Anh đặt vé để ba vô lo liệu việc cúng quảy về nhà mới. Mấy thủ tục này nhất định không được lơ là, có kiêng có lành mà ba anh thì trọn vẹn chu toàn khoản này lắm. Anh biết vợ mình nấu ăn không hợp khẩu vị của ba mà kể ra chắc chỉ có mạ mới làm vừa lòng ba ở khoản ăn uống. Nên chi dẫn ba đi ăn món Hàn, món Nhật, đặc sản xứ này xứ nọ, ba đều lắc đầu, thua cơm mạ bây nấu.
Nghe cơn thèm đơn giản của ba, bỗng dưng anh thấy tim mình xáo động. Như thể một giấc chiêm bao trở về ngày cũ, anh nhớ những bữa cơm nhà mình. Ba mạ đều thích cơm cháy, hồi đó anh nghĩ vậy. Tới bữa dọn cơm, ba mạ xới hết cơm trắng vào bát cho chị em anh còn lớp cháy dưới đáy nồi thì chia nhau. Mạ nói bọn anh đi học, ăn cơm cháy thì học không thông. Cơm cháy ăn vô đầu óc mình cũng đen đúa và mụ mị, học bảng cửu chương lộn ngược lộn xuôi cho coi, nghe vậy, anh e dè bỏ miếng cơm xuống. Dầu sao, chỗ cơm ấy cũng cứng ngắt, lúc nóng còn giòn rụm dễ ăn chớ khi nguội thì nhai trẹo miệng.
Ngày nay, cơm cháy là món ăn vặt được bày bán phổ biến. Ảnh: T.N
Mỗi khi nghĩ về mạ, anh lại hình dung bóng dáng mạ từ trong bếp đi ra, đầu tóc vướng tro, người toàn mùi khói, mùi thức ăn. Sau này, anh đã sắm bếp ga nhưng lần nào về quê cũng thấy mạ lúi húi nhen lửa để nấu. Mạ bảo nấu củi tiết kiệm được đống tiền, quanh nương que củi đầy ra đó, nấu ga chi tốn kém. Với lại, nấu bằng củi thì cơm mới ngon. Anh biết, nấu cơm củi coi vậy chứ cực lắm, đâu đơn giản chỉ cần vo gạo, bỏ vào nồi rồi bật công tắc là xong. Hồi nhỏ, anh hay ngồi trông bếp hóng cơm sôi, mạ sẽ chắt nước ra bát rồi cho thêm chút đường. Chị em anh bưng bát nước cơm ngọt ngào vừa thổi vừa uống ngon lành. Xong xuôi, mạ xới đều nồi cơm và ra lửa để gạo chín tới, lớp dưới nồi cháy đều, vàng đượm nhưng không khê.
Độ trước, mấy sào lúa ở nhà vừa gặt xong, việc phơi phóng mình mạ loay hoay. Ba suốt ngày điện ra hỏi lúa khén chưa, nhắc mạ trời mưa nếu hốt không kịp thì kêu đứa này đứa kia qua phụ. Nhớ nhiều năm trước, bữa cơm mùa lúc nào cũng lật đật, dở dang. Có khi vừa bưng bát lên đã nghe giông, cả nhà chạy ù ra sân, mỗi người một tay, người thu lúa, người che bạt. Khi chị em anh khôn lớn, anh bảo ba mạ để lại ruộng cho người ta, có mấy đâu mà mần cho cực, gạo mua ăn cũng được, còn không thì con gửi tiền cho mạ, mạ thuê người mần. Thế nhưng, dễ chi ba mạ chịu ngồi không. Năm nào cũng vậy, hễ mùa xong, mạ lại gửi xe đò mấy chục ký gạo cho vợ chồng anh rồi phân phát cho mấy chị. Gạo nhà làm vừa đảm bảo chất lượng, vừa ngon, bây đi mua chi cho tốn kém, mạ nói vậy.
Lúc chiều, ba luẩn quẩn quanh nhà tìm bếp củi để bắc cơm. Vợ anh hoảng hồn, chung cư mà nấu củi khéo người ta báo cháy đó ba. Vậy là ba nghĩ cách khác, tới bữa nấu cơm sớm, chờ chín xong lại ấn nút lần nữa. Lớp cháy dưới đáy nồi lộ ra, tuy không ngon bằng nấu củi nhưng kể ra cũng đỡ buồn miệng. Được đâu ba bữa thì vợ anh phụng phịu vì nồi cơm thông minh bị hỏng.
Vợ anh bảo tưởng chi chứ cơm cháy người ta bán đầy ngoài chợ, ba muốn ăn để em mua. Chiều về, con dâu đưa cho ba xấp cơm cháy được người ta gói lại trong bao, gọn gàng khô rang hệt bánh tráng. Ba cầm miếng cơm mà ngẩn người, trời ơi, thứ này người ta bán được tiền ư. Vừa nếm vừa gật gù, té cũng đậm đà có mùi có vị, thế nhưng dễ chi ngon bằng cơm mình nấu. Rồi tự nhủ tại cơm mình thơm mùi khói, đậm mùi củi mà ba cái mùi ấy đâu đóng được trong bao bì.
Anh mường tượng đến dọc ngang những ngôi nhà ở quê có khói tỏa ra từ chái bếp rồi thấy thương, thấy nhớ và thèm về. Chỉ là về thăm, nghỉ ngơi đôi ba bữa rồi đi chứ bảo anh gắn bó suốt đời thì anh không nghĩ tới. Cũng như bao người khác, biết phận mình quê mùa nhỏ bé đã nhiều lúc anh muốn chối bỏ gốc gác cội nguồn. Lao vào học hành và làm việc cật lực để người ta không khinh bỉ rồi đua tranh phấn đấu sở hữu hộ khẩu nơi thành phố đông dân nhất nhì cả nước. Bây giờ anh chị đã là công dân của phố hẳn hoi, con cái sau này không phải trải qua những ngày gửi thân nơi chốn trọ tạm bợ như cha mẹ.
Chỉ đôi khi gặp vài ba hình ảnh cũ, anh mới bận lòng trước cột khói bốc lên giữa đồng, hương rơm rạ trải đầy đường lộ và miếng cháy vàng đượm từ đáy nồi cơm. Tất cả đều gợi lên niềm yêu thương dung dị nhưng ngọt ngào thương nhớ chẳng dễ so bề với niềm nỗi nào khác.
Chợt nhớ lời ba, chỉ những người lớn lên giữa mùa màng rộn rã mới hay cách ân cần nhặt từng hạt thóc vương vãi dưới sân, bưng bát cơm biết quý hơn vàng…
K.A