Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điều bí ẩn giữ lại Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn

Ngày hòa bình sau năm 1975 những người lính hy sinh trên nhiều miền đất nước được quy tập về chôn cất trên đất Quảng Trị. Giờ đất này có hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia: Trường Sơn và Đường 9. Và có thể kể thêm một nghĩa trang thứ ba, đấy là “nghĩa trang không bia mộ” - quãng sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị mà con số những người lính nằm lại dưới lòng sông cho đến nay vẫn là một ẩn số, chỉ còn khắc khoải trong câu thơ “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Nhưng không nhiều người biết rằng hơn 100 năm trước, đã có một cuộc quy tập hài cốt quân Tây Sơn hy sinh trong trận chiến thần tốc tiêu diệt 30 vạn quân Thanh từ Hà Nội được đưa về chôn cất trong một mảnh làng nhỏ tên là làng Thạch Hãn trên đất Thành Cổ Quảng Trị. Nơi đó được gọi là Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn, nằm cách trung tâm Thành Cổ Quảng Trị chừng hơn một cây số về phía nam.

Trên chuyên mục “Câu chuyện du lịch” của tạp chí Cửa Việt lâu nay, những huyền tích về các Nghĩa trang Quốc gia kể trên đã được nhắc đến nhiều, và cũng như những nơi chốn thiêng liêng ấy, ở Nghĩa trủng đàn cũng lưu dấu những huyền ảo khói sương “bất khả tư nghì” chưa thể giải thích, may sao nhờ những điều huyền ảo ấy mà hôm nay chúng ta còn giữ lại một di tích lịch sử thiêng liêng mang tên Nghĩa trủng đàn.

Nghĩa trủng đàn là nơi chôn cất nghĩa binh Tây Sơn - Ảnh: L.Đ.D

Nghĩa trủng đàn là nơi chôn cất nghĩa binh Tây Sơn - Ảnh: L.Đ.D

Trước khi kể về những câu chuyện thiêng ở đây, thiết tưởng cũng nhắc lại một chút nguyên ủy của Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn và những nghĩa binh Tây Sơn áo vải cờ đào ngã xuống cuối thế kỷ 18.

Những quân binh Tây Sơn hy sinh trong cuộc chinh phạt quân xâm lược Mãn Thanh vốn được chôn cất trên đồng ruộng quanh thành Thăng Long (Hà Nội) từ mùa xuân năm Kỷ Dậu - 1789. Năm tháng đi qua, không ai nhớ ra và hương khói nên thành ra là những mộ hoang vô chủ. Đến cuối thế kỷ 19, quan Tuần vũ Hà Nội bấy giờ là cụ Hoàng Hữu Xứng, vốn là người quê Quảng Trị, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang này, hỏi han kỳ lão trong vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Hàng chục năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang.

Quan Tuần vũ họ Hoàng ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành mười hai gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế, sau này (năm 1851) nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh nên Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là Đặng Văn Hòa cho quy về chôn cất chu đáo tại một cái gò khác chính là gò Đống Đa ngày nay.

Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác người ta chôn sấp dập ngửa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Quan Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng bèn thuê người cất bốc, thu hặt hài cốt gần 1.000 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở làng Thạch Hãn, cạnh Thành Cổ Quảng Trị. Ở đó có một mảnh đất rộng chừng bảy sào mà thân phụ của ông đã mua từ mấy chục năm trước để dành chôn cất những nấm mồ vô chủ của những lưu dân thuở trước theo chúa Nguyễn trên đường đi về phương Nam mở cõi đã bỏ mình vì rừng thiêng nước độc, vì không hợp thủy thổ hay ốm đau bệnh tật.

Khoảnh đất được gọi là Nghĩa trủng đàn ấy đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa ngôi mộ là những vong hồn bơ vơ trong trời đất theo chúa Nguyễn đi mở cõi, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào. Từ đấy nối đời con cháu họ Hoàng thay nhau hương khói săn sóc những ngôi mộ nơi đây. Đời vua Thành Thái, Nghĩa trủng Quảng Trị được đưa vào quy chế quốc gia, triều đình ban ruộng tự điền, người làng chăm lo hương khói được miễn sưu thuế, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan Tuần vũ Quảng Trị đứng chủ tế.

Nghĩa trủng đàn hiện nay đã được tôn tạo - Ảnh: Duy Hùng

Nghĩa trủng đàn hiện nay đã được tôn tạo - Ảnh: Duy Hùng

Lịch sử vốn có những tình cờ nhưng có vẻ không là ngẫu nhiên. Năm 1872, khi Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn hình thành thì đúng 100 năm sau, mùa hè năm 1972 xảy ra cuộc chiến khốc liệt của 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị.

Sau 1975, công cuộc hợp tác hóa, xóa bờ vùng bờ thửa diễn ra rầm rộ, rất nhiều mảnh làng sau những bể dâu bom đạn, sau những bể dâu trên đời dân phận người, bể dâu trên những dấu tích tiền nhân từng may mắn vẹn nguyên đi qua chiến tranh, nhưng lại bị xóa dấu sau ngày hòa bình!

Với cuộc “xóa bờ vùng bở thửa” tiến lên “hợp tác xã bậc cao”, Nghĩa trủng đàn cũng không nằm ngoài tầm ngắm của chiến dịch ấy. Hơn hai mươi năm trước, khi tôi tìm về Nghĩa trủng đàn, một vị hội chủ làng Thạch Hãn kể lại câu chuyện kỳ bí với tôi trong giọng kể với âm vực trĩu nặng thành kính, rằng khi người ta bắt đầu phong trào “hợp tác hóa”, ủi san bờ vùng bờ thửa để mở rộng đồng điền, cái gò đất Nghĩa trủng cao 1 mét, dài 70 mét, rộng 17 mét ấy cũng được nhắm đến. May sao, bao nhiêu lần xe ủi xe ben đụng vào vùng Nghĩa trủng là... chết máy, từ xe máy xích như DT-75 hay loại C-100 to kềnh càng. Thấy sự lạ, cánh tài xế xe ủi cũng hoảng, đem hỏi các vị kỳ lão trong làng mới hay đất ấy xưa là nơi an táng những nắm xương lạc loài của thập loại chúng sinh. Không khí những năm sau chiến tranh ấy không có chỗ cho những điều có vẻ mê tín dị đoan, nhưng may sao, sau hàng chục lần xe ủi không san thành ruộng được, Nghĩa trủng đàn đã không bị thành đất cấy cày của hợp tác xã.

Câu chuyện này tôi được nghe vị hội chủ làng Thạch Hãn kể lại trong một lần đưa một người bạn, vốn mang ơn người họ Hoàng làng Bích Khê đã lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây thăm viếng Nghĩa trủng. Rồi cùng với thời gian, con cháu họ Hoàng và dân làng Thạch Hãn đã góp công góp của xây lại miếu thờ, đến tháng 8 năm 1996 tất cả con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê từ khắp nơi trên thế giới cùng các lương dân, kỳ lão làng Thạch Hãn góp sức đại trùng tu, tấm văn bia Nghĩa trủng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút. Văn bia có đoạn: Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.

Năm 2010, Nghĩa trủng đàn đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Dù dâu bể đổi dời đến đâu, dù trải qua bao nhiêu năm dài quên lãng, cuối cùng thì máu xương những người vị quốc vong thân vẫn luôn được đời dân nhắc nhớ, như câu thơ Nguyễn Duy: Bao triều vua phế đi rồi / Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ… mà Nghĩa trủng đàn là một minh chứng. Đó phải chăng cũng là điều khiến cho gần nửa thế kỷ trước, những chiếc máy ủi mạnh mẽ phải bất thần “chết máy” khi đụng vào nấm mồ của những đời dân đã hy sinh vì đại nghĩa?

L.Đ.D

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 350

Mới nhất

Trường Tiểu học Hùng Vương hòa trong không khí sôi nổi của Ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”

05/09/2024 lúc 15:00

TCCV Online - Sáng ngày 5/9/2024, Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến dự lễ khai giảng năm học mới (2024 - 2025) tại Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Đông Hà.

Nét đẹp ở lễ hội ''Phá Trằm'' Trà Lộc năm 2024

31/08/2024 lúc 11:17

TCCVO - Sáng ngày 31/8, Làng Văn hóa Trà Lộc, xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng) sôi nổi tổ chức lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc năm 2024. Hàng trăm người dân địa phương và du khách gần xa đến tham gia lễ hội.

365 học viên dự hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2024

30/08/2024 lúc 11:57

TCCVO - Sáng 27/8/2024, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển: thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm” ở khu vực phía Nam.

Hành trình "về nguồn" của những người làm báo Quảng Trị

29/08/2024 lúc 17:21

  TCCV Online - Đầu tháng 8/2024, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh

Bế mạc triển lãm Da cam - Lương tri và Công lý

29/08/2024 lúc 07:59

Sáng 29/8/2024, tại Bảo tàng Quảng Trị, Ban Tổ chức Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” - Quảng Trị 2024 đã tiến hành tổng kết và bế mạc cuộc triển lãm ý nghĩa này.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/09

25° - 27°

Mưa

10/09

24° - 26°

Mưa

11/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground