Người làng Đại Hào hằng ngày mang bánh ít đến chợ Thuận (đầu làng) để bán - Ảnh: Trúc An
Nếu như kẹo mè xửng trở thành “quốc hồn, quốc túy” của xứ Huế mộng mơ thì bánh ít lá gai cũng đã và đang trở thành đặc sản được “định danh” nơi vùng đất thương Quảng Trị. Làng tôi Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị - một miền quê như mọi miền quê nhưng mà tha thiết từ tình làng, nghĩa xóm cho đến hồn cốt quê hương và tất nhiên không thể thiếu món bánh ít lá gai. Sản phẩm không chỉ gói gọn để làm quà, là thứ “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại” mà nay đã trở thành thương hiệu, thành đặc sản của miền đất thân thương này.
Làng nghề bánh ít lá gai ở Đại Hào trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực của vùng đất này. Những chiếc bánh ít lá gai, với lớp vỏ ngoài đen mượt từ lá gai và nhân đậu xanh ngọt bùi, là kết tinh của sự cần cù, khéo léo và tinh tế của người làm bánh. Từng chiếc bánh được làm ra không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn chứa đựng tình cảm, tâm huyết của người làm.
Tháng tám, trời Quảng Trị cứ như gái dậy thì bởi nắng mưa bất chợt. Trong cái tiết trời nắng không ưa, mưa khó chịu ấy, cứ tìm về làng Đại Hào mà hỏi cho ra chuyện làm bánh ít lá gai thì cũng là một điều thú vị. Làm bánh ít lá gai không đơn thuần là việc làm ra một loại bánh ngon mà còn là quá trình thể hiện sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Mỗi chiếc bánh là một sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức và tình yêu dành cho nghề truyền thống này.
Gia đình tôi đã từng nhiều năm làm nghề bánh ít lá gai, do đó dù đã lập nghiệp nơi đất lạ xứ người, nhưng khi nghĩ về nghề này, trong ký ức của tôi vẫn còn dùng dằng những cảm xúc. Những công đoạn tỉ mỉ, từng chi tiết nhỏ trong quy trình làm bánh cứ đọng mãi trong tim mình. Ngày đó, mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở các con của mình: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Với quan niệm: Mình yêu nghề thì nghề mới “trả nghĩa” cho mình nên mỗi một công đoạn làm bánh, mẹ tôi thường chỉ cho con cái chú trọng từng chi tiết. Lá gai hái vào rửa sạch, luộc kỹ rồi cho vào cối đá tổ ong giã thật nhuyễn. Gạo nếp đã ngâm nước, vo, rửa sạch từ hôm trước, sau đó xay thành bột mịn. Sau khi chuẩn bị bột nếp và lá gai thì cần cho thêm đường trộn đều với nhau rồi cho vào cối giã, khâu này ở quê tôi gọi là lèn bột. Lèn bột xong thì chuyển sang làm nhân của bánh ít. Nhân bánh ít làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, pha đường và dầu chuối. Bột bánh sau khi giã xong thì chia ra từng mẫu nhỏ, cắt chiếc bao ni lông sạch, cỡ lớn, gấp đôi lại, bỏ vào đó khoảng 20 mẫu nhỏ rồi dùng chai thủy tinh cán ra thành lớp mỏng. Sau khi cán bột xong thì cho hỗn hợp nhân vào giữa và vo tròn thành từng mẫu, sau đó tráng dầu ăn lên bề mặt ngoài của bánh và bắt đầu gói. Bánh ít lá gai ở quê tôi được gói theo mô hình nhà 4 mái, gọi là nhà bánh ít. Gói bánh xong thì nấu bánh hay còn gọi là hấp bánh.
Nằm giữa vùng quê thanh bình, làng Đại Hào nổi tiếng với món bánh ít lá gai, một đặc sản đã trở thành biểu tượng ẩm thực của vùng đất này. Không chỉ đơn thuần là một món ăn, bánh ít lá gai còn chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa, truyền thống và tâm hồn của người dân. Trong nhịp sống hiện đại, nghề làm bánh ít lá gai ở Đại Hào vẫn giữ được những giá trị truyền thống quý báu. Người dân làng tôi luôn tự hào về món bánh đặc sản của mình. Mỗi dịp lễ, tết, bánh ít lá gai lại trở thành món quà ý nghĩa, mang đậm hương vị quê nhà, gửi gắm tình cảm của người tặng.
Bánh ít lá gai không chỉ là một món ăn mà còn là nét đẹp của tình yêu quê hương, sự gắn kết giữa con người với con người và giữa con người với vùng đất khó Quảng Trị. Chính những giá trị ấy đã làm nên sức hút mãnh liệt của bánh ít lá gai, khiến bất kỳ ai, dù đã xa quê hay chưa từng đặt chân đến Quảng Trị, đều muốn một lần thưởng thức và cảm nhận. Làng nghề bánh ít lá gai ở Đại Hào là nơi sản xuất ra những chiếc bánh thơm ngon, là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền Trung. Đến đây, du khách được tham quan, tìm hiểu quy trình làm bánh và có thể tự tay làm những chiếc bánh ít lá gai với sự chào đón nồng ấm từ gia chủ.
Trong những ngày lễ, tết hay những dịp đặc biệt, bánh ít lá gai thường được dùng để cúng tổ tiên, làm quà biếu hay đơn giản là để thưởng thức cùng gia đình. Hương vị đặc trưng của bánh ít lá gai đã làm say lòng người thưởng thức, là thứ đặc sản gợi nhớ về một vùng quê yên bình, nơi có những con người chân chất, mộc mạc. Qua từng công đoạn làm bánh, ta thấy được sự khéo léo, kiên nhẫn và tâm huyết của người dân. Chính những điều đó đã tạo nên hương vị độc đáo, khó quên của bánh ít lá gai Đại Hào.
Nghề bánh ít lá gai làng Đại Hào có từ lâu đời - Ảnh: Trúc An
Về làng Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nói đến nghề làm bánh ít lá gai có ai mà không biết. Dường như bánh ít trở thành thương hiệu của làng quê thanh bình nơi đây. Không ai có thể nhớ rõ làng Đại Hào làm nghề bánh ít lá gai từ khi nào mà chỉ biết nghề này đã gắn bó với người dân từ lâu. Chuyên nghiệp có, bán chuyên nghiệp có, thời vụ cũng có mà làm nghề vì mối lương duyên cũng có. Chính vì thế mà hầu như rất nhiều người ở Đại Hào biết làm bánh ít lá gai. Riêng công đoạn gói bánh thì rất nhiều đứa trẻ thuộc nằm lòng. Nói đến làng bánh ít lá gai, người dân quê tôi chỉ ngay đến những gia đình đã làm nên “hồn cốt” của đặc sản này như: Gia đình chị Sáu - anh Tuyến, chị Thủy - anh Viên, gia đình anh Minh - chị Lài, chị Thương - anh Sáng, chị Cúc - anh Hồng, gia đình anh Tuấn - chị Liên, anh Nhân, chị Ấn… Vào mùa cao điểm thường thì vào dịp rằm tháng tư, tháng bảy, tháng tám đặc biệt là dịp lễ, tết thì rất nhiều gia đình thức trắng đêm để làm bánh ít. Trời càng về khuya thì tiếng giã bột, lèn bánh, tiếng cắt lá, trộn nhân càng rõ mồn một. Dưới ánh đèn điện sáng trưng, những công đoạn làm bánh vẫn được người dân thực hiện một cách tỉ mẩn, chuyên nghiệp. Đâu đó vẫn đọng lại tiếng cười, niềm tin sau một ngày làm việc. Có chút mệt nhọc, chút nhức lưng mỏi gối, nhưng dường như niềm tin vẫn còn mãi sau thành quả là hàng ngàn cái bánh đã được hấp xong.
Đặc sản bánh ít lá gai không chỉ là niềm tự hào của làng quê Đại Hào, mà còn là biểu tượng cho sự bền bỉ, cần cù, chịu khó, sáng tạo của con người Quảng Trị, những người đã biến những khó khăn thành cơ hội, để từ đó, bánh ít lá gai trở thành một đặc sản, mang hương vị quê hương đến với mọi miền đất nước. Mỗi chiếc bánh là sự kết tinh của những giá trị truyền thống, là tình yêu thương của người mẹ, người bà gửi gắm vào đó. Dù đi xa đến đâu, chỉ cần nhìn thấy hay ngửi thấy hương thơm của bánh ít lá gai, người ta lại nhớ về quê hương, về những ngày thơ ấu bên gia đình.
Trong thời hiện đại, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng bánh ít lá gai vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người dân. Nhiều người xa quê mỗi khi có dịp trở về đều mang theo những chiếc bánh ít lá gai để biếu tặng bạn bè, người thân như một món quà quý giá từ quê nhà. Chính vì vậy, bánh ít lá gai đã trở thành biểu tượng cho tình yêu quê hương và sự kết nối giữa những người con Đại Hào với vùng đất vùng đất mới.
Hương vị của bánh ít lá gai vẫn nồng nàn và thổn thức, như một bản giao hưởng của truyền thống và tình cảm. Sông trăm ngả, đời muôn chiều, thế nhưng khi xa xứ, nhâm nhi một miếng bánh ít lá gai, người ta như được trở về với mảnh đất thân thương Đại Hào - Quảng Trị. Nghĩ về Quảng Trị đâu chỉ cứ là gió Lào, là cát trắng mà vẫn còn một sản vật mang tên bánh ít lá gai. Với hương vị đặc trưng và ý nghĩa đó, bánh ít lá gai của làng Đại Hào là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là sự nồng ấm của tình người.
Bài viết in trên Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 14, chủ đề Quà quê