Vườn thuốc nam ở trường mầm non Ba Tầng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: T.Đ
1. Ngày nhỏ chúng tôi ở quê rất hiếu động hoang nghịch nên thường xuyên gặp phải những xây xát bên ngoài da. Mấy trò chơi trẻ con rượt đuổi nhau, chơi đánh khăng đánh cù thể nào cũng “sứt đầu mẻ trán”, rồi chạy nhảy giẫm phải miểng sành, thủy tinh vỡ. Những vết thương hở bên ngoài gây chảy máu khi ít khi nhiều, và trẻ con lại tự sơ cứu cho nhau.
Ngắt một cái đọt lá chuối non vòi lá chưa bung mà đang cuộn lại như một chiếc ống, cho vào miệng nhai nhuyễn rồi đắp vào vết thương để cầm máu. Lá chuối cầm máu rất nhanh và không gây đau rát, một lát sau đã thấy đứa kia thôi nhăn nhó, lại chạy nhảy như chưa hề có chuyện gì. Lá chuối non thành ra một vị thuốc cầm máu an toàn, nhanh chóng đối với tuổi thơ hoang nghịch của chúng tôi. Kinh nghiệm dân gian này trẻ con ở quê đứa nào cũng biết, để tự sơ cứu cho mình và bạn bè. Mãi sau này, cái đọt chuối non ấy vẫn là phương án sơ cứu hữu hiệu, thay cho nước sát trùng như oxy già, cồn y tế không phải lúc nào cũng sẵn có.
Cũng có khi trẻ con chúng tôi hái mấy thứ trái trong vườn như khế, xoài, đu đủ đem xắt lát ra trộn muối ớt thật cay làm món xụm. Ăn xong lại nốc luôn một gáo nước lạnh mát ruột. Hậu quả là chỉ lát sau đứa nào đứa nấy đau bụng tè re. Vị thuốc lúc ấy để cầm thổ tả chính là đọt lá ổi. Ngắt những cái đọt ổi non vừa hú lá cho vào mồm nhai và nuốt. Đứa nào con trai thì bảy đọt, con gái thì chín đọt. Đấy là chúng tôi nghe người lớn khuyên dùng số đọt ổi như vậy, theo quan niệm “vía” của nam nữ. Lạ thay, lát sau bụng dạ đã ổn, không còn thấy khó chịu.
Lớn lên đọc sách tôi mới biết lá chuối, lá ổi đều có các vị thuốc giúp cầm máu và cầm tiêu chảy. Hoàn toàn là y học hẳn hoi, được lưu truyền trong dân gian, đến trẻ con cũng biết dùng và dễ kiếm trong những khu vườn quê.
Tính hiếu động trẻ con cùng với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung gây nên những chứng bệnh cấp tính. Chẳng hạn những hôm chạy nhảy nhiều lúc trời nóng nực, thể nào bọn trẻ cũng bị bệnh tiểu lắt nhắt mà người Quảng Trị gọi là “đái láu”. Những bà mẹ quê liền kiếm ngay mấy cây mã đề mọc hoang khá nhiều trong các khu vườn. Mã đề nhổ luôn cả bụi gồm rễ, lá và vòi hoa đem rửa sạch nấu lấy nước, rồi pha thêm đường đen cho nước ngọt. Uống nước mã đề ấy vào thì chứng tiểu lắt nhắt hết ngay.
Những khi trời chuyển mùa, chúng tôi đều bị lên cơn sốt giữa đêm. Khi ấy mẹ sẽ ngắt một nắm lá diếp cá, thứ rau ăn sống có mùi vị ngai ngái vườn nhà ai cũng mọc rất đầy, cho nắm lá vào cối giã nát, rồi quấn vào khăn áp lên trán. Đồng thời nấu một nắm lá tía tô cho uống. Lát sau mồ hôi đã rịn ra ở cổ, ở nách, thân nhiệt mát dần. Cả hai thứ lá ấy đều giúp hạ sốt nhanh chóng và tiện lợi giữa đêm hôm không thể đi mua thuốc.
Hoa lá trong vườn nhà được phơi làm thảo dược - Ảnh: T.Đ
2. Khi còn nhỏ, tôi từng thấy rất nhiều người lớn tuổi ở quê bị đau lưng. Có lẽ là vì người ta lao động quá sức, nhiều khi công việc đồng áng bắt buộc phải gắng làm để “chạy cho kịp ông trời”. Rồi làm việc sai tư thế dẫn đến xương khớp có vấn đề.
Ông nội tôi năm đó sáu mươi tuổi bị đau lưng, vào mùa lạnh thì lưng cứng tê không đi được. Anh em chúng tôi được ông sai ra vườn hái lá ngải cứu đem vào lót giữa chiếu và vạc giường ông nằm. Dùng một chảo than hồng đặt phía dưới để xông, hương ngải cứu tỏa thơm ngát cả gian nhà. Ngải cứu trong vườn mọc không kịp để ngắt, chúng tôi phải đi quanh xóm làng xin, hồi đó rất nhiều nhà trồng thứ này (để dùng khi đàn heo bị đau bụng thì ngắt một nắm cho heo ăn). Ngải cứu giúp chứng đau lưng của ông giảm đau khá nhanh, nhưng nó chỉ là liệu pháp nhất thời.
Sau đó ông tôi đi khám ở bệnh viện thì được chẩn đoán bị hai cái gai cột sống lưng dẫn đến thần kinh tọa, chỉ định phải mổ với một khoản chi phí rất lớn lúc bấy giờ. Thêm nữa, bác sĩ cũng cho biết việc mổ cột sống lưng có thể gây ra tác dụng phụ, tiên lượng xấu nhất là... liệt người. Chuyện hệ trọng ấy tất nhiên ông tôi không dám quyết định ngay mà xin về nhà suy nghĩ. Lúc ra khỏi cổng bệnh viện thì có một người chạy xe thồ chưa hề quen mặt ập đến, hỏi han tình hình bệnh tật rồi bảo ông tôi ngồi lên xe. Người xe thồ ấy chở ông đi về hướng chân núi Ngự Bình, vào nhà một ông thầy thuốc Đông y.
Ông tôi mua ở chỗ ông thầy đó hai chục thang thuốc đem về nhà sắc uống thử, thấy đỡ đau. Rồi lần khác ông lại nhảy xe đò vào Huế, cứ tới bến nói tên vị lương y là tất cả tài xế đều biết. Tới lúc bệnh đã đỡ nhiều thì ông không đi Huế bốc thuốc nữa mà tự bốc thuốc cho mình bằng một chút cảm tính. Ông xem các vị trong thang thuốc hầu như toàn thảo dược và ướm đoán nó giống với các loài cây dại mọc ở quanh làng. Thế là ông mang liềm đi bứt các loại cây mọc ven mấy bãi đất ngoài đồng, nhiều nhất là vùng nghĩa địa vì nơi đây cây cối rậm rạp, nhiều loại cỏ mọc hoang. Tất cả thứ lá, cành cây đấy ông đem về rải ra nống phơi rồi cứ thế sắc uống. Một thời gian dùng thảo dược ông tôi hết hẳn chứng đau lưng, đi viện chụp phim lại thì hai cái gai cột sống đã tiêu. Xương khớp ông bình thường cho đến nay hơn hai chục năm, ngoài tám mươi tuổi rồi ông vẫn không còn thấy đau lưng nữa.
Đã nhiều lần tôi đi Huế, men vùng dưới chân núi Ngự Bình để hỏi địa chỉ người bốc thuốc năm xưa nhưng chẳng ai có thông tin gì. Có lẽ bậc lương y ấy đã mất và không có người nối nghiệp, vì như ông tôi kể thì thời đó vị thầy thuốc đã già lắm rồi. Tôi cũng không rõ ông "trúng thuốc" chỗ ông thầy, hay chính những loài cây dại trên đồng đất quê nhà đã cứu ông khỏi căn bệnh xương khớp lúc ấy. Chỉ biết chắc chắn một điều là ông chỉ dùng hai loại thuốc ấy, hoàn toàn từ cây cỏ.
3. Thảo dược vốn có tự ngàn đời và luôn sẵn quanh ta. Trước đây, khi nền y học hiện đại (mà ta quen gọi bằng thuật ngữ Tây y) chưa phát triển thì các loại thuốc nguồn gốc thiên nhiên đã cứu giúp con người rất nhiều. Ngày nay ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi mà chuyện đi lại bệnh viện khó khăn thì con người vẫn có xu hướng dựa vào cây cỏ để chữa những bệnh nhẹ một cách kịp thời.
Có lần đi thực tế ở xã Ba Tầng, một địa bàn vùng sâu của huyện miền núi Hướng Hóa, tôi bất ngờ khi thấy trong khuôn viên trường mầm non có một vườn thuốc nam được các cô trò chăm tạo đẹp mắt. Vườn có nhiều loại cây như: nha đam, sống đời, rau tườn, sâm hành, xương quạt… Các vạt cây được cắm biển ghi tên rõ ràng và thú thực có mấy loại tôi mới lần đầu nghe tên, rất lạ, nhưng vì nằm trong vườn thuốc nam nên hẳn nó chữa được những bệnh gì đấy theo kinh nghiệm của người bản địa nơi đây.
Đi du lịch các vùng miền trên cả nước, ta đều bắt gặp các loại thảo mộc được bày bán như một sản phẩm phục vụ du khách. Những loại cây chữa các bệnh phổ biến như nhức đầu xương khớp; các cây rừng bào chế thành cao hoặc nước thuốc chữa sâu răng, viêm xoang… Đấy là những nơi có hệ thực vật tự nhiên nguyên sinh, phong phú như vùng núi và các hải đảo. Các loại sâm rừng người bản địa khai thác được bán cho khách mua về làm đồ ngâm rượu. Thuốc Đông y thường được người ta quan niệm là “phước chủ duyên thầy”, tức tùy duyên mà công năng hiệu quả sẽ nhiều hay ít. Thế nên đi du lịch gặp thuốc thảo dược cũng không ít người đã chữa được bệnh gì đấy và truyền tai nhau. Kinh nghiệm dân gian bản địa, giá trị lưu truyền ở các tộc người đã tạo nên một hệ thuốc Đông y phong phú trong kho tàng y học cổ truyền nước ta.
Y học hiện đại cũng không phủ nhận vai trò của thảo dược, mà ngược lại, còn có sự nghiên cứu kết hợp để cho ra các liệu pháp điều trị mới. Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại thảo dược được bào chế thành viên nén, và được gọi khiêm tốn bằng cái tên “thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên”. Đó là sự kế thừa những kết quả nghiên cứu y học lâu đời của nhiều nền văn hóa khác nhau, kể cả những nước có nền y học hiện đại đi đầu. Ta có thể thấy các loại thuốc bổ não, cải thiện trí nhớ được bào chế từ cây bạch quả Ginkgo Biloba do các nước phương Tây sản xuất được nhập khẩu vào nước ta khá nhiều hiện nay.
Cùng với xu hướng “sống xanh, sống sạch” ngày nay, con người dường như càng quan tâm hơn đến các vị thảo dược trong cuộc sống hằng ngày. Đó cũng là cách để hiểu hơn tự nhiên và trân trọng, bảo vệ môi sinh luôn nâng đỡ con người.