Đối với nhân dân sống hai bên biên giới xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và cụm bản La Cồ (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) thì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập là sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Những sẻ chia lúc khó khăn, hoạn nạn kể cả lúc vui chính là cách tô thắm hơn cũng như đưa mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào lên những tầm cao mới.
Khăng khít tình Việt - Lào anh em
Những thuận lợi về giao thông, nơi cư trú và quan trọng là “cùng chung nguồn gốc” đã giúp người dân hai bên biên giới xã Hướng Việt và cụm bản La Cồ có mối quan hệ gắn bó sâu sắc dù là hai quốc gia, hai dân tộc. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng đến được mảnh đất biên cương này để thấy và cảm nhận rõ hơn về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt được Hoàng thân Xuphanuvông nói “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất” và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Bước vào cuối tháng hai là khoảng thời gian giao thoa giữa mùa xuân đất Việt và mùa khô đất Lào. Con đường dẫn sang bản A Via chỉ là đường đất, hai bên là những vườn sắn, bời lời xanh tốt. Thiếu tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập ví von đây là những vườn sắn đoàn kết, hữu nghị bởi có sự đóng góp của cả những hộ dân hai bên biên giới, trong đó, người bản A Via, cụm bản La Cồ góp đất còn người bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt góp sức và lợi nhuận chia đôi.
Đồn Biên phòng Hướng Lập tặng quà cho giáo viên, học sinh Trường Tiểu học A Via (Lào) - Ảnh: T.H
Câu chuyện được bắt đầu từ khoảng hơn chục năm trước, bản A Via và bản Ka Tiêng tổ chức kết nghĩa bản - bản. Việc làm này đã tạo thêm thuận lợi để người dân giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. “Vườn cây hữu nghị” - công trình kỷ niệm cho sự kiện này với hàng trăm gốc bời lời đến nay đã phát triển xanh tốt và cho thu hoạch hằng năm. Và, vườn cây hữu nghị này cũng đem lại một khoản thu để phục vụ cho việc chung của bản. Việc “làm ăn chung” của người dân hai bản A Via, Ka Tiêng cũng giúp đời sống nhiều hộ dân được cải thiện rõ rệt. Tiền bán sắn giúp các gia đình có bữa ăn đủ chất hơn, mua sắm được vật dụng trong nhà, thậm chí có gia đình mua được tivi, xe máy, cho con cái đi học xa… Và, tất nhiên, khi điều kiện kinh tế đi lên thì anh em, họ hàng có điều kiện quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Điều thú vị hơn nữa là khi đến A Via, chúng tôi gặp rất nhiều người Lào nhưng chảy trong mình là dòng máu Việt. Ông Ka Định luôn tự hào đã dành cả tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng Việt Nam. Suốt gần hai mươi năm, ông đã chiến đấu trên mặt trận Bình Trị Thiên, tham gia các chiến dịch Khe Sanh, đánh đồn Tà Cơn… Tỉnh Quảng Trị giải phóng, ông Ka Định làm công tác Đoàn Thanh niên, huy động sức trẻ để kiến thiết vùng đất Hướng Hóa. Khi được hỏi vì sao ngày đấy chọn ở lại A Via thay vì về Hướng Việt, ông Ka Định nói: “Khi ấy, bố nghĩ ở Lào hay ở Việt Nam thì cũng là xây dựng quê hương bởi cũng còn rất nhiều người lựa chọn như bố. Giờ đây, người dân ở A Via và Hướng Việt cũng vẫn vậy, cũng vẫn chung tiếng nói Vân Kiều”.
Hướng tới giá trị trường tồn
Cột mốc 951 tọa lạc ngay khu vực cửa khẩu phụ Tà Rùng có vị trí bằng phẳng, nơi đây cũng diễn ra nhiều hoạt động chung của lực lượng bảo vệ biên giới và người dân xã Hướng Việt và cụm bản La Cồ. Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất, nhập cảnh tạm ngừng để phục vụ công tác phòng, chống dịch đã khiến cuộc sống những hộ dân của cụm bản La Cồ gặp rất nhiều khó khăn bởi vì trước nay người dân nơi đây thường sang Việt Nam trao đổi hàng hóa. Thế rồi, cũng tại vị trí cột mốc này, những bao gạo, chai nước mắm, gói muối, thùng mì tôm, vật tư y tế để phòng, chống dịch được chuyển tới đây trao cho những người anh em Lào vượt qua khó khăn.
Mới đây nhất là chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tặng quà cho giáo viên, học sinh Trường TH & THCS dân tộc nội trú La Cồ và Trường TH & THCS Hướng Việt. Thông qua chương trình này, hàng trăm suất quà gồm nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, quần áo, chăn ấm đã được trao cho nhân dân, học sinh và Đại đội Biên phòng 321 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet). Cuộc sống của người dân cụm bản La Cồ vẫn còn nhiều khó khăn vì cách xa trung tâm huyện, đường đi không thuận lợi, thu nhập chủ yếu vẫn nhờ vào nương rẫy. Bởi vậy, những phần quà tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng vô cùng ý nghĩa bởi đã đến đúng lúc, đúng thời điểm và đúng đối tượng.
Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập chia sẻ: “Chúng tôi đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt để hỗ trợ cho bà con nhân dân hai bên biên giới. Có điều đặc biệt là khi biết các chương trình thiện nguyện cho đồng bào, cho bạn Lào, các nhà hảo tâm rất ủng hộ, thậm chí nhiệt tình. Điều đó cho thấy, vun đắp tình hữu nghị ấy không chỉ là những người trực tiếp làm việc như chúng tôi hay nhân dân sống ở khu vực biên giới mà luôn có sự đồng hành, ủng hộ của người dân ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam này. Tình cảm ấy khiến chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa”.
Thiếu nhi Việt - Lào cùng vui hội trăng rằm do Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội Biên phòng 321 tổ chức - Ảnh: H.T.T
Thiếu tá Kẹo Lợt Ma, Chính trị viên Đại đội Biên phòng 321 đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt, thân tình như thể những người thân từ xa về. Câu chuyện trở nên dễ dàng hơn khi có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đại đội biết tiếng Việt. Mọi người đã tự bồi dưỡng cho nhau và học thêm qua mỗi lần gặp gỡ, tuần tra chung. Trong mỗi câu chuyện, chúng tôi đều cảm nhận được tấm lòng của người lính bảo vệ biên giới dành cho nhau, không chỉ bằng lời nói mà tình cảm, sự quan tâm còn được cụ thể bằng việc thực tế. Điều ấy có thể nhận thấy khi sân bóng chuyền, thiết bị thể dục thể thao của Đại đội Biên phòng 321 do Đồn Biên phòng Hướng Lập trao tặng.
Đường xa và thời tiết không thuận lợi, nhưng ông Bun Lom Su Pha Mi Xay, Phó Bí thư Huyện ủy Sê Pôn vẫn có mặt từ sớm tham dự chương trình giao lưu. Chứng kiến những việc làm của người lính bảo vệ biên giới và đặc biệt là sự đoàn kết của người dân hai bên biên giới, ông Bun Lom Su Pha Mi Xay cho rằng, tấm lòng Lào - Việt có mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững hay không, không chỉ phụ thuộc vào thế hệ cán bộ, nhân dân ngày hôm nay mà cả thế hệ mai sau. Những hoạt động giao lưu đoàn kết này là cơ sở vững chắc để nhân dân hai bên biên giới vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào anh em, cùng xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển.
Chương trình giao lưu diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và thắm đượm ý nghĩa cao cả. Những bài hát “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Sải chay Lào Việt”, “Cô gái Xiêng Khoảng” được cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đại đội Biên phòng 321, học sinh Trường TH&THCS dân tộc nội trú La Cồ và Trường TH&THCS Hướng Việt trình bày đã dẫn dắt mọi người cùng hòa vào không khí vui tươi, phấn khởi, thắm tình hữu nghị. Buổi giao lưu này cũng như những “Tiết học biên giới” hay những chương trình “Xuân biên cương ấm lòng dân bản”, “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm”… mà Đồn Biên phòng Hướng Lập vẫn duy trì những năm qua đã góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân hai nước. Nhìn khung cảnh tươi vui ấy, chúng ta có thể chắc chắn về tương lai của vùng đất biên giới này, nhân dân sẽ luôn đoàn kết gắn bó, nhờ vậy mà tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào cứ thế mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.