Cửa Tùng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, trải bao nhiêu biến cố của lịch sử, con người nơi đây đã vượt qua những thử thách gian nan để làm nên những kỳ tích anh hùng. Về Cửa Tùng hôm nay ta không chỉ được thấy những thắng cảnh thiên nhiên ban tặng mà còn thấy rõ sự ấm no, phát triển của một thị trấn biển tràn đầy sức sống.
Bến thuyền và chợ cá Cửa Tùng - Ảnh: Bảo Linh
Chuyện xưa tích cũ
Nằm về phía bắc hạ lưu sông Bến Hải, con sông lịch sử đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cửa Tùng đẹp như một bức tranh với nhiều màu sắc của biển, cây xanh và những công trình, nhà xưởng đông đúc, nhộn nhịp tràn đầy sức sống mới của một đô thị biển thu nhỏ.
Cửa Tùng xưa kia gọi là “xứ đất đỏ”, hệ quả do dung nham núi lửa hàng triệu năm trước tạo nên. Phía trước mặt là biển rộng bao la, ngư trường với nhiều loại hải sản quý hiếm. Phía nam là dòng Bến Hải trong xanh, như con rồng uốn khúc giữa đôi bờ lúa. Người xưa ví Cửa Tùng như chiếc lược đồi mồi cài trên mái tóc bạch kim của biển, quả là không sai.
Cửa Tùng vào thời xa xưa còn có một vị trí rất quan trọng về quân sự. Trong cuốn Ô Châu cận lục của tác giả Dương văn An, phát hành năm 1555, viết rằng: Cửa biển của châu Minh linh (Vĩnh Linh)... có đồn canh phòng, thật là nơi xung yếu. Sách Phủ biên tạp lục của tác giả Lê Quý Đôn, cũng viết: Châu Minh Linh có cửa biển Minh Linh (Cửa Tùng) phía Đông có hòn Cỏ, phía Tây có núi Cổ Trai, có cử quan đóng giữ là chốt xung yếu.
Cũng qua các cổ sử và gia phả họ tộc trong các làng cổ, được biết rằng cư dân Cửa Tùng đều có gốc gác từ vùng Thanh - Nghệ, từ thế kỷ thứ 14, 15 họ theo các đoàn quan binh vào mở mang bờ cõi Đại Việt. Đoàn dân binh ấy thấy miền đất đỏ nơi đây phong cảnh hữu tình bèn dừng lại “cắm nêu trấn yểm, xác định chủ quyền” lập nên Xứ Cửa Tùng.
Vào thế kỷ 19, ông Nguyễn Hữu Bài là quan Thái phó, Thượng thư Bộ Lại trong triều nhà Nguyễn, quê ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đã thành lập một trung tâm sản xuất tơ lụa tại Cửa Tùng để phục vụ kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng - bãi tắm. Xin trích lên đây một đoạn nói về điều này qua mô tả của Léopold Cadière trong cuốn Mission de Huế: Họ trồng bông kéo chỉ, dệt vải to, đó là thứ vải riêng của tỉnh Quảng Trị. Họ còn trồng dâu nuôi tằm kéo tơ để dệt thao lụa hàng tốt, tiêu thụ rộng khắp ở trong nước lẫn nước ngoài. Sở tiểu công nghệ của các chị đã thu hút nhiều khách du lịch tới Cửa Tùng kể cả hai ông bà cựu Hoàng đế Bảo Đại... Vùng này gọi là Phước Sơn, thuộc Ngũ môn, do ông Nguyễn Hữu Bài lập ra, gồm: Phước Môn thuộc Hải Lăng; Phước Sơn, Phước Nguyên thuộc phủ Vĩnh Linh; làng Phước Sa ở huyện Gio Linh và Phước Tuyền ở Cam Lộ. Ông Nguyễn Hữu Bài đã có những câu thơ tả về Cửa Tùng: Cửa Tùng sơn thủy rõ thanh cao / Đó bãi, đây ghềnh, nọ lại rào... A. Labozde, một người Pháp rất am tường về Đông Dương và vùng đất Quảng Trị đã viết: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt, nó được cấu tạo bởi một dải cao nguyên xanh tươi dựng xiên thành một bờ trên một bãi biển có độ dốc thoải mái và nhẹ nhàng. Từ đỉnh dốc người ta chiêm ngưỡng màu xanh luôn biến đổi của biển và trời” (cuốn Đông Dương).
Qua bao lần vật đổi sao dời, đến năm 2008, thị trấn Cửa Tùng được thành lập gồm toàn bộ xã Vĩnh Quang và một số thôn của xã Vĩnh Thạch (nay sáp nhập với xã Vĩnh Kim thành xã Kim Thạch). Các làng cổ truyền thống nằm trong lòng thị trấn Cửa Tùng gồm: Làng Vĩnh An, làng Tân Lý, làng Cổ Thạch và làng Quang Hải.
Những địa danh hiện hữu nơi đây
Nói đến Cửa Tùng chắc nhiều người biết đến bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm có một thời đẹp lộng lẫy xứng đáng như danh “bà hoàng trong các bãi biển Đông Dương”. Bãi tằm chiều dài khoảng 3 km, có mũi đất nhô ra biển và các bãi đá hoang sơ, bãi tắm Cửa Tùng thơ mộng như một cô gái đẹp nghiêng mình bên biển.
Xưa kia đây là nơi đặt các cơ quan cũng như khu nghỉ dưỡng của các vua chúa phong kiến và người Pháp, như: Nhà Thừa Lương - nhà nghỉ của vua Duy Tân, đồn binh, sở Điện, sở Thương Chánh, nhà máy nước, xưởng nước đá, khách sạn Otencap, khách sạn Hoteldescaps, biệt thự Khâm sứ Trung Kỳ, biệt thự vua Bảo Đại... Nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Giữa chiến tranh và hòa bình là một bãi tắm Cửa Tùng, có những câu rằng: Biển Cửa Tùng càng nhạt nắng càng khoe tươi. Đủ cấp bậc xanh lam hồng và chuyển nhanh như chớp giật. Trời và nước sáng lộng lên cái sinh sắc của thiên nhiên. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, bãi tắm Cửa Tùng trở lại thời hoàng kim với đông đúc khách du lịch trên mọi miền tổ quốc tìm đến đây thưởng ngoạn và tắm biển. Ngày nay do sự xâm thực của nước biển nên bãi cát hẹp dần, mong muốn của những người dân nơi đây đối với các nhà nghiên cứu địa chất, chính quyền các cấp là làm sao để bãi tắm Cửu Tùng trở lại nguyên trạng như xưa, tạo nên vẻ đẹp không chỉ cho địa phương mà còn cho tỉnh Quảng Trị.
Nằm chếch không xa về phía nam của bãi tắm Cửa Tùng là Bến đò A lịch sử. Bến đò A nằm phía bắc ngay cửa ngõ sông Bến Hải. Trong chiến tranh chống Mỹ, tuyến đường này rất quan, là một trong hai bến đò huyết mạch của Đặc khu Vĩnh Linh. Bến đò rộng 200 m nối liền Cửu Tùng (miền Bắc) và xã Trung Giang (miền Nam). Từ xa xưa bến đò là nơi qua lại, nối đời sống kinh tế, văn hóa, tình cảm của nhân dân hai bờ. Từ năm 1965 đến 30/4/1975 qua gần 4.000 ngày đêm ác liệt, không đêm nào Bến đò A ngừng hoạt động... Ngày nay nơi bến đò A lịch sử này đã có sự hiện diện một cây cầu lớn, bắc sang sông và có tên là cầu Cửa Tùng.
Trong ánh nắng thu, cầu Cửa Tùng như một cánh cổng vàng mở ra trước biển. Ví cầu Cửa Tùng như cánh cổng vàng cũng không sai, bởi những lợi ích của việc xây dựng chiếc cầu này đem lại cho người dân thì nhiều vô kể. Cầu Cửa Tùng rộng 9 m, dài gần 500 m, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2003 và đến ngày 27/1/2007 cầu được khánh thành.
Việc đưa cầu Cửa Tùng vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân cư ven biển của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, nối thông tuyến du lịch Hiền Lương - Cửa Tùng - Cửa Việt, tạo ra tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế.
Ngay phía dưới chân của cầu Cửa Tùng là chợ cá Cửa Tùng. Nói là chợ cá, nhưng ngôi chợ này bày bán nhiều mặt hàng khác nhau, phong phú, đa dạng. Có một điều thú vị là chợ chỉ họp vào buổi chiều, đông đúc nhộn nhịp kẻ bán người mua là vào khoảng thời gian bốn giờ chiều, đây là lúc thuyền bè đi đánh cá trở về tập nập đậu ở âu thuyền ngay trước chợ. Trong những ngày lễ tết hoặc cuối tuần, khách tham quan du lịch dọc tuyến biển, địa đạo Vịnh Mốc, rất nhiều người ghé vào chợ mua hải sản đem về.
Theo lời các vị cao niên kể lại thì chợ cá này có từ thời chống Pháp, với một số gian tranh tre nhỏ, quần tụ trên mỏm cát bên bờ cửa sông Bến Hải. Ngày xưa chưa có tàu lớn, nhưng với nhiều rạn đá ở vùng biển Vĩnh Linh đã cho những lộc biển ngon bổ rẻ, như tôm, cá, mực, ốc, rong mứt, rong ngoai, rong dời, rong mơ, rong nho, rong câu... được đưa lên từ biển và bày bán nơi đây. Đây chính là điều làm nên thương hiệu cho chợ cá Cửa Tùng.
Về Cửa Tùng hôm nay ta sẽ thấy một hình ảnh tươi mới của một thị trấn biển đầy sức sống. Sự trù phú này không phải chỉ đến từ sự ưu đãi của thiên nhiên mà đến từ chính bàn tay, khối óc của người Cửa Tùng. Chúng tôi đi trên những nẽo đường rộng rãi, sạch đẹp và luôn thấy những nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây, cảm nhận sức sống mạnh mẽ của đất và người Cửa Tùng lớn mạnh từng ngày.
N.V.H