Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ sĩ, báo chí rủ nhau ra ngồi bên dòng sông Hiếu lai rai, nghe gió thổi miên man trong chiều hè. Bất chợt một nhà báo buột miệng hỏi anh:
- Anh Châu La Việt này, được biết sau này khi gặp lại ba anh - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sao anh không cải lại họ Hoàng, một dòng họ nổi tiếng ở Triệu Phong.
Không một chút chần chừ, anh trả lời:
- Anh không bao giờ đổi lại họ bởi vì như thế là có lỗi với bố anh - nghĩa phụ Lê Khánh Căn, dù bây giờ bố đã qua đời.
- Vậy nghe nói sau này trong gia phả của gia tộc họ Hoàng, ba anh đổi họ anh là Hoàng Hữu Hoài, làm thủ tục bảo lãnh cho anh qua Mỹ. Sao anh không đi?
- Anh ở lại là vì anh thương mẹ. Cả một đời mẹ đã thương yêu, chăm sóc cho anh, ra đi sao đành.
Nữ sinh Đồng Khánh dấn thân theo cách mạng
Mẹ nhà văn Châu La Việt là Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân, sinh năm 1932, là một ca sĩ nổi tiếng trong thập niên 1950 - 1970. Tên tuổi của bà gắn liền với nhiều ca khúc trữ tình cách mạng, đặc biệt với Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, được thu âm vào thập niên 1960. Tân Nhân được đánh giá là người thể hiện thành công nhất ca khúc này, và đây cũng là một ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi. Hơn nửa thế kỷ từ khi Xa khơi ra đời, vẫn chưa có ai hát ca khúc này có thể so sánh được với ca sĩ Tân Nhân, nhiều khán giả yêu mến giọng hát của bà đã nói như thế.
Vì yêu quý mẹ nên ngoài tên khai sinh là Lê Khánh Hoài (theo họ của nghĩa phụ Lê Khánh Căn), nhà văn Châu La Việt còn có bút danh lấy họ mẹ là Trương Nguyên Việt, hay bút danh Triệu Phong là quê cha. Còn bút danh Châu La Việt theo anh là tên ghép nơi anh sinh ra là Châu Phong ở Hà Tĩnh gắn với dòng sông La và Cửa Việt là quê mẹ của anh ở Quảng Trị.
Ca sĩ Tân Nhân và con trai Châu La Việt ngày còn nhỏ - Ảnh Gia đình cung cấp
Sinh ra ở làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cô bé Trương Tân Nhân từ năm mười ba tuổi đã được gửi vào Huế để theo học Trường nữ sinh Đồng Khánh. Không chỉ sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ đến mức được Nam Phương Hoàng hậu mời dự tiệc và ca hát, Tân Nhân còn tham gia đội phản gián, đưa tin tức và rải truyền đơn cho cách mạng. Cơ sở bị lộ, Tân Nhân được tổ chức đưa ra Hà Tĩnh học tiếp ở Trường Trung học kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng.
Theo hồi ký của ca sĩ Tân Nhân, bà kể sau khi hoạt động bí mật ở nội thành Huế bị lộ, để tránh bị giặc truy lùng, bà đã “nhảy” lên chiến khu Thừa Thiên, ra Ba Lòng - Quảng Trị, trèo đèo lội suối, vượt dốc Liên U Ba Rền ra Hương Khê, Hà Tĩnh học năm đệ tứ, rồi về Trường Huỳnh Thúc Kháng vào chuyên khoa Văn. Đi học xa nhà, Tân Nhân luôn nhớ đến gia đình, quê hương.
Cha Tân Nhân là một người ham kinh doanh. Khi Tân Nhân còn bé, ông đã đưa con sang Viêng Chăn (Lào) cho học trường Tây. Khi Tân Nhân lên tám tuổi, ông lại cho con vào kinh đô Huế học và sau đó vào Trường Đồng Khánh. Ba Tân Nhân thường gọi cô là “Doctoresse Tân Nhân” hay là “Avcocale Tân Nhân” với ước muốn sau này con sẽ trở thành một bác sĩ hay một nữ luật sư. Còn mẹ cô là một phụ nữ chân quê, có giọng hát hay nổi tiếng. Ở quê có trò chơi hát đối đáp, thường bên nào có bà tham gia là cầm chắc phần thắng. Tiếng ru ngọt ngào của bà để lại trong tâm hồn Tân Nhân những dư âm mãi không phai với âm điệu giọng Quảng Trị cứ ngân cao mãi tới cuối câu nghe sao tha thiết!
Ở Trường Đồng Khánh, Tân Nhân hay hát, bắt chước các chị hát những bài hát Tây, giọng cô trầm và vang, được vào dàn đồng ca với các chị lớp trên. Tới thời học ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, năng khiếu văn nghệ của Tân Nhân được bồi dần thêm qua thực tế. Bài thơ ruột của cô hồi đó thường đem ra ngâm là bài thơ của anh Huy Phương, viết tặng cô em ruột Thanh Hương ở chiến khu Việt Bắc. Hồi đó vở kịch “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng đã gây ấn tượng tốt đẹp với công chúng. Ngọc Dung thủ vai chị vợ bác sĩ đóng khá già dặn. Tân Nhân được phân vai Lan, với bộ áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, vừa ló ra khỏi cánh gà khán giả đã vỗ tay rần rần. Cô cũng không hiểu vì sao lại được mọi người mến mộ như vậy, phải chăng cô có duyên nợ với văn công?
Quả thật như vậy. Cuối năm đệ nhất văn Huỳnh Thúc Kháng, cùng với đợt ồ ạt vào Lục quân khu IV ra Việt Bắc nhận công tác của các anh chị, Tân Nhân gia nhập Đoàn Văn công mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào do anh Bửu Tiến, Đình Quang lãnh đạo, vào chiến trường phục vụ bộ đội. Đó là thời kỳ gian khổ nhất của chiến trường Bình Trị Thiên, với cơm gạo thổi chỉ hơn lưng bát một bữa, thức ăn là nước ruốc “thằn lằn chạy qua thấy rõ” như cách nói của bộ đội, rau tàu bay độn thêm cho đỡ rỗng bụng.
Trong hồi ký của ca sĩ Tân Nhân, tôi có ấn tượng sâu sắc với câu chuyện những năm tháng bà làm văn công đi phục vụ bộ đội chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào. Một lần, đoàn của Tân Nhân bị bao vây mọi phía. Trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ địch vây quanh. Bị bất ngờ, họ chia nhau từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy. Nhóm Tân Nhân có 6 người, 4 chị con gái chui vào rừng sâu, đứt liên lạc với đơn vị mất mấy ngày.
Tiếng đồn về Trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân đã bị chết trong trận càn. Một bạn học cùng quê với cô - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - đã truy điệu cô bằng bài hát “Xuân chết trong lòng tôi”. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương khi cô ra đi còn quá trẻ. Xuân ơi xuân - Chim xa đàn - Xuân ơi xuân - Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi - Trong tiếng đàn…
Nhưng cô đâu đã chết. Một thời gian sau, Bộ chỉ huy cho các cô trở về trường cũ Huỳnh Thúc Kháng học tập. Trên chuyến đò dọc Châu Phong - Bạch Ngọc, K.Đ, một bạn gái ở lớp dưới của Tân Nhân đã hát “Xuân chết trong lòng tôi” cho cô nghe với lời bình: “Phải có một tình yêu sâu sắc lắm anh ấy mới như điên như dại khi hay tin chị chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà khóc và viết lên bài ca ấy: Ôi chim xa cành bướm lìa hoa - Trùng phùng xa lắm…”.
Với nỗi xúc động chứa chan, Tân Nhân thầm nghĩ: “Biết mình chết rồi mà vẫn yêu thương tiếc nuối. Phải chăng đó là tình yêu chân thật. Xót xa thay, đó là mối tình bất hạnh”. Trong chuyến về thăm nhà ở vùng tạm chiếm ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bị kẹt lại và từ đó họ mãi mãi cách chia. Tân Nhân nghẹn ngào: “Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con một nhạc sĩ ngụy”.
Sau ngày hòa bình lập lại, Tân Nhân là diễn viên đơn ca tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Rồi bà theo học khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Tân Nhân có một giọng nữ cao trữ tình, đậm chất miền Trung. Bà thành công với nhiều ca khúc dân ca và trữ tình cách mạng như Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Tát nước đêm trăng, Nắng Ba Đình, Tình quê, Ru con (dân ca Nam Bộ), Tình quê hương (Trọng Bằng), Anh về miền Bắc, Chim Pongkle (Nhật Lai), Lăm tơi, Bên nôi con mẹ hát (Lê Lôi), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - thơ Đằng Giao)... và một số ca khúc nước ngoài. Đặc biệt với Xa khơi, được thu âm vào thập niên 1960, bà được đánh giá là người thể hiện thành công nhất ca khúc này, và đây cũng là một ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi.
Một kỷ niệm rất đẹp mà sau này ca sĩ Tân Nhân đã ghi lại trong hồi ký của mình, đó là khi bà hát Câu hò bên bờ Hiền Lương trên sân khấu nước ngoài:
“Tôi đứng đó, giữa những sân khấu ngoài trời, ánh đèn pha rọi sáng, dưới kia là biển người tít tắp. Họ là da vàng, da trắng, da đen? Tôi không còn biết. Dàn nhạc tấu khúc dạo đầu. Tôi đứng đó, lòng se lại, nôn nao nhớ về một miền đất, nơi con sông Thạch Hãn chảy qua đổ về Cửa Việt, sóng vỗ rì rầm càng rõ về đêm, tiếng thuyền chài gõ lưới dọc triền sông, tiếng hò mênh mông trên sông nước…
Tôi đứng đó như đã bao lần bên bến Hiền Lương, nhìn về bờ Nam đăm đắm; ngọn cây thông làng tôi nhìn còn rõ mà sao chân không qua nổi mấy nhịp cầu?! Bên kia là mái ấm tổ tiên với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm tuổi thơ ấu, mỗi sáng cha tôi bế tôi đặt lên đùi, ngâm thơ, uống nước chè; mẹ đi chợ về với miếng quà tấm bánh. Những ngày tung tẩy tới trường, những buổi chui rào lẻn về với ngoại. Mùa hè lên hói hái móc, sim, uống giếng nước chùa. Đêm đêm tụ tập trước gò ngắm trăng sao, nghe các anh chị bàn chuyện mộng mơ cho tới khi sương lạnh…
Nơi miền đất ấy, cha mẹ, các em đã hàng chục năm trời xa cách.
Lida, cô gái Mỹ đã tâm sự với tôi trong lần gặp mặt ở Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới tại Helsinki: “Mới có mấy ngày xa mẹ mà mình nhớ mẹ quá!”. Tôi bùi ngùi: “Đã mười hai năm mình chưa gặp lại mẹ”.
Cả đoàn Mỹ rưng rưng khi tôi hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Họ hô lớn: “Việt Nam phải tự do; Việt Nam phải thống nhất”: Xa xa một đàn chim, so mây dang cánh lưng trời - Hỡi cánh chim hãy dừng cho ta gửi tới phương xa vời…
Những bó hoa, những dòng nước mắt, những vòng tay ôm, những hoan hô cổ vũ. Ôi! Quê hương - Mẹ hiền. Dù gió mưa có đổi phai màu thì làn gió nhẹ từ sóng biển cũng khiến lòng tôi xốn xang, cho tiếng hát tôi đượm vị mặn nồng”.
Về nước năm 1973, Tân Nhân làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam. Tân Nhân còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II; từng tham gia công tác đào tạo diễn viên cho nước bạn Lào, xây dựng dàn hợp xướng cho các đội hợp xướng thiếu nhi ở Thủ đô Hà Nội. Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988).
Đoạn kết vui cho một cuộc tình buồn
Năm 1975 đất nước thống nhất. Trước đó, năm 1974, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dẫn đầu một đoàn nghệ thuật của Sài Gòn đi trình diễn tại Nhật Bản. Khi sự kiện năm 1975 xảy ra, ông sang định cư ở Mỹ. Cho đến năm 1993, nghĩa là 20 năm sau ông mới có dịp về thăm đất nước. Lúc ấy nhạc sĩ họ Hoàng mới gặp lại cố nhân - ca sĩ Tân Nhân sau 45 năm xa cách trong một cuộc gặp mà như nhà văn Châu La Việt đã viết rằng, đó là cuộc gặp gỡ đầy ân tình, tự trọng của những nghệ sĩ nổi tiếng. Và cho đến lần gặp gỡ thứ hai thì họ vĩnh viễn chia tay nhau. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất tại Mỹ năm 2001 và điều day dứt với nhạc sĩ cũng như nhiều người mến mộ âm nhạc của ông là nhiều tác phẩm âm nhạc của ông đến lúc ấy chưa được phép phổ biến ở trong nước.
Nhà văn Châu La Việt kể, cuối năm 2007, trong một lần anh sang thăm mẹ, khi đó mẹ anh đã chuyển vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ca sĩ Tân Nhân vẫy Việt lại gần, quàng vai anh âu yếm nói: “Con cố gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang!”.
Ít lâu sau, Châu La Việt cùng vợ đi Mỹ. Vì công việc, anh phải đến bờ Đông nước Mỹ trước, cho đến khi sắp về nước, anh mới tới được bờ Tây, tìm đến vườn Vĩnh Cửu trong khuôn viên nghĩa trang Peek Family ở Orange County, nơi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ. Anh đến đây với sự chỉ dẫn qua bản đồ của người bạn là Nguyễn Hiệp và có hai người cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thao và anh Hoàng Hữu Quýnh - là anh ruột anh Hoàng Kiều đưa đi. Trước mộ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vợ chồng Châu La Việt cung kính thay mẹ anh thắp hương cho nhạc sĩ, thưa với nhạc sĩ những tình cảm quý trọng của mẹ anh cũng như nguyện vọng của mẹ anh với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương, đất nước rất thắm thiết của ông… Trên gương mặt của anh dòng nước mắt chảy dài thương tiếc về người cha đã ra đi, như có cả nước mắt của ca sĩ Tân Nhân thương tiếc nhạc sĩ.
Ngay sau khi trở về nước, vợ chồng Châu La Việt liền đến thăm mẹ, mang quà từ Mỹ về tặng mẹ. Nhưng ca sĩ Tân Nhân chỉ quan tâm tới những tấm hình chụp khi anh dâng hương cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Bà xem rất kỹ từng tấm hình với gương mặt hết sức chăm chú nhưng không nói thêm một lời nào.
Điều hết sức kinh ngạc là chỉ bốn ngày sau, một buổi sáng như mọi sáng mai khi ca sĩ Tân Nhân ra sân quét lá, bà bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ. Kể từ thời điểm ấy, bà không một lần mở mắt và không còn biết một điều gì nữa. Bà mất vào ngày 14 tháng 2 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.
Một điều bất ngờ khác là khi dọn lại giường chiếu cho mẹ, Châu La Việt thấy dưới gối của mẹ có bản nháp một lá thư đề nghị, mà bản chính bà đã gửi qua bưu điện chỉ ít ngày trước khi đột quỵ, lá thư như lời cuối của ca sĩ Tân Nhân cho một cuộc tình buồn.
Kính gửi Bộ Văn hóa!
Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân - Nghệ sĩ ưu tú, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau, kính mong các đồng chí xem xét.
Nhạc sĩ Hoàng Thị Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến, chống phá đất nước. Kể từ sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết.
Trong sáng tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm âm nhạc của Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc, nội dung ca ngợi tình yêu đất nước, quê hương. Chính những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.
Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng phải thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay, đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.
Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn gì đó chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi. Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một đảng viên Đảng Cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Đọc xong lá thư đề nghị của ca sĩ Tân Nhân gửi Bộ Văn hóa, dòng nước mắt chảy dài trên đôi má của Châu La Việt. Anh hiểu đây là lời nói cuối, là khúc hát cuối của mẹ anh cho mối tình đầu đầy khổ đau của mình. Anh ngồi đó thẩn thờ, cảm thấy thương mẹ, yêu mẹ nhiều hơn.
Bây giờ thì người nữ danh ca ấy đã về chốn “Xa khơi”, cách xa nghìn trùng. Lời cuối cho mối tình đầu của bà được hồi âm tích cực. Từ lá thư đề nghị của ca sĩ Tân Nhân, cơ quan chức năng đã xem xét, chấp nhận. Từ năm 2008, những ca khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được cấp phép phổ biến, biểu diễn ở Việt Nam.
Nếu có thể nói một điều gì đó về đoạn kết cho thiên diễm tình của họ, có thể gọi đấy là một cái kết vui, có hậu, không chỉ cho tâm nguyện của người nghệ sĩ mà còn đáp ứng nỗi khát khao của công chúng Việt Nam về không gian âm nhạc của một nhạc sĩ tài hoa sinh ra ở một vùng đất bên dòng sông Thạch Hãn, suốt một đời ông đã dành hết tài năng nghệ thuật để viết nên những bản tình ca ngợi ca tình yêu quê hương đất nước đến vô cùng. Bây giờ, ở bên kia thế giới chắc họ đã gặp nhau, nhưng mối tình đầu đau khổ một thời của họ vẫn còn lưu truyền mãi trên dương gian. Như vẫn còn đây lời trong ca khúc “Đường xưa lối cũ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ngày ông trở lại quê nhà sau hòa bình: Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng - Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng… Khi tôi về, bồi hồi trong nắng - Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về - Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn - Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng… Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi - Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…
Tháng Tám, 2024