Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa xỉ. Tất nhiên rồi, nhưng vẫn nghĩ nếu chỉ tắm biển thì đâu phải sang Bali cho xa. Linh hồn của Bali phải là những công trình văn hóa cổ xưa và những khu rừng thâm nghiêm, những đồng lúa đẹp như tranh…

Ở xứ vạn đảo Indonesia, trong hơn 18.000 hòn đảo, Bali có diện tích gấp mười lần đảo Phú Quốc và gấp một trăm lần đảo Cát Bà. Bali cũng nổi bật bởi nét văn hóa độc đáo, không giống nơi nào khác ở Indonesia.

Ngôi đền thiêng Ulun Danu trên hồ Bratan

Bali quanh năm nắng chan hòa, cảnh vật tưng bừng rực rỡ. Dịp này đang là mùa mưa, nắng đấy, nhưng thình lình đổ một trận mưa. Ngày đầu, tôi phải chịu một trận mưa hai tiếng đồng hồ giam chân trên núi cao trong đền Besakih. Ngày thứ hai trận mưa cũng hai tiếng đồng hồ ở trong đền Ulun Danu trên hồ Bratan. Ngày thứ ba trận mưa cũng vẫn vào đầu buổi chiều, trong quần thể GWK có tượng khổng lồ chim thần Garuda và thần Bảo Vệ Vishnu. Đang nắng nóng, mưa cho một trận tơi bời, lại chuyển thành rét run. Người ta vác ô ra cho thuê, che ô ấy đi men hồ trở vào phòng vé rồi gửi trả ở đấy. Gió tốc lật ngược cả ô, nước ngập cả giày, chạy vào sân hành lễ chỉ dành cho tín đồ, bị nhắc nhở lại phải chạy ra, lạc lối lung tung trong cái quần thể dích dắc.

Đạo Hindu ở Bali khác xa đạo Hindu gốc ở Ấn Độ. Sách Âu - Mỹ thì bảo “hẳn hoi là một thế giới khác”. Đấy, cái việc chạy vào sân hành lễ thì bị nghiêm cấm, phải chạy ra. Hầu như đền thờ Hindu ở Ấn Độ không có chuyện ấy, tín đồ lẫn ngoại đạo đều có thể đi khắp quần thể mà chiêm bái. Trong đền Hindu ở Bali thì khác, lối đi chính chỉ dành cho tín đồ mang lễ vật vào đền, sân chính cũng chỉ dành cho tín đồ, du khách chỉ còn cách đứng bên ngoài sân mà chụp ảnh vào, muốn vào tham quan quần thể cũng phải đi theo lối bên cạnh.

Đang là ngày lễ Galungan, cũng là lễ hội Hindu của riêng xứ Bali. Ngày này linh hồn người chết về thăm nhà. Trước cửa nhà, người ta trồng cây nêu: một cây tre được trang trí công phu những hoa văn tết bằng lá dừa lá cọ, và một loại lá gọi là hental, lá non màu vàng nhạt. Ở chân cây nêu, ngang tầm mắt là một cái am nhỏ như chuồng chim câu, trong ấy đặt cơm gạo hoa quả bánh trái cúng vong hồn. Lễ hội kết thúc sau mười ngày, ngày cuối gọi là lễ Kuningan. Đúng vào ngày lễ Galungan, lái xe tắc xi mới chiều hôm qua còn đứng ngồi đầy vỉa hè, chìa ra tấm biển có chữ Taxi chào mời, thế mà sáng ngày lễ thì biến hết. Từng đoàn người đi lễ đội đồ cúng lên đền. Đàn ông mặc lễ phục trắng, quấn xà rông trắng, khăn xếp đội đầu cũng trắng. Khách vào đền như mình cũng được yêu cầu đầu phải quấn khăn trắng tỏ lòng thành kính, phải mượn xà rông quấn quanh chân, mượn khăn màu đỏ màu vàng thắt quanh hông. Bây giờ thì trông mình đã giống người Inđô bản địa.

Đạo Hindu đến với Bali vào thế kỷ IX, nhưng trước đó đã theo các thương nhân Ấn Độ cập cảng xứ vạn đảo vào thế kỷ V. Khoảng thế kỷ XVI, khi vương quốc Majapahit theo đạo Hindu tan rã, giới trí thức và văn nghệ sĩ Hindu bỏ chạy sang đảo Bali, đấy là lý do xứ Bali bây giờ là nơi tập trung tinh hoa văn hóa độc đáo. Nghệ thuật trở thành không khí và hơi thở trên khắp hòn đảo. Ở Ubud, Kuta, Sanur, đi mấy bước lại gặp một phòng trưng bày tranh. Tối nào trong các cung điện và các đền thờ cũng có ca múa nhạc dân tộc, trống phách rộn rã. Vừa mới đến Bali, sau một cơn mưa nhỏ, tôi mua vé vào trong hoàng cung xem múa. Nghe nói dòng dõi hoàng gia vẫn ngụ trong khu vực hoàng cung. Cổng chính từ khoảng sân dẫn vào cung được lấy làm bối cảnh, ánh đèn đa sắc chiếu lên tô thêm màu huyền ảo.

97%

Nghe ra thì thấy ngành du lịch Bali rất chuyên nghiệp bài bản. Du lịch bắt đầu khởi sắc từ đầu những năm 1970, hơn nửa thế kỷ qua đem lại sự hưng thịnh cho hòn đảo. Nhưng sự chuyên nghiệp ở Bali vẫn không lấn át nét tự nhiên. Ngồi ngay trong những khu phố Tây cũng có thể nhìn thấy một hồ sen, phóng tầm mắt ra xa thì thấy thung lũng ở bên dưới, thấy những thửa ruộng bậc thang chồng xếp lên nhau như tranh vẽ. Bên cạnh quán cà phê Lotus ở Ubud là tuyến đường cho cuộc dạo bộ qua những cánh đồng lúa nước. Tuyến đường này khoảng sáu cây số, có thể cắt ngắn còn bốn cây số nếu ta mỏi chân. Chỉ sau mười phút đã ra khỏi phố phường mà đi loanh quanh qua những cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang để xem lúa. Đồng lúa là để xem, đến mức những đồng lúa Bali đã được UNESCO ghi nhận vào danh sách di sản thế giới vào năm 2012. Người Bali thờ nữ thần lúa gạo Dewi Sri, bên bờ ruộng có bàn thờ bằng tre nứa lá, trước mỗi bữa ăn có dành một phần cơm để cúng thần. Mỗi năm, chỉ riêng ở Bali đã có khoảng bốn triệu du khách, tương đương với dân số hơn bốn triệu người trên đảo. Người ta đến Bali là để tắm biển, lướt sóng, thăm viếng những đền thờ là kiệt tác kiến trúc, thưởng thức ca múa nhạc, mua tranh của họa sĩ Bali. Và có khi rất đơn giản, dạo bộ qua những cánh đồng lúa nước, giữa đường ghé vào nghỉ chân trong những ngôi đền nhỏ mà ngắm lúa ngắm nước ngắm bầu trời xanh.

Phía sau tác giả là ruộng lúa bậc thang khắp vùng Bali được UNESCO ghi danh di sản

Người Hà Lan bắt đầu đặt chân lên đảo Bali năm 1597. Kể từ đấy là một cuộc xâm chiếm và khai thác thuộc địa. Sản vật ở xứ vạn đảo mà họ ưa thích và vận chuyển về châu Âu là hai hương liệu: đinh hương và nhục đậu khấu (clove, nutmeg). Mấy sản vật hương liệu này dẫn đến chiến tranh khốc liệt. Bốn thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, có những trận thật bi hùng. Trận chiến năm 1906, phía Hà Lan chỉ kêu gọi các tiểu vương đầu hàng, nhưng ba tiểu vương vùng Badung quyết tử. Giới tướng lĩnh và quý tộc Bali đã tự làm lễ truy điệu, rồi quăng mình vào trận chiến cảm tử, có đến 4.000 người chết. Đối diện khu vườn Taman Gili trong hoàng cung Klungkung là đài tưởng niệm Puputan Monument. Một cái tháp cao ngất màu đen để ghi nhớ sự kiện năm 1908, cùng một lúc hai trăm viên quan trong triều làm lễ puputan để quyết tử trước kẻ thù. Câu chuyện lịch sử bi thảm khiến cho tôi khi đi xung quanh tòa lầu như bông sen trên mặt hồ, cứ chốc chốc lại phải quay nhìn cái tháp đen tưởng niệm sừng sững giữa trời.


Không gian Bali lúc nào cũng lơ lửng mùi trầm và mùi hoa. Hoa đại, hoa nhài, hoa ngọc lan và bao loài hoa không biết tên. Đấy là một thứ mùi của cúng lễ của tâm linh. Ở đâu cũng thấy tôn giáo hiện diện: đồ cúng thần linh tổ tiên được bỏ trong những cái tráp cái quả đan bằng mây tre bằng lá cọ lá dừa, hoa văn xanh đỏ tím vàng, phụ nữ đội lên đầu mang trên vai mà vào đền. Đồ cúng thần linh đặt trong những am nhỏ treo trên thân cây nêu. Đồ cúng cả thần thiện lẫn thần ác trong những chiếc đĩa lá dừa, đặt ở lối ra vào nhà hoặc bên những bụi cây. Thần thiện để cầu phù hộ. Thần ác để hòa giải, tránh tai họa. Đền thờ thì ở khắp nơi, hầu như đường phố đường làng nào cũng chỉ đi dăm ba chục mét là gặp đền. Có khi nhà dân cũng xây cổng theo kiểu kiến trúc đền thờ, lại càng gây cảm tưởng nhiều đền hơn. Có khi ngay trong nhà dân cũng xây đền thờ, như cái nhà nghỉ Nirvana Pension tôi ở, trong vườn xây cả một đền thờ gia đình thật là to.

Tháp Meru huyền thoại có mười một tầng lên trời

Ngôi đền hùng vĩ Besakih xây lên từ cuối thế kỷ VIII trên sườn ngọn núi lửa Gunung Agung, nơi mà người Bali tin là chốn trú ngụ của tổ tiên. Trận núi lửa năm 1917 đã hủy diệt hầu hết, chỉ còn lại hai điện thờ. Trong thế kỷ XX, quần thể được phục dựng với hai mươi hai ngôi đền, trong đó có ngọn tháp Meru mười một tầng, tượng trưng cho đỉnh núi lên đến trời trong thần thoại Ấn Độ. Khoảng thời gian 2017-2019 lại thêm mấy trận núi lửa phun trào. Còn năm 1963 núi lửa phun dữ dội, nhưng nham thạch như một dòng suối lửa hầu như trào lướt qua cách ngôi đền chỉ trong gang tấc. Từ đó người Bali càng thêm tin vào ngôi đền thiêng.

Kiến trúc đền Hindu ở Bali hầu như theo một công thức: đền thường ở trên cao, lối đi chính với hàng chục bậc thang cao dần, lối đi ấy chỉ dành cho tín đồ đi lễ. Du khách phải đi theo lối bên cạnh, lên bên trái và xuống bên phải. Lối đi chính phải qua cái cổng đầu tiên bị xẻ làm đôi, biểu tượng của hai phần thiện ác, gọi là Phân Môn (split gate). Từ cổng xẻ này phải qua một cái sân giữa mới đến cổng dẫn vào sân trong là nơi làm lễ cúng thần núi thần biển thần sông, tùy theo. Sân trong là nơi có những ngọn tháp Meru lên trời hoặc tháp nhỏ hình cây thông, mỗi tầng là một lớp mái lợp bằng lá cọ màu đen. Đền Besakih, đền Pura Taman Ayun (từ thế kỷ XVIII) có cả dãy tháp như vậy, như những hàng cây thông đen in trên nền trời.

Khu đền Heaven Gate, cánh cổng lên thiên đường ở Bali

Sau khi thăm đền trên núi, thì đến với đền trên hồ. Ngôi đền Ulun Danu thờ nữ thần hồ Dewi Danu được xây từ thế kỷ XVII trên hồ Bratan. Người ta thuê thuyền để chèo thong thả hoặc phóng xuồng cao tốc qua lại trên mặt hồ. Có người thuê đồ câu cá, trong khi những nhóm khác thuê người dẫn đường trèo lên hai ngọn núi lửa bên hồ. Trong khu đền này có ngọn tháp Meru mười một tầng soi bóng xuống mặt hồ. Khu đền Hindu, nhưng ở sân ngoài có một bảo tháp hình chóp, trong hốc tường bốn phía bảo tháp đều có tượng Phật.

Hai ngôi đền bên biển cũng đặc biệt ấn tượng. Tanah Lot xây trên một ngọn núi nhỏ, cao hơn mặt biển một trăm mét, trông như một con tàu cập cảng. Đến đây vào buổi chiều, khi thủy triều xuống, người ta có thể đi trên bãi cát để tiến gần đến ngôi đền. Hàng nghìn người tụ tập vào lúc hoàng hôn để xem cảnh mặt trời lặn in hình ngôi đền trên khung cảnh biển và trời. Cái tên Tanah Lot có nghĩa là biển và đất, Hải Địa.

Ngôi đền Tanah Lot trên bờ biển

Ngôi đền Pura Luhur Uluwatu thì xây hẳn trên đỉnh một ngọn núi cao, vách đá dựng đứng gần một trăm mét trên mặt biển, rất hùng vĩ. Có lẽ ở trên một độ cao như vậy nên ngọn tháp Meru ở đây chỉ cần xây ba tầng. Ở hai bên cổng chính có hai pho tượng thần Ganesha, đầu voi mình người, thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng. Hai pho tượng được coi là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Bali.

Nếu còn vương vấn với thần thoại Ấn Độ thì không nên bỏ qua khu đền hoàng gia Gunung Kawi, những ngôi đền đục thẳng vào trong vách đá. Khu đền Tampak Siring có nguồn suối nước thiêng, cả Tây lẫn Inđô nhào xuống ngụp lặn cầu lấy chút ơn trời. Còn Hang Voi Goa Gajah thì bên ngoài và bên trong đều có tượng thần Ganesha đầu voi mình người. Bên trong còn có thêm ba cái tượng linga dương vật của thần Shiva, biểu tượng tái tạo.

Đêm xuống, lại trở về thị trấn văn hóa Ubud, hoặc thị trấn biển Kuta, đôi chân lại tìm đến nơi xem múa Bali, văng vẳng âm thanh của dàn nhạc gamelan và không gian phảng phất hương trầm, hương nhài, hương hoa đại, hoa ngọc lan.


• Nội dung: HỒ ANH THÁI • Ảnh: H.A.T - IT
Thiết kế: NGUYÊN QUÝ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Những “nữ tướng” của bản làng

19/11/2024 lúc 08:26

Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã lấy việc

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/11

25° - 27°

Mưa

23/11

24° - 26°

Mưa

24/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground