn có thêm một quận và một nha hành chính được lập mới là: quận Trung Lương và nha hành chính Ba Lòng. Thị xã Quảng Trị cải đặt thành nha đại diện hành chính Quảng Trị; thị trấn Đông Hà cải đặt thành nha đại diện hành chính Đông Hà. Ngày 17/5/1958, theo Nghị định 215-HC/P6 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hoà, nha đại diện hành chính Ba Lòng đổi thành quận Ba Lòng; nha đại diện hành chính Quảng Trị bị bãi bỏ để sáp nhập vào quận Hải Lăng, thành xã Quảng Trị; nha đại diện hành chính Đông Hà bị bãi bỏ để sáp nhập vào quận Cam Lộ, trở thành xã Đông Hà, tỉnh lỵ đóng tại xã Quảng Trị. Sau khi thay đổi, tỉnh Quảng Trị thuộc chính quyền miền Nam gồm có 7 quận, 84 xã(19). Xã Đông Hà nằm trong quận Cam Lộ cùng với các xã: Cam Thanh, Cam Phong, Cam Xuân, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Hưng, Cam Thái, Cam Hòa, Cam Phú, Làng Ruộng, Làng Cát(20). Ngày 29/4/1968, chính quyền Sài Gòn thành lập tại tỉnh Quảng Trị thêm một quận mới, lấy tên là quận Đông Hà, quận lỵ đặt tại xã Đông Hà. Quận Đông Hà gồm 7 xã: Đông Hà, Đông Hòa, Đông Phong, Đông Thạnh, Đông Xuân, Đông Lễ, Đông Lương(21).

Về phía chính quyền cách mạng, từ giữa năm 1967, trước tình hình phong trào đấu tranh của quân và dân Quảng Trị đang lên mạnh, vùng giải phóng được mở rộng. Để tiện cho việc thống nhất chỉ đạo cách mạng, ngày 1/7/1967, thị xã Quảng Hà được thành lập với phạm vi bao gồm thị xã Quảng Trị, thị trấn Đông Hà và các xã vùng ven như: Triệu Ái, Triệu Thượng, Triệu Lương, Triệu Lễ, Triệu Giang, Hải Lệ và các thôn Phú Long (xã Hải Phú), Đại Nại, An Thái, Ba Khê (xã Hải Thượng)(22). Từ giữa năm 1968, phong trào cách mạng trên địa bàn Quảng Trị lâm vào tình thế khó khăn, mất dân, mất đất. Tháng 3/1969, thực hiện quyết định của khu uỷ Trị - Thiên, thị xã Quảng Hà tách thành hai thị xã: Quảng Trị và Đông Hà; đồng thời trả lại các xã vùng ven về cho các huyện trước đây(23). Sau tháng 8/1972, một phần đất của tỉnh Quảng Trị từ phía bắc sông Thạch Hãn trở ra được giải phóng. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Quảng Trị hình thành hai vùng: vùng giải phóng chiếm 85% đất đai, khoảng 13 vạn dân trong đó có Đông Hà, vùng tạm bị chiếm là 15% đất đai còn lại của tỉnh, với hơn 17 vạn dân; Cam Lộ được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn đặt thủ phủ, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế - xã hội. Từ đó, Đông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chính trị, quân sự và ngoại giao của một tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Các cơ quan của tỉnh, một số cơ quan của Trung ương làm nhiệm vụ tiền phương, các Bộ Tư lệnh và Binh đoàn chủ lực đều có mặt ở địa bàn; Đông Hà còn là nơi tiếp nhận, trạm trung chuyển vật tư của Trung ương cho tỉnh và toàn miền Nam. Vì vậy, mọi hoạt động của Đông Hà đều có mối quan hệ và tác động đến quá trình phát triển của tỉnh. Để làm tròn nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, xây dựng Đông Hà thực sự là trung tâm tỉnh lỵ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân cách mạng quyết định đề nghị Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chuẩn y thành lập thị xã Đông Hà. Trong thời gian chờ đợi, ngày 9/8/1973, Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 823/QN tạm thời thành lập thị xã Đông Hà đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của tỉnh với phạm vi đất đai gồm các phường, vạn của Đông Hà cũ; các thôn Tây Trì, Đông Hà (thuộc huyện Cam Lộ), thôn Điếu Ngao (thuộc huyện Triệu Phong). Dân cư gồm dân của Đông Hà, dân thị xã Quảng Trị sơ tán ra định cư tại Đông Hà và dân thôn Điếu Ngao (khoảng 1.000 người), Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn chính quyền tỉnh ra quyết định thành lập thị xã và chỉ định Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 15/8/1973, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 71 thành lập thị xã Đông Hà với 3 tiểu khu (nguyên là 3 phường Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam), đây là mốc lịch sử rất quan trọng trên hành trình xây dựng và phát triển đô thị của Đông Hà. Ngày 11/4/1975, thực hiện Nghị quyết hội nghị Tỉnh uỷ Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà được sáp nhập thành một đơn vị hành chính lấy tên là thị xã Quảng Trị(24); bộ máy quản lý hành chính đặt tại Đông Hà, tuy nhiên, trên thực tế, tên thị xã Quảng Trị chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó vẫn gọi là thị xã Đông Hà.

(Còn tiếp...)

_____________

Chú thích:

1 Nguyễn Văn Ngọc Sự hình thành các làng cổ ở Quảng Trị. Tạp chí Cửa Việt, số 10/1991.

Bùi Thị Tân Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương. NXB Thuận Hóa, Huế. 1999.

2,13,14,15 profil en long de la ligne de la tourane à dong ha. 1909 (hồ sơ số 632, tập 2, bổ sung. Cục lưu trữ nhà nước). Dẫn theo: BCH Đảng bộ thị xã Đông Hà. Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 - 1999). Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

3, 4 Viện khoa học xã hội Việt Nam. Đại việt sử ký toàn thư, tập 1. Nxb khoa học xã hội. Hà Nội, 1993.

5 Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam. Đại việt sử ký toàn thư, tập 1.

6 Học giả Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời (Nxb Thuận Hoá, 1994, tr. 159 - 160) cho rằng: Huyện Dạ Độ là vùng phía đông huyện Gio Linh và phía đông huyện Triệu Phong nằm ở hạ nguồn sông Thạch Hãn ngày nay. Huyện Lợi Điều là vùng đất thuộc huyện Thành Hóa/Cam Lộ. Căn cứ vào đường ranh giới là sông Hiếu giữa châu Minh Linh và châu Thuận chúng tôi cho rằng thời kỳ này, vùng đất Đông Hà hiện tại thuộc hai huyện Dạ Độ và Lợi Điều. Sự phân định này còn chờ kết quả nghiên cứu chính thức về sau.

7,9 Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục.

8 Dương Văn An Ô châu cận lục. Bản dịch và h iệu chú của Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2001.

10 Tên cũ là huyện Minh Linh, đổi tên thành Chiêu Linh từ khi vua Hàm Nghi. Từ khi vua Thành Thái lên ngôi vào ngày 01/02/1889 vì kiêng huý ngự danh (tên khi trở thành vua) của vua là chiêu nên đổi thành Vĩnh Linh.

11 annuaire administrative de l’indochine (viết tắt là aaic), 1908, p. 437.

12 journal officiel de l’indochine francaise (viết tắt là joic), hanoi, 1929, p. 4278.

16, 18, 20, 21 Dẫn theo Nguyễn Quang Ân Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội, 1997.

17 Dẫn theo Nguyễn Quang Ân Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 - 2002). Nxb Văn hoá thông tin. Hà Nội, 2003.

19 - Quận Triệu Phong: có 18 xã, quận lỵ đóng tại xã Triệu Thành.

- Quận Hải Lăng: có 23 xã , quận lỵ đóng tại xã Hải Thọ.

- Quận Gio Linh: có 6 xã, quận lỵ đóng tại xã Gio Lễ.

- Quận Cam Lộ: có 13 xã, quận lỵ đóng tại xã Cam Nghĩa.

- Quận Trung Lương bao gồm 3 xã, quận lỵ đóng tại xã Trung Giang.

- Quận Hướng Hoá bao gồm 14 xã, quận lỵ đóng tại xã Hướng Văn.

- Quận Ba Lòng bao gồm 7 xã, quận lỵ đóng tại xã Ba Lương.

22, 23, 24 BCH Đảng bộ thị xã Quảng Trị. Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị (1930 - 1995). Nxb chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1999.

LÊ CỬU LONG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 358

Mới nhất

Bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

28/12/2024 lúc 22:39

TCCVO - Sáng ngày 28/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí” cho 38 học viên là phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Cửa Việt, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam

28/12/2024 lúc 22:19

(TCCCO)Từ ngày 17/12 đến ngày 27/12/2024, Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam trên nền tảng trực tuyến mở đại trà MOOCs năm 2024.

Quãng vắng quạnh quẽ

26/12/2024 lúc 22:24

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/01

25° - 27°

Mưa

02/01

24° - 26°

Mưa

03/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground