Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 31/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về nhà nhớ mang quà vô nghe

Tôi nhớ trong phim “Phía trước là bầu trời” (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) có cảnh thế này, khi người chị trong xóm trọ sau những ngày về quê lên, vừa tới cổng, các em trong xóm trọ đã chạy ùa ra đón. Đứa nào đứa nấy hỏi rối rít chị có đem quà lên không, rồi tranh nhau mở cái túi chị cầm, lục trong đó ra đùm bánh trái quê chia nhau.

Bắp hầm, món ăn sáng dân dã của Quảng Trị - Ảnh: D.A

Bắp hầm, món ăn sáng dân dã của Quảng Trị - Ảnh: D.A

Bộ phim ấy đã chiếu cách đây hơn hai mươi năm, gợi nhớ ký ức của bao người về một thời sinh viên, thời đi ở trọ. Xem lại cảnh phim đó khiến tôi nhớ đến những năm tháng sống xa nhà, mỗi lần thông báo sẽ về quê, bạn bè em út trong xóm trọ lại nhắn nhủ “về nhà nhớ mang quà vô nghe”. Nghe thân thương, gần gũi chi lạ

Có lẽ, quãng đời sinh viên, quãng đời đi ở trọ là khúc thời gian khó quên của mỗi người. Đó không phải là nơi sống lý tưởng với những điều kiện đủ đầy nhưng ắt là nơi chứa nhiều kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ. Đến mười, mười lăm năm sau nhìn ngó lại, bạn sẽ nhận ra bạn khác rất nhiều so với những năm tháng đó. Tuy nhiều bất tiện và thậm chí khó khăn nhưng một điều quý giá mà tôi nhận ra khi đi ở trọ đó là việc bạn được tiếp xúc, được hòa mình với nhiều con người để rồi hiểu biết thêm về văn hóa, tập tục, phương ngữ và ẩm thực của những vùng đất khác.

Tôi ở trọ Đà Nẵng, cũng không quá xa nhà nên lễ tết nào cũng về. Bạn cùng trọ có người Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và xa hơn là Hải Phòng, Bắc Kạn, Gia Lai… Kể ra là Bắc Trung Nam đều có đủ. Trong suốt hơn mười năm đi ở trọ, tính ra đâu đó, tôi chỉ chuyển chỗ tầm ba lần. Có thể gọi là may mắn khi tìm được nơi ăn ở mình yên tâm, không phải dịch chuyển quá nhiều. Và cứ thế, tôi tiếp xúc, gắn kết với mấy mươi người xa lạ để rồi thành anh chị em, bạn bè thân thiết mà cho đến giờ vẫn giữ liên lạc. Được nghe không biết bao nhiêu lần cái câu nhắn nhủ “đem quà nghe” từ bạn cùng trọ mỗi khi ai đó khăn gói về quê.

Quà xóm trọ dễ thấy, dễ kiếm và ý nghĩa thiết thực nhất với đám sinh viên thường liên quan đến… cái ăn, tức ẩm thực. Hồi năm nhất, tôi ở với một bé người Quảng Bình. Hễ về quê, đến lúc vô em sẽ mua khoai deo, thứ quà dân dã làm từ khoai lang luộc rồi phơi khô ăn dai dai, bùi bùi. Và một món không thể thiếu nữa là nhút hay còn gọi là dút tép đồng. Mẹ em làm bún, em xách theo cả bịch bún. Vào tới trọ, gặp bữa nào thì ăn bữa đó, mấy chị em xúm lại nhặt rửa rau để ăn kèm bún và nhút. Kể lại vẫn nhớ mang máng mùi thơm của nhút, món đặc sản trứ danh của vùng đất Quảng Bình.

Bạn ở Hà Tĩnh thì xách vào kẹo cu đơ. Miếng kẹo có lớp bánh tráng bên ngoài dai mềm, sần sùi, bên trong phần nhân gồm mật mía, gừng tươi và đậu phụng rang thơm. Bạn bảo kẹo cu đơ ăn ngon nhất phải nhâm nhi cùng cốc nước chè xanh hoặc nước trà. Thế nhưng sinh viên làm gì có chuyện uống nước chè hay nước trà, vậy mà chỉ cần nhâm nhi miếng kẹo rồi nghe bạn kể chuyện quê nhà, có đứa đã vội nhắn nhủ, lần sau nhất định mua nữa nghe.

Chị ở Bình Định mỗi lần về quê lại đem ra từng xấp bánh tráng. Loại bánh tráng được làm từ gạo quê và phơi qua nhiều cơn nắng, lúc ăn thì đem nhúng nước rồi cuốn với thịt heo và rau sống. Lắm lúc chẳng cần thịt, chỉ cần rổ rau và bát nước mắm đậm đà, mấy chị em vừa ngồi cuốn bánh tráng vừa ăn say sưa.

Bạn ở Gia Lai, Kon Tum về đúng mùa thu hoạch bơ thì đem theo cả bao bơ to đùng ra chia cho cả xóm. Hồi đó, tụi sinh viên làm gì có điều kiện để ăn trái cây, thành ra mùa bơ nhà bạn được cả xóm chờ đợi. Có điều, cách thức ăn bơ mỗi người một khác. Mấy bạn miền Nam ăn bơ chung với cơm, chấm nước mắm ăn cùng. Chị em ở miền Trung thì dằm bơ cùng đường sữa, thêm đá… Cứ thế, chúng tôi được nếm thử đặc sản của nhiều vùng miền dù chưa một lần đặt chân đến vùng đất ấy.

Riêng tôi, thú thực mỗi lần về quê, tôi đều phân vân đắn đo không biết mua gì vào cho chị em xóm trọ. Thường thì tôi mua bột lọc, đùm thêm mấy lon đậu phụng và ít nấm mèo, vào đó rồi rủ cả xóm cùng làm bánh lọc ăn. Bánh lọc thì khá quen thuộc nhưng bánh lọc làm từ bột sắn Quảng Trị với nhân đậu phụng lại lạ lẫm với những người bạn ở vùng khác. Đặc biệt, đậu phụng rang xong giã sơ rồi xào thơm với ném củ, ném lá. Lúc nào làm bánh cũng bị hụt nhân bởi có vài đứa bảo nhân ngon, cứ ngồi ăn vụng. Chỗ bột bánh thừa, tôi bắt ra từng cái tròn rồi luộc như thường, sau đó giã chén nước mắm ớt tỏi rồi chấm vào, nói như ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là “ngon nhức nách”. Nhất là những ngày trời mưa, ăn bánh lọc có nhân hay không nhân đều ngon và no kềnh bụng. Có bữa ra nhà, tôi mua ruốc, nước mắm, hoặc dặn mẹ làm hũ ruốc sả rồi vào đó chia nhau ăn. Cả xóm trọ mê ruốc sả mẹ tôi làm, tới bữa ăn, mỗi phòng cử một đứa cầm chén qua lấy ruốc về ăn. Nghiệm lại, hình như quà tôi đem vào cho xóm trọ là quà theo mùa, là đặc sản ẩm thực Quảng Trị theo mùa. Tới mùa hè thì mua vài lon hến vô xào rồi xúc bánh tráng ăn. Hến sông quê mình ngon ngọt và không có cát, khác với thứ hến được bán ở phố, con to nhưng vị nhạt. Tụi trong xóm ăn cứ tấm tắc khen. Tới mùa nấm tràm thì đem nấm tràm vô nấu cháo, món này thì không phải ai cũng thích. Nhiều người mới thử lần đầu, tự hỏi sao đắng thế này mà có thể ăn được. Có đứa biết ăn rồi thì nghiện, cứ tới mùa lại hỏi đợt này ngoài quê đã có nấm tràm chưa. Mùa bắp thì tôi đem bắp luộc còn nóng hổi vào làm quà. Ở phố dễ kiếm bắp vì xe bán bắp rao chạy cả ngày quanh những cung đường và con hẻm. Thế nhưng vị bắp ở phố sao bì được với vị bắp ngọt lịm, trái đều mềm dẻo như ở quê mình. Có bữa đi xe vào sớm thì tôi mua từng đùm bắp hầm cho cả xóm trọ ăn thử. Món ăn thường dành cho bữa sáng nhưng vào đó thành bữa ăn trưa, tuy không còn nóng hổi nhưng vị béo bùi của bắp ăn kèm muối đậu phụng tuy dân dã nhưng khiến nhiều người khen mãi.

Cháo nấm tràm, đặc sản mùa mưa. Ảnh: D.A

Cháo nấm tràm, đặc sản mùa mưa. Ảnh: D.A

Một khoảng thời gian khi ra trường, tôi chuyển sang xóm trọ khác, có cả nam và nữ. Lúc này, quà xóm trọ dành cho mấy anh trong xóm thường là rượu đặc sản của từng vùng miền. Để rồi với chai rượu Xika Quảng Trị hay rượu Bàu Đá Bình Định, các anh em trong khu nhà trọ có đêm hàn huyên vừa uống rượu vừa hát ca.

Hình dung, mỗi món ăn đem làm quà cho chị em, bạn bè ở xóm trọ chính là niềm tự hào về quê hương của mỗi người. Sâu thẳm trong đó là niềm hãnh diện muốn giới thiệu về quê hương, rằng món này chỉ quê tôi có, ở quê tôi mới ngon đậm đà. Và các bà mẹ, dẫu giàu nghèo đâu không hay, nhưng khi con về thăm nhà, bao giờ trong hành lý trở lại phố, mẹ cũng đùm nắm vài thức ăn quê để vào đó chị em cùng san sẻ với nhau. Đôi khi nhà có thức gì thì đùm gói vào thứ ấy, chẳng cần câu nệ. Quà đem vào trọ không cần đóng gói đẹp sang, có thế nào thì đem vào vậy thôi. Cái thân tình này của người Việt chắc khó có ở nơi nào khác. Văn hóa phương Tây họ thường thích những gì tiện dụng vì thế quà tặng thường là quà lưu niệm. Còn ở mình, quà thường liên quan đến cái ăn. Không biết có phải từ đó có câu “con đường nhanh nhất để đến trái tim đàn ông là đi qua dạ dày”, mà nghiệm ra, đường đến trái tim đàn ông đàn bà, già trẻ gái trai, con nít người lớn gì hình như đều vậy. Hay bởi yêu thương nào cũng xuất phát từ cái bụng no, từ cái miệng ăn ngon và nhớ.

Cũng quãng thời gian ở trọ tôi học được nhiều điều từ việc tiếp xúc với những con người ở vùng đất khác. Tôi học tính tiết kiệm từ cô em gái Quảng Bình, mỗi bữa ăn cơm không hết, em gom hết cơm thừa của cả xóm để phơi khô rồi cất qua mùa mưa rang lên ăn, ăn không hết thì đem ra cho mẹ nuôi gà. Sự chắt chiu của cô em gái con nhà nông chịu thương chịu khó khiến tôi nể phục. Tôi học từ cô bạn người Gia Lai, cứ ăn mỗi loại quả nào xong, bạn thường giữ hạt lại để gieo trồng. Dù ở trọ, khoảnh sân chẳng là bao, nhưng trong mấy chậu nhỏ, luôn có vài cây con được ươm mầm. Quãng đời đi ở trọ giúp mỗi người trưởng thành về mọi mặt.

Tôi thuộc thế hệ 8x đời cuối nên kỷ niệm xóm trọ loanh quanh chỉ chừng ấy, có lẽ ít chuyện để kể hơn các thế hệ 7x hay 8x đời đầu. Ắt hẳn với các anh chị thời trước, trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn thì càng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn. Không biết thời sinh viên bây giờ của các bạn nhỏ gen Z thì thế nào, có ân tình gần gũi đến thế không. Xóm trọ có cùng nhau thức đêm học bài mỗi mùa thi, có cùng nhau nấu ăn, có chạy qua phòng nhau xin nước mắm, mượn chai dầu, mượn bình gas khi phòng mình xài hết mà chưa mua kịp. Và có dặn nhau mang quà nhà mỗi khi trở về phố thị.

Bất kể quà là gì thì điều quan trọng tạo nên tình cảm thân tình giữa những người đi ở trọ đó là khoảng thời gian cùng nhau nấu ăn, cùng ngồi ăn chung và chuyện trò vui vẻ. Cái không khí đượm tình ấy, ta chỉ có thể có khi ở giữa một đại gia đình, vì thế khi đi ở trọ, có được khoảng thời gian không gian ấy, nhiều người xem xóm trọ, bạn cùng trọ là gia đình thứ hai.

Rồi sau này, khi đến lượt thế hệ gen Alpha thì nghĩa tình xóm trọ có được khắng khít thêm nhờ những món quà. Hay khi cuộc sống ngày càng phát triển, mọi thứ có thể order dễ dàng, ngồi đâu cũng có thể thưởng thức đặc sản của vùng đất khác, thì những đùm gói mang tính chất quà kia, e rằng sẽ mai một đi ít nhiều.

Bài viết in trên Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 14, chủ đề Quà quê

DIỆP ANH

Mới nhất

Bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

28/12/2024 lúc 22:39

TCCVO - Sáng ngày 28/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí” cho 38 học viên là phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Cửa Việt, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam

28/12/2024 lúc 22:19

(TCCCO)Từ ngày 17/12 đến ngày 27/12/2024, Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam trên nền tảng trực tuyến mở đại trà MOOCs năm 2024.

Quãng vắng quạnh quẽ

26/12/2024 lúc 22:24

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/01

25° - 27°

Mưa

02/01

24° - 26°

Mưa

03/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground