Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/03/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cùng lãng du qua những trang văn

"Rót cho đầy bình đêm" là tập bút ký đầu tay của Nguyễn Hùng, gồm ba phần, phần đầu Tản văn (48 bài), phần hai Tiểu luận (16 bài), phần 3 Tìm trong trang sử (6 bài). Tập sách tổng hợp nhiều thể loại của ký: tản văn, du ký, du khảo, ký sự nhân vật, cảm nhận về thơ ca âm nhạc, ký sử… đã cho thấy sự xông xáo của tác giả trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Viết ký đòi hỏi phải phát hiện những chi tiết bằng sự nhạy bén, kể cả linh cảm mới tạo được ấn tượng neo đậu trong lòng người đọc. Với những đề tài quá quen thuộc đã được “cày xới” trước đó của nhiều tác giả, trang viết của Nguyễn Hùng vẫn mang đến những thông tin mới để người đọc lãng du trong niềm cảm xúc đầy bất ngờ, thú vị. Trở lại Pleiku, trước sự đổi thay diện mạo, không gian đô thị, tác giả không khỏi ngỡ ngàng: Nếu tính từ cái mốc sáng tác Còn một chút gì để nhớ (1970) thì buổi chiều tháng 7 của tôi cách buổi chiều trong thơ Vũ Hữu Định đến 46 năm. Vậy mà tuồng như trời ấy, đất ấy vẫn y nguyên. Tại sao có một trạng thái tâm lý về thời gian, sự tương phản giữa cảnh vật và tâm trạng trước hiện thực như thế. Rõ ràng bài thơ ấy đã đóng đinh sâu đậm trong ký ức của người viết, nó trở thành một không gian tâm cảm, day dứt một nỗi nhớ xa thẳm mông lung. Bài thơ của họ Vũ là mối dẫn đường để tác giả tìm về nơi xưa cũ trong nỗi cảm hoài níu lại thời gian không bao giờ bị đánh mất. Bài Pleiku - Một buổi chiều lòng bỗng bâng khuâng, còn cho thấy thơ thực sự đã tác động, tạo nên một nỗi xúc cảm cháy bỏng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn tác giả.

Cũng trong tâm trạng ấy, anh lại trở lại vùng đất Sơn Tây để đi tìm Đôi mắt người Sơn Tây. Đã có cả ngàn trang sách viết về thơ Quang Dũng, anh khiêm tốn góp thêm vào một điều ít người biết là đằng sau đôi mắt “u uẩn chiều luân lạc” ấy là của một kỳ nữ tên là Nhật, người tình của Quang Dũng trước kháng chiến. Chiến cuộc nổ ra, hai người ly tán, nàng lìa thành vào vùng kháng chiến, mở hàng bán cà phê, còn chàng lên đường chống giặc. Cuộc tình này rồi cũng chia xa, nghìn trùng cách biệt: Nàng đã dinh tê. Bỏ vùng kháng chiến… Rồi nàng vào Nam, lần này vĩnh viễn xa cách. Rõ ràng hình ảnh của nàng kỳ nữ ấy giúp người đọc hiểu rõ hơn nỗi đau đeo đẳng suốt đời thơ Quang Dũng.

Trong loạt bài có tính cách du ký, Nguyễn Hùng luôn bắt đầu cuộc viễn du bằng một câu thơ hay một bài thơ mà anh mê đắm để tìm về trong một không gian thơ và nhạc hòa trộn với hiện thực. Chỉ một câu thơ Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc (cũng là tiêu đề bài viết) của Hoàng Cầm để tác giả về thăm Bắc Ninh, thăm hội Đền Đô, trung tâm Phật giáo Luy Lâu có nguồn gốc hơn 1000 năm trước... và để gặp Ức Trai tiên sinh tại chùa Phật Tích hơn 600 năm trước, vương vấn những nỗi niềm quên nhớ xa xôi. Cứ thế thơ lại dẫn anh đi, đi lạc về Cửa Đại, Hội An vì một câu thơ của Chế Lan Viên viết về phố cổ Một đời vang thủy triều…

Ngay cả những vùng đất xa lạ như Chăm-Pa-Sắc bên dòng Mê Kông, cũng làm anh nhớ đến một nhà thơ Việt bằng một kết thúc đẫm một màu triết lý: Người Lào mê chơi một cách đằm thắm như lời hát, điệu múa của họ vậy. Chợt nhớ câu đúc kết của Nguyễn Trãi “Hòa bình là gốc của nhạc”. Điều đó cắt nghĩa vì sao dù còn nghèo nhưng người Lào sống ôn hòa và rất mực đằm thắm. Và tôi hiểu triết lý ấy của Ức Trai sau chuyến đi này.

Trong văn chương, Nguyễn Hùng luôn có một thái độ rất nghiêm túc bằng góc nhìn riêng, không muốn lặp lại người khác, anh đã viết bằng một tâm thế để thêm vào Rót cho đầy bình đêm điều mình phát hiện. Lên chơi núi Dục Thúy ở Ninh Bình, nơi mà những nhà thơ Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tản Đà… toàn là các bậc “danh gia vọng tộc” trong làng thơ Việt cổ đã lưu bút trên đá, Nguyễn Hùng phát hiện có một người tên là Từ Đạm, một tên quan sâu mọt, đục khoét dám đề thơ mình trên đá, đã lưu lại một vết hoen, nỗi ô nhục để rồi anh đặt tiêu đề cho bài viết là Nỗi đau trên đá…

Đọc Rót cho đầy bình đêm dễ nhận thấy Nguyễn Hùng là một người sở hữu bộ nhớ rất tốt, thuộc rất nhiều thơ và nhạc. Trong ngôn ngữ, bút pháp anh sử dụng nghệ thuật thay thế những nội dung văn bản bằng cụm từ, cụm chữ trích dẫn từ những câu thơ, ca từ nhằm chuyển tải những suy niệm của tác giả thêm sinh động, khắc họa được hình tượng nghệ thuật vì thế ngôn ngữ bút ký giàu chất thơ, hình ảnh và đầy cảm xúc… Phong cách văn chương của Rót cho đầy bình đêm tương thích với từng thể tài. Đối với âm nhạc, anh cho rằng Văn Cao, Nguyễn Ánh 9, Phạm Duy, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn - Từ Linh và nhiều nhất là Trịnh Công Sơn… mà gia tài nghệ thuật của họ đã nuôi lớn tâm hồn tôi trước dâu bể mưa nắng cuộc đời. Bởi vậy trong nhiều bài viết của Nguyễn Hùng, những cảm xúc bất chợt đôi khi từ những ca từ của các nhạc sĩ, xuất hiện như chất xúc tác tạo nên một không gian bàng bạc thơ mộng trong những tản văn của anh.

Bài Đồng vọng Bolero là một bài viết có tính chuyên khảo về dòng nhạc trữ tình này. Thông qua quá trình “chìm nổi” của Bolero, từ buổi đầu hoàng kim đến nỗi đoạn trường thoái trào bị liệt vào loại nhạc vàng “rền rỉ” “èo uột” “nguy hại” những năm sau 1975, rồi bùng phát để Bolero đã trở lại với công chúng ái mộ… Nguyễn Hùng đã phân tích và lý giải dù qua thăng trầm dâu bể dòng nhạc ấy vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ. Ngay buổi đầu khai sinh, dòng nhạc này sớm được mọi người hưởng ứng vì “mang giai điệu bình dân, đơn giản, trữ tình”, “chạm tới hoàn cảnh của số đông người nghe” “những khoảng lặng như được an ủi vỗ về”… Trong những năm gần đây “khi dòng nhạc trẻ đang loay hoay mà chưa thể định hình bởi giai điệu và lời ca na ná” trong khi đó ca từ, giai điệu của dòng nhạc Bolero vẫn “được giữ gìn, được cách tân bằng một ít chất kỹ thuật trong giọng ca mà vẫn sáng rõ, mượt mà, vừa ý người nghe khó tính” nên dòng nhạc ấy đã thực sự thu hút, có sức hấp dẫn với đông đảo người nghe.

Những tản văn về ngôi làng Bích La, cha, mẹ và bạn bè “thuở áo vá cơm khoai”, hiển lộ những điều sâu kín âm thầm mà mãnh liệt tâm tư. Với người cha là những bài học đầu đời khai trí, khai tâm, hành thiện bằng một câu nói nhớ đời để con trai nhớ mãi: “Thiên võng khơi khơi sơ chi bất lậu”. Với người mẹ nghèo suốt đời hết lòng lo cho con học hành thi cử, cứ mỗi mùa thi là mẹ cứ dặn dò: “Triêng nặng, gióng dài chi mẹ cũng gánh thay cho con được nhưng học hành thi cử thì mẹ chịu. Con cố gắng lên nghe con”… Ôi đúng là nỗi lòng của người mẹ Quảng Trị, đọc mà lòng cứ rưng rưng. Những bài về thầy, bạn bè, với Huế, với quê nhà của Nguyễn Hùng luôn thấm đẫm một sự tiếc nuối thương cảm của không gian hoài niệm trải dài trên những trang văn.

Rót cho đầy bình đêm là một tập bút ký với nội dung mang những yếu tố văn hóa xã hội, lịch sử và nghệ thuật được trình bày bằng bút pháp đa dạng, phong cách văn chương đầy chất hoài niệm, thấp thoáng đâu đó vẫn là nỗi niềm về nhân tình thế thái. Nguyễn Hùng đã cho tôi lãng du qua nhiều miền đất trong tận cùng niềm yêu thương và rung cảm của thơ và nhạc với biết bao câu chuyện đời thật ngọt ngào, thú vị.

___________________

* Tập sách đoạt giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Trị năm 2022.

HỒ SĨ BÌNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 341

Mới nhất

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hải Lăng

16/03/2025 lúc 15:46

TCCVO - Tối nay 15/3, tại Công viên 19/3, thị trấn Diên Sanh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hải Lăng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện 19/3 (1975 - 2025) và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự buổi lễ có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Long Hải; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo huyện Hải Lăng cùng đông đảo con em Hải Lăng xa quê và Nhân dân trên địa bàn…

Chiếc bọc nhung

14/03/2025 lúc 09:13

Đốp! Con heo đất vỡ toang, mớ tiền nằm xen lẫn những mảnh vỡ, Khiêm nhanh tay mở mấy tờ giấy bạc bung ra cho thẳng thớm. Những tờ giấy bạc nhăn nhúm, phai màu vì nhuốm mồ hôi và nằm xộc xệch trong cái túi quần khi Khiêm nhét vội.

Ngọn lửa trên đỉnh núi

14/03/2025 lúc 09:09

Tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng nhảy múa của trai gái tại Cha đôi Tamay - một lễ hội nông nghiệp quan trọng nhất trong năm của người Bru - Vân Kiều mừng mùa màng bội thu, mang lại sự ấm no cho bà con dân bản đã dứt từ lâu, niềm vui vẫn lâng lâng, xao xuyến trong lòng khiến Trưởng bản Hồ Suối không sao ngủ được.

“Quảng Trị mình cất cánh vút bay…”

13/03/2025 lúc 09:37

Ba mươi lăm năm trước, những ngày tháng 7 năm 1989, Quảng Trị tái lập tỉnh sau

Công an tỉnh Quảng Trị tổng kết công tác báo chí, tuyên truyền năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

12/03/2025 lúc 12:23

Ngày 6/3/2025, Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí, tuyên truyền về an ninh trật tự (ANTT) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Công an tỉnh, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ làm công tác thông tin, tuyên truyền.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/03

25° - 27°

Mưa

26/03

24° - 26°

Mưa

27/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground