Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/04/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thương mùa cải ra hoa

Không biết vì lẽ gì, tôi luôn cảm thấy mình có một mối thân tình không cách nào tả được với cỏ cây hoang dại.

Thường mỗi buổi chiều về tôi hay tha thẩn dọc bờ đê tìm những bông cỏ may để cắm trên bàn học. Những bông cỏ vừa chớm nụ, bông xam xám dịu dàng, cánh hoa sắc nhọn như những mũi kim ấy luôn găm vào tôi một nỗi quắt quay khó tả. Hay những bông xuyến chi cánh trắng muốt, mỏng manh yên lành quanh sắc nhụy vàng đằm thắm mà tôi dễ dàng tìm được trên đường đi học, những buổi lê la theo đám bạn thả diều trên đồng hay thủng thẳng theo sau lưng trâu trở về nhà mỗi buổi chiều tà.

Những ngày tình cờ ngắt được mấy bông cải trời ở dọc mép ruộng, đem về cắm lên bàn học, tôi ngồi ngơ ngẩn nhìn mấy cái nút vàng vàng lẫn trong sắc lá xanh ngăn ngắt, thèm da diết đến một vườn cải quanh nhà. Những cái nút vàng vàng ấy đã giúp cho ô cửa sổ của phòng tôi luôn lấp lánh niềm vui. Đôi khi ngồi một mình ngắm chúng, lòng chợt nghe tiếng reo vui bất tận tự một nơi nào đó xa xôi vọng lại, có tiếng tí tách trở mình của những hạt mầm ngủ quên trong đất, tiếng thì thầm của đôi ba chiếc lá già chênh chao sắp lìa cành gửi lại niềm hy vọng cho những chồi non và tiếng thở dài nhẹ bẫng lướt qua, thương chi lạ lùng…

* * *

Cuối đông, những bông cải vàng tươi nhẹ đưa theo ngọn gió mùa xao xác vừa len qua mảnh vườn vắng. Tôi nhìn thấy khắp nơi múm mím những nụ cười rạng rỡ, vui tươi giữa ngày nắng ấm. Và thay thế cho những cỏ may, những xuyến chi, những cành hoa hoang dại không tên, tôi cặm cụi ngóng theo từng bông cải vàng.

Tuổi thơ cơ cực của tôi được nuôi lớn bằng rất nhiều, rất nhiều mùi dưa cải. Cái mùi hơi khắm, chua chua bám vào bàn tay mẹ tôi suốt ngày, suốt tháng. Và đứa trẻ tôi lớn lên bằng muôn muôn những bông cải nhỏ xíu vàng tươi đã được mẹ để dành lại cho, ở một khoảnh đất nhỏ phía cuối vườn. Từ tờ mờ sương sớm, những chuyến cải chất đầy lên xe của mẹ ra chợ chỉ còn lại mình tôi thơ thẩn giữa vườn cải xanh ngắt, say sưa ngắm nhìn, chờ đợi và lo lắng, thấp thỏm ngày cải lên ngồng.

Tôi thường gom những bông cải vàng cuối mùa còn sót lại cắm vào một cái chai để cạnh cửa sổ. Từ phía đó nhìn ra mảnh vườn không có cây gì ngoài mảnh đất mẹ vừa xới lại, chuẩn bị cho một đợt cải mới, tôi mân mê trong giấc mơ của mình một cánh đồng cải mênh mông, chỉ để dành cho tôi thỏa sức ôm vào lòng, thỏa sức tung lên trời, thỏa sức vùi khuôn mặt mình lẫn trong đó, rồi lăn tròn, rồi cuốn tất cả cánh đồng vàng rực ấy bao quanh mình, bay lên cao, lên cao... chỉ nghe thấy chút nồng cay của cải, không hề vương vất đến vị khắm chua.

Mẹ bán cải cây khi còn xanh non và cải muối dưa khi những chiếc lá đã bắt đầu xanh sẫm lại, cuống bắt đầu già đi và ngồng cải mỗi ngày một vươn lên. Có mùa, các vại dưa cải muối trong nhà chưa hề vơi đi chút nào, vườn cải ngoài kia đã ra ngồng dài ngoẵng. Những ngồng cải xanh đã chớm nụ, chớm hoa cứ làm trĩu nặng thêm nếp hằn trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ. Mắt mẹ chùng xuống mỗi khi bước ra vườn dù bông cải vẫn rực vàng tưng bừng dưới nắng. Bàn tay có ngón áp út cong gập của bà mân mê những chiếc lá còn xanh, những ngồng cải dài ngoằng, những bông cải xíu xiu sáng rực. Tôi biết, một tiếng thở dài dài lắm đang bị ghìm chặt lại ở một nơi rất sâu, chỉ chực bung trào ra, vỡ òa ra. Những ngày như thế, dù tôi rất muốn, dù bông cải nở đầy vườn, có bông bắt đầu héo rũ, có bông đã rụng rơi đi những cánh hoa buồn, còn trơ lại đôi ba nhánh cây khẳng khiu xơ xác, tôi tuyệt không dám để một bông cải nào bên ô cửa sổ nhìn ra vườn. Và gia đình tôi, không sót bữa cơm nào thiếu đi món cải: cải luộc, cải nấu canh, bông cải xào, cải muối dưa... mỗi bữa cơm đều mang theo vị nồng đắng của những chiếc lá cải đã chuyển mùa.

* * *

Tôi ngồi lặng yên hàng giờ trước vườn cải đã lên ngồng nghêu ngao trước gió, chờ đợi bàn tay người khẽ luồn qua mái tóc bờm xờm của tôi mà trách cứ: “Con gái con lứa chi mà tóc tai như bộ rễ tre, cứng đơ, bù xù...”.

Bàn tay có đầy rẫy vết chai sạn và thoảng mùi dưa cải muối. Tôi nhắm mắt, cố hít hà lấy chút mùi chua chua lẫn vị lá gừng già quen thuộc. Bàn tay có ngón áp út cong gập, không biết vì lẽ gì. Đã nhiều lần nhìn ngón tay ấy, tôi muốn hỏi căn nguyên nhưng rồi lại thôi, chỉ nhìn nó như một lần vấp ngã mà mãi không bao giờ quên được.

Chính cái ngón ấy đã giữ hơi ấm bàn tay mẹ tôi cách xa tôi một niềm chờ đợi. Chưa bao giờ mẹ vuốt tóc tôi, chưa bao giờ mẹ ôm tôi thật chặt vào lòng, chưa bao giờ nắm lấy bàn tay tôi mà hỏi: Hôm nay con thế nào? Có lẽ cái ngón áp út ấy khiến mẹ chững lại những khi muốn nói lời yêu thương với tôi, hay tại tôi khoác lên mình sự thờ ơ lạnh lùng quá với mẹ, để khi ngồi gần nhau, tôi và mẹ lại ném ra đôi câu nói làm tổn thương nhau. Dù gì, thì mùi dưa cải muối vẫn bám lấy suốt tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ, khi người đã đi rất xa về phía bên kia núi. Và mỗi ngày đi qua, tôi vẫn không bỏ được thói quen cắm đầy trong nhà những cành hoa dại. Đến mùa cải, lại cặm cụi ngóng trông ngày đặt những ngón tay lần tìm trên những ngồng cải, trên mấy bông hoa vàng nhỏ xíu hơi ấm bàn tay mẹ tôi.

Tôi thương những cây cải lên ngồng, những bông cải cố vàng cho bừng lên một khu vườn hiu quạnh. Thương những mảnh vườn bơ thờ bởi đã lâu lắm vắng đi bàn tay người chăm bón. Và tôi thương tôi, thương vị chua mùa cải muối dằng dai suốt cả cuộc đời...

T.T.T.T

 

TRẦN THỊ TUYẾT THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 366

Mới nhất

Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, hướng đến báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

5 Giờ trước

Tạp chí văn nghệ địa phương là diễn đàn Văn hóa - Văn nghệ của những người yêu mến văn học nghệ thuật. Tạp chí mang sứ mệnh giới thiệu, lan tỏa những nét đặc sắc văn hóa vùng miền, phản ánh sâu sắc các sự kiện chính trị, thành tựu kinh tế - xã hội, góp phần vun đắp, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc của quê hương, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người đến bạn bè gần xa.

Nửa thế kỷ "Nối tròn một vòng Việt Nam"

5 Giờ trước

Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta. Đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó... Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. 

Ý thức về giới, một tiếng nói khác trong văn chương

5 Giờ trước

“Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có sự diệu kỳ”, Ntozake Shange, nữ nhà thơ người Mỹ ghi dấu ấn trong các phong trào nữ quyền, đã từng phát biểu như vậy. Phụ nữ là một nửa thế giới, là một thực thể sống động không thể thiếu trong văn chương.

Nữ giới và vấn đề bình đẳng giới hiện nay

5 Giờ trước

Tạo hóa sinh ra phụ nữ với thiên chức cao quý là làm mẹ, là người thầy đầu đời. Phụ nữ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, là biểu tượng cho cái đẹp bất tận. Bên cạnh những mỹ từ mà cuộc đời dành cho họ, thì nữ giới cũng thường chịu những thiệt thòi nhất định, do đặc điểm sinh học và định kiến xã hội. Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ; vì thế vấn đề bình đẳng giới luôn được đặt lên hàng đầu trong mối quan tâm của các quốc gia, dân tộc.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/04

25° - 27°

Mưa

18/04

24° - 26°

Mưa

19/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground