Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra những mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những khát vọng lớn lao về “Giấc mơ Quảng Trị”. Những giấc mơ không hề bất khả thi.
Vượt qua từng năm khó khăn
Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, dù thế tỉnh Quảng Trị vẫn nỗ lực về đích với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã quán triệt phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó và đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đáng mừng là 2 chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh là 6,68%, đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6,5 - 7%) và GRDP bình quân đầu người là 71 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 70 triệu đồng).
Các đại biểu tham quan mô hình dự án Khu công nghiệp Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Phúc
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, trong năm 2023 tỉnh đã thực hiện hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng, nổi bật như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được bổ sung hướng đến hiện đại và hoàn chỉnh; các ngày lễ lớn đã được tổ chức thành công tạo ấn tượng tốt đẹp; hoàn thành xuất sắc hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án động lực đã được quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương như: đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà; đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; Khu bến cảng Mỹ Thuỷ; Khu công nghiệp Quảng Trị; Cảng hàng không Quảng Trị... UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản. Kịp thời kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm.
Quy hoạch có tầm nhìn chiến lược
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao, năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết tiên quyết vẫn là xây dựng quy hoạch có tầm nhìn: “Có quy hoạch tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có dự án tốt. Từ đó kinh tế - xã hội sẽ phát triển”. Cũng theo ông Võ Văn Hưng, muốn đưa Quảng Trị phát triển bền vững cần chiến lược đi đôi với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Cần mạnh dạn xóa bỏ những chồng chéo, bất hợp lý để tạo nên quy hoạch đáp ứng tiềm năng lợi thế của vùng đất, phù hợp đến từng huyện, thị, thành phố.
Vì vậy, ngoài lắng nghe các nhà tư vấn trong nước, tỉnh Quảng Trị đã có những ký kết để các chuyên gia quốc tế từ Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) hiện thực hóa “Giấc mơ Quảng Trị”. Cụ thể, Liên doanh Sakae Holdings và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) sẽ được nghiên cứu khả thi, lập đề xuất dự án và thực hiện đầu tư tại Quảng Trị các dự án như: sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp, cảng và logistics, khu đô thị, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, giao thông và hạ tầng...
Trong định hướng phát triển kinh tế xanh, Quảng Trị cũng đã xác định được 3 trụ cột rất đặc thù. Với công nghiệp, Quảng Trị chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, thể hiện kỳ vọng năm 2030 sẽ đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung, khi ở Khu kinh tế Đông Nam có điện khí thì ở phía tây đã hình thành cánh đồng điện gió lớn nhất khu vực và cả nước, biến gió Lào thành điện năng… Quảng Trị cũng đang nỗ lực đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác tiềm năng kinh tế biển với tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, song song với việc khai mở du lịch trải nghiệm hoang sơ miền tây Quảng Trị. Với nông nghiệp, Quảng Trị vẫn xem đây là bệ đỡ của nền kinh tế, sẽ được phát triển theo hướng: sạch, tự nhiên, hữu cơ.
Những tiềm năng to lớn không khỏa lấp hết khó khăn của Quảng Trị. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã chỉ rõ: “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Ngoài sự hỗ trợ từ trung ương hay các nhà đầu tư, thì người Quảng Trị phải hợp trí, hợp lực, xây dựng thế hệ người Quảng Trị mới năng động, có khát vọng xây dựng quê hương thành tỉnh khá, tỉnh giàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh rằng: “Năm 2030 trong Giấc mơ Quảng Trị có nhiều thứ. Là trung tâm năng lượng miền Trung, lọt top 30 tỉnh khá của cả nước... Tầm nhìn đến năm 2050 còn có những điều lớn lao hơn. Đó là giấc mơ mang khát vọng lớn lao nhưng không phải là không khả thi. Và dẫu thế nào thì Quảng Trị cũng tự hào vì đã dám ước mơ, nỗ lực hết mình vì ước mơ tốt đẹp đó”.
Với tư duy mới “Quảng Trị phát triển, doanh nghiệp phát triển”, tỉnh Quảng Trị đã có những kết quả tốt đẹp trong thời gian ngắn. Đó là sự ủng hộ của Chính phủ về việc xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng miền Trung; Thủ tướng có quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công - tư; hàng loạt dự án lớn được khởi công, hoàn thiện với những nhà đầu tư tên tuổi trong và ngoài nước.
Những siêu dự án đã… “lăn bánh”
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết tỉnh Quảng Trị năm 2024 có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tỉnh chú trọng hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; bàn và cho giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn đất san lấp cho các công trình dự án; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tính động lực, các công trình phục vụ dân sinh, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…
Theo ông Võ Văn Hưng, điều đáng mừng là những yếu tố thuận lợi sẽ tạo đà để hoàn thành kế hoạch như tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên; những giải pháp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp. Tỉnh Quảng Trị muốn tạo sự bứt phá trong năm 2024 như kỳ vọng, các sở ngành, địa phương cần tranh thủ các yếu tố thuận lợi tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, cụ thể là tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân.
Để hiện thực hóa những mục tiêu lớn của năm 2024, ngày 15/12/2023, tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị và khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (QTIP) do liên danh 3 nhà đầu tư là Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản thực hiện. Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 480 ha, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng được xây dựng theo 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích khoảng 97 ha, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Các ngành trong Khu công nghiệp Quảng Trị bao gồm dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống. Dự kiến khi đi vào hoạt động dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 - 40.000 lao động.
Các đại biểu nhấn nút khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị - Ảnh: Nguyễn Phúc
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là trên 5.833 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm. Ông Võ Văn Hưng cho biết: “Sau những lễ khởi công này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, tỉnh sẽ cùng với tổ hợp các nhà đầu tư tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo. Mỗi công trình được dựng xây trên mảnh đất Quảng Trị đều mang trong mình những câu chuyện riêng, nhưng đều hàm chứa những khát vọng đổi thay mạnh mẽ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng nói rằng Quảng Trị, vùng đất vẫn còn nặng gánh vì hậu quả khốc liệt của chiến tranh và luôn chịu nhiều bão giông nắng lửa nhưng luôn khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng hai đầu đất nước, vươn tầm khu vực và hội nhập quốc tế.