Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trả lại cho rừng những cái cây

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn. Đó là cách làm của đồng bào Vân Kiều ở thôn Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa). Lượm hạt, ươm mầm rồi mang những cây bản địa đi trồng chỉ với mục đích trả cây lại cho rừng, bù đắp lại những thiếu hụt và kể cả tổn thương mà con người tác động đến thiên nhiên.

Sống giữa rừng tiết kiệm từng ngọn cây

Từ tờ mờ sáng, chúng tôi theo chân những thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng đi trồng rừng. Lội qua mấy con suối nhỏ, qua mấy ngọn đồi đến khu vực đất đai màu mỡ, cây thưa thớt. Anh Hồ Văn Giỏi, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng cho chúng tôi hay chọn khu vực cây thưa thớt này để trồng thêm cây, mấy chỗ gần thôn đã trồng từ hồi tháng hai và tháng ba. Nói xong anh Giỏi dặn mọi người tìm chỗ trống để trồng cây, tránh làm tổn thương hay gây hại đến cây khác.

Cánh rừng ở thôn Trăng - Tà Puồng - Ảnh: Trần Văn Hoãn

Cánh rừng ở thôn Trăng - Tà Puồng - Ảnh: Trần Văn Hoãn

Chúng tôi nhớ mãi câu chuyện của cụ Hồ Xuân Lương, người giữ rừng, giữ thác Tà Puồng. Những năm tháng giữ rừng, giữ thác đã bồi đắp mục tiêu của cuộc đời cụ Lương là sống tiết kiệm từng cái cây, ngọn cỏ. Gần trăm năm ở rừng, cụ Lương vẫn ở ngôi nhà đơn sơ giữa thôn Trăng - Tà Puồng. Và hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều ở đây sinh sống giản đơn dưới những mái nhà đơn sơ, họ vào rừng xin một cái cây vừa phải để dựng cột làm nhà. Cây để làm cột nhà cũng phải chọn cây gỗ thật chắc, đảm bảo lâu bền, như thế mái nhà được vững chãi vài thế hệ sống chung, không phải vào rừng chặt thêm gỗ rừng.

Đồng bào Vân Kiều thường chọn cây trai làm cột nhà. Cây trai gỗ chắc, mối mọt không ăn được. Trồng cây trai xuống đất là hàng trăm năm vững như núi. Trai không phải là cây gỗ lớn, cây có đường kính 60 - 80 cm, cao tầm 3 - 4 mét là có thể lấy về làm cột nhà. Lấy cây trai lớn thì có hàng chục cây trai con mọc lên. Gần trăm năm ở rừng, cụ Lương lấy từ rừng bốn cây trai làm cột, căn nhà dựng lên sống đủ ba thế hệ cũng được hơn hai trăm năm, đủ cho chu kỳ sinh trưởng của hàng trăm cây trai con đến lúc trưởng thành. Ngoài ra, cụ chỉ sử dụng thêm tranh tre nứa lá dựng nhà, không lấy gì thêm từ rừng. Từ khi có chính sách “khóa cửa rừng” thì đồng bào không còn vào rừng lấy gỗ nữa, dù là gỗ trai làm cột nhà. Thay vào đó bà con dựng nhà bằng cột bê tông. Cụ Lương chia sẻ, cách làm nào đảm bảo đời sống và có lợi cho mình và con cháu mai sau thì làm. Bảo vệ rừng là bảo vệ đời sống cho thế hệ mai sau. Dù không được khai thác rừng nhưng đồng bào Vân Kiều vẫn giữ rừng, trồng rừng, đặc biệt là trồng cây bản địa để trả lại cho rừng những cái cây mà trước đây họ đã lấy đi.

Bứt một ngọn cây phải cân nhắc để làm gì, chặt một cái cây cũng thế, cụ Lương nói: Hàng trăm năm nay, chúng tôi vào rừng lấy măng, hái rau, bắt cá, lấy mật ong… chúng tôi cũng chỉ là xin rừng có cái ăn để sống chứ không tham lam, không vì mục đích mua bán. Cụ Lương còn cho chúng tôi biết thêm từ lâu rồi người Vân Kiều vẫn trồng rừng bằng cây bản địa. Bên dưới cây mẹ là cây con mọc chi chít, đồng bào thường nhổ rồi trồng thưa ra cây sẽ dễ phát triển hơn. Họ thực hiện trên đường đi làm rẫy, lúc nghỉ ngơi ở dưới tán cây hoặc khi vào rừng kiếm kế sinh nhai. Việc làm tưởng như vô thức nhưng đầy ý nghĩa.

Trả cây cho rừng

Đồng bào Vân Kiều ở thôn Trăng - Tà Puồng nối tiếp việc làm của ông cha, hơn 300 nhân khẩu luôn có ý thức thực hiện việc trồng cây bản địa vào những cánh rừng. Đi tiên phong trong hoạt động này là 22 thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng, đứng đầu là anh Hồ Văn Giỏi sinh năm 1994. Anh Giỏi cho hay, xưa nay người dân trong thôn vẫn vào rừng trồng cây, tiện đâu thì trồng đấy. Trong vài năm trở lại đây bà con trồng quy mô lớn hơn, chỉ riêng tháng 3 năm 2024 bà con đã trồng được 1.500 cây bản địa là cây bồ kết và bồ hòn với phương châm “trả cây cho rừng”. Quả hai loại cây này làm nguồn nguyên liệu quý để sản xuất dược liệu, mỹ phẩm và các loại nước tẩy rửa sinh học theo tiêu chuẩn công nghệ cao.

Khắp các khu vực rừng phòng hộ Trăng - Tà Puồng đều được trồng xen bồ kết và bồ hòn. Cách trồng xen cây là lựa chọn thông minh. Bởi chu kỳ sinh trưởng của hai loại cây này là trên năm năm cây sẽ cho hạt, từ hạt rơi xuống đất rồi nảy mầm lên cây mới. Từ đặc điểm này, đồng bào có thể tiếp tục dùng cây con xen ghép để tăng số lượng cây trong rừng mà không mất công ươm giống, chăm sóc và vận chuyển. Anh Hồ Văn Giỏi cho hay, nắm được quá trình sinh trưởng và phát triển của cây là lợi thế khi trồng rừng.

Đồng bào Vân Kiều thôn Trăng - Tà Puồng chuyển cây bản địa phục vụ việc trồng rừng  - Ảnh: L.M.H

Đồng bào Vân Kiều thôn Trăng - Tà Puồng chuyển cây bản địa phục vụ việc trồng rừng - Ảnh: L.M.H

Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động trồng cây bản địa vào rừng, anh Hồ Văn Sinh, thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng cho hay, trồng cây bản địa thì con bò, con dê không phá, đặc biệt cây hợp với khí hậu, hợp với đất nên phát triển tốt. Muốn con cháu có cuộc sống tốt hơn thì thế hệ hôm nay phải trồng rừng, nhất là trồng rừng bền vững. Anh Sinh cũng cho biết thêm rằng chấp hành chủ trương của Nhà nước về bảo vệ rừng nên đồng bào Vân Kiều đã chấm dứt tập quán đốt rừng làm rẫy từ lâu. Mặc dù thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào vẫn cố gắng thâm canh, chuyển đổi nghề nghiệp để giảm thiểu những tác động xấu đến thiên nhiên. Đồng bào Vân Kiều có quan niệm, lấy của rừng cũng là nợ rừng, lấy nhiều nợ nhiều, lấy ít nợ ít. Nên sống càng giản tiện càng tốt, không phải đồng bào không thấy lợi ích khi khai thác rừng mà đồng bào biết rằng nếu lấy của rừng vì lợi ích của một vài người thì hàng trăm người, hàng ngàn người phải gánh hậu quả.

Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh men theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt bạt ngàn màu xanh. Một dãy đồi núi xanh rì vắt từ xã Hướng Phùng đến Hướng Lập có rất nhiều cây cổ thụ lâu đời, đa dạng các loài động vật và thực vật. Trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng, công tác bảo vệ rừng gặp khó thì việc dựa vào đồng bào để bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp hiệu quả. Đồng bào hiểu rõ từng cái cây, từng khu vực trong rừng nên việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều thuận lợi. Sự ra đời của các ban quản lý rừng cộng đồng thôn bản là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Anh Hồ Văn Giỏi cho biết, từ khi có ban quản lý rừng cộng đồng các đối tượng phá rừng giảm rõ rệt, bởi ban quản lý rừng phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm lâm tổ chức tuần tra thường xuyên. Ngoài thời gian tuần tra bảo vệ rừng, các thành viên của ban quản lý rừng còn chú trọng việc trồng rừng, phát triển rừng bền vững.

Chăm từ những mầm xanh, cuốc từng nhát đất, gieo trồng từng cây con… đó là những việc làm quen thuộc của các thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng. Anh Giỏi nói rằng, khi vào rừng gặp những cây con mới trồng lên lá mới, lên mầm xanh, nhìn cây cao lớn anh rất vui. Khác với trồng rừng để khai thác, việc trồng rừng bằng cây bản địa là gửi cho rừng những cái cây vĩnh viễn, không ai được quyền chặt phá hay mua bán, hàng trăm năm sau có thể người trồng cây không còn nhưng cây sẽ còn.

Những cây xanh bé nhỏ sẽ nhân lên màu xanh cho rừng, để  rừng xanh che chở, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi là ước mơ của đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Từ biệt thôn Trăng - Tà Puồng trong những cái bắt tay nồng ấm, cụ Hồ Xuân Lương nói với chúng tôi: Nếu vài năm sau trở lại đây, cây sẽ cao hơn đầu người, vài chục năm cây đã cho hoa, cho trái, đẻ cây con. Bố vẫn ước mơ một bản làng Vân Kiều ẩn hiện dưới những cây xanh, đẹp và bình yên lắm.

LÊ MINH HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 356

Mới nhất

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

27/01/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Quảng Trị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2025

31/01/2025 lúc 15:19

TCCVO - Sáng 20/1/2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground