Mùa gió nóng làm cho hầu hết cây cỏ héo khô, sông hồ vơi cạn, con người mệt mỏi. Trong cảm nhận của tôi, thì trên dải đất cong cong hình chữ S này nắng gió Quảng Trị thuộc về tốp đầu của sự dữ dằn khắc nghiệt. Có nhiều người lần đầu đến đây vào mùa gió nóng đều lắc đầu lè lưỡi, nắng gió tới cỡ này thì sinh sống ra sao, làm ăn thế nào vậy. Thế nhưng, dải đất hẹp neo vào Trường Sơn vẫn bền bỉ sinh tồn và phát triển theo cách nghĩ Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây và Trong cái khó ló cái khôn.
Thì vậy đó, phải biết sống chung với bão bùng, nắng gió chứ làm sao nữa. Ai cũng nghĩ quê nghèo, quê khổ, quê khó rồi lặng lặng bỏ đi thì lấy đâu còn quê nữa. Còn đâu nữa dấu chân quê, giọng nói quê trên mảnh đất này. Còn đâu nữa mẹ nhặt chiếc mo cau vừa rụng xuống sân nhà để cắt ra làm quạt. Quạt mo cau lất phất chút gió mong làm dịu đi cái nóng trưa hè trộn vào rưng rức tiếng ve ran. Còn đâu nữa bát canh bầu, đọi canh rau muống nấu với con chắt chắt sông quê ăn vào nghe mát lịm cả tâm can. Mà cũng lạ lắm nghe, trong gia vị ẩm thực người xứ nóng vẫn thường ưa tiêu ớt. Cháo canh, bánh lọc hay kho nấu món gì cũng phải có nhiều tiêu ớt, cay dễ sợ và ngon cũng dễ sợ luôn, kiểu như lấy độc trị độc đó. Tiêu, ớt cay nóng như rứa mà bầy tui cũng nỏ hãi thì nắng như ri, gió như ri, nóng như ri cũng chịu được thôi.
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Dường như, tôi nghe trong cái nắng, cái gió sự dịu dàng rất đỗi em. Nghe thiên hạ kháo rằng, con gái Quảng Trị siêng năng và hiền hậu. Với thiên nhiên, đấy là sự bù đắp hay thách thức nhỉ. Tôi nghĩ rằng, đúng hơn đó chính là sự lựa chọn. Phải chăng, có siêng năng và đôn hậu mới bám trụ được nơi miền quê nắng gió hừng hực và ầm ào này. Chẳng hiểu sao, tôi cứ nghĩ những câu ca dao thuộc nhóm trữ tình tha thiết nhất đã được ươm lên từ vùng đất khắc bạc này. Hình như, có lần giữa lòng đêm lai láng ánh trăng tháng sáu tôi đã đi theo những câu lục bát em cầm: Thương anh da diết diết da / Áo em hai vạt trải ra anh nằm và trên những gốc rạ lô xô cò bay lả bay la cánh ca dao thổn thức Rồi mùa toóc rạ rơm khô / Bạn về quê bạn biết mô mà tìm. Yêu thương là cốt lõi nhân sinh; nghĩ được thế, cảm được thế, làm được thế mới không sợ khó, sợ khổ. Đừng bao giờ thách thức thiên nhiên, sự cho và lấy của trời cao đất dày cũng là chuyện thường. Chỉ cần sống cho hợp lẽ với thiên nhiên là đủ. Đủ có cơm ăn áo mặc, đủ có bóng mát lời ru, đủ cho những kẽo kẹt sinh sôi nên xóm, nên làng. Và, như một câu dân gian thường nhắc nhủ, trời chẳng lấy của ai đi tất cả. Có chèo nước thì cũng có chèo cạn. Có nóng bức gió nam thì cũng có mát rượi gió nồm. Có âm thì có dương, đôi nẻo hợp hòa trên mảnh đất gian khó mang rất nhiều dấu vết chiến tranh này. Đến ngọn cỏ cũng biết xanh cho những người đã khuất. Hôm qua đổ bóng xuống bây giờ, dìu dặt bao nhiêu ân tình làm nên cuộc sống hiện tại và có lẽ trong tương lai nó cũng không thể dễ dàng mất đi. Tôi nghĩ, Quảng Trị đang vì cả nước sống cho muôn vàn khuất vắng linh thiêng. Bao ước mơ, khát vọng và những dự án dựng xây cũng được kết nối với cái vì cao cả đó. Sống cho sự ghi công, biết ơn và tri ân.
Biến cái bất lợi thành cái thuận lợi, mới nghe qua tưởng chừng phi lý. Thôi, thì ta trở lại với cái nắng, cái gió của quê hương vậy. Ý tưởng biến Quảng Trị thành một trung tâm năng lượng của miền Trung chắc được khởi thủy từ nắng và gió đấy thôi. Nắng. Gió. Cái năng lượng thừa thãi và dường như vô biên vô tận ấy không thể để nó mất đi một cách vô ích. Phải bắt cái nắng, cái gió từng làm ta chịu khổ trở thành kho báu của xứ sở mình. Và, những cánh chong chóng khổng lồ đã quay, quay thong thả nhờ sức gió quê hương. Điện gió không còn là giấc mơ đẹp nữa mà đã trở thành hiện thực. Rồi, phải hơn thế nữa, nắng cũng sẽ tạo ra dòng điện mặt trời. Cái nắng, cái gió đã đi vào thơ ca, sống trong hồi ức của bao người nay sẽ chảy vào dòng năng lượng sạch của Tổ quốc, phục vụ cho cuộc sống của chúng ta. Sẽ có thêm những “cánh đồng” điện mặt trời, những miền điện gió đẹp để cho du khách đến chiêm ngắm. Núi sông vẫn vậy, nắng gió vẫn vậy phóng khoáng phong lưu nhưng cảnh quan sẽ là các bức tranh họa đồ đẹp đẽ. Những bức tranh do thiên nhiên và con người cùng hợp sức vẽ nên trên mảnh đất Quảng Trị yêu thương. Biết đâu, rồi đây sẽ có gói du lịch “Sống giữa gió Lào”. Ta gọi mời khách trong nước và cả thế giới nữa về đây để trải nghiệm ăn, chơi, ngủ, xê dịch giữa vùng đất nắng lửa, gió Lào rất đặc trưng này.
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Mùa gió Lào với tôi là ký ức. Ký ức tuổi thơ. Ký ức thời trai trẻ. Ký ức tình yêu. Ký ức gia đình. Ký ức đời lính. Và, ký ức những trang viết. Khó quên lắm những chiều thứ bảy gò lưng đạp xe ngược gió Lào trên đường Chín về thăm vợ con. Chiếc xe cũ kỹ có đôi bàn đạp đẽo bằng hai mảnh gỗ kêu cót két thời gian còn hiện rõ trong tôi. Những bữa ăn nhễ nhãi mồ hôi và tiếng quạt giấy phành phạch trong đêm vẫn như còn nghe đâu đó. Bài thơ viết dưới ngọn đèn dầu mang những yêu thương và ước ao bình dị. Cứ thế, rồi cũng trôi qua những tháng ngày thiếu thốn, cực nhọc. Cuộc sống tốt hơn nhiều. Không phải của số ít mà của nhiều người, nhiều gia đình. Thực sự là thế chứ chẳng phải tô hồng gì cả.
Mùa gió nóng chẳng bao giờ mất đi. Cái nắng, cái gió quen thuộc đã trở về rồi đấy. Những cây hoa giấy bung hoa rực rỡ. Loại hoa này sao mà hợp với nắng gió miền Trung đến thế. Tiếng ve ran ran đôi lúc gióng lên thật inh ỏi trong các vòm lá chẳng mấy khi ngừng lay động vì gió. Những con sông hiền lành lấp loáng nắng chảy dưới bầu trời mùa hạ và biển đang gọi mời trở lại nhộn nhịp các cuộc vui. Đời đang mang trong nó điệu khúc hòa bình, đơn sơ và lắng đọng như vốn có. Với Quảng Trị, từng chất chứa rất nhiều thương đau vì chiến tranh thì điệu khúc ấy càng tha thiết. Mỗi lần đi qua mùa gió nóng tôi nghe rõ những bâng khuâng kết nối quá khứ với hiện tại. Nửa này, nửa kia giao thoa, lan tỏa vào nhau để rồi tự đâu đó trong nhịp mùa đi, trong không gian và thời gian chuyển động ta nghe rõ cung sắc của một miền đất. Lại phải tự nhắc mình, hãy sống cho kịp sự xê dịch của đất trời, để đừng bị lỗi từng cơn nắng gió đi qua. Trong mỗi mùa ấy có cái ta đang chờ đợi, đôi khi là một rưng rưng mơ hồ bên đầm sen, và có thể là ý thơ ta nhặt được cuối hoàng hôn mùa gặt. Hay đấy là em, từng cho ta cái cảm nhận khởi thủy và lâu dài về Quảng Trị. Ấy là một lời ru con và cũng để ru ai nữa, tôi nghe lần đầu mà giữ mãi trong lòng: Cây cao bóng mát chẳng ngồi / Lại ngồi trửa (giữa) nắng trách trời không dim (râm)…