Nhìn qua bên kia sông lờ nhờ các mỏm núi giữa cánh rừng yên ắng. Thi thoảng ánh đèn xe trên quốc lộ 9 rọi hắt từ mặt sông lên bóng hình một ngọn núi lẻ loi bên bản Khe Ngài.
Ngọn núi ngưỡng vọng
Từ thị trấn Krông Klang, tôi lần ra bờ sông dõi mắt về phía bên kia, tìm lại con đường gần 20 năm trước dẫn tôi đến bản làng của đồng bào thiểu số, cheo leo dưới chân núi, được bao bọc bởi núi non trùng điệp. Mấy ai để ý ngọn núi nào là đặc biệt, là tiêu biểu trong trập trùng Trường Sơn. Thế mà người địa phương cho biết, có một ngọn núi không cao, không dài nhưng ai cũng ngưỡng vọng. Trong ngọn núi đó có một hang động, được gọi là Động Ngài. Và năm đó tôi nghe câu chuyện rằng có người leo vào hang lấy một gốc lũa về tạc tượng chơi thì đổ bệnh ngay tức thì, mà bệnh gì thì bác sĩ không kết luận được, đoán là mầm bệnh từ việc lấy gốc gỗ lũa, nên người nhà đem trả lại, cũng tức thì bệnh hết ngay. Câu chuyện này tôi biết là do năm 2004, tôi có mặt trong đoàn của ngành Văn hoá Thông tin đi khảo sát vùng núi Mai Lĩnh.
Động Ngài (Mang Sơn) nhìn từ Quốc lộ 9 - Ảnh: Đ.D.L
Người Bru - Vân Kiều và Pa Kô tin vào các thần linh huyền bí. Họ gìn giữ đến ngày hôm nay các lễ hội đậm bản sắc như: Lễ tế Giàng trong sản xuất của người Bru Vân Kiều; lễ hội Ada của đồng bào Pa Kô; lễ hoàn ân thổ thần... Và lễ hội Ariêu Ping, một lễ hội linh thiêng đầy huyền bí, mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Pa kô, với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật. Sự linh ứng và tôn trọng đấng siêu nhiên trong đời sống của dân tộc Pa Kô, Vân Kiều cũng liên quan đến câu chuyện Động Ngài (còn có tên khác là Mang Sơn), gắn với những huyền tích được tương truyền.
Bây giờ trước mặt tôi, còn đó lèn đá vôi dựng đứng như được ai tỉa tót thành một mảng bonsai. Cũng núi non, cũng sông suối, chim muông, cũng hang động tranh tối tranh sáng… tất cả như một tòa tháp cổ chìm trong thâm u của thời gian hoang hoải. Nếu đi trên quốc lộ 9 từ trung tâm huyện Đakrông lên thêm khoảng 1 km nhìn về phía bên trái sẽ thấy quả núi hình "vú chuông", đó chính là Động Ngài. Dưới chân của động có một bản làng từng giữ nguyên tập tục văn hóa của người Vân Kiều, cạnh sườn đồi có khu nhà mồ vắng vẻ, hoang vu.
Tôi nhớ vào năm 2004 ngành Văn hóa đã có ý tưởng phát triển một khu hành hương ở vùng sông núi này: Có thể là một trung tâm văn hóa du lịch về tâm linh. Lần đi khảo sát năm đó, nhà văn Xuân Đức có đoạn trong bút ký của mình khi đứng ở đỉnh cao 186 rằng: "Đứng ở đây, lồng lộng đất trời. Nhìn về phía đông, con sông Đakrông ngoằn nghèo chảy về khu Triệu Nguyên Ba Lòng xanh rì cây lá, đồng ruộng. Nhìn qua đông bắc, bên kia sông, thị trấn Đakrông với những khu nhà mới thật xinh xắn dễ thương. Xa một tí về phía bắc là Động Toàn lừng lững như một đại trường thành ôm lấy Mai Lĩnh. Quay về phía nam, lại một cánh cung ngút ngàn của Động Chè cũng ôm bọc lấy chốn này. Quay lại hướng tây, Động Ngài thật sự là một tháp núi tạc lên giữa không gian, vừa thiêng liêng vừa nên thơ vô cùng. Từ mỏm 186 này đi tới Động Ngài chỉ chừng 1000 mét, cả dãy động này là hình con sư tử nằm phủ phục, đầu ngước cao (là Động Ngài), chỗ khoảng đất bằng phẳng có Khe Ngài chảy qua là cổ, khu đồi có mỏm cao 100 mét là u vai. Còn cái mỏm cao nhất chúng tôi đang đứng là chiếc mông vĩ đại đang chồm lên".
Như vậy, Động Ngài án ngữ một một vị trí địa lý rất quan trọng. Sự linh thiêng của Động Ngài còn được nhà văn Xuân Đức ghi lại sau một lần nghe nhân chứng kể: “Ông Hồ Chư, hồi đó là trưởng đài huyện và trưởng thôn Khe Ngài cho biết: Động Ngài rất thiêng, hàng năm người Vân Kiều ở đây đều có tế một con lợn vào lễ tế cầu may. Không chỉ người Vân Kiều Quảng Trị, mà còn ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đăk Lắc hay ở tận bên Lào… trong bài cúng đại lễ của mình đều có xướng tên Động Ngài. Từ xa xưa Động Ngài là biểu tượng hiển linh của trời đối với người Vân Kiều muôn nơi. Bởi vậy mà ngay dưới chân động có cái bàn thờ của bà con quanh vùng”.
Động Ngài xưa kia còn có tên là động Mang (Mang Sơn), tên gọi đó cũng liên quan đến sự linh thiêng của chốn này: Tương truyền rằng, ngày xưa hành khách đi đến núi này, phải tự mang gông ở cổ, khi tới đỉnh núi, vọng bái thần núi xong rồi mới tháo gông ra, làm như thế để cầu yên lành, nên tục gọi là Động Mang. Người Vân Kiều gọi núi này là Kok Yang (núi thiêng, núi Giàng), hiểu nôm na là Động Ngài.
Đến đây tôi mới để ý đến từ “Ngài” gắn liền với tên gọi như: Khe Ngài, rồi Động Ngài. Ngoài ý nghĩa xưng hô với người được tôn kính, từ “Ngài” nói đến sự thần thánh, linh thiêng. Người dân ở đây nói đến từ “Ngài” với thái độ nghiêm trang, kính lễ. Nói như vậy để chúng ta hình dung cái tên Động Ngài cũng xuất phát từ sự tôn nghiêm của muôn đời trước đối với nơi này.
Tìm về nơi phát tích câu chuyện tâm linh
Phía trong hang núi đó, nhiều năm trước vẫn còn các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của đồng bào thiểu số. Hôm nay, dọc con đường bê tông dẫn tới bản Khe Ngài Nam, nhìn mưa bụi lâm thâm che mờ các đỉnh núi bên bản Khe Ngài Bắc (là bản ở phía bên kia quốc lộ 9) vắng tênh không một dáng người.
May quá, có một cô gái là người dân tộc thiểu số đang thu hoạch sắn dưới bãi bồi, tôi lần tới bắt chuyện. Cô gái đậm người chắc nịch với nụ cười thật tươi, đôi mắt sáng linh hoạt. Cô nói chuyện lưu loát, ngôn từ phong phú đã làm tôi ngạc nhiên. Hóa ra cô là giáo viên và người bản Khe Ngài. Khi nghe tôi kể câu chuyện về Động Ngài linh thiêng đó, cô nói: "À, cái lèn Động Ngài đó à, đúng đó anh, có lần người Huế ra khai thác phân dơi mà không đem về được, hình như bị đau hết, cho đến giờ chẳng thấy quay lại". Tôi hỏi thêm: Thế cô có biết vì sao không? Cô nói: "Nhiều người ngại chỗ Động Ngài đó lắm! Thỉnh thoảng có đá lở, mỗi lần đá lở là cả bản lo". Cô nói đến đó, rồi giục tôi vào sâu trong bản, có ông già làng sống gần Động Ngài, nói cho nghe.
Già làng mà cô nói là bác Hồ Văn Phuôm, sinh năm 1930. Năm 2004 bác có tham gia đoàn khảo sát của ngành Văn hóa thông tin. Bác nói: "Lâu rồi có ai dám leo lên động đó nữa mô, cứ đến mùa mưa lũ, tiếng gió hú trên cửa hang vọng xuống bản, như tiếng gọi của trời đất. Nghe hoài cũng quen, nhưng tiếng đá lở, cả bản đều sợ, vì đó là báo hiệu sẽ có một người sẽ chết". Tôi không hỏi nữa, vì có lẽ bây giờ, tiếng đá lở là nỗi ám ảnh của bà con, mà cả cô gái trẻ và bác già làng hơn 90 tuổi này đều nhắc đến.
Biết tôi muốn tìm đến cái bàn thờ mà theo tục lệ hàng năm người Vân Kiều ở đây và Quảng Bình, Thừa Thiên, Đăk Lắc, kể cả bên nước Lào đều đến lễ tế, bác Phuôm nói: "Nếu anh đi thì tui nói thằng cháu dẫn đi, nhưng mùa ni phải lội nước, và chui qua mấy bụi rậm ướt, con vắt nhiều lắm đấy!". Bác nói xong thì thằng cháu đã đứng chờ sẵn sàng. Nhưng đến lượt tôi ái ngại, hỏi lâu nay có ai leo vào hang không bác? Và cái am thờ tế lễ có còn không? Bác Phuôm nói: "Không ai dám lên nữa, sợ lắm! Mà tục lệ tế heo hàng năm cũng bỏ rồi, vì bây chừ khác xưa. Từ ngày đó xuất hiện tiếng gió hú như tiếng gọi, và tiếng đá lở là biết có người ra đi". Tôi sởn gai góc, hay là hôm nay ngang đây đã, khi mô trời đẹp hơn tôi sẽ quay lại.
Tôi quay xe để ra khỏi bản Khe Ngài. Không biết do nhát hay là đường trơn mà tôi quay xe vật lên vật xuống mấy lần, vừa đi vừa ngó qua cái Động Ngài như dè chừng.
Thực sự tất cả đều như tôi tưởng tượng. Một vùng đồi núi mang đậm dấu tích của nơi đất lành hội tụ, mà người bản xứ không dám di dời, thay đổi. Hèn gì có câu chuyện: Hồi mới chia tỉnh, một đoàn địa chất ở trung ương vào khảo sát các mỏ đá để làm xi măng, khi đoàn đi lên đoạn cây số 40 nhìn sang tay trái có một quả núi tròn sừng sững. Người trưởng đoàn là một vị giáo sư, phó giám đốc trung tâm khoáng chất trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội bất ngờ chỉ tay nói: Làm xi măng hay xây dựng lấy đá đâu thì lấy, nhưng không được đụng đến lèn đá kia, nếu không thì gay đấy. Lúc đó ông giáo sư mới đến lần đầu, không thể biết đó là Động Ngài.
Tôi có nghe câu chuyện này, nhưng đến bây giờ chẳng hay có linh ứng gì không?
Đ.D.L