Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng cổ Diên Sanh nơi nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa (kỳ 2)

Các công trình kiến trúc tiêu biểu và những dấu ấn lịch sử, văn hóa
Các công trình kiến trúc văn hoá tiêu biểu
Cũng như bao làng quê khác trên vùng đất Quảng Trị, người dân làng Diên Sanh sau khi đã ổn định được cuộc sống trên vùng đất mới với vô vàn những gian nguy vất vả, họ cũng đã sớm thích nghi với điều kiện hoàn cảnh để cùng nhau chung sống, lao động và định hình nên một làng quê hoàn chỉnh. Đặc biệt, họ đã chắt chiu, dành dụm và sớm xây dựng nên một thiết chế văn hoá. Đó chính là những công trình kiến trúc tín ngưỡng lần lượt ra đời, hiện hữu và tồn tại qua hàng thế kỷ cho đến ngày nay, hội tụ đầy đủ những nét tinh hoa của một làng quê truyền thống mà không phải bất cứ làng quê nào cũng có được. Đây chính là những dấu ấn lịch sử và văn hoá mà con người Diên Sanh đã dày công tạo dựng, tô bồi qua bao đời.

Chùa Diên Thọ, Diên Sanh, Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Tân Lâm

Chùa Diên Thọ, Diên Sanh, Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Tân Lâm

Đình làng Diên Sanh

Đây là một công trình mang đậm dấu ấn đặc trưng của kiến trúc đình làng Việt miền Trung làng mới định hình (khoảng thế kỷ XVI - XVII). Đình được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, nằm ngay trên trục đường trung tâm (trước đây là tỉnh lộ số 8, nay là đường Trường Chinh, thị trấn Diên Sanh), bố trí theo trục tọa Canh hướng Giáp (tức theo hướng bắc - nam). Trước đình là chợ Kẻ Diên/Diên Sanh (nay đã chuyển đi nơi khác). Theo hồi ức của các bậc cao niên cho biết thì nguyên xưa, đình làng Diên Sanh được coi là một trong những ngôi đình nổi tiếng quy mô trong vùng với một tòa đại đình nằm dọc gồm 5 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, các cột đình to lớn một người ôm không xuể; bên trong chạm khắc công phu, có nhiều án thờ sơn son thếp vàng rất đẹp. Ðến năm 1950, ngôi đình bị thực dân Pháp đốt cháy hoàn toàn. Năm 1955, do điều kiện kinh tế khó khăn nên dân làng chỉ dựng lại một ngôi nhà nhỏ để thờ tự. Năm 1996, đình làng Diên Sanh được khởi công xây dựng lại mới hoàn toàn và đến năm 2012 thì hoàn thành.

Kiến trúc đình làng Diên Sanh là ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái bố trí theo chiều dọc, mặt tiền mở ra từ gian chái với một bộ khung gỗ chịu lực có các hàng cột trụ kích thước rất lớn với hàng cột nhất có đường kính hơn 40 cm, được phân thành 5 gian, 2 chái; kết cấu kiểu vài chồng, cột nóc. Đầu các vì kèo được chạm các họa tiết hoa văn tinh xảo. Mặt trước bố trí 3 liên cửa gỗ đóng theo mô thức cửa bình khoa (thượng song hạ bản). Bộ mái lợp ngói móc, tam giác đầu hồi mặt chính diện thể hiện mảng trang trí mặt hổ phù. Trên đỉnh nóc gắn họa tiết “lưỡng long triều nguyệt”. Các diềm mái bố trí hình các con vật trong tứ linh, các đầu đao gắn dao lá, hồi văn. Xung quanh xây tường gạch. Về các phía, dựa vào các vì kèo mở ra xung quanh là hệ thống hàng hiên rộng dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có nghi môn, hệ thống cổng trụ, tường thành phía trước cùng bức bình phong, miếu thờ bà hỏa và một nhà bia bên trong dựng một tấm bia ghi một bài văn bằng chữ Hán và được dịch ra tiếng Việt, nội dung ghi lại nguồn gốc thứ tự các dòng họ đến lập làng. Trụ biểu trước đây có đôi câu đối:

“Thiên tạo khai sơn đường đường thập ngũ tộc trực dũng khai cơ Ô/Thuận xứ / Ðịa truyền danh tích nguy nguy thiên cổ miếu báo công thác thủy Diên Sanh hương”. (Trời tạo giang sơn rực rỡ, mười lăm họ mở mang khai phá xứ Ô/Thuận / Ðất truyền danh tích sừng sững, ngàn năm miếu báo công mở cõi làng Diên Sanh).

Phối trí thờ tự bên trong gồm 4 dãy hương án. Từ ngoài đi vào, 3 hương án ở hàng thứ nhất thờ chung cho tất cả các vị thần; 3 án thờ ở hàng thứ 2 thờ các vị phúc thần đã có công với làng; 3 án thờ ở hàng thứ 3, án to chính giữa thờ Thành hoàng, 2 án tả hữu thờ Đông sát hải và Nam sát hải; 3 án thờ ở hàng sau cùng chính giữa thờ Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương vương, bên trái thờ 3 ngài Chính Tiền khai khẩn thuộc các họ Nguyễn Văn, Nguyễn Tín và Phạm Văn, bên phải thờ 7 ngài Tiền khai khẩn (thất họ) gồm Phan Sĩ, Dương Viết, Trịnh Văn, Trần Văn, Lê, Đặng, Hoàng Văn. Bên dưới thờ Thủy tổ 5 dòng họ (ngũ phái) là Trần Thanh, Phan Đình, Nguyễn Như, Nguyễn Danh và Trần Đại.

Chùa Diên Thọ

Với lịch sử du nhập lâu dài, Phật giáo đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hoá tôn giáo của người Việt. Hành trình buổi ban đầu trên đất Việt chắc chắn sẽ khó khăn, Phật giáo đã tìm cách hội nhập với tín ngưỡng bản địa để tìm chỗ đứng. Tuy nhiên, ngày nay, các tư liệu ít ỏi còn lại không cho phép chúng ta có một cái nhìn đầy đủ về đời sống Phật giáo buổi đầu cũng như diện mạo kiến trúc của các ngôi chùa làng qua chiều dài lịch sử. Chắc chắn trong suốt hành trình dài đằng đẵng đó, Phật điện nói riêng và diện mạo kiến trúc của các ngôi chùa đã không ngừng thay đổi để phù hợp với nhu cầu tu học của nhà tu hành, tín đồ mộ đạo cũng như người dân chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Trong số đó thì chùa Diên Thọ cũng không phải là một ngoại lệ.

Chùa Diên Thọ có lịch sử hình thành và quy mô xây dựng tương đối bề thế. Ngôi chùa được xây dựng trên một đồi cát, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây cổ thụ tương đối rợp bóng. Căn cứ vào bức hoành phi “Diên Thọ tự” và dòng lạc khoản “Nội lệnh sử ti huấn đạo Nguyễn Ngọc Quỳnh pháp danh Liễu Giác, thê Nguyễn Thị Huyền pháp danh Liễu Diệu phụng cúng”, “Tuế tại Kỷ Mão quý hạ cốc đán” có nhiều ý kiến cho rằng chùa Diên Thọ được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Thời điểm tháng 6 năm Kỷ Mão, khi vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Quỳnh phụng cúng bức hoành phi được xác định là năm 1759 và đây cũng chính là thời điểm chùa xây dựng hoàn thành. Lúc đầu, chùa chỉ có một ngôi chính điện, đến năm Canh Thìn (1820) thì làm thêm phần tiền đường. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu lại nhiều lần. Hiện trạng ngày nay là kết quả của lần trùng tu năm 1987 và gần đây nhất là đợt trùng tu vào tháng 4 năm Nhâm Ngọ (2002). Tuy có một số thay đổi nhưng về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa từ năm 1759 (đối với chính điện) và năm 1820 (đối với tiền đường). Đây là một công trình được xây dựng vừa mang phong cách dân gian lại vừa mang lối kiến trúc cung đình. Toàn bộ công trình bao gồm các hạng mục chính là cổng tam quan, quan âm các, vườn lâm tì ni, điện thờ và nhà tăng.

Ngoài Diên Thọ tự ra thì ở trên địa bàn làng Diên Sanh còn có hai ngôi chùa khác là Diên Chính và Diên Phước. Đây vốn dĩ là nơi sinh hoạt Phật giáo của cư dân giáp Chính và giáp Phước của làng Diên Sanh. Tuy về mặt quy mô không bề thế bằng chùa Diên Thọ nhưng cũng được xếp vào danh mục các ngôi chùa cổ được hình thành từ khá sớm trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Hệ thống các nhà thờ họ tộc

Hệ thống các nhà thờ họ tộc của làng Diên Sanh được trải dài dọc theo phần đất của làng. Có 12 nhà thờ họ được xây dựng khá bề thế. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi thờ thủy tổ và các vị thần linh thuộc đối tượng của hệ thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn gọi là đạo thờ cúng tổ tiên), thờ gia phả của dòng tộc; nơi tổ chức các hoạt động cúng tế, hội họp của thành viên họ tộc trong các dịp giỗ, chạp, tảo mộ, các dịp sóc vọng... Trong chiến tranh, nhiều nhà thờ họ đã bị hư hại, nhiều năm qua, các nhà thờ họ đều đã được tu sửa và xây dựng lại. Dù qua nhiều lần sửa chữa, thay đổi diện mạo kiến trúc, nhưng đa phần các nhà thờ họ đều vẫn giữ được cốt cách xưa cũ và là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc. Điều đặc biệt là trong các nhà thờ họ hiện nay còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử như sắc phong, gia phả, đồ tự khí, đối liễn, hoành phi... Đây là những tài sản quý giá, là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ đắc lực cho quá trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị một cách đúng mức.

Hệ thống các ngôi miếu thờ

Đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân làng Diên Sanh khá phong phú và đa dạng trong đó thì việc thờ cúng thần linh luôn được chú trọng và được thể hiện thông qua sự xuất hiện của các ngôi miếu và tổ chức các lễ tế định kỳ hàng năm nhằm tri ân, tưởng niệm, sùng bái và cầu vọng... Miếu là nơi thờ cúng Thành hoàng làng, các vị Tiền, Hậu khai khẩn, khai canh, Thủy tổ các họ tộc, những người có công với làng, với nước cùng những vong hồn đã khuất…

Nhà thờ giáo xứ Diên Sanh

Đây là một công trình tôn giáo mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa. Lịch sử hình thành tồn tại của giáo xứ Diên Sanh gắn liền với quá trình du nhập của đạo Thiên chúa trên vùng đất thuộc Hải Lăng ngày nay. Nhà thờ giáo xứ Diên Sanh là giáo đường hành lễ của giáo dân hiện đang sinh sống trên địa bàn thị trấn Diên Sanh và một số vùng phụ cận. Giáo xứ Diên Sanh là một xứ đạo ra đời từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà thờ của giáo xứ Diên Sanh được bắt đầu xây dựng vào năm 1953 dưới thời thuộc Pháp do cha cố người Pháp tên là Mauvais đến mua một sở đất của làng Diên Sanh rồi lập nên. Lúc ban đầu chỉ có nhà thờ dùng làm thánh đường cho giáo dân hành lễ. Năm 1956, xây dựng thêm nhà linh mục. Đến năm 1970, hệ thống các công trình trong khuôn viên nhà thờ đã tương đối hoàn chỉnh với sự có mặt của tháp chuông, thánh đường, phước viện, nhà tu nữ, nhà cha sở, thư viện... Trong chiến tranh, nhà thờ bị bom Mỹ tàn phá, toàn bộ khu giáo xứ chỉ còn lại gác chuông. Đến năm 1996, giáo xứ được khôi phục lại như hiện trạng ngày nay. Sự có mặt của giáo xứ Diên Sanh được coi là một dấu mốc trên chặng đường lịch sử Thiên chúa giáo của vùng Quảng Trị.

Vùng Càng Hải Lăng, nơi có sông Ô Giang nối sông Ô Lâu với sông Vĩnh Định - Ảnh: Tân Lâm

Vùng Càng Hải Lăng, nơi có sông Ô Giang nối sông Ô Lâu với sông Vĩnh Định - Ảnh: Tân Lâm

* Những dấu ấn lịch sử, văn hoá

Cư dân Việt di cư từ đất Bắc vào tiếp quản vùng đất mới từ sau đám cưới của Huyền Trân công chúa vào tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) và lần lượt hình thành nên tổ chức làng xóm trên cơ sở các thành quả mà người Chăm để lại vào các thời kỳ tiếp đó. Quá trình tiếp quản, xây dựng, phát triển và định hình các thiết chế văn hóa Việt ở Quảng Trị, Hải Lăng nói chung và mảnh đất Diên Sanh nói riêng là quá trình các thế hệ người Việt trong cộng đồng làng xã phải đối mặt với nhiều thử thách cam go trong hành trình chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội. Không những phải chứng kiến các cuộc giao tranh Chăm - Việt liên miên để bảo vệ chủ quyền; chịu nỗi thống khổ dưới ách đô hộ của giặc Minh trong các thế kỷ XIV - XV; đương đầu với những biến động ly loạn do sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến trong các thế kỷ XVI - XVII; mà còn phải nếm trải không biết bao nhiêu nỗi cực nhọc, vất vả trong cuộc khai sơn, phá thạch, canh điền, lập ấp.

Từ trong cuộc vật lộn với thiên tai khắc nghiệt, vượt lên trên các điều kiện, hoàn cảnh xã hội phức tạp qua nhiều thế kỷ trên hành trình mở nghiệp Nam tiến của dân tộc, các thế hệ người dân làng Diên Sanh đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để chinh phục tự nhiên, khẩn hoang đất đai, mở rộng diện tích, tạo lập làng xóm. Không ngừng hun đúc cho mình một truyền thống cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động, đồng cam cộng khổ, đoàn kết gắn bó, chung lưng đấu cật trong đấu tranh và xây dựng; luôn luôn lạc quan và đặt niềm tin khát vọng mãnh liệt về một cuộc sống tươi mới của ngày mai.

Bài ca dao về xứ Kẻ Diên chưa phản ánh tất cả nhưng cũng đã thể hiện một cách cô đọng và đầy đủ về nghị lực vượt khó, bản lĩnh kiên cường và tố chất lạc quan, kiêu bạc của người Diên Sanh/Hải Lăng/Quảng Trị.

“Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn / Tháng khốn, tháng nạn / Đi vay đi mạn, được một quan tiền / Ra chợ Kẻ Diên / Mua mười quả trứng / Đem cho gà ấp / Một trứng ung, hai trứng ung, ba trứng ung, bốn trứng ung, năm trứng ung, sáu trứng ung, bảy trứng ung / Còn lại ba trứng / Nở được 3 con / Con diều tha, con quạ cắp, con mặt cắt lôi  / Chớ than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”(12).

Sách Ô châu cận lục chép về vùng đất Diên Sanh xưa bằng những đoạn đầy chất thơ nhưng cũng khá súc tích, có tính khái quát nhằm ca ngợi, vinh danh phong tục, cảnh trí và con người vùng này: “Phá Hải Lăng ở xã Diên Sanh. Phía đông ôm lấy kênh dài. Phía tây liền với đồi núi, lại có đền Thủy tộc sừng sững ở phía nam, tòa tháp Trung Đan cao vòi vọi bên mặt bắc. Cá tôm nhung nhúc là nguồn lợi của cư dân. Sen súng rong tảo sinh sôi um tùm. Sắc nước trong ngần, đáy nước lồng lộng bóng trời xanh. Hoa cười đón khách, hương đưa chục dặm. Lá biếc như bít tất nàng tiên, hoa đỏ hơn cánh xiêm Chức Nữ. Đây là một cảnh đẹp của huyện Hải Lăng”.

“Sen phá Hải Lăng đỏ thắm không khác sen Tây Hồ”.

“Diên Sanh lắm chàng tuấn kiệt”(13).

Cộng đồng dân cư làng Diên Sanh chủ yếu sống bằng nghề nông. Họ cư trú ở vùng đồng bằng phía đông và mưu sinh chủ yếu là trồng lúa nước và các loại cây hoa màu. Trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ: đông xuân là vụ chính; hè thu chỉ là phụ. Vụ đông xuân thường cấy lúa de, lúa hẻo, lúa chùm vì có thân cao chống ngập lụt. Việc đắp đập, trồng cây chắn cát, bảo vệ các khu rừng rú của hệ sinh thái rú cát nhằm chống cát bay, cát lấp, gìn giữ môi sinh, môi trường, khai đào các khe hói để dẫn nước tưới ruộng và tiêu nước vào mùa mưa lũ đã được chú ý từ xưa. Địa hình vùng ruộng trũng là nơi tốt cho việc chăn thả vịt chạy đồng theo mùa và đánh bắt các loại thủy sản trên đồng ruộng. Vào những lúc nông nhàn, người nông dân luôn tận dụng thời gian để hoạt động thêm các nghề phụ như đan lát để làm ra các dụng cụ thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất của từng gia đình hoặc cung ứng cho thị trường nội khu vực. Làng Diên Sanh do lợi thế có chợ đầu mối Diên Sanh nên người dân từ xưa đã nhanh chóng tiếp xúc với kinh tế thị trường để phát huy lợi thế của tố chất thị dân và có năng lực trong buôn bán, trao đổi. Diên Sanh cũng là nơi nổi tiếng với đặc sản ẩm thực lòng sả và cháo vạc giường. Bởi thế dân gian thường truyền tụng câu ca rằng: “Nhớ chi hơn cháo vạc giường / Đứng mơ mùi ném, ngồi thương mùi hành”.

Diên Sanh còn là vùng đất lưu nhiều dấu ấn văn hóa dân gian truyền thống. Trải qua nhiều thời kỳ, con ng­ười trên mảnh đất này không chỉ tạo nên các giá trị về tình đoàn kết, cần cù, chịu khó, truyền thống đấu tranh anh dũng kiên c­ường, sản sinh ra những con người tài hoa mà còn tạo lập nên những di sản văn hóa quý giá, góp phần làm phong phú cho kho tàng di sản văn hoá dân tộc trên vùng đất Hải Lăng - Quảng Trị.

Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như thế còn tồn tại đến nay trên địa bàn xã Hải Thọ rất xứng đáng được trân trọng và cần được bảo tồn.

Nằm trên trên tuyến đường thiên lý Bắc Nam, nơi có hệ thống kênh rạch nối thông vùng đồng bằng chiêm trũng và liên kết với hệ chi lưu sông Vĩnh Ðịnh nên chợ Diên Sanh trở thành chợ đầu mối không chỉ cả vùng đồng bằng Hải Lăng mà còn với cả các vùng Triệu Phong (Quảng Trị) và Hương Ðiền (Thừa Thiên). Chính các tuyến đường thủy bộ này đã tạo điều kiện để chợ Diên Sanh trở thành trung tâm thương mại thu hút các nguồn hàng hóa, nông sản, vật phẩm rất phong phú từ vùng đồng bằng, miền núi và miền biển, thuận tiện cho việc lưu thông, mua bán, trao đổi; đảm bảo các nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt của cư dân một vùng rộng lớn. Sách Đại Nam nhất thống chí, bản in thời Tự Đức chép: “Chợ Diên Sanh ở huyện Hải Lăng quán xá đông đúc”(14). Sản phẩm hàng hóa dùng để trao đổi trong chợ đa phần là các loại nông sản thực phẩm do người nông dân từ các làng quê vùng đồng bằng và vùng biển cung cấp như: gạo, nếp, sắn, khoai, rau quả, gia vị, cá đồng, thịt gia súc, gia cầm, các loại cá, tôm, mắm, nước mắm, muối... Các loại hàng thủ công, đồ sinh hoạt, đồ gia dụng cũng do các làng sản xuất như: các mặt hàng mây tre đan, vải lụa, vải thô, sô gai, áo tơi, nón, dép, đồ gốm sành Phước Tích, đồ vàng mã... Ngoài ra còn có rất nhiều loại hàng hóa không có trong vùng mà do các thương nhân, lái buôn đưa từ nơi khác đến.

Thư tịch hồi cố ở làng Diên Sanh biên chép thời điểm ra đời của chợ là từ thế kỷ XVI. Một văn bản của tộc Phạm Văn đề cập lịch sử 3 dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Tín và Phạm Văn có ghi câu ước chỉ nói rõ chợ Diên Sanh thành lập dưới thời Lê Thế Tông niên hiệu Gia Thái (1573 - 1577). Còn trong văn bản họ Phan lại cho biết chợ Diên Sanh được thành lập vào năm 1598. Song trên thực tế, ngôi chợ này đã được hình thành từ thời của cư dân tiền trú trước người Việt.

Bên cạnh truyền thống lao động, trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, đất và người Diên Sanh từng chứng kiến nhiều biến cố xã hội, cùng cả dân tộc vượt qua nhiều cơn hoạn nạn, binh đao, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh vì nghĩa lớn, để lại nhiều dấu ấn khắc sâu và một truyền thống yêu nước đáng tự hào.

Thời thuộc Minh, làng Diên Sanh nói riêng và Hải Lăng nói chung là nơi đứng chân của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh của nhà hậu Trần. Từ thế kỷ XVI nhà Lê suy yếu, chính quyền trung ương phân hóa thành 2 tập đoàn Bắc và Nam triều (Lê - Mạc) dẫn đến tình trạng đất nước chia thành Đàng Trong - Đàng Ngoài. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Lê - Mạc, Trịnh - Mạc, Trịnh - Nguyễn kéo theo một cuộc chiến tranh liên miên làm cho vùng đất Thuận Hóa/Quảng Trị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Năm 1531, Hoàng Bôi(15), người làng Câu Nhi (Hải Tân nay), giữ chức Ðồng tri Thiên vệ và làm Phó Tướng đạo Thuận Hóa dưới triều Mạc; sau khi quân Mạc thất thế, nhà Lê đưa quân vào khống chế Thuận Hóa, ông củng cố thế lực đánh nhau với quân Nam Triều suốt 13 năm trời (1531 - 1544). Căn cứ của nghĩa quân đóng ở đầu nguồn sông Ô Lâu, một mình Hoàng Bôi điều binh chống giữ, những người trung nghĩa theo về rất nhiều. Lực lượng nòng cốt là nhân dân các xã vùng phía tây nam Hải Lăng, trong đó có nhân dân làng Diên Sanh.

Thời chúa Nguyễn, mặc dù vẫn phải chịu cảnh binh đao, loạn ly do cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm tháng, nhưng nhờ các chính sách kinh tế, xã hội tích cực hơn so với Ðàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã góp phần tích cực không chỉ vào việc thu phục nhân tâm mà còn góp phần đem lại sự ổn định để người dân vượt qua khó khăn, vươn dậy trong những vận hội mới. Trong những năm 1681 và 1693, chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu cho đào kênh Trung Đơn để giải quyết vấn đề ngập úng trong mùa mưa lũ. Việc làm này đã tác động mạnh mẽ đến quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Diện tích ruộng đất canh tác không ngừng được mở rộng và năng suất cây trồng cũng tăng lên một cách đáng kể. Với sự có mặt của kênh đào này đã tạo ra một mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng cho cả vùng trũng phía đông nam của huyện Hải Lăng trong đó có làng Diên Sanh.

Từ năm 1771, phong trào nông dân dấy lên khởi nghĩa ở Bình Ðịnh và nhanh chóng ảnh hưởng khắp cả Ðàng Trong. Phong trào nông dân Tây Sơn làm cho Thuận Hóa lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị. Lợi dụng tình thế nguy ngập của chúa Nguyễn ở Phú Xuân, chúa Trịnh cử tướng Hoàng Ngũ Phúc đem 3 vạn quân vào đánh chúa Nguyễn. Cuộc đánh chiếm Phú Xuân diễn ra thuận lợi nhưng không thu phục được nhân dân Thuận Hóa/Quảng Trị. Vì thế, các cuộc nổi dậy chống chúa Trịnh lại tiếp tục diễn ra. Năm 1775, căm phẫn trước các hành động bạo ngược, vơ vét của quân đội Đàng Ngoài, dân làng Diên Sanh đã hòa chung với nhân dân trong huyện Hải Lăng, Ðăng Xương nô nức tham gia cuộc khởi nghĩa chống quân Trịnh do Ca Lâm và Huyền Mộc chỉ huy với các trận đánh được tổ chức ngay chính trên địa bàn làng Diên Sanh và một số nơi khác như ở Trung Đơn...(16).

Dưới thời nhà Nguyễn, nhờ chính sách tích cực của nhà nước trong việc khai hoang như cấp tiền, nông cụ, thóc giống cho những người có nguyện vọng đi khai hoang để cư trú; khai hoang được nhiều thì cho lập phường hiệu; nhờ đó, các nhóm cư dân từ các làng cái Diên Sanh đã mạnh dạn di cư mạnh lên vùng gò đồi, tạo điều kiện cho việc hình thành các phường mới dưới thời thuộc Pháp; trong đó có Tân Diên, Diên Trường. Các vua nhà Nguyễn cũng nhiều lần cho nạo vét và đào các đoạn sông cũng như nhiều tuyến kênh mương khác đi qua địa phận làng Diên Sanh. Năm 1823, Minh Mạng cho đào kênh Diên Sanh - Đơn Quế; năm 1826, đào kênh Kim Long - Diên Sanh… Việc làm này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp đối với Diên Sanh mà còn góp phần đảm bảo nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp, thoát úng cho cả một vùng rộng lớn lân cận. Nhờ đó mà đời sống xã hội nơi đây ngày một ổn định, diện mạo làng xóm trở nên trù phú, tạo đà cho sự phát triển lâu dài mang tính bền vững trên vùng đất Diên Sanh trong quá khứ cũng như hiện tại.

Phong thổ, linh khí đã hun đúc cho người dân Diên Sanh và sản sinh ra nhiều người trên con đường khoa mục, quan chức văn, võ làm rạng danh cho quê hương, đất nước qua nhiều thời kỳ. Vốn nằm ở trung tâm của huyện lỵ Hải Lăng cũ, làng Diên Sanh xưa chính là nơi đặt trụ sở của huyện học Hải Lăng. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Huyện học Hải Lăng nguyên đặt một huấn đạo, năm Tự Đức thứ 6 (1853) tinh giảm. Năm Tự Đức thứ 29 (1876) đặt lại, nay ở xã Diên Sanh”(17). Chính nhờ thế, người dân Diên Sanh từ lâu đã có điều kiện để học hành hơn so với các vùng khác. Việc đề cao truyền thống hiếu học của người dân làng Diên Sanh đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào học tập và là hướng đi đúng đắn để nâng cao dân trí. Mặc dù trước đây đời sống còn gặp nhiều khó khăn, người dân mưu sinh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng họ lại rất trọng sĩ. Quan niệm học để biết chữ, biết cách làm người nhưng cũng để được làm quan đã thôi thúc các gia đình tìm mọi cách để khắc phục khó khăn cho con em theo học. Nếu đỗ đạt ra làm quan thì trở thành niềm vinh dự tự hào cho gia đình làng xóm; nếu không thì ít ra cũng được dân làng trọng vọng, có quyền lợi khi tham gia các công việc ở làng xã. Chính truyền thống đèn sách ấy đã sản sinh ra nhiều người học trò đỗ đạt cao. Bản thân họ được xếp vào tầng lớp quan viên và được ghi chép cụ thể trong các văn bản di chúc mang tính thờ tự của làng. Tư liệu chính sử chỉ thấy có Hoàng Văn Giảng, người làng Diên Sanh, đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), làm quan đến chức Án sát Lạng Sơn; sau bị chết trận. Nhưng theo Bản văn tế của làng Diên Sanh soạn vào thời Tự Đức năm thứ 36 (1883) có đề tên những người đỗ đạt qua các thời kỳ là: “Mậu Tý khai khoa Tú tài Phạm phủ quân; Bính Ngọ khoa Tú tài Phạm phủ quân; Mậu Thân khoa Tú tài Trần phủ quân; Mậu Ngọ khai khoa Tú tài Phan phủ quân”. Lại có những vị quan quản lý việc học các thời như: “Chính dinh Lệnh sử Ty Huấn đạo Thiện đức Nguyễn phủ quân; Nội Lệnh sử Ty Huấn đạo Thức lượng Nguyễn phủ quân; Huấn đạo Thủ ngân dịch liêm thân Phan phủ quân; Đạo lộ Ty Huấn đạo Thiên Đức Nguyễn phủ quân”. Bên cạnh đó còn có một lực lượng khá đông võ quan các cấp từ cai đội, đội trưởng đến các chức vụ khác cao hơn trong triều đình phong kiến như: “Chưởng Thái giám thị kiêm Chánh đề đốc phụ quân tá trị nhân phúc Phan phủ quân; Cai tri phò tá minh bảo Nguyễn Phủ quân; Chưởng Thái giám kiêm Cai đội Thăng Lộc Nguyễn phủ quân; Thái giám quan lệnh minh Nguyễn phủ quân; Thái giám quan lược võ Nguyễn phủ quân; Ai Lao dinh Cai đội cẩm lang Nguyễn phủ quân; Án sát Ty Thông phán tỉnh Định Tường; Thư ký Hoan Lộc…”.

Ngày nay, trong quá trình phát triển, diện mạo của làng Diên Sanh đã đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống, những tinh hoa vốn có của một làng quê Việt truyền thống vẫn luôn được người dân nơi đây giữ gìn. Bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại thì thấp thoáng đó đây vẫn còn những nếp nhà rường truyền thống với khoảng sân vườn rêu phong cổ kính. Cạnh con đường làng gồ ghề quanh co một thuở nay được trải thảm nhựa phẳng phiu với dòng người xuôi ngược đi về thì vẫn hiện hữu ngôi đình làng bề thế uy nghi với nét kiến trúc nghệ thuật mang phong thái cổ lệ. Đó đây xen lẫn trong những âm thanh ồn ào với sự hối hả của dòng người và xe cộ qua lại vẫn còn nghe tiếng chuông chùa ngân vang phát ra từ ngôi chùa cổ tự ẩn mình dưới tán cây cổ thụ… Đó là những nét đẹp truyền thống của một làng quê đang chuyển mình trong dòng chảy của sự phát triển đô thị mà hơn ai hết - người dân Diên Sanh đang gìn giữ từng ngày.

_____________

12 Bài ca dao này còn có biến thể: “Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn / Tháng khốn, tháng nạn / Đi vay đi mạn, được một quan tiền / Ra chợ Kẻ Diên / Mua một vác tre. Mua một vác tre / Về che cái quán / Ai hờn, ai oán đốt quán tôi đi / Tôi thương cái cột, tôi nhớ cái kèo / Tôi thương cái cửa bạn nghèo gặp nhau”.

13 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Bản dịch và chú giải của Văn Thanh - Phan Đăng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2009. 

14 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. (Bản dịch của Phạm Trọng Điền). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992.

15 Hoàng Bôi người làng Câu Nhi. Xuất thân làm lực sĩ về Chiêu vũ, thăng lên Hiệu úy Ty Trung tá. Khi Chính Trung dấy loạn, ông làm Phó tướng đạo Thuận Hóa, theo Tây Quốc công đánh giặc, được phong Viêm đàm bá, rồi Thiêm đồng tri phiên. Khi nghịch đảng quấy nhiễu, ông được cử làm Phó tướng đạo Thuận - Quảng.

16 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2001.

17 Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Nxb Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục, tập 9, 1961.

TRỊNH CAO NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 363

Mới nhất

Tên gọi của Trung đoàn

10/01/2025 lúc 21:47

Chớm vào thu. Bầu trời rưng rưng những cơn mưa bất chợt. Những cơn mưa đám mây giăng giăng như

Trùng phùng ở Prin C

10/01/2025 lúc 21:43

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Prin C (nay thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan,

Đông Hà xanh trên nền đất khát

10/01/2025 lúc 16:22

Đông Hà những ngày đầu như tôi thấy, mùa hè thị xã quắt lại trong nắng gió, núi đồi cứ nhấp nhổm. Các con đường ngoằn ngoèo, lên xuống nên tôi liên tưởng: Sau này lấy bản quy hoạch phố của Đà Lạt mà theo! Nói vui như vậy, vì thị xã lúc đó trần mình giữa dầm dề mưa và chang chang nắng. Tàn tích của sân bay, quân cảng; của quốc lộ, ngã ba… đầy ám ảnh trơ trơ trong mưa rét và xào xạc gió phơn. Thế mà ngay bên hông thị xã trẻ trung, hơi chếch về phía nam có một rừng cọ dầu bời bời xanh tốt. Nó khác hoàn toàn với màu bàng bạc của trơ trọi. Tôi được biết rừng cọ trồng từ năm 1977, là món quà hữu nghị của Malaysia nhằm phủ xanh những vùng đất cằn cỗi sau chiến tranh; dầu cọ còn được sử dụng làm chất đốt và phục vụ đời sống sinh hoạt.

Sở Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2024

10/01/2025 lúc 10:54

TCCVO - Chiều 9/1/2025, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024,

Giữ lửa nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại

10/01/2025 lúc 10:09

Tọa lạc bên bờ nam sông Hiếu, làng nghề rèn ở phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ lâu được biết đến với bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống, tồn tại qua nhiều thế hệ. Những lò rèn từng đỏ lửa sớm hôm, tiếng búa đe vang vọng khắp vùng gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân nơi đây. Thế nhưng, dưới sức ép của thời đại công nghiệp hóa, làng nghề rèn đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, cả phường chỉ còn lại khoảng 4 lò rèn hoạt động thường xuyên, so với hàng chục lò ở thời kỳ “hoàng kim” cách đây hai thập kỷ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/01

25° - 27°

Mưa

17/01

24° - 26°

Mưa

18/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground