Chớm vào thu. Bầu trời rưng rưng những cơn mưa bất chợt. Những cơn mưa đám mây giăng giăng như triệu triệu hàng nước mắt từ thinh không đang chảy xuống nghĩa trang, làm ngời lên sắc đỏ biếc… Phải chăng đây là nước mắt của những người mẹ, người vợ, đồng bào, đồng chí khóc thương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đã kết thành thiên thủy chảy xuống tươi nhuần cho vùng đất đã một thời bỏng rát lửa đạn của chiến tranh, thấm đẫm mồ hôi xương máu và khát vọng hòa bình của biết bao thế hệ.
Tôi dừng lại trước bia mộ của những người lính Trung đoàn. Sau một thời trận mạc, đánh hàng trăm trận có dư, đã về đây yên nghỉ trong lòng đất ấm nồng của Quảng Trị. Liệt sĩ Hùng Việt, là vị chỉ huy đầu tiên của Trung đoàn… “Con người này dũng cảm, tài ba và thủy chung lắm đó”. Thượng tướng Trần Sâm, bạn chiến đấu của ông khi cùng bà Sữa (vợ của liệt sĩ Hùng Việt) từ Hà Nội vào viếng mộ ông ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh tại trung tâm thị trấn Hồ Xá đã nói với mọi người như vậy. Lần ấy tôi bắt gặp Thượng tướng khóc, những giọt nước mắt già nua, trĩu nặng nhớ thương nhưng nóng hổi chân thành và long lanh một thời binh nghiệp chảy dài trên gò má nhăn nheo của vị tướng già. Ông khóc cho người bạn chiến đấu của mình, khóc cho những sinh linh của Trung đoàn, những người phụ nữ suốt đời phải chịu đơn côi.
Cho đến bây giờ, ngoài những tướng lĩnh của Bộ tư lệnh Quân khu 4, những cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Quảng Trị lúc bấy giờ và những người lính đầu tiên của Trung đoàn thì ít người biết đến hoàn cảnh ra đời của Trung đoàn.
Theo tài liệu lưu trữ tại Bộ tư lệnh Quân khu 4, thì Trung đoàn ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của những ngày sau Cách mạng tháng Tám. Ngay sau ngày Cách mạng tháng 8/1945 thành công, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời về công tác xây dựng lực lượng vũ trang, Ủy ban cách mạng lâm thời Tỉnh đã khẩn trương ra Quân lệnh số 2 “Mở cuộc tuyển quân cấp tốc thành lập chi đội giải phóng quân”. Thực hiện quân lệnh số 2, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/9/1945, Chi đội giải phóng quân đầu tiên mang tên Thiện Thuật của Quảng Trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đã được thành lập. Chi đội có 1.500 quân, được tuyển chọn trong lực lượng tự vệ đỏ, trong thanh niên, công nông, học sinh và một số binh lính của chế độ cũ có tinh thần yêu nước đi theo cách mạng.
Trang bị thô sơ của Trung đoàn 95 trong những ngày đầu thành lập - Ảnh tư liệu
Những người lính đầu tiên của Trung đoàn là những người áo vải, chân đất của các làng quê Quảng Trị, của khắp cả nước tình nguyện lên đường cầm súng đánh giặc cứu nước. Họ còn là những trí thức yêu nước, công nhân hỏa xa… Trong những người lính đầu tiên của Trung đoàn còn có những người ở phía bên kia, giác ngộ trở về với cách mạng, với nhân dân. Họ là sĩ quan trong quân đội Pháp, cai khố đỏ, lính khố xanh, nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng yêu nước và một quyết tâm đánh giặc cứu nước.
Ngay từ những ngày đầu tiên mới thành lập, Chi đội vệ quốc quân đã tiến lên phía tây đường 9 chiến đấu. Đầu tháng 12/1945 đã anh dũng đánh địch bật khỏi Khe Sanh, Lao Bảo đập tan âm mưu xây dựng bàn đạp trên vùng đất biên giới Việt - Lào của Pháp. Được sự đùm bọc, che chở của nhân dân, đến tháng 11/1946 Chi đội Thiện Thuật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đổi tên thành Trung đoàn Thiện Thuật. Trung đoàn Thiện Thuật được tổ chức gồm 3 Tiểu đoàn 13, 14, 15 và có các đại đội trực thuộc như thông tin, công binh, trinh sát…
Đến cuối năm 1947, Trung đoàn Thiện Thuật được đổi tên thành Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 13 trở thành d301, Tiểu đoàn 14 trở thành d302, Tiểu đoàn 15 trở thành d310, trực thuộc Quân khu.
Trung đoàn Thiện Thuật ra đời cùng thời điểm với Trung đoàn Trần Cao Vân của Thừa Thiên Huế năm 1947. Trung đoàn Trần Cao Vân cũng được đổi thành Trung đoàn 101.
Sĩ quan chỉ huy của Trung đoàn là những con người cự phách, tài ba và mưu lược. Đồng chí Hùng Việt là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn. Bác Nguyễn Đình Tháp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 về hưu tại Nông trường Bến Hải, thị trấn Hồ Xá kể lại: Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi chưa gặp một sĩ quan chỉ huy nào như ông Hùng Việt. Được đào tạo bài bản trong trường võ bị, ông Hùng Việt không những hào hoa trong lối sống mà còn đa mưu túc kế trong bài binh, bố trận. Tuy Trung đoàn mới thành lập, trang bị vũ khí còn hạn chế, nhất là hỏa lực còn yếu hơn địch nhiều. Nhưng trận nào bộ đội ta cũng đánh thắng, làm cho địch khiếp vía, kinh hồn, nổi tiếng cả mặt trận Bình Trị Thiên. Đặc biệt ông rất thương lính, ông thường bảo “không có lính thì lấy ai để đánh giặc”. Do đó, ông thường xuyên xuống các đơn vị để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với cán bộ chiến sĩ. Có bận ông xuống một đại đội đúng vào bữa ăn trưa, do anh nuôi nấu thiếu cơm, lính ăn không no, ông quát ầm lên và lệnh cho anh nuôi phải nấu thêm cơm.
Sau khi Hùng Việt hi sinh, người thay ông chỉ huy Trung đoàn là ông Lê Bá Vận, con người nổi tiếng thứ hai của Trung đoàn. Ở con người nổi tiếng này có rất nhiều huyền thoại, không có huyền thoại nào giống huyền thoại nào, nhưng tất cả đều nói về ông như tướng Sa-ba-ép trong nội chiến ở Liên Xô, nghe đến tên tướng Vận là bọn địch sợ đái vãi ra quần. Mặc dầu tài hoa, dũng cảm nhưng ông vẫn không thoát khỏi vòng oan nghiệt của chiến tranh. Ông đã ngã xuống trong một chuyến đi thị sát mặt trận để chuẩn bị cho một trận đánh lớn vào giữa năm 1950. Sau khi Lê Bá Vận hi sinh, tướng Lê Nam Thắng, tướng Lê Văn Tư thay nhau chỉ huy Trung đoàn, tiếp tục lập nên những chiến công vang dội trên mặt trận Bình Trị Thiên và Quân khu 4.
Tôi không được gặp lại người cha thân yêu của mình, một trong những người lính đầu tiên của Trung đoàn, nhưng còn may mắn được đọc lá thư của người gửi về cho mẹ tôi. Màu giấy đã ố vàng, thư có đoạn không còn rõ chữ, tôi chỉ đọc được đoạn đầu: “Đơn vị tụi anh đang tiến vào mặt trận Thanh Hương, chỉ vài ngày nữa mặt trận sẽ mở màn. Trang bị còn thiếu lắm, hỏa lực Tiểu đội chỉ có tiểu liên MAT, hỏa lực Trung đội, Đại đội chỉ có tôn sơn, cả Tiểu đoàn anh chỉ có 1 khẩu trung liên. Lương thực, thực phẩm có khá hơn, gạo độn sắn khô, thức ăn có cá khô và muối ruốc, nhưng tụi anh tin sẽ đánh thắng…”.
Nhưng tôi có ngờ đâu, đó là những dòng cuối cùng của cha tôi gửi về cho mẹ tôi, cha tôi và một người bạn của cha ngã xuống vài phút chót của trận đánh. Cuộc chiến quá khốc liệt, đồng đội không tìm được thi hài, xương thịt của cha và của người bạn chiến đấu đã gửi lại với đất trời Thanh Hương.
Sau này, trên đường đi tác nghiệp, tôi có ghé chiến trường xưa vào một chiều cuối thu năm 1978. Có lẽ đã quá dài lâu về thời gian và bao la một không gian, nên đường nét của mặt trận xưa không còn nữa. Nhưng trong màn sương chiều lãng đãng trôi, tôi như vẫn thấy hình bóng của những người lính Trung đoàn đang ôm bom ba càng lao lên phía trước và đất dưới chân như rung lên điệp khúc của một thời chiến tranh xa vắng…
Được Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị xây dựng và nuôi dưỡng, Trung đoàn đã trở thành quả đấm thép của lực lượng vũ trang cách mạng. Trung đoàn đã đánh hàng trăm trận có dư, trận nào cũng lập công xuất sắc, tạo ra cục diện mới có lợi cho ta trên chiến trường. Nhưng đáng kể nhất là bốn trận đánh lớn, đó là trận Thanh Hương, trận Hà Thanh, trận Nam Đông và trận Mỹ Chánh. Riêng trận Mỹ Chánh có sự phối hợp của Trung đoàn bạn thuộc lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế - Trung đoàn Trần Cao Vân. Trên mặt trận Quảng Trị, chưa có trận đánh nào xảy ra dữ dội và oanh liệt như trận Mỹ Chánh. Bà Đào Thị Nuôi nguyên là cán bộ thuộc Ban chỉ huy Trung đoàn, thời còn an dưỡng tại Trung tâm thương binh xã hội tỉnh Bình Trị Thiên trước đây đã kể với tôi rằng: “Bộ đội ta dũng cảm lắm, mặc dầu hỏa lực của địch rất mạnh, nhưng bằng mưu trí và lòng dũng cảm, bộ đội ta lần lượt diệt các điểm hỏa lực của địch, đồng loạt xung phong đánh giáp lá cà với địch. Trận đấy, quân ta thắng lớn”. Do tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn nữa, nên bà cụ Đào Thị Nuôi không còn nhớ được từng chi tiết của trận đánh. Bà chỉ còn nhớ được trận ấy, bộ đội ta tiêu diệt được nhiều địch, bắt được nhiều tù binh, thu hàng tấn vũ khí, bẻ gãy được trận càn quy mô lớn của hai Binh đoàn của quân Pháp, bảo vệ được thác Triệu Hải, đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Nhưng qua đôi mắt già nua của cụ, tôi thấy ánh lên sự xúc động mạnh mẽ, có lẽ trong cuộc đời binh nghiệp của mình, trận Mỹ Chánh đã để lại trong ký ức của cụ những kỷ niệm khó mờ phai.
Cho đến hôm nay, không còn ai nhớ hết những huyền thoại về Trung đoàn qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, cũng như qua từng trận đánh. Trong một lần tiếp xúc với Thiếu tá Lê Đình Bá, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 14, tôi được biết thêm nhiều câu chuyện thú vị về Trung đoàn. Thiếu tá Lê Đình Bá kể rằng: “Có lẽ trong đội hình Sư đoàn 325, Trung đoàn 95 là đơn vị có nhiều nét đặc biệt nhất kể cả trang bị, cách mai phục và lối đánh thần tốc làm cho địch không kịp trở tay”. Những người lính của Trung đoàn như hòa vào trong đất, trong cây cỏ, sông nước rồi bất thần xuất trận làm cho quân địch không biết đâu mà lường. Có bận Trung đoàn chỉ dùng một Đại đội làm nghi binh ở An Trung, làm cho quân địch lầm tưởng ta đánh vào An Trung, nhưng thực chất quân ta đã ém sát Hà Thanh và đánh úp bất ngờ, giành thắng lợi giòn giã. Quá yêu mến Trung đoàn, nên nhân dân Quảng Trị thường gọi Trung đoàn bằng những cái tên rất ngộ nghĩnh “Trung đoàn trâu nước”, “Trung đoàn trâu đất”, còn quân giặc thì khiếp sợ oai danh của Trung đoàn, nên thường gọi đơn vị là “Trung đoàn hổ xám”. Có một bận, tên quan lại của Pháp ở đồn Hà Trung được tin quân của tướng Vận đi qua, sợ quá đái vãi ra cả quần và bảo lính đóng chặt cửa đồn không dám manh động.
Không biết có bao nhiêu câu chuyện đại loại kiểu như thế về Trung đoàn và những người lính của Trung đoàn?
Trung đoàn làm lễ tuyên thệ trước khi lên đường tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 - Ảnh tư liệu
Sau năm 1950, vào giai đoạn Tổng phản công, thực hiện chỉ lệnh của Bộ Tổng, Trung đoàn hành quân ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh để thành lập Sư đoàn 325. Trong đội hình của Sư 325, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã chiến đấu dũng cảm lập nên nhiều chiến công vang dội trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.
Máu xương của những người lính của Trung đoàn đã đổ, đã hòa vào trong đất, trong cây hóa thành màu xanh của sự sống thanh bình. Họ là lực lượng vũ trang của Đảng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.