Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhạc cụ sáo thổi của người Tà Ôi/ Pakoh

Trong phân loại nhạc cụ của người Tà Ôi, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian địa phương đã sưu tầm, thống kê và chia ra được 23 nhạc cụ, gồm 4 họ, 11 chi. Căn cứ vào chất liệu của nhạc cụ như kim loại, gỗ, tre, nứa, lồ ô thì ngoài những nhạc cụ như thanh la, chiêng, xập xõa là chịu ảnh hưởng của người Việt, còn lại một số nhạc cụ khác thì được các nghệ nhân Tà Ôi sáng tạo dựa trên những nguyên vật liệu có từ thiên nhiên, trong đó nổi bật nhất là các loại sáo thổi.

Khi nhắc đến loại nhạc cụ sáo thổi thì hiện tại người Tà Ôi sử dụng 3 loại với các tên gọi: sáo Areeng, Tirel/Amam, Talee. Dưới đây là sự khảo tả của chúng tôi về cấu tạo, chức năng, công dụng, ý nghĩa và nguồn gốc về các loại sáo đó.

1. Sáo Areeng: Thuộc chi lưỡi gà rung tự do. Đây là loại sáo thổi dọc, được làm bằng một ống nứa nhỏ, thông suốt 2 đầu, dài khoảng 34 - 36cm, đường kính 0,5cm, có 2 - 3 lỗ bấm và có lưỡi gà lá mía được tách ra từ vỏ ống nứa đặt bên mép ống. Khi thổi phải ngậm kín phần có lưỡi gà trong miệng. Đây là loại sáo thô sơ nhất, dễ kiếm dễ làm.

Tiếng sáo Areeng có tiếng đục nguyên nhân là do vật liệu thô sơ, chế tác đơn giản nên âm thanh chưa chuẩn.

Tác giả sách Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, khi nói đến loại nhạc cụ này đã nhận xét “Âm vực Areeng nằm trong khoảng 1 quãng tám với hàng âm gồm 3 âm: Son - La - Si”1

 Mặc dù chỉ 2 lỗ bấm, nhưng các già làng thổi thành thạo có thể thực hiện từ 4 đến 5 âm với những nét nhạc linh hoạt 2.

 

Sáo Areeng thường được trai gái Tà Ôi dùng để tỏ tình trong những buổi đi sim. Có loại Areeng 2 lưỡi gà đặt ở 2 đầu ống dùng cho 2 người thổi, một nam và một nữ trong giai đoạn tìm hiểu hoặc mến thương nhau. Loại Areeng này dài hơn khoảng 5cm có 3 lỗ ngón tay của 2 người bịt 1 lỗ về phía mình để điều chỉnh tiết tấu và âm thanh để thoát hơi. Về sau này, thanh niên nam nữ khi thổi họ tréo tay nhau nam đưa tay bên nữ và ngược lại.

Cách diễn tấu của Areeng như sau “Areeng khi diễn tấu có thể ngồi hoặc quỳ, do một người nam giới thổi và người nữ ở đầu kia dùng làm bầu cộng hưởng. Khi người này thổi thì người kia giữ ống Areeng trong mồm, đồng thời trong cổ họng phát ra những âm thanh có cao độ khác nhau. Cách sử dụng này đã tạo nên nhiều âm bồi độc đáo cho Areeng”3.

Khi nói về nguồn gốc của loại nhạc cụ này thì kho tàng truyện cổ Tà Ôi kể sự tích về cây sáo Areeng này như sau “Ngày xưa, ở bản nọ có một chàng trai nghèo, làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ ăn. Công việc trở nên buồn chán nên chàng thường lang thang theo con suối cất tiếng hát Cha chấp vang cả núi rừng, cố cho cô gái đang gặt lúa trên nương nghe.

Hò ơi!...

Em ơi em anh mơ ước

Đá dưới suối thành vàng

Ụ mối thành trâu bò

Lá rừng thành cồng chiêng

Để anh làm lễ hỏi em

Hò ơi!...

Anh nghèo lắm em ơi

Chỉ biết thương em đầy bụng

Sao em lại im lặng

Không về thưa với mẹ cha.

Và từ trên nương, cô gái vừa gặt lúa vừa hát lại rằng:

Hò ơi! Hò…

Đâu phải em không thương anh

Đâu phải em không nhớ anh

Như con chim nhớ rừng

Như con cá nhớ suối

Anh phải có lễ hỏi

Ta mới được gần nhau.

Chàng trai nghe vậy liền hát lại rằng:

Núi A Túc cao tận chân trời

Suối A Liêng như mái tóc em êm ái

Nước chảy từ đâu anh chẳng biết nguồn

Đứng bên này anh muốn ngỏ đôi lời

Dòng suối ơi anh qua có được không?

Nghe xong lời hát của chàng trai, cô gái không trả lời. Cô đứng lặng im khiến chàng trai hơi bỡ ngỡ và chàng trai nhớ lại hai câu hát trước khi cô gái đã hát:

Anh phải có lễ hỏi

Ta mới được gần nhau.

Nên chàng trai mới hát thêm:

Anh tuy nghèo nhưng tấm lòng chân thật

Em thương tình hãy cho một đôi lời

Anh ngồi đây ngắm em hoài không chán

Nếu bằng lòng hãy đi cùng anh.

Cô gái nghe chàng trai hát đến đấy thì cảm thấy mến chàng, họ bắt đầu thương nhau, họ nhớ nhau và luôn tìm đến nhau qua những lời hát của chàng trai.

Hò ơi!...

Chúng ta có cái bụng thương nhau

Thương nhiều hơn đá dưới dòng Đắckrông

Thương dài hơn cột nhà Kompranha đầu làng

Nhớ nhau như nhớ cái rẫy mùa Radư trổ bông

Hò ơi!...

Gió sớm bay về anh nhớ em

Ngọn gió muộn màng vẫn chưa tan nỗi nhớ.

Tình yêu của chàng trai và cô gái thật cái bụng nhưng vì chàng trai nghèo nên bị bố mẹ cô gái từ chối. Chàng trai biết chuyện nên buồn phiền như cây rừng thiếu nước, cô gái nhớ thương như con chim rũ cánh ốm đau.

Chuyện tình của họ đã làm cho Yàng Kotnhon (thần Hộ mệnh) động lòng thương cảm, nên thần mới bày cho hai người lấy một ống nứa làm chiếc Areeng cùng thổi chuyền hơi chuyền sức cho nhau.

Đêm đêm qua vách nứa, chàng trai ngồi ngoài hiên, cô gái ngồi trong buồng, hai người cùng thổi Areeng chuyền cho nhau hơi thở và niềm tin.

Lúc đầu họ còn thổi nho nhỏ, nhè nhẹ, dần dần say sưa với tình cảm họ quên cả hiểm nguy chung quanh nên họ thổi lớn hơn.

Bố mẹ cô gái biết được chuyện này, hai người cũng lắng nghe tiếng Areeng và cũng động lòng thương cảm. Ông bà bèn kêu chàng trai vào nhà và chấp nhận cho đôi trai gái lấy nhau và khi nào chàng trai kiếm ra của cải thì sẽ cưới.

Chàng trai thật sự vui mừng và cô gái cũng không giấu được niềm hạnh phúc đó và họ đã cùng nhau hát rằng:

Cảm ơn cây sáo hạnh phúc

Cảm ơn cây nứa bên hè

Đã cho chúng tôi sức mạnh

Vượt qua trở ngại khó khăn

Areeng của chúng mình

Areeng của chúng mình

Hò ơi! Hò ơi!...”4.

2. Sáo Tirel/Amam: Thuộc chi lưỡi gà rung tự do, cấu tạo giống hệt cây sáo Areeng. Làm bằng ống nứa nhỏ, thân sáo có đường kính từ 5 - 7cm, có 3 lỗ trên và 1 lỗ dưới dài từ 15 - 20cm. Đây là món quà nam nữ tặng cho nhau làm kỷ vật đính ước khi yêu nhau.

Sáo Tirel gồm 2 chiếc:

- Chiếc dài có kích thước khoảng 40 - 42cm, đường kính to hơn sáo Areeng một tí. Gồm 3 lỗ bấm và 1 lỗ thoát hơi gọi là Ahel, sáo này dùng để phụ họa trong nhạc.

- Chiếc ngắn có kích thước khoảng 21cm, cũng gồm 3 lỗ bấm gọi là Atotq, loại này được người Tà Ôi dùng một cách linh hoạt hơn.

Cả 2 loại này đều được thổi qua lưỡi gà bằng nứa bên mép ống như Areeng.

Thông thường khi sử dụng có 2 người hòa tấu, thường là một nam một nữ, đây được coi như một tín hiệu để gọi nhau, tìm nhau, hẹn nhau. Sáo Tirel ngắn (Atotq) linh hoạt hơn, sáo Tirel dài (Ahel) chỉ để phụ họa, chơi các nốt trì tục, như nét nhạc sau đây5

 

Sáo Tirel lúc đầu là “Một loại đồ chơi ru trẻ con ngủ, người dân bản đã phát triển thành một nhạc cụ thông dụng.

Lúc đầu chỉ vài âm thanh bắt chước tiếng ve kêu, các bà mẹ thi nhau ai thổi dài hơi nhất người đó thắng cuộc…Tirel cũng vậy dần dần phát triển thêm nhiều tiết tấu, hình thức có thay đổi, dài hơn và nhiều lỗ hơn. Không riêng gì mẹ còn có ông, bà, cha, anh, chị đều làm và thổi được Tirel.

Có bài Tirel nhiều người thổi được thường bắt đầu Ru ru ru ru ru… Lời mở đầu một bài ru con nhưng cũng là tiếng ve kêu… Mỗi người đặt cho mình một tiết tấu riêng.

Nếu nghe được 5 bà mẹ cùng thổi Tirel thì chẳng khác gì bầy ong, bầy ve vo ve rất thú vị”6.

Truyện cổ Tà Ôi kể về Sự tích chiếc sáo Tirel rằng “Ngày xưa, ở làng nọ, có một người mẹ goá rất thương con. Cứ mỗi lần bà mẹ lên nương thì không nỡ bỏ đứa con còn nhỏ dại của mình ở nhà. Bà đành địu đứa con theo trước ngực, sau lưng thì mang gùi bắp giống, tay cầm chiếc gậy chọc lỗ thong thả lên rẫy.

Đứa con thơ của bà rất vui khi nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách và cả những bước chân hoà đều với tiếng ru của mẹ.

Akay ơi, ngủ cho yên

Con ve rừng ru akay ngủ

Gió cây rừng che mát akay

Hãy ngủ yên

Như con Avang còn nằm trong trứng

Akay ơi! Akay ơi! Ngủ yên đi!.

Đến rẫy, bà mẹ đặt đứa con của mình ở nơi thoáng mát, nghe tiếng ve kêu, đứa bé êm tai lim dim ngủ để cho mẹ rảnh tay trỉa bắp.

Sau khi xong việc, đứa bé lại được mẹ địu về nhà. Nhưng khi về đến làng, đứa bé nhớ những âm thanh quen thuộc của con ve nên lại khóc.

Không dỗ dành được, bà mẹ đành ra sau vườn, cắt lấy một đoạn sậy nhỏ, gọt ở một đầu thành chiếc lưỡi gà, gọt vài cái lỗ nhỏ thổi lên nghe giống như tiếng ve ve. Đứa trẻ nghe vậy êm tai ngủ ngon giấc. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, đứa trẻ dần lớn lên trong tiếng êm dịu của một loại sáo dọc đơn giản”7.

3. Sáo Talee: Đây là loại sáo thổi dọc như Areeng, Tirel, nhưng dài hơn khoảng 50 - 55cm và có gắn núm trái bầu khô làm loa sáo, làm cho tiếng vang to và xa hơn. Talee có 4 lỗ bấm thực hiện được 5 âm không có bán âm với nét nhạc sau đây8:

 

Như vậy, cứ sau mỗi lần sử dụng các loại sáo này được các chủ nhân Tà Ôi lau chùi và cất giữ cẩn thận để dùng vào những lúc khác. Vì chất liệu bằng tre, nứa, lồ ô cho nên để tránh được mối mọt thì những chiếc sáo này được bọc kĩ trong những tấm vải dzèng nhỏ rồi giắt lên mái nhà để cho khói bếp bảo vệ được an toàn.

Các loại sáo của người Tà Ôi rất dễ làm vì vật liệu có sẵn trong tự nhiên cho nên khi có cảm hứng sáng tạo, giãi bày tâm sự thì chỉ cần vài thao tác trong thời gian ngắn sẽ có những chiếc sáo ưng ý.

 

T.N.K.P

 

 

 

 

______________

Ngọc Phan, Bùi Ngọc Phượng: Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 119.

Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế: Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 67.

Ngọc Phan, Bùi Ngọc Phượng: Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 120.

Trần Nguyễn Khánh Phong: Kho tàng văn học dân gian dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam. Quyển 2. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, trang 459 - 466.

5 Vĩnh Phúc: Khảo sát âm nhạc dân gian người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Mã số B 2002 - 11 - 04. Huế, 2004, trang 71.

6 Minh Phương: Dư âm tình rừng. NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 34.

Trần Nguyễn Khánh Phong: Kho tàng văn học dân gian dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam. Quyển 2. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, trang 416 - 419.

8 Vĩnh Phúc: Khảo sát âm nhạc dân gian người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Mã số B 2002 - 11 - 04. Huế, 2004, trang 71.

Trần nguyễn Khánh Phong
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 263

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/07

25° - 27°

Mưa

09/07

24° - 26°

Mưa

10/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground