Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Triệu Phong được nâng cao giá trị và có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và tạo nên những làng quê đáng sống. Những kết quả đó có được, không thể phủ nhận sự đóng góp của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, chương trình đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “sứ giả” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của địa phương.
Xây dựng sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương
Huyện Triệu Phong không có lợi thế về sản xuất hàng hóa lớn, với các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Vì thế huyện định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng các sản phẩm địa phương theo từng chuỗi giá trị nhỏ. Định hướng này lại rất phù hợp tiêu chí và chu trình Chương trình OCOP, bởi các sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất nhỏ, chú trọng vào giá trị bản địa.
Một trong các tiêu chí hàng đầu để xét công nhận sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Chính vì vậy, trọng tâm Chương trình OCOP của huyện Triệu Phong là tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm từ nông sản, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Triệu Phong, gắn với truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của mỗi vùng quê. Những sản phẩm đã đạt OCOP của huyện đã phản ánh được tính đặc trưng của nông thôn Triệu Phong. Tiêu biểu như một số sản phẩm đặc sản truyền thống gạo sạch, bánh ít lá gai, bún Vạn Linh, nước mắm Gia Đẳng,…
Gạo sạch Triệu Phong là sản phẩm của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, có địa chỉ tại thôn An Hưng, xã Triệu Tài. Đây là hợp tác xã sản xuất lúa nổi tiếng của đồng bằng Triệu Phong. Từ năm 2015, hợp tác xã đã triển khai mô hình ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch ở các xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn. Để sản xuất ra lúa gạo sạch, bà con nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “ba không”: Không sử dụng các loại phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu và không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay họ làm ra. Khi mới thực hiện mô hình này, chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, hiện nay đã có 152 thành viên tham gia sản xuất 54 ha lúa sạch.
Sản phẩm gạo của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã được chứng nhận sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, đạt tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN 11041-2:2017 nhiều năm; đã từng đoạt giải Nhất công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường tại Hội nghị Quốc tế Seoul, Hàn Quốc năm 2017. Không dừng lại với các danh hiệu đã đạt được, năm 2020, HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP “Gạo sạch Triệu Phong”. Ngay trong lần đầu tham gia chương trình, sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh - một mức chứng nhận rất cao, tiếp tục khẳng định chất lượng thương hiệu sản phẩm.
Gạo sạch Triệu Phong - sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong - Ảnh: T.C
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cho biết, sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm gạo sạch của HTX được dán nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu qua các hội chợ của tỉnh, huyện nên nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Việc xây dựng thành công sản phẩm gạo OCOP đã nâng cao giá trị hạt gạo Triệu Phong lên 10 - 15% so với gạo sản xuất đại trà, tăng thu nhập cho nông dân.
Tương tự, sản phẩm OCOP bún sạch Vạn Linh cũng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu bún cho địa phương. Vạn Linh là cơ sở sản xuất thực phẩm xuất phát từ làng nghề truyền thống Linh Chiểu, xã Triệu Sơn với hơn 100 năm lịch sử phát triển nghề bún truyền thống. Làng nghề bún Linh Chiểu nổi danh lâu đời nhưng các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, làm bún không thương hiệu nên đưa ra thị trường không phân biệt được với các nơi khác. Giữa cơn bão tẩy chay bún chứa hàn the, chất tẩy trắng công nghiệp cách đây chưa lâu, bún Linh Chiểu chịu tiếng oan rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhìn tình cảnh ấy, ba chàng trai làng bún Linh Chiểu là Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đăng Tôn Cảnh và Nguyễn Phước Ánh bắt đầu nung nấu ý tưởng xây dựng thương hiệu bún sạch cho quê hương. Họ thành lập Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh với sứ mệnh lưu giữ giá trị truyền thống của làng nghề bằng phương thức hiện đại, đưa công nghệ vào quá trình làm ra sợi bún sạch, ngon và áp dụng kiến thức truyền thông, tiếp thị để nâng tầm sản phẩm.
Khi Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh mở rộng quy mô sản xuất cũng là lúc tỉnh Quảng Trị phát triển mạnh mẽ Chương trình OCOP. Nhận thấy đây là chương trình kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, Vạn Linh mạnh dạn đăng ký hồ sơ tham gia. Với sự đầu tư về mẫu mã, bảo đảm từ hồ sơ đến chất lượng, 3 sản phẩm của Vạn Linh là bún sạch, bột bánh canh tươi và bột lọc tươi nhồi sẵn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện mỗi ngày xưởng bún sạch Vạn Linh cho ra thị trường hàng chục tạ bún tươi, bột bánh canh, bột lọc tươi. Sản phẩm không còn quanh quẩn chợ quê mà đã len lỏi vào các nhà hàng, quán ăn lớn, xa ra các địa phương ngoài tỉnh.
Bên cạnh gạo sạch Triệu Phong, bún sạch Vạn Linh, nhiều sản phẩm OCOP khác của huyện Triệu Phong cũng chứa đựng những câu chuyện văn hóa truyền thống như: sản phẩm nước mắm Gia Đẳng mang hương vị, văn hóa của làng nghề nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng; sản phẩm bánh ít lá gai của hộ kinh doanh Lê Thị Sáu là món bánh đặc sản nổi tiếng của làng Đại Hào, xã Triệu Đại, nay nhờ Chương trình OCOP mà sản phẩm đã có nhiều cơ hội tiêu thụ ngoài thị trường, giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu…
Như vậy, thông qua Chương trình OCOP, huyện Triệu Phong đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản đã có tiếng của địa phương. Không những vậy, các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP tiếp tục tồn tại, phát triển và tạo được dấu ấn, nhận diện riêng. Đó cũng chính là mục tiêu huyện Triệu Phong phát triển các sản phẩm OCOP gắn với giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Để sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa
Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP, Triệu Phong là một trong những huyện có số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình nhiều nhất tỉnh Quảng Trị. Đến nay, huyện Triệu Phong có 21 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Bên cạnh đó, Triệu Phong có nhiều sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP như nón lá Bố Liêu, dưa hấu Long Quang, bột sen, nấm,... Năm 2024, huyện Triệu Phong phấn đấu có từ 4 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Để thúc đẩy Chương trình OCOP tiếp tục phát triển, trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và định hướng xuất khẩu. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, quốc gia. Xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tổ chức các tour du lịch làng nghề, tham quan vùng nguyên liệu, tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP, thưởng thức các sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong Trần Thiện Nhân cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn Triệu Phong và tác động tích cực đến kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham gia Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm được tiếp thêm sức mạnh, có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập. Không những vậy, chương trình OCOP còn mang lại giá trị tích cực cho chính các chủ thể, không chỉ là nâng cao thu nhập cho chủ thể mà chính trong quá trình phát triển sản phẩm đã thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về quê hương mình từ các câu chuyện sản phẩm OCOP đem lại.
Nhìn vào bản đồ OCOP Việt Nam và bản đồ OCOP tỉnh Quảng Trị, có thể thấy rằng, có những sản phẩm OCOP có tên gọi, nguyên liệu gần giống nhau, nhưng sản phẩm của địa phương này vẫn khác sản phẩm địa phương khác ở chính giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống được truyền tải trong câu chuyện sản phẩm. Bởi vậy, Triệu Phong chú trọng tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm OCOP của huyện trên tinh thần phát triển sản phẩm OCOP không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương, xứ sở.