TCCV Online - “Lũ chúng tôi” hằng năm gặp nhau vào ngày 1-7, ngày thành lập Đại đoàn 324 năm 1955 tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Gọi “Lũ chúng tôi” có vẻ mạo phạm xấc xược vì hầu hết chúng tôi là thế hệ cán bộ chiến sĩ thời chống Pháp còn lại, đủ sức đến đây dự họp cũng đã gần 80, quá 80 và có vị 90. Nhưng vào năm thành lập Đại đoàn ấy, gọi là “lũ” vì tất cả đều choai choai trên dưới 20 tuổi và cũng vì có một bài thơ rất hay thuở ấy chúng tôi thuộc nằm lòng.
Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi một, hai/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến… Đó là lời bài thơ Nhớ của tác giả Hồng Nguyên.
Danh xưng Đại đoàn chỉ sử dụng mấy năm đầu, sau thống nhất toàn quân gọi là sư đoàn. Vâng, sư đoàn 324. Năm 1954, lực lượng vũ trang miền Nam tập kết ra Bắc là những đơn vị nhỏ đa phần là tiểu đoàn, lớn có trung đoàn. Qua 1955, Bộ Tổng tham mưu quyết định xây dựng quân đội chính quy hiện đại, các đơn vị nhỏ này được tổ chức thành Đại đoàn; Nam Bộ có hai Đại đoàn là 330 và 338 với hai vị tướng lừng danh là Đồng Văn Cống và Tô Ký Liên khu 5 có hai Đại đoàn là 305 và 324 với các cán bộ từng trải như tướng Nguyễn Đôn, Nguyễn Minh Châu, Giáp Cương, Nguyễn Duy Đế… Trải qua 20 năm chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế, có sư đoàn chuyển nhiệm vụ không còn là sư đoàn bộ binh nữa như 305, 338. Sư 330 còn danh xưng đang làm nhiệm vụ ở QK9. Sư 324 duyên nợ với đất Đô Lương (Nghệ An) từ ngày ra Bắc, đánh đấm khắp nơi rồi cũng về đứng chân trên mấy ngọn đồi ven sông Lam hứng gió Lào.
Trên 60 năm kể từ ngày thành lập, các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ từ nguồn bổ sung cả nước đến sư 324 làm nhiệm vụ, nhưng sư đoàn vẫn nhận mình là đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc, sách lịch sử của sư đoàn vẫn để dành những trang trang trọng cho những năm tháng của sư đoàn trên đất Bắc và trở về Nam. F324 là đơn vị chính quy QĐND trực diện đụng đầu với thủy quân lục chiến Mỹ hai năm 1966, 1967 trên đất Quảng Trị, những cụm từ “đồi thịt băm”, “cối xay thịt” mà báo chí Mỹ la lối và đưa cả vào phim điện ảnh… thì “viết nên” những cụm từ đó, tác giả không ai khác là F324. Chiến công của F324 thời chống Mỹ được ghi nhận vào ca khúc Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục, lời ca như một bản báo công, những lần gặp mặt anh em nói vui: Chẳng cần phải báo cáo gì cho dài dòng, cứ hát bài Tiếng đàn Ta Lư là đủ! Hai lần đánh vào Huế, lần thứ nhất năm 1968, lần thứ hai giải phóng Huế 1975, ngày 26 - 3. Rồi tiếp tục có mặt trong sự tan vỡ của đám tàn quân Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng ngày 29 - 3. Rất tiếc theo lệnh trên, sư 324 không tiếp tục Nam tiến theo cánh quân duyên hải của tướng Lê Trọng Tấn mà dừng lại làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, trong đó có việc cắt cử một bộ phận âm thầm đi giải phóng Trường Sa… Kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ và 10 năm giúp bạn Lào, sư đoàn 324 hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.
***
Vào tháng 6 - 1966, nhằm ngăn chặn âm mưu của địch muốn mở rộng chiến tranh trên bộ ra miền Bắc, đặc biệt là khu 4, Quân ủy trung ương quyết định mở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Địa bàn của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị từ nam sông Bến Hải đến nam Đường 9 bao gồm 3 huyện Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa. Đến thời điểm này trên địa bàn chỉ có quân ngụy thuộc sư đoàn 1 và các tiểu đoàn biệt động quân tăng cường. Từ 20 đến 26 - 6 - 1966, trung đoàn 90 của ta âm thầm vượt sông Bến Hải và lần lượt các trung đoàn 803 và 812 cũng vượt sông trở lại quê hương. Sau ngày toàn thắng 1975 trong mớ hồ sơ lộn xộn, không còn nhớ là ở Tổng tham mưu hay Tổng cục Chiến tranh chính trị quân đội VNCH, tôi (người viết bài này) đọc được mẩu tin: “Sư đoàn 324 Bắc Việt do sư trưởng Chu Phương Đới người Thổ chỉ huy đã vượt sông Bến Hải. Chưa rõ địa điểm đóng quân và hướng tác chiến”. Hóa ra đối phương theo dõi chúng ta sát sao.
Mở màn chiến dịch là trận Đầu Mầu, tiểu đoàn 8 (trung đoàn 90) diệt gọn một đại đội biệt động quân, tiếp theo các trung đoàn bạn nổ súng diệt một loạt chốt điểm ở Cùa, Miến Hòa, Bản Hiệu, Phượng Nghĩa… Bị đánh đau, Đông Hà và thị xã Quảng Trị bị uy hiếp nhưng mãi đến 10 ngày sau, sau khi pháo binh và máy bay oanh tạc dữ dội, địch đổ một tiểu đoàn dù xuống khu vực Lèn 300 đất và Lèn 300 đá Bãi Mít. Tiểu đoàn 9 của ta đã bố trí sẵn ở khu vực này bắn cháy 5 trực thăng khiến kế hoạch đổ quân của địch không thực hiện được. Bọn địch bối rối, tuyến ngăn chặn địa đầu phía Bắc rất quan trọng của địch bị uy hiếp, chúng nhận thấy sự hiện diện của quân chính quy Bắc Việt. Mới đánh đã thua, nếu tiếp tục đánh còn thua nữa, nếu đưa quân Mỹ ra ứng cứu thì ảnh hưởng đến kế hoạch phản công chiến lược của quân đội Mỹ lần thứ hai vào miền Đông Nam Bộ. Để buộc quân Mỹ phải đưa quân ra Quảng Trị, sư đoàn 324 triển khai quân khắp nơi hiểm yếu, đánh liên tục những trận nhỏ như Cù Đinh, Ba De, Quán Ngang, cầu Trúc Khê…
Ngày 12 - 7 - 1966, 16 ngày sau trận Đầu Mầu, tại Đà Nẵng, đại tướng Oét-mo-rơ-len, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, trung tướng Uôn-tơ, tư lệnh thủy quân lục chiến và trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh vùng 1 chiến thuật thống nhất kế hoạch đối phó với quân giải phóng như sau: Đưa sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 từ Chu Lai ra Trị Thiên, mở cuộc hành quân liên kết Mỹ - Việt mang tên Hat-xtinh (hành quân Lam Sơn 289, phía VNCH gọi) với lực lượng 11 tiểu đoàn (6 Mỹ , 5 Sài Gòn) với sự yểm trợ tối đa của B52, máy bay chiến thuật và pháo hạm nhằm “tìm diệt” quân chủ lực Bắc Việt, cắt đứt đường vận chuyển từ Bắc vào Nam qua sông Bến Hải. Ngày 16 - 7 - 1966, cuộc hành quân Hat-xtinh bắt đầu. Đây là trận đầu các trung đoàn của sư 324 đọ sức trực tiếp với quân chiến đấu Mỹ.
Đồng chí Vũ Thang kể lại: Từ 7 giờ sáng, hàng trăm máy bay trực thăng loại 2 chong chóng chở từng trung đội lính Mỹ lập cầu hàng không từ Đông Hà lên, cứ mỗi tốp 3 máy bay chúng liên tục đổ quân 8 giờ liền xuống khắp núi rừng Bắc Quảng Trị. Chúng không ngờ sư đoàn 324 đã vào đủ, chiếm giữ các điểm cao, đang sẵn sàng chiến đấu.
Học tập các chiến sĩ đoàn Ba Gia trong trận Vạn Tường “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, đánh cho bọn Mỹ không kịp trở tay khi máy bay chúng vừa chạm đất. Thế là hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ bị ta tiêu diệt ngay ngày đầu tiên.
Trong bài hát Tiếng đàn Ta Lư của Huy Thục có câu “Trông kia…, một, hai, ba, bốn, chục… tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia, nó bỏ xác trên rừng. Bộ đội giải phóng quân ơi! Các anh đánh hay hung!” hoàn toàn không nói ngoa và có thể còn nhiều hơn trong từng trận đánh. Về phần ta cũng hy sinh nhiều nên trận chiến kéo dài hơn 10 ngày, không bên nào lấy được thương binh liệt sĩ. Trời đổ mưa trôi cả xác lính Mỹ và anh em ta ra suối, bộ đội bị nước ăn chân, ốm đau thương tật…
Sự xuất hiện trên chiến trường một lực lượng áp đảo về quân số, mật độ hỏa lực dày đặc của địch khiến quân ta gặp khó khăn không ít, nhất là chiến thuật nhảy cóc của chúng, đổ quân chiếm điểm cao, chặn đường tiếp tế liên lạc của quân ta.
Tại cao điểm 402, có một đại đội Mỹ chốt giữ, khống chế đường cơ động của ta. Dưới chân cao điểm là một điểm tập kết thương binh các nơi về, chờ dân công bờ Bắc vào chuyển lương thực đạn dược, lượt ra chuyển anh em bị thương. Con số thương binh có sách ghi là 300, theo đồng chí Vũ Thang là 500. Tình thế hết sức ngặt nghèo. Có điều lạ là bọn Mỹ chốt trên đỉnh cao chết nhát không dám lùng sục ra xung quanh nên anh em được tạm yên trong mấy ngày, nhưng dân công từ xa thì không thể tiếp cận thương binh.
Đòi bắt rể trong hội nghị quân sự
Ngày 17 - 7 - 1966, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Quảng Trị do Đại tá Nam Long, Phó Tư lệnh tổ chức Hội nghị Quân sự tại trung đoàn 90. Ngoài Ban chỉ huy trung đoàn và các vị Tiểu đoàn trưởng, ông cho triệu tập cả các Đại đội trưởng (còn nhớ có 7 người). Ông muốn nghe các Đại đội trưởng trực tiếp trình bày phương án đánh Mỹ mở đường cho vận chuyển thương binh.
Trong khi các Đại đội trưởng khác chọn tập kích ban đêm thì Vũ Thang còn 70 tay súng khỏe mạnh chọn đánh vào lúc 15 giờ. Ngạc nhiên, ông Nam Long hỏi lại: Tại sao chọn đánh buổi chiều? Vũ Thang trả lời: Anh em hy sinh nhiều quá nên lính trẻ bỗng nhiên sợ ma. Mọi người cười rộ lên. Vũ Thang tiếp: Buổi chiều, gió to, cây lá rung, ngụy trang tiệp với cây rừng, địch khó phát hiện, anh em nhìn thấy nhau nên yên tâm. Ông Nam Long với phong thái người Tày cười ha hả, hứa to giữa hội nghị: “Mày đánh thắng trận này, làm con rể tao”. Biên bản hội nghị được đồng chí Huỳnh Môn, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ ghi lại.
Trận đánh hy hữu
Ngay chiều hôm đó, 17 giờ ngày 17 - 7, lợi dụng gió to làm lay động cành lá trên cao điểm, đại đội 3 tiểu đoàn 9 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Thang đưa đội hình tiếp cận mục tiêu rồi dùng hỏa lực đi cùng khống chế địch để bộ binh ta áp sát. Bọn địch dường như đã nhận ra mối nguy hiểm sắp ập xuống đầu nên chuẩn bị rút quân bằng trực thăng. Đại đội 3 nổ súng mãnh liệt. Bọn chốt giữ trên đỉnh đồi bỏ chạy xuống sườn đồi 402 chờ trực thăng bốc đi. Khi đại đội 3 lên được đỉnh đồi thì đã có 3 trực thăng loại hai chong chóng chở quân đã cất cánh chạy thoát. Còn lại 5 chiếc đang bốc quân mới ì ạch cất cánh độ cao 30, 40 mét. AK (tiểu liên), RPD (trung liên) toàn đại đội phát dương hỏa lực tối đa. Anh em bảo: Thuở bé đến giờ mới gặp mục tiêu vừa to, vừa chậm chạp, lại gần đến thế. Cả 5 chiếc rơi ngay tại chỗ bốc cháy dữ dội. Không có một tiếng súng bắn trả. Trận đánh kết thúc chưa đến nửa giờ. Trời chiều, mây giông vần vũ nên chẳng có máy bay nào lên phản ứng cả. Anh em tràn xuống sườn đồi đi tìm thương binh. Đại đội 3 không ai bị thương, riêng Đại đội trưởng Vũ Thang bị một mảnh đạn găm vào mông. Mảnh đạn đó “chung sống hòa bình” với anh mấy chục năm đến tận ngày nay.
Từ tháng 9 - 1966, bước vào mùa mưa, sư 324 thu quân về bờ Bắc, cắm lại K9 (tiểu đoàn 9) và đại đội đặc công nhằm giữ địa bàn, quấy rối địch chống lấn chiếm… Ngày đó anh em gọi phương thức này là “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Đó là năm đầu tiên đánh Mỹ, mở đầu cho những trận đánh vang dội hơn sau này…
Chuyện vui 40 năm sau
Chiến tranh kết thúc đã lâu. Sư đoàn 324 vẫn đóng quân ở Đô Lương không ngừng lớn mạnh. Các Ban liên lạc truyền thống sư đoàn 324 được tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Vinh, Đà Nẵng bao gồm các thế hệ quân nhân trước sau đến với sư đoàn. Những anh em ở tỉnh xa vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi.
Năm 2008, kỷ niệm 40 năm Mậu Thân 1968, TP. Huế tổ chức gặp gỡ hội thảo những quân nhân tham gia Mậu Thân Huế, trong số CCB tham dự còn có cả con cháu của họ. Trung tá Huỳnh Môn, ngày ấy với chức năng tổ chức cán bộ nên biết, nhớ được nhiều người. Ông kéo Vũ Thang đến trước một phụ nữ trung niên và mời anh em CCB bước lại nghe ông giới thiệu. Ông nói to: Xin giới thiệu đây là cô Bình con gái của Trung tướng Nam Long và đây là Đại tá Vũ Thang, ngày ấy là Đại đội trưởng đánh thắng Mỹ trên đồi 402, giải cứu thương binh. Một chuyện không mấy ai biết và không còn nhớ là trong Hội nghị Quân sự trung đoàn 90, Đại tá Nam Long khen phương án tác chiến của Vũ Thang và hứa “Mày đánh thắng trận này, làm rể tao”. Bây giờ thắng rồi, thắng to, thắng toàn diện, thắng tuyệt đối thì tính làm sao đây? Mọi người bất ngờ quay ngược lại quá khứ anh hùng, vỗ tay rào rào. Vũ Thang mạnh mồm thế nhưng lại lúng túng trước phụ nữ. Biết tính ông bố khi vui chuyện hay hứa gả con gái lung tung, đã quen trước những tình huống này cô Bình từ tốn: Thưa các chú các bác các anh CCB, ngày các anh đánh ở Quảng Trị em mới 6, 7 tuổi, bé như chiếc kẹo, biết gì chuyện chồng con, bố em vui mồm đòi làm thông gia với ông này, đòi gả con gái cho anh nọ, mong các anh xem như lời nói vui cho đẹp lòng mọi người, cho vui câu chuyện, cho dù chú Huỳnh Môn có ghi biên bản. Nhưng dù sao cũng cảm ơn chú Huỳnh Môn đã giới thiệu các anh hùng chiến đấu ở Quảng Trị, những nguyên mẫu của ca khúc Tiếng đàn Ta Lư cho cháu được biết, được làm quen. Xin bắt tay mọi người. Thái độ xởi lởi của cô Bình giúp Vũ Thang tránh đi một tình huống khó xử.
Mảnh đạn trong mông
Về hưu, chuyện gia đình con cháu đều ổn thỏa, Vũ Thang chăm lo sức khỏe, thường đi đánh bóng bàn. Ông lão ngoài 80 đó vẫn nhanh nhẹn, nói oang oang như đứng trước hàng quân, nhưng miệng thì mạnh mà cái mông dở ẹc. Buổi chiều 17 - 7 - 1966, đánh đuổi được Mỹ khỏi đồi 402, giải cứu được thương binh nhưng đã để lại trong mông Vũ Thang một mảnh đạn. Còn trẻ thì không thấy vấn đề gì, về già trái gió trở trời thấy nhức nhối. X-quang rồi siêu âm, các bác sĩ cho biết mảnh đạn đó đã xê dịch và định vị bên xương chậu, sụn đã bọc lại. Muốn lấy ra phải mổ hở, lâu lành. Ngại đau, ngại tù túng khi nằm bệnh viện, Vũ Thang cà nhắc ra về, tuyên bố tiếp tục chung sống hòa bình với mảnh đạn.
N.Q
(Nguồn Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 424)