Ai cũng có một quê nhà để thương để nhớ, để hồi cố và cả để hồi hương. Tôi luôn nghĩ mình có may mắn khi được sinh ra lớn lên ở một làng quê Quảng Trị. Những năm tháng xa quê khi vừa bước vào tuổi thành niên, tôi thường nhớ quay quắt ngôi làng của mình và nghĩ chắc mình sẽ khó sống nếu thiếu làng.
1. Sau ba năm biền biệt, trở về quê trong đêm muộn, trời tối đen, thú thực tôi không thể nhìn rõ con đường vào làng, thế nhưng một cái gì đó từ tâm tưởng vọng lên đã giúp tôi nhận ra nơi chôn nhau cắt rốn của mình đây rồi. Hình như đấy là hương cỏ mùa thu, khi xe chạy qua vệ đường đất làm dậy lên một mùi thơm mà lâu lắm rồi tôi mới ngửi được. Tiếng ếch nhái sau cơn mưa chiều, cả những tiếng côn trùng rỉ rả như một dàn đồng ca mở ra trong đêm sâu lắng. Khuya hôm đó, tôi ngồi bên song cửa sổ, ngước nhìn lên màn trời bên ngoài và thấy một vầng trăng non, giống như tâm hồn tôi thuở còn thơ bé.
Hôm đầu tiên trở lại nhà, do lệch múi giờ nên khó ngủ, tôi nằm chập chờn trong đêm, hít thở thật đã cái không khí trong lành thoáng đãng. Trời hửng sáng, đã nghe những tiếng rột roạt, lép bép rất khẽ, rồi mùi khói quyện với mùi hành. Dưới bếp, mạ đã dậy nhen lửa củi chiên nồi cơm cho hai đứa em nhỏ ăn để đi học buổi sáng. Ôi cái món cơm chiên, nó đúng là món ăn lót lòng lót dạ trước khi đến trường của biết bao thế hệ. Mà cơm chiên, phải chiên bằng củi mới có được lớp cháy giòn ngon. Giờ đây, tâm hồn tôi cũng như vừa ấm lại.
Ký ức về những ngày ấu thơ thật khó phai mờ với những ai đã từng lớn lên ở một ngôi làng. Sự quan sát của đứa trẻ bao giờ cũng hạn hữu, và nó gói chặt trong một không gian nào đó mà thôi. Bởi thế làng quê chính là thế giới đầu đời của tôi, nơi đó có đủ mọi thứ để mình lớn lên về cả thể xác và tâm hồn. Về sau, khi đã qua tuổi hồn nhiên, bước ra ngoài thêm chút nữa mới biết hóa ra những quan sát khi xưa cũng không hề sai, quê hương luôn đẹp khi ta biết đủ.
Những thửa ruộng mỗi năm hai vụ gieo đủ cơm gạo cho người quê, nếu không mất mùa thì còn dôi dư đem bán trang trải thêm đời sống. Men những chân ruộng khi lúa lên xanh, người quê đêm đêm có thể đem câu đi cắm một vòng. Sáng ra lại đi một vòng thu câu, thể nào cũng có vài con cá tràu, cá rô để ăn. Đến mùa gặt, giữa những chỗ ruộng trũng chưa khô nước, có khi cá nằm ở đó cả ổ mấy con. Những người có tay sát ngư còn biết cách đào những chỗ ruộng lầy để lôi lên mấy con lươn hay cá dét thích sống trú ẩn trong bùn đất. Dọc chân ruộng thỉnh thoảng có mấy cái lỗ tròn tròn do nước xói (gọi là lỗ mội), thọc tay vào có thể moi ra được mấy con đam đồng về chiên mỡ thơm phức. Sự trù phú của cánh đồng quê khiến người ta nghĩ rằng sống ở làng chỉ cần siêng năng cần cù là có ăn. Điều đó cũng không phải quá lời.
Cánh đồng quê, nơi người nông dân cần cù chăm bón - Ảnh: H.C.D
Giữa ruộng lúa còn có một vài điều bất ngờ khác khiến mùa gặt trở nên vui hơn. Đó là những loài chim lười xây tổ, chỉ việc bay đến xoáy lại một đám lúa rồi đẻ trứng ra đấy rồi bỏ quên. Cũng có khi người đi gặt bắt gặp một bầy vịt dăm bảy con là chuyện thường. Nhiều nhà ở quê thường nuôi vịt trong vườn để làm thịt. Bầy vịt con được thả ra ruộng cho đi ăn suốt ngày rồi tới chiều chủ chỉ cần kêu liên tục “ru ru, rúc rúc” là chúng tìm về. Nhưng có khi vịt con không nghe, đi lạc từ ruộng này qua ruộng kia rồi quên luôn đường về. Chúng cứ thế sống giữa đồng, kiếm tôm cá ăn, ngủ trên mấy chân ruộng. Tới khi lúa chín thì tha hồ cho chúng tự vỗ béo, và đó cũng là lúc những con vịt phổng phao béo ú lộ ra giữa thửa ruộng mới gặt.
Bầy vịt hoang ấy không hề vô chủ, vì thể nào cũng sẽ có người đến nhận thông qua mấy ký hiệu họ đã làm dấu từ lúc vịt còn nhỏ. Đánh dấu vịt có thể bằng vệt sơn trên đỉnh đầu, tới lúc vịt to cồ lên rồi cái chỗ sơn ấy vẫn không mọc lông được. Hoặc có thể đánh dấu bằng cách xẻ màng chân vịt. Có nhà khứa một dấu, có nhà hai dấu, chân phải hoặc chân trái, mà cũng có thể xẻ cả hai chân vịt. Những dấu xẻ này theo suốt đời con vịt. Cũng có nhà không cần đánh dấu, mà chỉ nhìn bộ lông bầy vịt, mấy con đen mấy con trắng, một vài con có lông mũ trên đầu là biết vịt nhà mình. Quan trọng hơn, vịt lạc đường mấy tháng trời mà gặp lại chủ vẫn còn nhớ, đó là dấu hiệu để biết người ta không thể nhận vơ vào. Bầy vịt chiều hôm mùa gặt ấy đã tìm thấy chủ, mừng vui, như bao nhiêu cuộc hội ngộ trên cánh đồng này.
2. Ai đi xa trở về, ngang qua đồng làng không thể không chộn rộn, nhất là khi gặp một cơn gió thoảng làm sóng lúa dập dìu như một giai điệu của tự nhiên. Và trên thinh không, đám mây trắng lơ thơ giữa nền trời xanh, vài con diều vút tận phía xa thật khó để biết đứa trẻ nào đang cầm đầu dây nào. Ôi cánh đồng của tuổi thơ, suốt bao mùa vẫn những nhịp điệu ấy dẫu ngoài kia phồn hoa đã cuốn biết bao người đổi khác. Những thằng trẻ nít cùng nhau thả diều bắt cá thuở nào bỗng một hôm trở về, dắt theo mấy đứa con ra đồng bày cách thả diều, mà có khi chính mình lại quên mất rồi.
Thì đây, những bài học trên đồng vẫn còn như mới nghe hôm qua. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa / Bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Nhìn một cánh chim chao ngang qua vạt đồng có thể biết tiết trời sắp tới. Mùa xuân én về, liệng qua liệng lại vài hôm, những ngày đó không nắng không mưa, bầu trời quánh lại một màu trắng đùng đục như nước vo gạo, tiết trời hơi se se dễ chịu và ta có thể biết vài hôm nữa sắp sửa đón nắng ấm. Cụ Nguyễn Du viết: Ngày xuân con én đưa thoi / Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi để ngụ ý ngày vui qua nhanh, nhưng cụ cũng cho thấy một sự quan sát tinh tế, rằng én về là dấu hiệu của mùa xuân sắp cạn ngày. Chỉ vài hôm nữa thôi, những cơn sấm đất sẽ ù oằm để mở ra mùa hè. Lúa chiêm phấp phới đầu bờ / Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên. Nếu được như thế vào đúng lúc lúa trổ đòng thì mùa màng bội thu.
Chiều về trên đồng - Ảnh: H.C.D
Về sau tôi có đọc một câu ngạn ngữ, mà cứ mường tượng cánh đồng lúa chín trĩu bông: Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu. Thật là một lời khuyên răn đắt giá về đức tính khiêm tốn. Hoặc cũng có thể hiểu đó như là một cách sống ung dung, tự tại, điềm nhiên. Hiểu cách nào thì cũng là một bài học làm người quý báu, mà chẳng phải ở đâu xa xôi, chính từ những điều bình dị của làng quê đúc kết nên.
Mỗi năm có hai vụ lúa, kinh nghiệm làm nông cũng có chút khác nhau. Chẳng hạn vụ lúa hè-thu thì gặt vào mùa thu rất dễ gặp đợt mưa dầm dề, có khi nước ngập đồng lênh láng phải gặt chạy lũ. Thế nên có câu thành ngữ: Xanh nhà hơn già đồng, tức thà gặt lúa đem về sớm, chấp nhận hao hụt một ít, còn hơn cứ chờ hạt lúa chín mà vẫn ở ngoài ruộng mặc trời đất. Những kinh nghiệm nhà nông thường được thi ca hóa, vần vè cho dễ nhớ, đến trẻ con như chúng tôi cũng chỉ cần đọc qua một lần là thuộc làu.
3. Làng quê nào cũng có cánh đồng đơm đầy hoa và bướm tha hồ cho những ai thích mộng mơ. Dọc những vệ cỏ hai bên con đường, từ cuối xuân loài xuyến chi nở một màu trắng muốt và kéo dài tận cuối thu, đi qua đó cứ như đi giữa lũng hoa dịu dàng. Trên cỏ xanh, còn có loài cúc dại nở vàng. Hai sắc hoa ấy cũng điệp màu với những cánh bướm nho nhỏ, thoạt bay thoạt đậu, khép mở cánh nhấp nháy nhẹ nhàng như những ngôi sao ban ngày. Hoa cỏ ngoài đồng đa phần đều không có hương thơm, nhưng sự giản dị, khiêm nhường đôi khi lại quyến rũ một cách kỳ lạ.
Đồng quê còn ân sủng cho con người những thứ cỏ mọc hoang dại nhưng lại hữu ích. Men theo con đường giữa đồng, có thể thu hái một mớ rau má mang về nấu canh tôm mát ruột ngày hè. Những đám rau me chua nở hoa tim tím, còn lá thì ngắt về nấu với canh cá cơm ngon hết sẩy. Vài loài cỏ dại lại chính là những vị thuốc dân gian hiệu nghiệm được truyền tai nhau. Cây cỏ mực, cỏ hôi chữa bệnh viêm xoang. Cây cam thảo đất làm mát gan và chữa các bệnh khẩn cấp như nhiệt miệng. Cây cỏ cú mọc tràn lan ở khắp đồng quê có thể chữa được bệnh tiêu hóa. Củ cỏ cú nhỏ xíu thôi, có người đào đem về ngâm rượu uống thơm thơm và hỗ trợ xương khớp.
Trẻ con mải mê chơi trên đồng suốt buổi không thấy đói vì thể nào cũng tìm được trong mấy bụi rậm thứ bỏ vào mồm. Đó là những quả mâm xôi chín đỏ mọng ngậm ngọt tan trong miệng, những hạt chòi mòi chua léc, quả mủ chó (có nơi gọi vú chó) giòn giòn chát chát… toàn là những thứ quả dại mọc hoang, không phải của riêng ai. Ăn quả dại đỡ đói lại bày trò ra chơi. Tôi vẫn nhớ một trò chơi thế này có liên quan đến món ăn trên đồng quê. Một nhóm bạn cứ từng người vắt cánh tay lên vai nhau dàn thành hàng ngang, vừa bước tới vừa làm điệu tác theo một bài đồng dao: Bạn bè - cặp kè, ăn rau me - ngồi xuống, ăn rau muống - đứng dậy, ăn tầm bậy - ngả ra.
Những trò chơi con trẻ thường kết thúc khi nhìn thấy thấp thoáng xa xa một người đàn bà gánh triêng gióng, hoặc đạp xe trên con đường xuyên cánh đồng làng. Bóng người ấy cứ chập chờn ẩn khuất giữa nhấp nhô sóng lúa. A, mạ đi chợ về - một đứa reo lên rồi ù chạy băng ra giữa đồng mà đón.
Hoa xuyến chi nở đầy dọc con đường làng - Ảnh: H.C.D