Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những điều bí ẩn ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Lời người viết: Anh Hồ Tất Ái là cán bộ hưu trí hiện ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà. Hơn 20 năm làm Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, anh đã chứng kiến rất nhiều điều linh thiêng mà không thể nào giải thích được. Ngày 15 tháng 10 năm 2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo với chủ đề “Bí ẩn miền đất thiêng”, anh đã có tham luận, kể lại một số chuyện lạ ở nơi anh từng gắn bó khá lâu trong thời gian đang công tác. Được sự đồng ý của anh Hồ Tất Ái, chúng tôi xin chuyển tải lại một số mẩu chuyện trong tham luận này.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn năm 2015 - Ảnh: H.T.T

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn năm 2015 - Ảnh: H.T.T

Trên 20 năm làm công tác quản lý ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tôi được tiếp xúc với nhiều tổ chức chính trị - xã hội, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ từ trung ương đến địa phương, ở trong nước cũng như quốc tế. Chứng kiến nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại và linh thiêng, tôi xin kể lại với độc giả một số chuyện tiêu biểu.

Mạch nước ngầm phun ở giữa hồ

Năm 1975, lúc khởi công xây dựng Nghĩa trang, đơn vị thi công của bộ đội Trường Sơn đào hố ở trước đài Tổ quốc ghi công để giữ lượng nước phục vụ cho việc xây dựng và tạo môi trường cảnh quan, bởi mùa hạn ở miền Trung thường khô kiệt nên đơn vị phải lo xa; nhưng khi đào xuống hơn 1 mét thì gặp một mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Bộ tư lệnh quyết định cho đào sâu và rộng hơn. Từ đó đến nay mặc dù thời tiết có lúc rất khắc nghiệt nhưng hồ quanh năm vẫn đầy nước mà không bao giờ cạn. Đây là một phúc ân mà thiên nhiên đã ban tặng. Mong quý khách hành hương lúc đến viếng cần phải giữ gìn vệ sinh để hồ nước luôn trong xanh và tắm mát hương hồn các Anh hùng liệt sĩ.

Cây bồ đề thiêng ở đài Tổ quốc ghi công

Cuối năm 1976 chuẩn bị cho lễ khánh thành giai đoạn 1 của Nghĩa trang, mọi người phát hiện một cây bồ đề còn nhỏ tự mọc phía sau đài Tổ quốc ghi công. Khi ấy ông Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Nghĩa trang đắp đất và rào lại cẩn thận. Từ đó, cây lớn rất nhanh nên phải gia cố thêm đất đá và xây tường xung quanh. Năm 1999 khi cải tạo nâng cấp tượng đài ông Đồng Sỹ Nguyên lại yêu cầu bất kỳ trong trường hợp nào, cây bồ đề phải được giữ gìn nguyên vẹn. Ý kiến của ông được nhiều nhà khoa học đồng tình ủng hộ.

Tiếng lành đồn xa, có cây bồ đề thiêng tự mọc rất đẹp nên nhiều nhà tu hành đã đến làm lễ cầu siêu ở dưới gốc cây và Đài tưởng niệm, các nhà sư từ Bắc đến Nam đều cho rằng đây là một hiện tượng rất lạ, chưa từng thấy. Càng ngày, cây càng lớn một cách khác lạ, cành lá xum xuê, thân vươn cao quá tượng đài như cái lộng che bóng mát cho các Anh hùng liệt sĩ. Đây là một điềm lành cho các liệt sĩ an nghỉ tại đây. Nhiều lần các tổ chức trong và ngoài nước, các gia đình thân nhân liệt sĩ khi đến viếng đều ngắt một lá mang về để cầu mong được may mắn.

Đó là món quà của thiên nhiên ban tặng cho Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi các anh hùng đang yên nghỉ, mong mọi người phải bảo vệ và chăm sóc để cây luôn phát triển tốt.

Cây bồ đề ở nhà khánh tiết

Tháng 3 năm 2008 có một cây bồ đề cũng tự mọc ở chính giữa phía trước nhà khánh tiết, ngay lư hương lớn ngoài trời bên cạnh hồ nước và gần hòn non bộ. Cây bồ đề cũng lớn lên rất nhanh, cành lan toả tương xứng tạo nên khoảng rộng bóng mát cho nhà khánh tiết. Cả cây ở sau tượng đài và cây ở đây đều không cần tưới tiêu, phân bón nhưng vẫn xanh tốt quanh năm.

Thông thường cây bồ đề chỉ được trồng hoặc mọc ở nơi đền chùa, miếu mạo hoặc những nơi trang nghiêm, thì ở đây lại tự mọc chính diện phía sau Đài Tổ quốc ghi công và trước nhà khánh tiết, nơi thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ. Đây quả là điều kỳ diệu, linh thiêng huyền bí.

Thắp nén nhang viếng người đã khuất - Ảnh: H.T.T

Thắp nén nhang viếng người đã khuất - Ảnh: H.T.T

Chuyện tình cảm với người thân

Năm 2002, có hai chị em dâu ở xã Long Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào viếng mộ chồng và anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Thể. Hai người được Ban quản lý bố trí cho nghỉ lại một căn phòng dành cho khách đến thăm viếng. Khi người vợ và em gái của liệt sĩ bước vào phòng ngồi nghỉ trên giường thì bỗng nhiên có một con chim nhỏ lông màu tro bay qua cửa sổ và đậu lên đầu giường. Suốt hai ngày các chị ở lại đây để thắp hương cho chồng và anh trai thì chú chim đó vẫn quanh quẩn trong phòng, lúc đứng ở đầu giường, lúc đậu ở cửa sổ và thỉnh thoảng kêu chíp chíp. Mấy lần người vợ và em gái của liệt sĩ xua đuổi nhưng chim vẫn không chịu bay đi. Lúc đó hai chị em òa lên khóc và nói anh đã về với em, rồi hai người cùng lâm râm khấn nguyện.

Chuyện nhà khoa học

Năm 2004, PGS.TS. B.T.Q, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân chuyến công tác tại Quảng Trị đã lên viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Sau khi làm các thủ tục dâng hoa, dâng hương ở tượng đài và các phần mộ liệt sĩ, ông đến gặp tôi để tìm hiểu thì tôi cũng giới thiệu khái quát về Nghĩa trang và kể cho ông nghe những chuyện xảy ra "nhưng không thể lý giải được" ở nơi này. Với một số người dạy triết thường nói đến duy vật và chẳng nghĩ đến chuyện tâm linh nên những điều tôi nói ra ông đều không tin.

Hôm đó là ngày thứ sáu của tháng tư (tôi không nhớ chính xác ngày theo dương lịch), thì cũng đúng thứ sáu tuần sau ông cùng hai người đi xe ô tô tải cỡ nhỏ mang rất nhiều lễ vật vào cúng các Anh hùng liệt sĩ. Trước khi cúng viếng ông nói với tôi: "Anh Ái cho tôi xin lỗi". Tôi trả lời: "Ông vào viếng Nghĩa trang là tốt, có làm điều gì sai đâu mà phải xin lỗi, lẽ ra tôi phải cảm ơn ông mới đúng". Ông lại bảo: "Anh cứ nhận lời cho lòng tôi được thanh thản".

Theo suy nghĩ của tôi là chắc chắn liệt sĩ đã về "báo điều gì đó" nên ông mới sắm lễ vật vào tạ tội và xin lỗi như vậy. Hiện nay các trường đại học mời dạy, ông không đi, viết sách cũng không làm mà chỉ tu tâm tại gia đình.

Chuyện thiết kế và xây dựng tháp chuông

Ngày 20/3/2005, lúc tôi đang nằm nghỉ trưa thì bỗng nhiên có người thức dậy và bảo: "Tôi là Trung uý Anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Thanh, quê ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang an nghỉ tại Nghĩa trang này". Rồi "người đó" lại nói rằng: "Trong thiết kế tháp chuông cao 6,5 mét thì anh đề xuất với Hội đồng cho chỉnh sửa lại thiết kế chiều cao thấp xuống còn 5,9 mét để tượng trưng cho đoàn 559 -  Bộ đội Trường Sơn. Còn địa điểm dựng tháp thì anh lên xem làm thế nào giữa tượng đài, cây bồ đề và tháp chuông nằm trên một đường thẳng và tim của tháp chuông cách cây bồ đề khoảng 12 mét".

Thế là sáng hôm sau tôi lên thực địa, ngắm và chọn tim giống như liệt sĩ đã nói, tôi đã đóng các cọc thừa trên 10 cm. Đến ngày 25 tháng 3 có thầy địa lý, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đơn vị thi công lên đo đạc và chọn địa điểm. Khi chọn tim của tháp chuông, thấy cọc đã đóng sẵn, các đơn vị đều hỏi ai đã làm trước. Tôi trả lời "liệt sĩ Thanh" chỉ cho tôi lên chọn và làm điều đó, cuối cùng bản thiết kế cũng được chỉnh sửa lại chiều cao 5,9 mét và tim của tháp chuông cũng đặt ngay chỗ liệt sĩ đã hướng dẫn.

Chuyện liệt sĩ thăm đồng đội liệt sĩ

Thường những ngày mười bốn, rằm, ba mươi, mồng một và những ngày lễ tết truyền thống của quê hương đất nước, anh chị em trong Ban quản lý đều đi dâng hương trên Tượng đài và các phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ.

Đêm 14 tháng 11 (âm lịch) năm 2008, tôi và anh Nguyễn Hồng Bằng - Chủ tịch Công đoàn của đơn vị lên dâng hương tại Khu 1 và Tượng đài. Đêm 14 những tháng trước thì trăng sáng tỏ nhưng hôm nay tiết trời mùa đông, không mưa, trời mờ ảo. Khi tôi và anh Bằng lên hết bậc cấp bước vào sân hành lễ thì thấy một bóng người ngồi chính diện ở giữa Tượng đài, trong thâm tâm tôi suy nghĩ chắc ai đó đi viếng bị mệt hoặc đau ốm nên ngồi như vậy. Tuy nhiên đến gần khoảng 20 mét chúng tôi vẫn hỏi "ai đó" nhưng không thấy trả lời, cách 15 mét tôi vẫn hỏi như vậy nhưng vẫn im phăng phắc. Vì lo sợ nên anh Bằng lo lắng níu tay tôi dừng lại nhưng tôi kéo tay anh Bằng bước tiếp đến 10 mét và quát lớn: Ai? Ở đâu đến mà ngồi như vậy? Quát là vừa để uy hiếp đối phương nhưng vừa trấn an tinh thần thì nghe tiếng trả lời: "Tôi là liệt sĩ ở nơi khác đến thăm đồng đội ở đây". Tôi đến để bật công tắc cho điện sáng trong khu hành lễ. Quan sát kỹ thấy người đó mang quần áo bộ đội nhưng khó hình dung khuôn mặt. Tôi và anh Bằng ngồi xuống thắp hương, khoảng cách giữa tôi và người đó chưa đầy 2 mét, tư thế của tôi ngồi có thể tiến trước, lùi sau hoặc nhảy xuống sân lễ đài. Lúc thắp hương mắt luôn quan sát người đó nhưng anh ta biến mất. Nắm hương lớn đã cháy, còn cây chưa cháy tôi vội vàng cắm lên lư hương rồi đi kiểm tra xung quanh thì không thấy bóng dáng đâu nữa, cả hai anh em vội vàng chạy về khu tập thể.

*

Trên đây là một số chuyện tiêu biểu mà tôi đã từng chứng kiến, hiện nay Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được đầu tư thêm hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm ở các khu mộ rất thuận tiện cho việc viếng các Anh hùng liệt sĩ vào thời điểm đêm tối. Bởi viếng ban đêm vừa mát vừa giúp cho người phục vụ đỡ vất vả và đoàn được đi dâng hương, dâng hoa nhiều phần mộ, khu mộ hơn. Viếng ban đêm có không khí trầm mặc, linh thiêng hơn khi những ngọn đèn lung linh, khói hương lan tỏa đầy ấm cúng.

Tôi chỉ nêu một số mẩu chuyện để khẳng định rằng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là một vùng đất kỳ diệu, khó giải thích được, là nơi có sự giao cảm giữa người sống và người chết!

HỒ THANH THOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 348

Mới nhất

Khoảnh khắc đáng yêu của cuộc sống

26/01/2025 lúc 22:57

Tôi ngồi trên cỏ, nước mắt lăn dài trên má. Đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi biết chắc sẽ ở lại với tôi và thay đổi tôi mãi mãi.

Đứng dưới hoa đào

26/01/2025 lúc 22:55

Ngày Tết ở cảng có gì vui không?

Líu ríu xuân về

26/01/2025 lúc 22:50

Bà già khép cánh cửa gỗ ọp ẹp, khóa lại rồi yên chí xách làn đi chợ. Bà bụng bảo dạ thằng nhóc có về cũng không thể nào vào nhà được, cho chừa.

Tết hoa bay; Qua cầu Hiền Lương

26/01/2025 lúc 22:45

Tết hoa bay  Em mười sáu vẽ trăng đáy giếngThả xuân

Lời tự sự dưới bóng chiều xuân

26/01/2025 lúc 22:23

Tết con vềnhà ta lửa đèn từ nhà ra ngõsáng

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/01

25° - 27°

Mưa

30/01

24° - 26°

Mưa

31/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground