Một người phụ nữ cho biết: “Người cầm ngải có nhiều loại lắm, loại tốt và loại xấu, theo đó họ sẽ xử sự khác nhau". Một người đàn ông khác lại bảo: “Người ta đồn đoán chứ không kiểm chứng được. Ở đây truyền miệng đủ thứ chuyện, chuyện người đàn bà hóa hổ khi cầm ngải độc, chuyện người đàn ông cầm bùa nặng quá biến thành con rắn hổ mang lâu lâu trở về thăm nhà, chuyện người ta thôi miên đến lúc trứng chín, chuyện người đàn ông lấy sợi dây xoáy giữa không trung nhưng lại lấy được bộ lòng lợn còn đang sống... Rồi người ta còn kể nhiều người đàn ông Vân Kiều, Pa Kô dùng bùa yêu để bỏ bùa con gái theo họ.”
Chuyện rừng, tin cũng được không tin cũng được, không ai bắt bớ.
Bản làng miền Tây Quảng Trị - Ảnh: B.N
Qua trò chuyện với người dân bản địa, chúng tôi biết được rằng: “ngải” có hai loại, một loại "ngải" cứu người còn loại kia hại người. "Ngải" cứu người như chữa các bệnh, chữa gãy xương, rắn cắn... Còn "ngải" hại người thì thường là thuốc độc, loại này bị cộng đồng lên án nên ngày nay người ta bỏ đi, nếu không bỏ thì người cầm thuốc độc bị cộng đồng kỳ thị và tách ra khỏi bản làng.
Về “bùa” có bùa mê thuốc lú, nạn nhân khi bị “trúng bùa” chủ nhân của “bùa” bảo gì làm nấy. Lúc này nạn nhân hành động như một hình nhân, chịu sự sai khiến của loại “phép” được so sánh như tà thuật. Trong cộng đồng Vân Kiều, Pa Kô loại tà thuật này ít được nhắc đến, người ta truyền tai nhau về loại "bùa" gọi là "bùa yêu".
Đã có rất nhiều câu chuyện liên quan đến "bùa yêu". Có chàng trai từ miền xa xôi khi thất vọng về mối lương duyên không thành đã tìm về bản làng vùng cao Hướng Hóa để tìm kiếm "bùa yêu". Và không ít người thất tình nghĩ đến loại "bùa" này, nhằm mong cứu vớt tình yêu, "bỏ bùa" cho đối phương yêu thương mình. Họ tin vào lá "bùa" tương truyền đó.
Lang thang trên các bản miền Tây Hướng Hóa, chúng tôi được chứng kiến “cây bùa yêu” được đồn đoán bấy lâu nay trong đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Chúng tôi đã được mục sở thị “cây bùa yêu” của anh Thủ, một người bản địa ở thôn A Máy, xã Lìa. Anh Thủ không ngần ngại cho chúng tôi ngắm nhìn những chiếc lá được cho là dùng để làm "bùa yêu". Cây được trồng tách biệt với mặt đất, có bàn thờ hẳn hoi và Thủ “mang thức ăn” cho chúng hằng ngày. Anh tâm sự: “Đây là cây từ đời ông tôi để lại, thực hư chuyện này không rõ, gia đình trồng chỉ sợ nó thất truyền chứ lớp trẻ sau này không dùng đến cây này nữa. Hiện nay trong đồng bào cây này rất hiếm, phần do người ta không dùng nên không trồng, phần do không được truyền lại từ thế hệ trước”. Tương truyền, chỉ cần ngắt lá của cây tình yêu đặt vào ví thì muốn lấy cô gái nào đều được, đây là "bùa yêu" khiến đối phương không thể chối từ.
Cây được cho là “bùa yêu” anh Th., thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: L.M.H
Chúng tôi đã tìm gặp nhiều bậc cao niên ở bản làng để hỏi về “cây bùa yêu”, và nhận được nhiều ý kiến chia sẻ khác nhau. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị tin rằng có “cây bùa yêu”. Họ còn khẳng định: Nếu người con gái hoặc con trai mà trúng "bùa yêu" thì không thể nào thoát được. Nếu người trúng "bùa yêu" rồi lại dùng mọi cách để “trừ bùa” thì tâm lý sẽ ray rứt, yêu thương người bỏ bùa thêm gấp bội. Cũng có ý kiến cho rằng, vì nguyên nhân nào đó mà "bùa yêu" mất tác dụng, đối phương sẽ ghét người bỏ bùa mình đến tận cùng.
Thử đi tìm lời giải thích cho câu hỏi có hay không chuyện “bùa ngải” trong đồng bào Vân Kiều, Pa Kô? Chúng tôi được đồng bào bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Đa phần người ta tin có chuyện “bùa ngải”, nhưng đó là thời xưa. Đến nay dường như bị "thất truyền" và giá trị của nó ngày càng giảm xuống.
Một số các bậc cao niên bản địa cho chúng tôi hay: Tất cả “bùa ngải” đều được lấy từ rừng, bùa người Vân Kiều gọi là Apưm, cây thuốc giúp người chữa bệnh là Parlai, thuốc hại người là Rahau. Đồng bào dùng nhiều loại cây để cứu người. Còn chuyện thuốc độc trong đồng bào không có cơ sở để kiểm chứng.
Rời những bản làng Vân Kiều, Pa Kô, câu chuyện “bùa ngải” trong đồng bào vẫn bám riết lấy chúng tôi. Những tuồng tích, giai thoại trong nhân gian từ thuở con người đang còn chịu sự bủa vây của núi rừng mà đến thời đại 4.0 vẫn là bí ẩn khiến nhiều người tò mò, khám phá.