Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đã đi Văn Quỹ nhớ mang quà về

Gối đầu lên dòng sông Ô Lâu tình sử, làng Văn Quỹ là một cái nôi sản sinh ra văn hóa ẩm thực với những sản phẩm thủ công truyền thống. Nơi đã cho chúng tôi những ngày trải nghiệm khó quên với tình đất, tình người chân thành, nồng hậu, những đặc sản dân dã dư vị đồng quê đáng quý và chuyện trăm năm về chiếc nón lá đi qua năm tháng đời người.

Muối đậu sả Phương Anh bán rộng rãi trên thị trường - Ảnh: Đào Vui

Muối đậu sả Phương Anh bán rộng rãi trên thị trường - Ảnh: Đào Vui

Những đặc sản đồng quê dân dã thú vị

Chúng tôi vừa đặt chân đến thềm cửa đã ngửi được mùi sả thơm thoang thoảng. Thấy chúng tôi hít hà hương thơm nồng nàn ấy, chị Đào Thị Vui - chủ cơ sở muối đậu sả Phương Anh cười hiền rồi phấn khởi khoe là vừa cùng chồng đóng hơn 1.200 hộp muối đậu sả Phương Anh để gửi cho khách hàng tại miền Nam và một ít hàng nhập cho siêu thị Co.opmart Đông Hà, Quảng Trị.

Cũng như bao gia đình khác ở làng Văn Quỹ, xã Hải Phong, Hải Lăng, Quảng Trị, gia đình chị Vui làm nghề nông là chính, ruộng đồng mỗi năm 2 vụ lúa. Một ít chân ruộng cao thì trồng đậu phụng, sả và hoa màu khác để phòng khi mùa mưa gió rét mướt, bão lũ bất thường đem ra rang lên, giã với ít muối để thành bữa đạm bạc qua ngày. Thế rồi ít ai ngờ rằng món ăn dân dã của một thời chỉ dành cho “con nhà nghèo” nay lại trở thành đặc sản, một thứ quà thú vị thơm ngon, tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày.

Theo chị Đào Thị Vui, nguyên liệu chính của muối đậu sả Phương Anh gồm sả, đậu phụng, gia vị ớt, hành lá, kiệu... Sả sau khi làm sạch đem ra cắt mịn. Đậu phụng hạt xay nhuyễn cùng với một ít ớt trái, một lượng muối trắng vừa đủ và nêm nếm gia vị sao cho hợp với khẩu vị người dùng. Tiếp đến là trộn đều tất cả với nhau rồi cho vào chảo rang. Công đoạn cuối cùng này rất quan trọng, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ để món ăn thêm phần khác biệt, vượt trội làm nên thương hiệu riêng có. Khi bắt đầu đỏ lửa phải canh làm sao để vừa chín tới, không để hạt đậu quá vàng và cũng không quá trắng. Muối phải đảo liên tục nhằm đảm bảo cho những hạt muối được chín đều để khi rắc lên cơm nóng sẽ tạo nên hương vị đậm đà, khó quên.

Quả thật, với một chén cơm trắng trộn ít muối đậu sả rồi nhẩn nha món ăn dân dã có hương vị ngầy ngậy thơm hòa quyện vị bùi bùi của hạt gạo dẻo cho ta bữa ăn thanh tao.

Chúng tôi hỏi chị có bí quyết chi để làm món muối đậu sả ngon không? Chị Vui lại cười hiền rồi đáp lời. Bí quyết chi mô, ở làng đây ai cũng có thể làm được, bởi nó là món ăn quen thuộc của những lao động nông thôn xưa... Nhắc đến đây giọng chị Vui trầm xuống rồi lặng im trong giây lát như để thầm biết ơn những lớp người đi trước. Họ phải trải qua những năm tháng cơ hàn của cuộc đời để gom góp, hội tụ những gì tinh túy nhất của trời đất để tạo nên những món ăn dân dã đồng quê mà chỉ cần thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.

Cũng như món ngon dân dã muối đậu sả thì món tương ớt truyền thống của người dân nơi này khiến nhiều người mê, thiếu là không chịu được. Ngày trước người dân Văn Quỹ làm ớt bột, ớt dầm, tương ớt để dùng trong gia đình, hay làm để tặng bà con thân thích, bạn bè, dư ra một ít thì mới đem chạy chợ. Cứ thế món ngon đồn xa, tương ớt chuẩn vị truyền thống của người Văn Quỹ trở nên nức tiếng.

Chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người làm tương ớt lâu đời ở làng Văn Quỹ và hay rằng, để giữ được hương vị thơm ngon truyền thống thì nguồn ớt nguyên liệu cần đảm bảo chất lượng. Ví như ớt sau khi hái về chọn những quả không bị sâu mọt, hư hại rồi rửa sạch, đem phơi nắng cho hơi héo trước khi cho vào cối đá giã nhuyễn và trộn muối để lên men... Với công thức chế biến nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng để có hũ tương ớt chuẩn vị chẳng hề dễ dàng. Tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công từ khâu chọn nguyên liệu đến thành phẩm đặt trên bàn ăn mỗi gia đình. Nhưng bù vào đó là chất lượng hoàn toàn khác biệt với các loại tương ớt khác có trên thị trường. Tương ớt truyền thống có màu đỏ cam tự nhiên và vị cay không gắt. Ai đã từng nếm vị tương ớt truyền thống làng Văn Quỹ (nay là nhãn hiệu Tương ớt Hải Phong) sẽ cảm nhận được hương thơm nồng nồng đặc trưng của món đặc sản dân dã làng quê này. 

Nhìn những chai tương ớt nhỏ xinh với nhãn mác tên gọi không hoa văn cầu kì, nhưng ít ai nghĩ rằng món đặc sản dân dã đồng quê này rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Và nó là món quà quê không thể thiếu trong hành lý của những người Quảng Trị đi làm ăn xa...

Các bà, các mẹ vẫn cần mẫn chằm nón lá truyền thống - Ảnh: HLHPN Hải Phong

Các bà, các mẹ vẫn cần mẫn chằm nón lá truyền thống - Ảnh: HLHPN Hải Phong

Và chiếc nón quê theo năm tháng đời người

Tôi có rất nhiều buổi chiều lang thang trên miền đất cổ kính, trầm mặc soi bóng xuống dòng sông Ô Lâu tình sử thơ mộng này. Tháng tám, lúa đã gặt xong nên đường làng ngõ xóm, ruộng đồng đã bớt phần rộn ràng của tiếng nói cười, tiếng chào hỏi thân tình trong ngày mùa. Những người đàn ông khỏe khoắn tìm những công việc mới để kiếm thêm thu nhập. Còn chị em phụ nữ chân yếu tay mềm thì bắt đầu sửa soạn lại khuôn nón, chuốt vành, xẻ, rọc, ủi lá... để giữ lửa cho nghề truyền thống nón lá quê hương bao đời.

Chúng tôi chuyện trò với bà Ngô Thị Hồng, 64 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống ở làng Văn Quỹ. Bà cho hay, nghề này được truyền nối qua nhiều thế hệ kể từ khi lập làng mở đất của tiên tổ cha ông. Xưa, phụ nữ ở đây ai cũng biết chằm nón, mẹ dạy cho con rồi con dạy lại cho cháu... Cứ thế, trong mỗi nếp nhà cũ, các thế hệ người dân nơi đây vẫn ngày đêm âm thầm trên từng đường kim, mũi chỉ để chiếc nón truyền thống gói trong đó hình ảnh của quê hương theo năm tháng đời người.

Có lẽ làm giàu từ nghề nón sẽ rất khó, bởi mỗi chiếc nón hiện tại chỉ có giá từ 70 - 100 ngàn đồng. Một người rành nghề nhất mỗi ngày cũng chỉ hoàn chỉnh được hai chiếc. Nhưng dù ít hay nhiều tiền đối với những người làm nón nơi đây không còn màng đến, họ chỉ biết cần mẫn, yêu nghề cóp nhặt “tích tiểu thành đại” để rồi dựng xây nhà cửa khang trang, nuôi con cái ngoan hiền, trưởng thành, thế là đã hạnh phúc, vui sướng nhiều rồi.

Để làm ra được chiếc nón tưởng chừng đơn giản ấy người thợ lành nghề nhất phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, kiên nhẫn từ khâu chọn, vót tre uốn vành, cắt, chèn, ủi lá, nắn nót từng đường kim mũi chỉ... Nghề làm nón chỉ phù hợp với những người biết nhẫn nại. Và cũng từ nghề này có thể rèn luyện con người đức tin chịu thương chịu khó. Với bà Hồng, để có được chiếc nón đẹp thì công đoạn làm vành nón là khó hơn cả, bởi phải lựa chọn tre đúng độ mềm dẻo khi uốn vành mới được tròn đều và cân đối. Theo đánh giá của nhiều người trong làng thì bà Hồng là một trong những người có tay nghề thành thạo của miền đất nón lá truyền thống lâu đời Văn Quỹ. Cũng chính nhờ vậy mà bà thường xuyên được khách hàng đặt nón “nguyên gốc” để dùng hoặc làm quà tặng cho người thân, bạn bè.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nón lá được làm theo dạng truyền thống không còn nhiều như trước. Bởi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn với các mẫu mã đa dạng hơn như: nón nhựa, nón lá dừa, nón đệm... nên chiếc nón lá truyền thống có phần yếu thế. Nhưng với bà Hồng cũng như những người làm nón ở làng Văn Quỹ không vì thế mà chạy theo thị trường để rồi đánh mất thương hiệu chiếc nón quê duyên dáng bao đời cha ông để lại. Để minh chứng khẳng định thêm cho điều mình vừa thổ lộ, bà Hồng cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép cẩn thận địa chỉ, số điện thoại của khách hàng đặt mua nón từ Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai...

Chiếc nón lá với người dân đất Việt từ lâu đã trở thành vật dụng quen thuộc, bình dị trong cuộc sống thường ngày. Nón theo chân người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ sớm trưa chợ chiều... Trong nghệ thuật, nón lá xuất hiện nhiều trong những cuộc triển lãm, đi vào các tiết mục múa duyên dáng hay các ý tưởng thiết kế đầy tính sáng tạo... Và ngày nay, nón lá không những là vật dụng yêu thích trong những chuyến du lịch, hội hè của bao người mà nó còn là món quà thương quý của những người làm ăn xa nhớ quê thao thiết. Đặc biệt, nó là vật dụng đặc trưng làm quà tặng cho du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch trên đất Việt. Bởi, chiếc nón lá tuy giản dị, đơn sơ nhưng là một hình ảnh duyên dáng của người phụ nữ và hơn thế, đó là biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa người Việt ngàn đời.

Bài viết in trên Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 14, chủ đề Quà quê

TRỌNG ĐỨC

Mới nhất

Báo Quảng Trị tổng kết công tác năm 2024

19/01/2025 lúc 00:13

Sáng ngày 18/1, Báo Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đã đến dự.

Ấm áp phiên chợ “xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” năm 2025

18/01/2025 lúc 23:01

TCCVO - Ngày 18/01/2025, tại Chợ phiên biên giới Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bản tổ chức Chương trình Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản” năm 2025 cho nhân dân hai bên biên giới. Tham dự Chương trình có đồng chí Thượng tá Hồ Phú Vinh - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đồng chí Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Thượng tá Phan Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (mở rộng) cuối năm 2024

18/01/2025 lúc 21:55

TCCVO - Sáng ngày 17/01/2025, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng phiên cuối năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện các phân hội chuyên ngành; lãnh đạo Tạp chí Cửa Việt; chuyên viên Tổng hợp - Hành chính; chuyên viên theo dõi sáng tác, hội viên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/01

25° - 27°

Mưa

23/01

24° - 26°

Mưa

24/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground