Cái nóng đầu mùa hứa hẹn sắp chạm cửa những ngày hè nam nắng khắc nghiệt. Bỗng dưng nhớ làn nước mát rượi của bến sông quê thời thơ ấu. Chẳng có gì để nhớ, núi kề bên không cao, sông nước chảy không sâu, chỉ con nước mùa hè là thấm tràn da thịt, vậy mà nhớ mãi.
Xóm Bàu quê tôi ở vùng Cam Lộ Thượng, dưới chân đồi Carroll (cao điểm quân sự 241 thời chiến tranh), nơi trồng nhiều tiêu, sau năm 1975 còn có cả những rừng cà phê mít cao vòi vọi, mùa hè trái chín đỏ chi chít. Sông ở quê tôi chính là con sông Hiếu, chảy từ mạn cao về ngang qua chợ Phiên phía Cầu Đuồi, rồi xuôi về ngã ba Gia Độ, hợp với dòng Thạch Hãn mà tuôn tràn ra Cửa Việt. Nhưng quê tôi không gọi sông Hiếu là sông mà gọi là rào. Rào chảy ngang qua xóm làng nào thì gọi tên rào theo địa danh nơi đó, ví như ngang qua xóm Ngã Hai thì gọi rào Ngã Hai, qua xóm Nà thì gọi là rào Nà, qua xóm Ồ thì gọi rào Ồ.
Xóm Bàu nằm dọc đường 9, muốn ra sông Hiếu phải băng qua xóm Ngã Hai. Hầu như trưa hè nào, mùa gió Lào thổi tung bụi hay chiều tối khi mặt trời hắt những tia lửa cuối cùng, lũ trẻ chúng tôi cũng tụ tập ra rào. Bến sông ở đó gọi là Bến Ông Nghịa. Có thể nói, trong ký ức đời người, tôi dần quên đi nhiều thứ nhưng bến sông quê - Bến Ông Nghịa thì chẳng hiểu sao, cứ in mãi một nếp hằn. Bến sông ở vùng trung du quê tôi không như bến sông mạn dưới đồng bằng, tấp nập những chuyến đò ngang sớm chiều. Bến Ông Nghịa chỉ có những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân xóm Ngã Hai, họ thường qua sông làm rẫy, trồng lúa cạn, trỉa bắp, đậu phụng, chặt củi, đốt than. Thường thì họ sáng đi, tối về. Người dân Ngã Hai ngày đó chuyên nghề chài lưới nên những chiếc thuyền nhỏ đêm đêm lại thắp đèn bủa lưới, cắm câu. Xóm Bàu của tôi làm nông, đất cày hái nhiều nhà cũng nằm bên kia sông, dưới chân đồi Puller (cao điểm quân sự 544 thời chiến tranh). Sáng đi làm phải nhờ thuyền của cô bác xóm Ngã Hai, nếu không có thuyền hoặc vội quá thì tìm đoạn thác cạn, xắn quần lội qua.
Sông Hiếu chảy từ mạn cao về ngang qua bến Đuồi - Ảnh: Lê Đức Dục
Bến Ông Nghịa có chùm đá moọc nằm ngay giữa sông, hòn cao nhất chỉ tầm vài mét. Trên đó, ở những kẽ đá có vài lùm cây rì rì xanh tốt. Lũ trẻ chúng tôi vừa chạy lao xuống con dốc dài, vừa cởi áo quần quăng vội trên bãi cỏ là nước đã bắn lên tung tóe. Nước rào đoạn này trảng rộng, không xiết, chúng tôi lội ra rồi thi nhau trèo lên hòn đá moọc, từ trên cao nhảy ào xuống. Đứa mới tập nhảy, tập bơi thì nhảy thẳng đứng như thân cây chuối, chân vuông góc với mặt nước, đứa khá hơn thì nhảy chúi đầu theo góc xiên, có đứa thành thục nhảy lên cao lộn mấy vòng mới cắm đầu xuống nước. Tiếp đến là thi bơi, mốc cuộc đua là một hòn đá moọc khác thấp hơn, có khi chìm dưới nước, cách nơi xuất phát chừng hơn trăm mét. Vừa tắm vừa nghĩ ra đủ trò tinh nghịch. Thi bơi chán thì lặn. Mỗi đứa lặn vo xuống ôm một cục đá to dưới đáy rào, thằng nào hết hơi ngoi lên trước thì thua. Rồi thi nhau bơi các kiểu, bơi đứng, bơi ngửa, bơi sấp, thậm chí bắt chước đặc công, hai tay nâng khúc cây giả làm súng để bơi, hoặc làm tù nhân bị trói hai tay vẫn qua sông, vượt ngục…
Sau chiến tranh, năm 1975, nhiều gia đình phiêu dạt trong đó có gia đình tôi hồi cư, về lại quê nhà. Sông Hiếu và Bến Ông Nghịa là nơi giữ trọn tuổi thơ tôi. Mới hòa bình nên mọi thứ đều thiếu thốn. Cạnh xóm tôi có Tiểu đoàn ٥٢, tiểu đoàn lái xe anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ đóng quân. Buổi chiều, các chú bộ đội cũng ra Bến Ông Nghịa tắm. Thú nhất là lũ trẻ chúng tôi được các chú gọi từng đứa tới, lần lượt thoa xà phòng lên người. Thời đó xà phòng là xa xỉ phẩm, loại xà phòng ٧٢ của Liên Xô viện trợ cho quân đội, màu trắng xám, trên đó có khắc chữ số ٧٢٪ là niềm mơ ước của chúng tôi. Bọt xà phòng trắng xóa, tan vào nước sông mát lạnh, tan vào tiếng cười vô tư của trẻ nhỏ. Nhân chuyện xà phòng cũng nói thêm, chúng tôi lớn lên một chút, có đứa giọng vỡ ra, ngực nổi trái tràm đau nhức, có đứa mụn đầy mặt là lúc con đường ٩ sôi động vì hàng lậu. Đủ thứ hàng Thái, hàng Lào qua biên giới, từ Lao Bảo đưa xuống, nào vải ka tê, đường hóa học, đá lửa…, trong đó có xà phòng Camay. Lúc đó lũ trẻ chúng tôi đã biết trộm nhìn bạn gái. Vậy là thêm một nỗi nhớ. Nỗi nhớ bến tắm dành cho các bà, các mẹ, chị và bạn gái ở phía dưới Bến Ông Nghịa chừng vài chục mét. Nước không chảy ngược nhưng gió nồm thì cứ phảng phất mùi thơm. Cứ thế mà đứa nào cũng tơ tưởng, cũng gắn mùi hương với dáng hình một cô thôn nữ…
Chuyện tắm, chuyện xà phòng thì bến sông nào cũng có, vùng cao hay đồng bằng đều thế cả. Nhưng bến sông quê tôi nhiều thứ nơi khác không có, hoặc là tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Chuyện cá tôm là thứ gần gũi nhất. Những ngày hè nóng nực, mạ tôi thường đưa cả đàn con ra Bến Ông Nghịa, vừa tắm táp giải nhiệt, vừa đặt xà rê bắt cá. Xà rê là thứ dụng cụ đơm cá, hình dạng như chiếc đó thu nhỏ, lớn hơn chai bia chút, đuôi được nút bằng cồi bắp. Bắt ốc đập nhỏ cho ra mùi tanh, bỏ vào xà rê làm mồi nhử. Xà rê được đặt sát đáy sông, trên dùng đá chèn lại để khỏi trôi, miệng xà rê xuôi theo dòng nước chảy. Cá, tôm nghe mùi tanh chui vào và mắc lại trong ống xà rê, cứ tầm hơn nửa giờ là giở trộ. Đoạn này của sông Hiếu có loài cá nhỏ như cá bống, bụng thường có trứng, gọi là cá trơn. Cá trơn nhiều lắm, có hôm ham đặt xà rê, anh em tôi thu được cả nửa thúng cá trơn. Ham đặt xà rê, ham bắt ốc, khi về chiều thấy mười đầu ngón tay da nhăn lại, nở hoa. Tắm nhiều, tắm lâu nên mắt nhìn ra xa thấy bóng khói cứ chập chờn.
Một hình ảnh nữa là chuyện câu thụt. Xung quanh hòn đá moọc nơi chúng tôi leo lên có rặng đá ngầm. Nước chảy qua đá ngầm săn xiết. Lúc chúng tôi tắm cũng là lúc mấy bác, mấy chú cầm cần câu thụt. Gọi câu thụt vì tay cầm cần câu cứ thả phao trôi theo dòng nước rồi thụt lại, xong thì duỗi tay ra thả phao trôi ra xa rồi thụt lại. Cứ thế. Cá để câu thụt có nhiều loại, gọi chung là cá trắng, gọi tên riêng thì có cá xao, cá mát, cá kiên... Mồi câu thụt đơn giản chỉ là cọng rêu xanh hoặc xác con hà bám vào đá moọc. Con cá kiên là tôi nhớ rõ vì thịt thơm ngon, trắng như thịt gà. Ruột cá kiên làm ra thứ mắm gọi là mắm ruột, đắng nhưng ngấm vào lưỡi lại ra vị ngọt nhẫn, dùng để chấm các loại rau thì khỏi chê. Sau này lang thang ở vùng miền tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, một số nơi ở nam Tây Nguyên tôi bắt gặp loài cá này, người dân ở đây gọi là cá niêng. Cá kiên hay cá niêng giờ thành đặc sản nhà hàng vì nó nổi tiếng là loài cá sạch, chỉ ăn rong rêu và con hà. Người ta cũng quý nó bởi ruột cá giàu hàm lượng vitamin K nhất trong các loài cá. Hồi đó, cả làng tôi chẳng ai biết gì về cá sạch, về vitamin, chỉ biết cá kiên nấu canh chua, kho rau răm hoặc đơn giản nướng mọi, xé chấm muối ớt thì xếp vào hàng đệ nhất ẩm thực.
Chùm đá moọc ở bến Ông Nghịa trên sông Hiếu - Ảnh: Phạm Xuân Dũng
Cũng dọc theo Bến Ông Nghịa ngược lên chân cầu Đầu Mầu hoặc xuôi về tận thác Ồ giáp với Tân Lâm là vương quốc của cá chình. Cá chình thì người dân Ngã Hai chuyên nghề câu cặm (cắm). Lúc chúng tôi nô đùa, tắm táp thì những chiếc thuyền nhỏ lại đi dọc ven bờ. Dân chài lưới, sông nước nhìn địa thế là biết, mỗi thuyền tìm chỗ và cắm chừng vài ba chục cần câu. Nói là cắm nhưng cũng có khi buộc dây câu vào bụi rì rì ven suối hoặc nhánh cây rừng gần bờ. Cắm từ chiều tối hôm trước thì sáng hôm sau nhổ cần. Ngày đó môi trường còn xanh, sạch, cá tôm còn nhiều. Tôi nhớ có những con cá chình to bằng bắp chân người lớn, trên mình hoa văn vằn vện giống trăn, một lát cá to bằng cái dĩa. Cá chình kho nghệ, nướng nghệ, um nghệ thì chắc chắn không có món ẩm thực quê nhà nào có thể vượt qua.
Lan man một hồi, thấy chuyện nào cũng gắn với con sông quê, bến sông quê. Văn nhân, thi sĩ họ lãng mạn nên hay ví von, kiểu như trở về thì úp mặt vào sông quê, tâm hồn luôn neo đậu bến quê, tôi bình sinh vụng về, chay mặn với đời nên chỉ nhớ, chỉ còn trong ký ức có bấy nhiêu. Nhiều khi thơ thẩn xứ người, lang thang đầu nguồn cuối bể, thấy con sông nào, bến sông nào đều dừng lại. Dừng lại để ngắm và chợt thấy ngang trời một màu nước xanh đằm thắm, một bến sông quê năm nao bời bời giăng mắc. Thấy và nhớ mà không hiểu vì sao. Như tuổi thơ cho đến tận bây giờ bạc tóc, vẫn không tường minh nổi câu ca dao: Chèo đò bẻ bắp bên sông / Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về...