Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về sống những ngày lành

Tôi sống xa quê nhưng lòng thì chưa bao giờ ngừng tâm tư về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Giữa tấp nập phố thị, tôi hay nhớ về làng, nghĩ về làng, kể câu chuyện về làng như là một cách để chữa lành sự mệt nhoài.

Sinh ra ở làng, từng lớn lên từ làng, đất đai, cây cối, vườn tược, cánh đồng, những con đường, bãi bồi, làn nước mát của sông quê trở thành mạch nguồn, là “bầu sữa” bồi đắp và nuôi tôi khôn lớn. Xóm làng nho nhỏ, um tùm cây cối, nằm sát ven sông. Con sông Hiếu hiền hòa và trong xanh, quanh năm êm đềm chẳng mấy khi dâng màu nước dữ. Sông chảy từ nguồn về, xuân hạ thu đông bốn mùa đều tỏa lên hơi mát. Sông lặng lẽ lưu chuyển phù sa trong lòng mình, còn dáng vẻ bên ngoài luôn mĩ miều như dải lụa biêng biếc điểm tô những lấp lánh, tươi xanh.

Cũng nhờ sông, nhờ những mạch nước ngầm mát lành, dâng ứ mà biền bãi, cánh đồng, nương vườn luôn tươi tốt bóng cây. Hoa thơm quả ngọt, chim chóc, ong bướm bay về khiến làng trở thành mảnh đất lành để con người luôn tự do, vui sống.

Ảnh: Hàn Vũ

Ảnh: Hàn Vũ

Tôi còn nhớ, thời chưa có nước giếng, nước máy, những người lớn sau mỗi cuộc làm đồng sẽ vác cày, hái, liềm và các loại nông cụ khác xuống bến để thau rửa, tâm tình. Bao thế hệ dân làng không chỉ bẻ bắp bên sông, trồng cà gieo đậu, đánh cá bên sông, họ đã cùng nhau uống nước từ sông. Từ nước sông mà nuôi lớn và cũng có những chuyến đò xuôi ngược chuyên chở những ước mơ.

Thế rồi, sự thay đổi cũng là một cách để cuộc sống tiếp tục, khoảng những năm 2000, xóm làng tôi xáo trộn. Phân nửa hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Hiếu vì nguy cơ sạt lở buộc phải chuyển chỗ ở lên khu vực cao hơn. Chính quyền cấp đất mới, cấp thêm một ít tiền để mọi người yên tâm xây nhà và sinh sống. Có những cụ già, một đời không thể sống thiếu sông nhưng vì an toàn cho gia đình và con cháu cũng phải cất bước rời đi, trong lòng mang theo nỗi niềm rưng rức, ngày nào đó, khi mọi chuyện bình ổn sẽ được quay trở về, tiếp tục sống chân phương, vẫy vùng trong ngọn gió quê khoáng đạt.

Người ta nói, những người đang mưu sinh ở phố như tôi, vì bận rộn, vì tất bật với cơm áo hàng ngày nên mỗi ngày thức giấc đều sẽ thấy lòng mình chật hẹp. Thế mà không, có lẽ nhờ những ký ức về sông, nhờ tình cảm, nghĩa tình tha thiết với xóm làng nên mỗi ngày, chỉ cần ngược dòng ký ức quay về chốn quê hương với tuổi thơ rong chơi bên ruộng đồng, biền bãi, trong lòng tôi lại mênh mang một tình yêu trọn vẹn với cuộc đời.

Tôi nhớ, thời điểm này, khi đất trời vừa đi qua hết những ngày xuân ấm áp, khắp không gian bừng lên từng vạt nắng, làng tôi sẽ bước vào mùa đẹp nhất. Những mái nhà ngói đỏ lấp ló, nhấp nhô giữa tán cây. Những nương ngô, biền đậu, đồng lúa bát ngát màu xanh nối tiếp không phân định với đường chân trời. Màu xanh của cây cỏ, hoa lá, của bầu trời ngày nắng mang đến cho con người hình dung về sự thong dong, no đủ và bình yên. Rồi đây, những mảnh ruộng sẽ vào mùa gặt. Từ sớm tinh mơ, mọi người đã rộn ràng. Nào người lớn, trẻ con, nào gia súc, công nông, xe tải, nào máy gặt đập liên hợp loại tân tiến sẽ nối đuôi nhau xình xịch ra đồng. Tiếng người cười nói, tiếng chim chóc từ bìa rừng bay về nhặt hạt ca hát líu lo, tiếng ràn rạt của những hạt lúa mẩy vàng đập vào kim loại,...tất cả sẽ tạo nên bản hợp âm đầy náo nức của ngày mùa.

Dạo gần đây, ở làng tôi, người ta kháo nhau hai câu chuyện. Chuyện thứ nhất là, những khu vực gần nơi sạt lở ngày nào nay đã an toàn nhờ những bờ kè được xây dựng kiên cố, được thử thách qua thời gian. Nhiều con cháu, hộ gia đình trẻ bấy lâu tứ tán làm ăn trong Nam ngoài Bắc đang có những bước dịch chuyển, trở về quê. Những ngôi nhà cũ tiêu điều được nâng nền, lợp lại mái. Những lối đi, con đường bấy lâu phủ chằng chịt dây leo đã được dọn dẹp, phát quang. Xóm làng là nơi quần tụ nay lần nữa hứa hẹn những tươi mới, rộn ràng.

Còn chuyện thứ hai là, trước câu chuyện sáp nhập, tinh gọn, những tin đồn, câu hỏi về mất mát được truyền tai nhau. Liệu tên đất, tên làng bao đời gắn bó, một ngày nào đó sẽ chỉ còn lại trong những trang gia phả của bậc trưởng bối nơi đình làng? Mọi người hỏi nhau, đăm chiêu nhìn vào những khoảng không gian thật rộng. Ai cũng thấy bầu trời ngoài kia vẫn đang rất xanh! Cảnh sắc làng quê như ngày tháng nào đang bừng lên sắc màu thật đẹp. Bức tranh có màu đỏ của ngói, màu xanh của cây, màu vàng của nắng. Bức tranh mang đến cảm giác về sự gặt hái, gìn giữ khi trong lòng mỗi người chỉ cần nguyên vẹn sự thân mật.

Như tôi, mỗi khi về đến làng, điều tôi thích nhất ngoài lắng nghe chim hót, cùng mẹ ăn bữa cơm chiều, còn là những buổi dạo chơi tha thẩn theo dọc các bãi bồi ven bờ sông vắng. Tôi để đôi bàn chân ngâm sâu xuống lòng đất ấm, vuốt ve tay vào những chồi non mơn man, thu vào tầm mắt làn khói mờ ảo đang bốc lên từ những mái nhà trong buổi lam chiều. Có lẽ, từ thuở khai thiên lập ấp, điều quan trọng hơn những cái tên luôn là những câu chuyện. Những câu chuyện về giữ đất, giữ làng, những câu chuyện về tình đoàn kết, keo sơn, về sự kiên cường để mọi người cùng dìu nhau đi qua thăng trầm, gian khó. 

Bằng những nghĩa tình, những bao dung và can trường thời cuộc, làng không những đã nuôi tôi lớn, làng còn tưới tắm, trao ban cho tâm hồn tôi thật nhiều điều. Tôi nhận ra, chỉ cần giữ mãi tình yêu trong lòng thì quê hương dù cách xa vẫn đủ sức dưỡng nuôi những hiền dịu, ngọt ngào. 

Một mùa hè cùng những con nắng vàng đang đến, tôi trở về làng, chờ mùi quả chín và sống những ngày lành.                

D.T

 

DIỆU THÔNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 368

Mới nhất

Niềm riêng

4 Giờ trước

Anh về xóm nhỏ ngày xưaTìm lại tuổi thơ ngây ngô khờ dạiNơi hai ngõ gần,

Cho con về với những tháng năm xa

4 Giờ trước

Cho con về với tháng năm xaLúa đã chín trên cánh đồng giông bãoMẹ gặt lúa

Tự khúc quê; Mẹ quê

4 Giờ trước

Tự khúc quê… Gửi tôi một cánh chuồn chuồnCủa ngày thơ dại nỗi buồn đã quaViên bi ở góc sân nhàCòn lăn về phía

Bông dủ dẻ

4 Giờ trước

Như cỏ dại ven đườngEm lẫn vào hương hoa đồng nộiTôi nhận ra em muộn màng để

Hội thảo toàn quốc về phát triển văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa quốc tế

22/05/2025 lúc 22:12

TCCV Online - Chiều 22/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo toàn quốc về phát triển văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa quốc tế. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, và địa phương, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa... Tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/05

25° - 27°

Mưa

27/05

24° - 26°

Mưa

28/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground