Chuối lùn phát triển tốt ở thôn Pa Ling - Ảnh: L.T
Nông nghiệp khởi sắc trên vùng đất khó
Anh Hồ Văn Nhiếp Chủ tịch UBND xã A Vao tâm sự rằng, trên địa bàn với địa hình hầu như toàn đồi núi, độ dốc lớn kéo theo việc các công trình thủy lợi phục vụ trong sản xuất, sinh hoạt cho người dân rất khó thực hiện. Vì thế, trong sinh hoạt đời sống, sản xuất nông nghiệp đồng bào chủ yếu nhờ vào trời đất mưa thuận gió hòa nên hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi thấp. Những năm thời tiết thay đổi có phần khắc nghiệt, tình trạng hạn hán, mưa lũ kéo dài thì việc mất mùa thường xuyên xảy ra, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, người dân phải nhờ vào cứu trợ của Nhà nước. Đó là chưa kể đến sự phân bố dân cư trong vùng theo kiểu phân nhánh, tách biệt giữa các thôn với nhau, về mùa mưa lũ đường hư hỏng, sạt lở, việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị chia cắt hoàn toàn. Ví như thôn Pa Ling cách xa trung tâm của xã chừng 20 cây số, nhưng chỉ có con đường độc đạo men theo triền núi, uốn khúc, gãy gập, độ dốc lớn, mỗi khi thiên tai sạt lở là địa bàn trở thành “ốc đảo” với bên ngoài. Muốn tiếp viện cho người dân trong tình huống khẩn cấp thì chỉ có thể đi bộ đường rừng, vượt qua hàng chục cây số, hoặc đi ngược ra thị trấn Krông Klang rồi theo đường vòng qua các địa bàn khác thì mới có thể đến Pa Ling được…
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các ban ngành đoàn thể trong và ngoài tỉnh, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con đã mạnh dạn trong chuyển đổi phát triển sinh kế, tìm kiếm việc làm phù hợp nên đã khắc phục dần những khó khăn bao đời trên vùng đất khó A Vao. Hơn thế, từ những tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể và từ thực tế cuộc sống, người dân đã biết chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Không tự ý đốt rừng làm rẫy, bảo vệ rừng vào mùa khô nên tỉ lệ độ che phủ rừng tăng, phần nào giảm thiểu thiên tai khắc nghiệt. Đặc biệt, người dân đã biết tiết kiệm, sử dụng đúng mục đích tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương nên cuộc sống đồng bào đã có những đổi thay từng ngày, tạo sự phát triển kinh tế bền vững, xã hội ổn đinh, an ninh quốc phòng vững chắc…
Theo thống kê của UBND xã A Vao, năm 2023 trên địa bàn toàn xã có tổng diện tích gieo trồng khoảng 500 ha (trong đó: cây lương thực 281,3 ha, cây chất bột có củ 203,5 ha, cây thực phẩm 14 ha, cây gia vị, dược liệu 2 ha). Năng suất các loại cây trồng ước tính: Lúa nước đạt 40 tạ/ha, lúa rẫy 12 tạ/ha tăng 1 tạ/ha, ngô: 19 tạ/ha, sắn: 140 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 1.385,6 tấn (trong đó lương thực có hạt 495,8 tấn sản lượng lương thực quy ra thóc là 910 tấn). Bình quân lương thực đầu người đạt 40kg/người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 1.425.000 đồng/người/tháng, tương đương 17.100.000 đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2023, xã A Vao đã đạt 9/19 tiêu chí xét theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025.
Hầu như các thôn bản đều được đầu tư đường giao thông phục vụ dân sinh và trong sản xuất nông nghiệp thuận tiện. Hệ thống điện thắp sáng, mạng lưới Internet, trường học, trạm y tế… đều được đầu tư, nâng cấp chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân cập nhật thông tin, chăm sóc sức khỏe, con em được đến trường học hành đầy đủ.
Ông Hồ Văn Y, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Pa Ling bộc bạch với chúng tôi rằng: “Địa bàn thôn Pa Ling là nơi có thể gọi là “thâm sơn cùng cốc” của Quảng Trị, trước đây khi cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn khó khăn, người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thường xuyên nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm... Nhưng hiện nay điều kiện đã thuận lợi hơn nhiều, người dân đã biết học hỏi, tiếp thu, chịu khó tìm tòi trong trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế… nên nhiều bà con đồng bào không những đủ ăn mà còn có của để dự phòng, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Ông Hồ Văn Y (bên phải) và anh Hồ Văn Kiện, Chủ tịch Hội Nông dân đang trao đổi về kỹ thuật trồng và bón phân cho chuối lùn mới trồng mở rộng - Ảnh: L.H
Ước Pa Ling thành vùng nông sản lớn
Để đến được với những đồi chuối lùn bản địa xanh ngút ngàn, tít tắp, chẳng biết chúng tôi phải đi qua mấy ngọn đồi mà hai đầu gối đã bắt đầu tê cứng. Dừng chân ngơi nghỉ, hướng mắt nhìn về phía bản làng, những nếp nhà sàn dưới chân núi trông như những chiếc nấm hun hút, chập chờn trong nắng chiều. Anh Hồ Văn E, một chủ hộ gia đình trong nhóm thanh niên thực hiện mô hình “trồng chuối lùn” vừa dẫn lối vừa chuyện trò với chúng tôi: Khu đất đồi có giống chuối lùn xanh bạt ngàn này trước đây được bà con nhân dân trồng cây gỗ tràm để bán. Nhưng kể từ khi Chi đoàn Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị), Chi đoàn Thanh niên Báo Quảng Trị, Hội Nông dân, Xã đoàn A Vao… hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng thử nghiệm cây giống chuối lùn bản địa cho hiệu quả kinh tế nên bà con đồng bào đã chuyển hết diện tích sang trồng chuối. Ban đầu chỉ trồng khoảng chừng 1 héc ta, nhưng đến nay diện tích tăng thêm 3 hec ta, đưa diện tích trồng chuối lùn bản địa ở thôn Pa Ling lên 4 héc ta năm 2024. Với diện tích hiện có, cùng với sự sinh trưởng, phát triển nhanh của nó có thể giúp đồng bào Pa Kô ở Pa Ling chủ động được cây giống bằng cách chiết cây con từ cây mẹ để hỗ trợ cho những gia đình trồng mới. Trung bình mỗi héc ta cho thu nhập 20 triệu đồng/năm nên nhiều hộ gia đình rất phấn khởi, chuyển đổi làm theo.
Anh Hồ Văn E chia sẻ thêm rằng, giống chuối lùn bản địa phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở thung lũng này nên rất dễ trồng và chăm sóc, chỉ sau một năm cây đã ra hoa kết trái, quả to, hương vị thơm ngon so với các giống chuối khác… Hiện nay giá bán trung bình thương lái vào thu mua tận nơi khoảng 3 đến 5 ngàn đồng/kg. Tuy giá cả còn thấp, nhưng so với những cây trồng khác thì trồng chuối lùn có hiệu quả kinh tế hơn. Ngoài ra trong thời gian chờ chuối cho hoa kết trái thì người dân có thể trồng xen canh các loại cây nông sản khác như sắn, ngô... tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Theo ông Hồ Văn Y, để có được những thành quả ban đầu về mô hình “trồng chuối lùn” ở thung lũng Pa Ling phải kể đến công lao của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao. Với 1.000 gốc chuối giống “khởi nghiệp” ban đầu mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó đã tạo được niềm tin cho các hộ gia đình học tập và làm theo. Quan trọng hơn là đã làm thay đổi phần nào về tư duy sản xuất, phương thức canh tác, trồng trọt theo lối cũ “phát đốt, cốt trỉa” của bà con đồng bào bao đời qua, để từng bước phát triển bền vững trên vùng đất khó Pa Ling.
Thiếu tá Lê Trung, Đồn phó Đồn Biên phòng A Vao cho biết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ngoài mô hình “trồng chuối lùn”, Đồn Biên phòng còn thực hiện hiệu quả những mô hình như: “Mỗi ngày ghi nhớ 1 lời Bác Hồ dạy”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Tiết học biên giới”, “Quân dân y Đồn Biên phòng A Vao phối hợp y tế địa phương tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em trên địa bàn biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”... góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Phát triển mô hình trồng chuối lùn bản địa ở thung lũng Pa Ling là việc làm cần thiết và là hướng đi đúng, từng bước hình thành vùng nông sản thương hiệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững trên vùng đất khó Pa Ling nói riêng và xã A Vao nói chung.
Một ngày rong ruổi qua những thung sâu, đồi cao thăm thẳm, chúng tôi chia tay vùng đất Pa Ling đầy bâng khuâng và nỗi nhớ. Xe bắt đầu ngược lên những con dốc ngắn khúc khuỷu men theo núi đồi làm tiếng máy nghe ì ạch, rít rát. Nhưng những âm thanh rít lên liên hồi ấy vẫn không át được lời ước gan ruột vọng mãi trong tôi của ông Hồ Văn Y: “Bố ước mơ Pa Ling được như Tân Long, Hướng Hóa (Tân Long là vựa chuối lớn của Hướng Hóa, Quảng Trị - Tg) hằng ngày xe cộ của thương lái nườm nượp ra vào bán buôn, bán lẻ để nhiều người có việc làm, cuộc sống của đồng bào sẽ ngày càng ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn”.