Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị từ những điều nhỏ bé. Ví như những thứ hạt gần gũi thiết yếu hằng ngày, một khi bất trắc ta mới thấm thía bài học tiết kiệm. Nói đâu xa, ấy chính là hạt gạo, thực phẩm không thể thiếu đối với người Việt.
1. Có hai thứ hạt hồi nhỏ trẻ con chúng tôi được dạy phải quý hơn cả là muối và gạo. Chắc bởi hai hạt trắng ngần ấy được chắt chiu từ mồ hôi vất vả nhọc nhằn của người lao động. Muốn lấy muối chấm ổi, chấm xoài, nhất quyết chỉ được phép lấy vừa đủ dùng, dù chúng tôi biết muối mua… rất rẻ. Còn gạo, là những thứ nhà gieo trồng được, thế nhưng càng không được phung phí.
Hồi trước ở quê tôi, nhiều nhà đặt một chum gốm bên cạnh thùng gạo. Cứ đến bữa nấu ăn, sau khi đã đong gạo vào nồi thì vốc một nắm từ nồi cho vào chum gốm. Tức là nhẽ ra ăn chừng đó, nhưng “thắt lưng buộc bụng”, cất lại một chút phòng khi cơ hàn. Cái chum gốm ấy là hũ gạo tiết kiệm tích trữ, không chỉ nhà nghèo khó mà những nhà khá giả vẫn làm.
Đặc tính nghề nông phụ thuộc thời tiết ông trời, có khi mất mùa, lúa gạo chính bàn tay người nông dân làm ra không đủ phục vụ mình. Hơn ai hết, người thôn quê thấu hiểu thành ngữ “ăn bữa nay lo bữa mai”. Những khi hạn hán hạt khô lép xẹp, những mùa mưa bão xô quật chẽn đồng, gạo tích trữ đã đỡ đần con người ta.
Hũ gạo tiết kiệm ấy với người dân mình có từ rất lâu rồi, và đến những giai đoạn đất nước gian nan càng thấm thía giá trị. Năm 1945, để chống giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “hũ gạo cứu đói”, tạo nên một đợt quyên góp thiết thực, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, tình nghĩa đồng bào sâu sắc.
Chuyện về hạt gạo dành dụm để sẻ chia luôn được nhắc đi nhắc lại qua từng năm tháng, từng biến cố. Miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng là nơi hứng chịu biết bao nhiêu trận lụt bão triền miên năm này qua tháng khác. Cứ sau mỗi đợt thiên tai đại họa, dân tình lại lao đao khốn đốn, nhưng ngay lập tức vòng tay cả nước rộng mở. Trong những chuyến hàng cứu trợ về miền Trung luôn luôn có gạo. Ôi, miền Trung, vùng đất duyên hải vốn là vựa lúa lớn mênh mông mà nay cũng được nhận cứu trợ gạo.
Trong đợt giãn cách xã hội vì đại dịch Covid, ta thấy hình ảnh nhân văn của những chiếc máy ATM gạo. Chính khi đó, nơi những thành phố đô hội tưởng chừng đủ đầy, lại lâm vào tình cảnh khan hiếm nhu yếu phẩm. Và bài học tiết kiệm càng được sáng rõ hơn bao giờ hết. Từ những miền quê nghèo khó như Quảng Trị, mọi người góp gạo gửi theo những chuyến xe vào miền Nam hỗ trợ đồng bào đang trong giãn cách xã hội. Hạt gạo nhỏ gói ghém biết bao tình cảm. Câu chuyện hạt gạo cứ như thể là chuyện có hậu, có đi có lại.
2. Ở quê trước đây nhà nào cũng nấu ăn bằng rơm, bằng củi, hoặc lá chuối khô sẵn có quanh vườn. Nấu bằng lửa ngọn nên đến lúc cơm sôi thì nước gạo trào lên miệng nồi, người ta phải kiễng hở cái nắp vung, tránh không cho nước gạo chảy ra ngoài vì phần nước đó chứa nhiều dinh dưỡng. Cũng có khi bị thừa nước, sợ cơm nhão, phải chắt bớt nước. Các bà, các mẹ sẽ lấy phần nước cơm này rồi bỏ thêm một ít muối mằn mặn cho con uống thay sữa. Bằng thứ nước cơm chắt ra ấy, những đứa trẻ quê thuở thiếu thốn đã lớn lên khỏe mạnh, vâm váp.
Cơm nấu củi đong đầy ký ức một thời gian khó - Ảnh: T.Đ
Nấu bằng lửa ngọn thi thoảng cũng sẽ để lại một lớp cơm cháy dưới đáy nồi. Ở đây, xin nhắc nhớ một câu đã lâu người quê hay nói: “Cơm sôi lửa cháy, lúa chín trời mưa”. Thành ngữ ấy hàm chỉ những điều tréo ngoe với mong muốn, những sự không thuận lợi, những điều không đúng lúc. Nhưng dân gian đúc kết cũng có lý hẳn hoi, bởi nấu nướng bằng củi thì lúc đầu chất đốt còn ẩm ướt nên cháy yếu, tới một lúc sau củi nhờ độ nóng hong khô thêm thì mới cháy mạnh. Vì lửa cháy mạnh lúc sau, nên cơm cũng theo đó mà… dễ bị cháy. Nhà có khách nhất quyết không dọn cơm cháy, vì như thế là khiếm nhã, hoặc sợ khách chê nhà nghèo. Nhưng người quê không bỏ phần cơm cháy đi, thậm chí cái lớp vàng giòn đáy nồi ấy lại khiến trẻ con tranh nhau. Cũng không biết cơn cớ từ đâu mà người ta lại bảo trẻ con ăn cơm cháy thì học ngu!
Sau này lớn lên, đi một vài nơi, tôi thấy cơm cháy là đặc sản: cơm cháy thịt dê, cơm cháy chà bông chẳng hạn. Và nói đâu xa xôi, bây giờ ở địa phương nào cũng sẵn có các nhà hàng cơm niêu, một dạng bữa ăn được chia phần cơm gợi nhớ thời bao cấp. Ăn cơm niêu nhất quyết phải có miếng cháy ở đáy nồi. Thực khách được nhà hàng hỏi thích cơm cháy nhiều hay cháy ít.
Vậy há chẳng phải cơm cháy đã một bước lên thành khoái khẩu, đấy là “sự cố” từ thời cơm đun lửa mà nồi cơm điện không thể bắt chước. Nắm bắt sở thích này, hiện nay các nhà sản xuất nồi cơm điện tử hiện đại lại tích hợp thêm chế độ… nấu cơm cháy!
Nấu cơm dù đong tính căn ke thế nào thỉnh thoảng sau bữa vẫn còn cơm thừa. Cơm nguội ấy không bỏ đi mà để dành hấp vào nồi cơm bữa sau. Và cơm nguội để qua đêm cũng có thể chế biến thành một bữa ăn sáng tằn tiện, đạm bạc nhưng khoái khẩu với trẻ con. Cho vào chảo ít dầu mỡ rán nóng, phi hành với nước mắm thơm nức tới tận giường ngủ. Lúc ấy không cần đánh thức, trẻ con tức khắc vùng dậy sửa soạn đi học. Cơm nguội đảo trên chảo dầu một lúc thành món cơm chiên, một số nơi gọi là cơm rang. Chảo cơm chiên thú vị nhất là bởi lớp đáy có miếng cơm cháy giòn, vàng rộm, thấm mỡ béo. Chỉ thế thôi, cơm nguội tận dụng mà cũng trở thành bữa lót dạ đầu ngày để trẻ con đến trường.
Cơm nguội, có khi cũng là một thứ đặc sản! Ấy là chuyện cơm hến - một món đặc trưng của người Huế. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cơm hến mới là món gốc, còn bún hến hay cháo hến chỉ là món phái sinh được bày ra thêm sau này. “Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng bỏ đi”. Quan điểm ấy xem ra cũng hợp lý với tinh thần chắt chiu của người miền Trung.
3. Người Quảng Trị mỗi năm làm hai vụ lúa liền kề nhau. Sau vụ hè-thu thì đồng đất được nghỉ ngơi vì đó thường là quãng thời gian bão lụt không thể canh tác. Tuy nhiên, cũng có những năm gặp được tiết trời thuận lợi, đến tháng chín âm lịch rồi mà vẫn không có mưa gió triền miên. Nhiều người bảo tiết trời thế này có khi làm thêm một vụ lúa nữa cũng được. Nhưng chẳng cần phải gieo thêm một vụ nữa, lúa vẫn trổ hạt đầy cánh đồng. Sau vụ mùa hè-thu gặt hồi tháng sáu, từ các gốc rạ đã ngoi lên những chẽn lúa, với thời tiết tốt, đến tháng tám lúa cho hạt. Người quê tôi gọi đó là lúa chét.
Về các vùng quê Quảng Trị giữa mùa thu, dễ thấy trên các cánh đồng lúa đã sây hạt thêm một vụ nữa. Các mệ, các chị khom lưng bứt lúa chét. Thêm vài cô bé chừng mười tuổi cũng ra đồng phụ bứt lúa chét cùng các bà các mẹ. Vì lúa chét mọc thưa nên phải ngắt bằng tay hoặc dùng liềm để bứt.
Sau vụ hè-thu, lúa chét trổ hạt đầy đồng - Ảnh: T.Đ
Thấy tôi cầm máy ảnh, bà cụ nói “mệ bòn lúa chét chớ có chi mà chụp chú ơi”. Chữ “bòn” thật chuẩn xác trong ngữ cảnh ấy, được chính những người thôn quê thốt lên. Mệ cho biết, đi bòn lúa chét mỗi ngày cũng chỉ được chừng chục, mười lăm lon lúa thôi, ít ỏi lắm nhưng thấy nó ra hạt “đỏ” đồng, không bứt thì tiếc, “thôi kệ bòn cho giòn”. Thế mới biết người nông dân coi hạt lúa là hạt vàng, quý trọng và chắt dành chừng nào.
Một bó lúa bà cụ bứt xong để ở bên chân ruộng, thấy hạt căng mẩy và không bị xép dẹp, thật chẳng khác lúa được mùa. Tuy nhiên, cái vất vả của bòn lúa chét là không có máy tuốt lúa. Người bòn lúa chét phải ôm lúa bứt được về nhà, để ở góc sân rồi dùng chân xát để hạt tơi ra khỏi ngọn lúa, đấy là kiểu thu lúa thủ công cách đây ba chục năm.
Lúa chét mọc lên từ gốc rạ một cách tự nhiên, người nông dân không hề bỏ công chăm sóc, không bón phân dắt nước, không phun thuốc phòng bệnh, thế mà cây lúa vẫn cho hạt căng mẩy. Nó như một thứ phần thưởng hậu hĩnh mà thiên nhiên và mẹ đất ân sủng cho nhà nông cơ cực. Cũng nhờ không bón phân hóa học nên nói như người nhà quê, lúa chét ăn rất dạn miệng.
Để xay được hạt gạo từ lúa chét cũng không hề đơn giản. Hạt gạo trong lúa chét bị vỏ trấu bọc rất kỹ. Trước hết phải đem lúa hấp cách thủy, rồi đem ra phơi nắng cho lúa khô khén, sau mới đem đi xay được. Kỳ phu và ít ỏi, thế mà người quê thường để dành gạo này đến mùa đông đem ra rang cốm… ăn chơi vui. Gạo được cho vào chảo dầu nóng, rang tới khi vàng rộm thành cốm, rồi ngào đường hoặc chiên với nước mắm ớt. Những đêm mưa lạnh, cả nhà ngồi quanh dĩa cốm vàng rộm, ăn vừa giòn vừa ngọt và cảm nhận được vị sữa lúa béo bùi. Hạt lúa sau mùa đã chắt chiu dành dụm cho người một thứ quà quê.
Cốm gạo lúa chét, món ngon từ hạt lúa sau mùa - Ảnh: T.Đ
Chỉ là hạt gạo nhỏ bé thôi mà ngẫm ra cũng lắm chuyện thú vị, âu cũng đều là những bài học về tiết kiệm, một đức tính giản dị mà đôi khi chúng ta lãng quên.
Ai ơi bưng bát cơm đầy…