Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/10/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức: Người thổi hồn vào văn hóa dân tộc Pa Kô

Có một khu dân cư ở miền tây Quảng Trị nằm trên trục Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện lỵ Đakrông khoảng 35 km về phía nam, đó là địa bàn thôn A Liêng, xã Tà Rụt. Ở đây phong cảnh núi rừng nguyên sơ với sắc xanh trên nền đất đỏ bazan mang đến cho du khách nhiều điều thú vị, bản làng truyền thống của người Pa Kô sinh sống có những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc theo vốn riêng của xứ sở mình.

Các lễ hội truyền thống thường xuyên được tổ chức không chỉ ở Tà Rụt mà còn lan rộng ra các xã lân cận như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cúng mùa lên rẫy, lễ hội Ariêu ping… diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa gồm: diễu hành và nghi lễ dâng hương; các trò chơi dân gian như thi cồng chiêng, đẩy gậy, bắn cung nỏ, ném vòng… với mong ước dâng lên thần linh những sản vật của quê hương, những lời ca, điệu múa cầu mong cho bà con dân bản luôn hạnh phúc, no ấm.

Những điệu múa cồng chiêng trong lễ hội được thể hiện cùng với các bài dân ca ngân vang khắp núi rừng Trường Sơn hùng vĩ như điệu Ra doác, A dền, Ka lơi, Xiêng, Cha chấp... là hồn văn hóa của đồng bào Pa Kô. Các điệu múa này sâu lắng, nhịp nhàng trong tiếng trống, tiếng khèn của những chàng trai, cô gái miền sơn cước bên đống lửa của ngày hội đã thu hút du khách gần xa cũng như bà con trong vùng đến xem và cổ vũ. Và một trong những người đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp truyền thống đó là nghệ nhân ưu tú Kray Sức.

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức sinh năm 1964, thuở nhỏ nhà nghèo, bố mẹ vất vả nuôi anh trong điều kiện khó khăn chung của bà con đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Anh là con thứ 9 trong một gia đình có 11 anh chị em, do ly loạn và đời sống lúc đó chưa phát triển nên 10 người đã lần lượt qua đời, chỉ còn một mình Kray Sức ở với mẹ, bố đi làm cách mạng xa nhà. Khi lên đường công tác, bố anh để lại cây đàn Ta lư giao mẹ anh cất giữ, hai mẹ con dựng túp lều nhỏ ở tạm. Khi máy bay Mỹ đến, mẹ con anh phải tháo chạy chui vào hang ẩn núp để không bị phát hiện và tránh đạn bom. Những lúc máy bay địch tạm ngừng quần thảo, Kray Sức cùng theo mẹ lên rẫy, lên nương làm lụng vất vả. Đêm về, mẹ con trong căn lều tạm dùng rau cháo qua bữa, rồi mẹ bắt đầu đàn Ta lư hát cho con trai từ từ chìm vào giấc ngủ. Từ đó, tiếng đàn của mẹ hằn sâu vào tâm thức của chàng trai núi rừng.

Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào Pa Kô ở địa phương tổ chức lễ hội Ariêu ping để bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất, đồng thời cũng là dịp để các dân tộc vùng cao giao lưu, gặp gỡ mừng quê hương hòa bình. Nhìn các già làng và bà con dân bản cử hành hội đâm trâu, cùng hát, cùng nhảy múa bên ngọn lửa bập bùng, hòa trong tiếng đàn và điệu cồng chiêng, Kray Sức đã bị mê hoặc và nhớ đến tiếng đàn Ta lư của mẹ ngày trước. Anh xin mẹ tìm đến già làng Kôn Sen để học chơi đàn Ta lư - một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Pa Kô không thể thiếu trong những lần tổ chức lễ hội hoặc các cuộc giao duyên trong vùng.

Ngày tháng trôi qua, Kray Sức đã trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, có giọng ca mượt mà hay nhất xã và tiếng đàn Ta lư được tôi luyện nhuần nhuyễn, thánh thót khiến bao cô gái ở địa phương đắm say, mê mẩn. Kể từ đó, các cuộc thi văn nghệ do xã hoặc huyện tổ chức, Kray Sức đều đạt giải cao mà anh không hề tự mãn. Điều anh luôn canh cánh trong lòng là bản sắc văn hóa người Pa Kô đang dần mai một. Những người làm được đàn Ta lư, hát dân ca Pa Kô, chơi được nhạc cụ truyền thống thưa vắng dần. Thế hệ trẻ hầu như không biết đến văn hoá của dân tộc mình, đa số sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp, điều đáng buồn hơn nữa là khi đến địa phương khác giao lưu thì văn hoá người Pa Kô bị nhầm lẫn với người Vân Kiều hoặc Tà Ôi. Không thể để văn hóa của người Pa Kô mai một, Kray Sức quyết tâm phục hồi và bảo tồn theo cách riêng của mình.

Vào những năm đầu thế kỷ 21, đàn Ta lư và cồng chiêng của người Pa Kô ở miền núi Quảng Trị rất hiếm có. Sau nhiều năm tích lũy vốn liếng dành dụm được, anh tìm đến già làng Kôn Máy trong vùng đặt làm 10 cây đàn để tặng cho 9 thôn ở xã Tà Rụt, còn lại một cây anh dành riêng cho bản thân mình. Sau đó anh đến từng bản làng vận động người dân theo học và trở thành thầy dạy đàn từ đó. Công việc này diễn ra chủ yếu vào ban đêm, vì ban ngày bà con phải lên rẫy.

Trải qua thời gian cần mẫn làm thầy dạy đàn, anh đã đi hầu khắp các bản làng Pa Kô. Nhờ anh, rất nhiều người dân đã đánh được đàn Ta lư và hát được một số làn điệu dân ca của dân tộc mình. Anh đã sưu tầm được gần 50 phiên bản: Ka lơi (hát để khen nhau, hoá giải nỗi buồn), Cha chấp (lời mời gọi), Tăn y (hát ru), A dêng, A rơng… Những làn điệu đó không chỉ hoà vào tiếng đàn Ta lư mà còn có những tiếng khèn và cồng chiêng cùng phụ họa. Kray Sức cũng cất công đi tìm những nghệ nhân biết sử dụng khèn và đánh được cồng chiêng để thành lập đội nhạc nhằm truyền dạy dân ca Pa Kô cho người Pa Kô.

Kray Sức (thứ ba từ trái qua) truyền giảng cho thế hệ trẻ về sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống ở thôn A Liêng, Tà Rụt - Ảnh H.T.T

Kray Sức (thứ ba từ trái qua) truyền giảng cho thế hệ trẻ về sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống ở thôn A Liêng, Tà Rụt - Ảnh H.T.T

Trong quá trình sưu tầm các làn điệu dân ca Pa Kô, anh đã đúc rút được kinh nghiệm để tự sáng tác những lời mới theo làn điệu cũ. Đầu những năm 2.000, Kray Sức cho ra đời bài hát “Con mồ côi đi tìm nhà” để đội dân ca văn hoá truyền thống xã Tà Rụt dự thi và giành giải xuất sắc tại Liên hoan Nhịp cầu xuyên Á do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tại tỉnh nhà. Cũng nhờ vào sự quyết tâm của Kray Sức nên Tà Rụt là xã đầu tiên ở Quảng Trị đã khôi phục được làn điệu dân ca truyền thống dân tộc Pa Kô một cách bài bản và có hệ thống. Không chỉ lưu truyền văn hoá dân tộc cho đồng bào Pa Kô ở huyện Đakrông, anh còn nhận lời đi truyền dạy ở các xã của huyện Hướng Hoá và các tỉnh lân cận. Nơi nào người Pa Kô cần, anh sẵn sàng có mặt và đem hết nhiệt huyết của mình để san sẻ một cách say sưa, không kể xa xôi cách trở. Cùng đi theo anh còn có bảy học trò xuất sắc là Hồ Văn Hữu, Hồ Xuân Nam, Hồ Xuân Niên, Hồ Văn Việt, Hồ Văn Ngư, Hồ Thị Thôi và Hồ Thị Sở đều ở xã Tà Rụt. Kray Sức và các học trò đã đưa văn hóa Pa Kô đến được với hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh, trong số đó có rất nhiều người mới mười tám, đôi mươi.

Từ năm 1996, anh được tiếp nhận vào làm cán bộ của UBND xã Tà Rụt, sau đó chuyển qua làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã. Từ đó, Kray Sức càng có điều kiện để sưu tầm, ghi chép, biên soạn các kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội và các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Bên cạnh đó, anh cùng với các nghệ nhân cao tuổi ở địa phương đã trực tiếp truyền dạy cách đánh cồng chiêng, chơi đàn Âmpreh, Ta lư, thổi kèn bè cũng như hát các làn điệu dân ca Pa Kô cho rất nhiều học viên trẻ ở các xã A Bung, A Ngo, A Vao…

Năm 2011, Viện nghiên cứu kinh tế môi trường của Trung ương vào làm việc với UBND huyện Đakrông để thành lập nhóm ISI truyền thông “vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số” tại 3 địa phương: xã Thanh (Hướng Hóa), xã Tà Rụt và xã Mò Ó (Đakrông). Kray Sức đã tranh thủ sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Kô rất tích cực. Với một chiếc máy ảnh và cuốn sổ ghi chép được tổ chức trang cấp, anh đã không quản ngày đêm đi khắp các bản làng của người Pa Kô để thu thập tài liệu, anh cũng không ngại khó khăn để đến nước bạn Lào gặp các già làng hiểu biết lịch sử, văn hoá dân tộc Pa Kô để làm việc. Đi đến đâu, gặp ai, Kray Sức cũng chụp ảnh lưu lại, cần mẫn ghi chép những chi tiết về phong tục, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ… của dân tộc Pa Kô một cách cẩn thận và đầy đủ. Kết quả sau hơn 10 năm theo đuổi công việc sưu tầm, anh đã thu thập được một bộ biên niên sử Pa Kô với trên 300 bức ảnh. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá để đến lúc những già làng am hiểu các phong tục, tập quán không còn nữa thì văn hoá Pa Kô vẫn có điều kiện để tiếp tục được khôi phục và phát triển.

Khi đã có tư liệu đầy đủ, Kray Sức nảy ra một quyết định táo bạo mà anh quyết tâm làm cho bằng được. Lúc đó gia đình anh vẫn còn khó khăn, tài sản chỉ có một con trâu duy nhất. Anh bàn bạc kỹ lưỡng với vợ con rồi quyết định bán trâu để lấy tiền làm triển lãm trưng bày bộ ảnh văn hóa Pa Kô do anh chụp. Tiền bán trâu được 42 triệu đồng, anh dành 25 triệu tập trung vào các công việc hàn khung sắt panô, in ảnh, in bạt, thuê nhân công lắp ráp, vận chuyển để trưng bày tại thành phố Đông Hà, các xã A Ngo, A Vao, Tà Rụt và thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông). Cuộc triển lãm đã thành công ngoài mong đợi của Kray Sức. Khán giả đến xem đều thích thú vì được chứng kiến những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Kô mà từ trước đến nay họ chưa từng biết đến.

Triển lãm ảnh về dân tộc Pa Kô của Kray Sức tại xã A Bung, Đakrông - Ảnh: H.T.T

Triển lãm ảnh về dân tộc Pa Kô của Kray Sức tại xã A Bung, Đakrông - Ảnh: H.T.T

Gần 30 năm qua, những nỗ lực của Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi ở xã Tà Rụt đã thổi bùng lên ngọn lửa lưu giữ, bảo tồn văn hóa đã làm nên hồn cốt của dân tộc Pa Kô từng một thời có nguy cơ mai một. Khoảng thời gian trước khi nghỉ hưu theo chế độ, ngoài công tác cán bộ văn hóa ở xã, anh còn tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với vai trò là người đồng bào dân tộc thiểu số có uy tín và tận tụy trong vùng. Bên cạnh đó, anh là hội viên Phân hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Trị và là một đảng viên hết sức cần mẫn. Ngoài việc truyền dạy văn hóa Pa Kô, anh cũng thường xuyên viết bài tuyên truyền về miền núi, cộng tác với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị để phiên dịch lời bình các bộ phim tài liệu từ tiếng Kinh sang tiếng Pa Kô và Vân Kiều. Đồng thời anh làm thuyết minh viên do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị đặt hàng để đưa các phim tư liệu đến phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Năm 2015, Kray Sức vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2017, anh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Năm 2022, tại hội nghị gặp mặt, biểu dương và giải pháp nâng cao vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức là một trong năm già làng, người có uy tín ở xã Tà Rụt được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị tặng giấy khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2023, anh được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tặng giấy khen vì đã có thành tích trong hoạt động nghiệp vụ do Phân hội bình chọn.

Ngày nay, dẫu tuổi đời đã in dấu thời gian lên mái tóc, trái tim nghệ nhân Kray Sức vẫn đong đầy nhiệt huyết, như ngọn lửa không bao giờ tắt. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, lan tỏa hình ảnh văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc mình để lưu truyền lại cho thế hệ trẻ. Có thể nói, chính những nỗ lực của nghệ nhân Kray Sức đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô.

HỒ THANH THOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Về nhà nhớ mang quà vô nghe

17 Giờ trước

Tôi nhớ trong phim “Phía trước là bầu trời” (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) có cảnh thế này, khi người chị trong xóm trọ sau những ngày về quê lên, vừa tới cổng, các em trong xóm trọ đã chạy ùa ra đón. Đứa nào đứa nấy hỏi rối rít chị có đem quà lên không, rồi tranh nhau mở cái túi chị cầm, lục trong đó ra đùm bánh trái quê chia nhau. Bộ phim ấy đã chiếu cách đây hơn hai mươi năm, gợi nhớ ký ức của bao người về một thời sinh viên, thời đi ở trọ. Xem lại cảnh phim đó khiến tôi nhớ đến những năm tháng sống xa nhà, mỗi lần thông báo sẽ về quê, bạn bè em út trong xóm trọ lại nhắn nhủ “về nhà nhớ mang quà vô nghe”. Nghe thân thương, gần gũi chi lạ.

Những “bài học bên bếp lửa” của mạ dạy tôi

16/10/2024 lúc 21:19

Khi cuộc sống khá hơn người ta mới bắt đầu những chuyện lễ nghĩa này kia, chẳng thế mà ông

Một ngày về với dược liệu An Xuân

17/10/2024 lúc 04:10

Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ hiện đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Toàn bộ dược liệu trồng tuân thủ quy trình sẽ được Công ty An Xuân thu mua chế biến.

Lời thương không nở trên môi

9 Giờ trước

Bữa nọ, bạn rủ tôi đi cà phê. Bạn không có thói quen đi cà phê buổi tối, nhưng thỉnh thoảng sẽ có ngoại lệ. Và ngoại lệ ấy, hẳn trĩu nặng những nỗi niềm.

Đã đi Văn Quỹ nhớ mang quà về

17 Giờ trước

Gối đầu lên dòng sông Ô Lâu tình sử, làng Văn Quỹ là một cái nôi sản sinh ra văn hóa ẩm thực với những sản phẩm thủ công truyền thống. Nơi đã cho chúng tôi những ngày trải nghiệm khó quên với tình đất, tình người chân thành, nồng hậu, những đặc sản dân dã dư vị đồng quê đáng quý và chuyện trăm năm về chiếc nón lá đi qua năm tháng đời người.

Ra mắt tập sách “Thành Cổ Quảng Trị, một số câu chuyện linh thiêng và xúc động”

3 Phút trước

TCCVO - Ngày 18/10, tại thị xã Quảng Trị, UBND thị xã Quảng Trị tổ chức giới thiệu tập sách “Thành Cổ Quảng

Đêm lạ nhà

9 Giờ trước

Mẹ con Hoài xuống sân bay chừng mười giờ tối, thêm một cuốc xe hơn chục cây số nữa thì về đến nhà Sơn - cậu em họ bên chồng. Hai đứa con gái vốn quen đi tàu xe từ bé nên rất ngoan.

Món quà trời ban

9 Giờ trước

Xe dừng. Hai cô gái sinh viên đứng chần chừ ngó nghiêng vô chiếc xe chật ních. Một cô kéo bạn bảo thôi, chờ xe sau. Cô kia tỏ ra hiểu chuyện giục bạn mình lên cho rồi “mấy ngày này lễ, xe nào cũng thế.”

Rượu thức uống níu lòng du khách

17/10/2024 lúc 07:56

Những ngày nắng, những ngày mưa, có khi trong bão lũ thì núi rừng, con người, bản làng miền núi Quảng Trị là phần ký ức lớn của đời tôi. Và rượu miền núi Quảng Trị như hương sắc cho bức tranh ký ức đó.

Bánh ít lá gai nồng nàn vị quê

17/10/2024 lúc 07:45

Mỗi vùng, miền trên dải đất hình chữ S này đều có những đặc sản riêng, chính những đặc sản ấy đã trở thành sợi dây kết nối, gây thương nhớ, bâng khuâng cho người xa quê khi nghĩ về quê hương xứ sở. Dù chưa đạt đến mức “tinh hoa hội tụ” nhưng khi nhớ về Quảng Trị thì món bánh ít lá gai vẫn ghi điểm trong lòng người dân trong và ngoài tỉnh. Với tôi, sau hơn 15 năm lập nghiệp nơi xứ người, hương vị của bánh ít lá gai vẫn cứ nồng nàn, thổn thức, hình ảnh những chiếc bánh nhỏ xinh ấy vẫn cứ lay mãi vào miền ký ức…

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/10

25° - 27°

Mưa

20/10

24° - 26°

Mưa

21/10

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground