Miền đất nơi tôi sinh ra và lớn lên thuộc vùng đồng bằng phía hạ nguồn con sông Hiếu. Với địa hình bằng phẳng, bãi biền rộng lớn, hàng năm lại được phù sa tưới tắm nên khắp nơi đều có rất nhiều cây xanh. Những biền tre ngút mắt giúp bao thế hệ dân làng giữ đất. Những rẫy tràm, rẫy keo được trồng trên những khu nương, cồn có vị thế cao. Rồi những gốc xoan, bông gòn, bồ kết, duối dại mọc rải rác khắp đồng làng, bờ đê, bến nước. Vào mùa gió Lào, nam nắng, những vòm lá sum suê tạo thành chỗ náu mình, nghỉ chân cho con người, gia súc. Đó cũng là nơi neo cọc, buộc dây trong mùa lũ lụt khi mọi người chèo đò đi vớt củi giữa trời nước mênh mang.
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Làng tôi còn có hơn ba mươi gốc xà cừ cổ thụ được trồng hai bên con đường đoạn dẫn ra cổng làng. Những gốc cây to mấy vòng ôm không xuể, những cành nhánh u sần phủ lên lớp vỏ màu nâu rêu in dấu thời gian không những là tài sản quý mà còn là niềm tự hào để mỗi người dân hãnh diện với bè bạn gần xa.
Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp thôn cách đây vài năm trước, sự an nguy của hàng xà cừ đã bị đe dọa khi trưởng thôn nêu ra ý định đốn hạ hàng cây bán đi lấy tiền gây quỹ. Thế nhưng, ngay khi biết tin, từng xóm một trong thôn đã tổ chức những buổi hội họp để lấy ý kiến. Xóm trên, xóm dưới, xóm giữa, xóm ngoài, xóm trong, ai ai cũng đồng nhất quan điểm bằng mọi giá phải giữ hàng cây cổ thụ. Mọi người đồng lòng cho rằng, để xây dựng công trình xi măng cốt thép như một ngôi nhà, một con đập, một khu chợ có thể chỉ mất vài tháng, lâu nhất là vài năm nhưng để có được hàng cây cho bóng mát thì không đếm xuể bao mùa mưa nắng đồng hành.
Những năm gần đây, khi mạng xã hội trở thành công cụ kết nối đầy tiện ích, như nhiều làng khác, làng tôi cũng lập Fanpage. Ngoài đăng các thông tin về hội họp, các hoạt động thường kỳ hay tin tức đột xuất liên quan đến mùa vụ của dân làng, trang còn đăng rất nhiều bức hình có màu xanh. Cánh đồng làng phủ màu xanh non vào mùa gieo mạ. Nương khoai màu xanh đậm khi củ đã ngậm đủ bột chuẩn bị thu hoạch. Khu vườn ai đó lốm đốm nhiều sắc xanh khác nhau được tạo thành bởi hàng chục loài cây trái. Mặt sông xanh. Bờ đê xanh. Bãi cỏ xanh… Người lập trang về làng tuy là một thanh niên trẻ nhưng cũng đúng thôi, sinh ra ở làng, từng ngày lớn lên với màu xanh của cây cối thì làm sao không muốn lan tỏa vẻ đẹp và nguồn năng lượng đầy bình yên kia.
Thế nhưng, cũng không vì dồi dào, vì có sẵn mà dân làng chủ quan, coi nhẹ tài nguyên xanh. Nhớ có đợt, sau khi trang của làng vừa cập nhật xong bức hình mấy cây duối to nhất bị bọn trộm cây hoành hành đào xới, con cháu của làng trong nam ngoài bắc đã tới tấp bình luận, gọi điện về cho người thân của mình ở quê để hỏi han tin tức. Nhìn gốc cây bị chặt chém nham nhở, cả một khoảng đất rộng bị xới tung, người nào cũng nóng ruột hệt như chính người thân của mình đang mang bệnh ở nhà.
Ngay sáng hôm sau, một cuộc họp diễn ra, chưa cần đánh tiếng cắt cử, phân công, những thanh niên trai tráng của làng đã đồng loạt xung phong thành lập một đội xung kích tự quản với nhiệm vụ chính là ngăn chặn nạn trộm cây xảy ra trên địa bàn. Vì nắm được tình hình những người rình rập, trộm cây từ nơi khác đến, thường chọn thời điểm đêm khuya khi mọi người đã ngủ say mới đào xới nên các thành viên trong đội tự quản đã đề ra những phương án hành động cần thiết để phòng ngừa. Đội lớn chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm từ hai đến ba thanh niên, mỗi đêm thay phiên nhau pha đèn, rảo xe đi qua các khu vực có cây quý để theo dõi, chốt chặn. Mãi một thời gian sau, khi nạn trộm cây ở làng tôi và những làng lân cận tạm lắng xuống, đội tự quản mới dần dần trở lại nhịp sống bình thường.
Năm qua tháng lại, mỗi giờ mỗi phút, màu xanh ở làng tôi luôn được nâng niu, gìn giữ và vun bồi, cây cỏ tràn trề, trù mật gọi chim chóc bay về làm tổ, bốn mùa lảnh lót hoan ca.
Với riêng tôi, bao năm rồi, mỗi khi có dịp từ phố về thăm nhà tôi vẫn giữ cho mình một thói quen khó bỏ. Ngay đoạn từ đường lộ chuẩn bị rẽ vào làng, tôi sẽ yêu cầu tài xế ô tô tắt máy lạnh, hạ kính xe. Khi con đường đang chạy ngược cũng chính là lúc cánh đồng, cây cỏ phía trước sẽ hiện ra. Tấm kính không đủ trong suốt giúp tôi thu hết vào tầm mắt những xanh non, cảnh sắc.
Về đến sân nhà, sau tiếng chào hỏi người thân, tôi sẽ mượn ngay chiếc xe đạp của cha dong thẳng ra bờ đê, thăm thú những chân ruộng, con đường. Tôi sẽ dựng xe vào những gốc cây xà cừ rồi mân mê, cạy cục cho vào lòng bàn tay vài mảnh vỏ. Tính từ lần tạm biệt trước, tôi không biết thân cây này đã toác thêm mấy vết nứt, nổi lên thêm mấy vết chai sần, được bao nhiêu rêu xanh bao phủ. Tôi không biết được, không đếm được trên những cành cây đang vẽ lên vòm trời những khung hình uốn lượn kia bây giờ đã có thêm bao chiếc lá. Tôi chỉ biết rằng, ngay đây, bây giờ, tôi đang ở nhà, tôi đang đi giữa miền xanh.
M.T