Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/09/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đại tướng Đoàn Khuê với công tác bảo vệ tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Vĩnh Linh - tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa ở thời điểm đồng chí Đoàn Khuê nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 341
Với Hiệp định Genève (21/7/1954), nước Việt Nam tạm chia làm hai miền, lấy sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong thời gian hai năm.

Thực hiện Hiệp định, từ ngày 25/8/1954, phần lớn huyện Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị được giải phóng (đến ngày 16/6/1955 được nâng lên thành Khu vực Vĩnh Linh, tương đương cấp tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương). Từ năm 1957, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất và công tác sửa sai, vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở tuyến đầu miền Bắc trong bối cảnh công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới càng trở nên bức thiết. Việc phải khẳng định được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc so với chế độ thuộc địa kiểu mới ở miền Nam trong cuộc “thi đua hòa bình” thống nhất đất nước là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với toàn thể miền Bắc nói chung và khu vực Vĩnh Linh nói riêng. Do đó, đảm bảo quốc phòng - an ninh ổn định để tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội càng trở nên hết sức quan trọng đối với Vĩnh Linh, nhất là trong tình hình ở khu vực giới tuyến có những diễn biến phức tạp do âm mưu chống phá của chính quyền Sài Gòn.

Sau khi một loạt yêu cầu về việc bình thường hóa quan hệ trong năm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị Việt Nam Cộng hòa cự tuyệt (như đề nghị về đặt Phái đoàn liên lạc của hai bên tại Hà Nội và Sài Gòn, sửa đổi Quy chế Khu phi quân sự và trao đổi gia đình(1)  và Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế ở Sài Gòn rút về, căng thẳng giữa hai miền tăng lên. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa gia tăng các hoạt động củng cố Khu phi quân sự Nam như tiến hành tập trận quy mô lớn ở khu vực Gio Linh, Đông Hà và Đường 9 (tháng 9/1958), tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống phóng thanh mạnh dọc tuyến, bằng cách “đặt một bộ phận Thông tin Văn nghệ đặc trách công tác phát thanh và theo dõi luận điệu tuyên truyền của Việt Cộng”(2), đặc biệt là sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm thông qua Luật 10/59 (ngày 6/5/1959) và đẩy mạnh hô hào “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”. Đồng thời, ở miền Tây Vĩnh Linh, chính quyền Sài Gòn phối hợp với chính phủ phái hữu Vương quốc Lào liên tục lấn chiếm vùng đất Hướng Lập, gây nên những bất ổn trong căng thẳng quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(3). Cùng với các hoạt động trên đất liền, chính quyền Sài Gòn còn liên tục cho nhiều lượt tàu biệt kích thám thính quanh đảo Cồn Cỏ nhằm thu thập thông tin chuẩn bị cho việc chiếm cứ hòn đảo này,… Trước tình hình đó, yêu cầu tăng cường phòng thủ tuyến đầu miền Bắc đặt lên vai quân và dân Vĩnh Linh càng hết sức nặng nề, như chính Nghị quyết của Thường vụ Liên khu ủy Khu 4 đối với Vĩnh Linh (ngày 4/8/1958) đã khẳng định: “Về phía ta, một điều phải cầm chắc là: bất kỳ tình hình thế giới biến chuyển như thế nào, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đối với ta như thế nào, tình hình trong nước có thể xảy ra như thế nào, nghĩa là bất kỳ trong tình hình thế nào, chúng ta cũng phải là kẻ đã sẵn sàng”(4).

Trong bối cảnh đó, ngày 31/3/1958, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra Quyết định số 449/QK4 chuyển Trung đoàn 270 phụ trách phòng thủ khu vực Vĩnh Linh lên thành Lữ đoàn 341. Đơn vị được tăng cường trang bị và vũ khí, bổ sung thêm một tiểu đoàn bộ binh (từ Sư đoàn 325 chuyển qua) và 4 tiểu đoàn pháo (pháo cao xạ, pháo chống tăng, lựu pháo và pháo cối 120 ly). Tuy nhiên, để giữ bí mật, về công khai, đơn vị vẫn giữ phiên hiệu là Trung đoàn 270. Chính ủy của Lữ đoàn là đại tá Đoàn Khuê, Lữ đoàn trưởng là trung tá Hà Vi Tùng và Tham mưu trưởng là trung tá Nguyễn Chi.

Đại tá Đoàn Khuê - Bí thư Lữ đoàn uỷ Lữ đoàn 341 (người bên phải) đón Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thăm đơn vị năm 1959 - Ảnh: Gia đình Đại tướng Đoàn Khuê cung cấp

Đại tá Đoàn Khuê - Bí thư Lữ đoàn uỷ Lữ đoàn 341 (người bên phải) đón Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thăm đơn vị năm 1959 - Ảnh: Gia đình Đại tướng Đoàn Khuê cung cấp

Chính ủy Đoàn Khuê cùng Đảng ủy và Ban chỉ huy Lữ đoàn 341 đã có những đóng góp to lớn vào việc củng cố tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng như mở rộng đường chi viện cách mạng miền Nam

Một là, xây dựng Lữ đoàn 341 mạnh về mọi mặt, tạo chỗ dựa vững chắc cho thế trận phòng thủ nhân dân ở tuyến đầu miền Bắc

Chấp hành sự phân công của cấp trên, đồng chí Đoàn Khuê, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 341, trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chủ trương của các cấp, trực tiếp là của Quân khu 4, cùng Đảng ủy và Ban chỉ huy Lữ đoàn có những hình thức và biện pháp phù hợp để vừa xây dựng đơn vị mạnh, đủ sức bảo vệ tuyến đầu miền Bắc cũng như góp phần cùng với địa phương tăng cường củng cố lực lượng, hình thành thế trận phòng thủ toàn dân vững chắc và hỗ trợ, chi viện cách mạng miền Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng của Lữ đoàn lúc này là nhanh chóng xây dựng đơn vị lên thẳng chính quy, hiện đại. Vũ khí của đơn vị được trang bị mới hoàn toàn. Một số cán bộ cấp đại đội được cử đi tập huấn về xây dựng quân đội chính quy cùng kỹ - chiến thuật hiện đại (như bắn súng, kỹ thuật chiến đấu cá nhân, chiến thuật tấn công và phòng ngự). Việc sắp xếp, bố trí lại vị trí của các đơn vị thuộc Lữ đoàn được tính toán chu đáo. Tiểu đoàn 1 đóng quân ở Vĩnh Nam sát nách thị trấn Hồ Xá, Tiểu đoàn 2 đóng ở Vĩnh Thủy, Tiểu đoàn 3 đóng ở Vĩnh Chấp giáp giới Quảng Bình, Tiểu đoàn 4 tăng cường cho Hướng Lập và Sở Chỉ huy đóng cạnh Tiểu đoàn 3. Phụ trách kiểm soát tuyến bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời và biên giới Việt Nam - Lào do các tiểu đoàn công an vũ trang thuộc Khu Công an Vĩnh Linh.

Trước âm mưu “Bắc tiến” của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, nhằm tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, Lữ đoàn 341 đã được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống lô-cốt phòng ngự hai tuyến bằng bê tông cốt thép ở nội địa Vĩnh Linh. Để tăng cường khả năng chiến đấu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Đôn, đơn vị đã tổ chức thành công diễn tập phòng thủ trận địa trong tình huống đối phương đổ bộ đường biển và vượt giới tuyến...(5).

Về công tác tư tưởng và công tác chính trị, Chính ủy Đoàn Khuê phát động trong toàn đơn vị khí thế thi đua sôi nổi nhằm khắc phục tâm lý bi quan trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ khi thời hạn hòa bình thống nhất đất nước không được thực hiện đúng như quy định của Hiệp định Genève(6). Kết quả, trong công tác Đảng, công tác chính trị, công tác tư tưởng và huấn luyện, đại đội 3/ Tiểu đoàn 1 (đại đội Lê Hồng Phong) của Lữ đoàn nhiều năm liền dẫn đầu về phong trào thi đua “Ba Nhất” của toàn Quân khu 4, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Lữ đoàn 341 thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho thế trận phòng thủ của tuyến đầu để Đảng bộ và Nhân dân khu vực Vĩnh Linh tập trung nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cách mạng miền Nam.

Hai là, phối hợp với Đoàn 559 mở đường Trường Sơn

Trước yêu cầu của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (1959), việc mở đường vận tải chiến lược chi viện cách mạng miền Nam được đặt ra cấp thiết. Trong tình thế lúc bấy giờ, việc mở đường phải hết sức giữ bí mật và sẽ bắt đầu trên đất Vĩnh Linh.

Ngay sau khi thành lập, cùng với việc khẩn trương tổ chức, xây dựng lực lượng, chuẩn bị các phương án vận tải,… đầu tháng 6/1959, Đoàn trưởng Võ Bẩm đã vào Vĩnh Linh để phối hợp với địa phương khảo sát mở đường. Qua trao đổi, các bên thống nhất cho Đoàn 559 sử dụng một phần tuyến đường mà Lữ đoàn 341 đã khảo sát mở trước đó để cơ động lực lượng phòng thủ khu vực giới tuyến. Chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 đứng chân ở trạm 5 và trạm 6 trực tiếp chỉ huy toàn tuyến. Vô tuyến điện của Sở Chỉ huy tiền phương chỉ được làm việc với vô tuyến điện Chỉ huy sở Lữ đoàn 341. Từ Vĩnh Linh về Khe Hó dùng liên lạc chạy chân. Và khi bắt tay vào vận chuyển, để bảo đảm an toàn cho lực lượng vận tải và tuyến đường, công tác trinh sát, Bộ Tổng Tham mưu quyết định tăng cường cho Đoàn ba trung đội trinh sát bảo vệ lấy từ Lữ đoàn 341. Số cán bộ, chiến sĩ trinh sát này có kinh nghiệm nắm địch, thông thuộc địa hình, đường sá và dân tình trong vùng. Ba trung đội đảm trách những cung, chặng trọng yếu nhất. Một trung đội phụ trách khu vực Ra Gã (trạm 3 - trạm 4). Một trung đội do thiếu úy Nguyễn Minh Thông chỉ huy, phụ trách khu vực vượt đường số 9 (trạm 5 - trạm 6). Một trung đội do chuẩn úy Võ Sĩ Bơi chỉ huy, phụ trách khu vực Đakrông - Đá Bàn - Ly Tông - Tà Riệt(7). Thiếu úy Nguyễn Minh Thông - người đầu tiên ngã xuống trên đường Trường Sơn tháng 10/1959 là đội trưởng đội phụ trách khu vực vượt đường 9 - chặng nguy hiểm nhất trên toàn bộ tuyến chi viện trong năm 1959.

Như vậy, con đường đi đến ngày thống nhất đất nước khởi đầu từ đất Vĩnh Linh trong những ngày đầu gắn với hoạt động của Lữ đoàn 341 dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Chính ủy Đoàn Khuê.

Ba là, phối hợp với Khu vực Vĩnh Linh củng cố vùng Hướng Lập, tạo bàn đạp để đường Trường Sơn “lật cánh” sang Tây Trường Sơn

Sau tháng 7/1954, tình hình ở miền Tây Vĩnh Linh, trong đó chủ yếu là địa bàn xã Hướng Lập giáp giới cả Lào và miền Nam, diễn ra rất phức tạp. Về nguyên tắc, Hướng Lập nằm dưới vĩ tuyến 17 sẽ thuộc về miền Nam nhưng trong những năm 1954 - 1957, Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam ở đây đã kiên quyết lãnh đạo Nhân dân đấu tranh để nhập vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo cáo của Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh (1/7/1957) nói rõ sau Hiệp định Genève, “xã Hướng Lập thuộc huyện Hướng Hóa không ai quản trị, mọi việc đều do Chi bộ Đảng và chính quyền cũ tự động đấu tranh với địch và Vương quốc Lào để sáp nhập với miền Bắc”(8). Đồng thời, trước sự xâm lấn của chính phủ phái hữu vương quốc Lào, nhân dân ở đây đã kiên quyết đấu tranh để giữ gìn toàn vẹn địa giới, qua đó góp phần bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tuy vậy, Hướng Lập với địa thế rộng lớn của mình vừa có đường biên giới với vương quốc Lào, vừa có giới tuyến quân sự tạm thời nên gặp nhiều khó khăn nhất định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới cũng như chi viện cách mạng miền Nam trong khi lực lượng ta ở đây còn khá mỏng. Ngoại trừ lực lượng tại chỗ, ta chỉ có Đại đội 3 công an giới tuyến còn đóng ở Bãi Hà, các trung đội luân phiên lên hoạt động. Do đó, sự uy hiếp trở lại của quân chính phủ vương quốc Lào vẫn mang tính thường trực, đe dọa đến sự ổn định cuộc sống và làm ăn của nhân dân. Sau cuộc đảo chính của Phoui Sananikone (8/1958), chính phủ Lào tăng cường quân số, củng cố công sự và trang bị vũ khí hạng nặng cho các đồn dọc biên giới và đóng đồn Giềng Túp đối diện với đồn công an vũ trang Cù Bai(9). Tháng 12/1958, đối phương tiếp tục tăng quân cho đồn bản Na, Giềng Túp và gửi thư đòi ta phải rút lực lượng công an khỏi vùng này nếu không chúng sẽ dùng vũ lực.

Với trách nhiệm là đơn vị chủ lực phụ trách phòng thủ khu vực Vĩnh Linh, được sự chỉ đạo của trên, Ban chỉ huy Lữ đoàn 341 quyết định điều Tiểu đoàn 4 lên tăng cường cho vùng đất trọng yếu Hướng Lập. Đích thân Chính ủy Đoàn Khuê chỉ huy đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 4 đã cùng Chi bộ Hướng Lập phối hợp chặt chẽ với Đồn Công an vũ trang Cù Bai khẩn trương chuẩn bị đối phó. Những phần tử chống đối, làm tay sai cho địch đều được răn đe, giáo dục hoặc cách ly nhằm không cho chúng liên hệ, cung cấp tin tức cho đối phương. Ta viết thư trả lời, kiên quyết bác bỏ những luận điệu vô lí của địch, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền của ta, đồng thời cảnh báo nếu địch không chịu từ bỏ âm mưu đó, ta sẽ kiên quyết giáng trả. Mặt khác, ta vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên, tổ chức nghi binh đánh địch trong điều kiện lực lượng mỏng và yếu hơn đối phương. Một mặt, ta đốt lửa nhiều nơi ở trong rừng, bố trí một số cụm pháo giả, tổ chức một bộ phận hành quân nhiều lần qua những khu vực trống trải, khiến đối phương dừng lại không dám hành động(10).

Sự hiện diện của Tiểu đoàn 4/Lữ đoàn 341 cùng với việc đẩy lùi nguy cơ xâm lấn từ phía vương quốc Lào đã tạo điều kiện cho Hướng Lập củng cố về mọi mặt. Chính tài liệu của Việt Nam Cộng hòa thừa nhận: “Giáp ranh giới Lào - Việt và vĩ tuyến 17, bọn Việt Cộng lợi dụng địa thế hiểm trở, xa sự kiểm soát của chính quyền ta, đột nhập đến xây dựng cơ sở tại các thôn hẻo lánh Tà Puồng, Trăng, B.A. Choc,… thuộc quận Hướng Hóa”(11).

Vùng đất Hướng Lập được củng cố đã tạo ra địa bàn đứng chân vững chắc để từ tháng 3/1960, ta triển khai lực lượng hỗ trợ và phối hợp với cách mạng nước bạn giải phóng tuyến hành lang biên giới Việt - Lào, dọc theo đường 9, đến tận Sê Pôn, góp phần mở rộng vùng giải phóng của Lào ở tỉnh Savannakhet, nối với căn cứ kháng chiến của Việt Nam ở miền Tây Quảng Trị vào đến Quảng Nam. Cùng thời gian này, theo yêu cầu của Huyện ủy Hướng Hóa và đòi hỏi mở rộng hành lang cho tuyến đường chiến lược Trường Sơn đang đi qua địa bàn, Khu Công an Vĩnh Linh chỉ thị cho Đồn Công an vũ trang Cù Bai tổ chức lực lượng vượt sông Sê Băng Hiêng hỗ trợ nhân dân các địa phương bắc Hướng Hóa nổi dậy giành quyền làm chủ. Ta xóa được mối uy hiếp thường trực đối với địa bàn Tây Nam của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đồng thời nhổ được “điểm nghẽn” trên con đường chi viện cách mạng miền Nam vốn đang bị bế tắc bởi các cuộc hành quân càn quét của chính quyền Sài Gòn dọc biên giới. Kết quả này có phần đóng góp hết sức quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 341, đứng đầu là Chính ủy Đoàn Khuê.

Việc xóa bỏ tất cả các trở ngại dọc biên giới đã tạo ra bàn đạp hết sức quan trọng để đường Trường Sơn “lật cánh” sang Tây. Đây là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của đường Trường Sơn, chấm dứt thời kì gùi thồ “đi không dấu, nấu không khói” để chuyển qua giai đoạn vận chuyển cơ giới, góp phần đưa phong trào cách mạng miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng.

Bốn là, xác lập kiểm soát đối với đảo Cồn Cỏ, mở rộng không gian phòng thủ miền Bắc từ xa

Sau Hiệp định Genève 1954, tuy phần lớn Vĩnh Linh được giải phóng nhưng đảo Cồn Cỏ (có toạ độ 17008’15’’ - 17010’05’’ vĩ độ Bắc; 1070,19’50” - 107020’40” kinh độ Đông) vẫn hoàn toàn “bỏ trống”. Nằm cách đất liền gần 13 hải lý, đảo Cồn Cỏ có khả năng quan sát phạm vi rộng. Tại đảo, nếu sử dụng các phương tiện quan sát có thể quan sát được nhiều hoạt động ở các vị trí của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam giới tuyến cũng như phát hiện tàu chiến của đối phương từ xa. Trong thời gian dài, đảo chỉ là nơi ghé chân của ngư dân Vĩnh Linh đi biển mỗi khi gặp thời tiết xấu. Từ năm 1959 trở đi, việc thiết lập kiểm soát hòn đảo này mới trở nên bức thiết bởi yêu cầu hiện thực hóa cơ sở pháp lí cũng như khẳng định chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với đảo Cồn Cỏ sau hàng loạt động thái của Trung Quốc trên Biển Đông sau Tuyên bố ngày 4/9/1958 và của chính quyền Sài Gòn đối với đảo Cồn Cỏ. Mặt khác, việc chiếm lĩnh Cồn Cỏ sẽ tạo nên lợi thế vô cùng to lớn không chỉ đối với việc phát hiện địch từ xa, bảo vệ miền Bắc nói chung, bảo vệ nội địa Vĩnh Linh nói riêng mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở con đường trên biển chi viện cách mạng miền Nam. Nhiệm vụ được giao cho Lữ đoàn 341. Chấp hành lệnh trên, đồng chí Đoàn Khuê cùng Ban chỉ huy Lữ đoàn đã khẩn trương tổ chức một bộ phận do Trung đoàn trưởng Hà Vi Tùng chỉ huy khảo sát tình hình trên đảo. Trên cơ sở đó, ngày 27/7/1959, Ban chỉ huy Lữ đoàn 341 quyết định đưa Đại đội 6/Tiểu đoàn 2 bộ binh ra chiếm lĩnh Cồn Cỏ, chính thức xác lập sự kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với hòn đảo này. Tài liệu của chính quyền Sài Gòn ghi nhận việc Lữ đoàn 341 “đưa ra cù lao Cồn Cỏ một đại đội vào ngày 27/7/1959. Đại đội này được trang bị vũ khí đầy đủ (tin ngày 1/8/1959)”(12).

Việc Lữ đoàn 341 đưa quân ra chốt giữ Cồn Cỏ đã đập tan âm mưu chiếm cứ hòn đảo này làm bàn đạp để uy hiếp Vĩnh Linh của chính quyền Sài Gòn. Do đó, chỉ 2 ngày sau, đối phương cho 2 tàu biệt kích đưa quân ra với ý định chiếm đảo. Phát hiện âm mưu địch, Đại đội 6 nổ súng buộc chúng phải rút lui.

Ngay sau khi đưa quân lên đảo, bên cạnh xây dựng hệ thống phòng thủ (hệ thống công sự, ụ pháo phòng không, đường chiến hào và giao thông hào quanh đảo), được sự hỗ trợ của Khu ủy và Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh, Ban chỉ huy Lữ đoàn 341 còn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để đưa dân ra sinh sống lâu dài. Tài liệu của chính quyền Sài Gòn ghi nhận ngay trong tháng 8/1959, Lữ đoàn 341 đã “xây xong 3 cái nhà ngói và đang xây thêm 2 cái nhà gạch nhỏ 2 bên, gạch ở công trường Minh Hương vẫn tiếp tục chở ra, trung đội công binh đang ở lại xây cất. Trong mấy ngày gần đây chúng (tức là Lữ đoàn 341 - TG) chuyên chở những vật dụng khác như giường, mùng, thùng chứa nước và các dụng cụ khác của Đại đội Công an ra ngày 27/7/1959. Chúng dựng rất nhiều nhà tranh để cho đồng bào ra lập nghiệp ở”(13). Việc thiết lập kiểm soát và chuẩn bị điều kiện để đưa dân ra sinh sống lâu dài chính là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất khẳng định chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với đảo Cồn Cỏ(14).

Với sự kiện này, Lữ đoàn 341 làm chủ được địa bàn đứng chân có vị trí chiến lược quan trọng, mở rộng được không gian phòng thủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, biến đảo Cồn Cỏ trở thành “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng như để bảo vệ tuyến đầu Vĩnh Linh. Việc xây dựng, củng cố đảo vững chắc khiến Cồn Cỏ trở thành “chiến hạm không thể đánh chìm” trên Biển Đông trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ giữ đảo đã lập nên những chiến công xuất sắc, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận / Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Như vậy, trong nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của mình, thời gian gắn bó với quê hương Quảng Trị tuy ngắn ngủi nhưng đây là giai đoạn mà đồng chí Đoàn Khuê đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Trên cương vị Chính ủy của Lữ đoàn 341, đồng chí Đoàn Khuê đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ đối với sự phát triển của đơn vị mà quan trọng hơn là góp phần to lớn vào việc củng cố tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Lữ đoàn 341 cùng với nhân dân và các lực lượng tại chỗ mở rộng và củng cố, đi đến khép kín hoàn chỉnh tuyến phòng thủ địa đầu giới tuyến, từ ngoài biển qua giới tuyến đến biên giới Việt - Lào và nội địa. Đây là nhân tố quan trọng góp phần làm nên một Vĩnh Linh “lũy thép anh hùng” trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, sự hỗ trợ của Lữ đoàn 341 cho Đoàn 559 những ngày đầu “xoi đường” chi viện cách mạng miền Nam có ý nghĩa đặt nền móng cho con đường đi đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.

H.C.H

Chú thích:

1 Phái đoàn Giao dịch với Ủy hội Quốc tế trực thuộc Tổng thống Phủ, Biên bản phiên họp tại Bộ Ngoại giao ngày 26/6/1958, số 1.771/PDVN/VP/TM/K, ngày 26/6/1958, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ I CH.

2 Tỉnh trưởng Quảng Trị, Tờ trình hàng tháng từ 21/3/1959 đến 20/4/1959, Nguyệt để B, ngày 18/6/1959, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ I CH 283.

3 Hoàng Chí Hiếu (CB), Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (1930 - 2015), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2020.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 19 (1958), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5 Lê Trọng Thấu, “Thuở ban đầu ở giới tuyến”, Một thời giới tuyến, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000.

6 Nguyễn Chi Phan, “Thắp nén tâm nhang, nhớ vị Đại tướng, người đồng chí kính mến”, in trong Đại tướng Đoàn Khuê-Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

7 Võ Bẩm, Những nẻo đường kháng chiến, Hồi ức (Duy Tường thể hiện), in lần thứ hai, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2006.

8 Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh, Báo cáo tình hình kiện toàn các xã miền núi, ngày 1/7/1957, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội, Phông Bộ Nội vụ, hồ sơ số 771.

9 Ban Chấp hành Đảng ủy Vĩnh Linh, Báo cáo tình hình miền núi Vĩnh Linh trong tháng 8/1958, số 233DU/VL, ngày 7/10/1958. Phòng Lưu trữ - Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị.

10 Hoàng Đình Lục, Lịch sử Đồn Cù Bai, 1974, sơ thảo. Hồ sơ lưu của tác giả bài viết.

11 Tỉnh Quảng Trị, Tờ trình hàng tháng, từ ngày 21/11 đến ngày 20/12/1958, Nguyệt để B, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh, kí hiệu Đệ I CH 170.

12 Ban Đại diện Chính phủ quan sát Khu phi quân sự (thuộc Phái đoàn Giao dịch với Ủy hội Quốc tế trực thuộc Tổng thống phủ), Báo cáo Đệ bát cá nguyệt (từ 1/8/1959 đến 31/8/1959), số 145/ĐDCP/PQS/M, ngày 31/8/1959. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Kí hiệu Đệ I CH 9.194. Về sự kiện này, hồi ký của Lê Trọng Thấu, nguyên cán bộ tác chiến của Lữ đoàn 341, không nói rõ thời điểm cụ thể nhưng xác nhận đơn vị đầu tiên chiếm lĩnh đảo là đại đội bộ binh thuộc Lữ đoàn Lê Trọng Thấu, Sđd, tr. 153.

13 Ban Đại diện Chính phủ quan sát Khu phi quân sự (thuộc Phái đoàn Giao dịch với Ủy hội Quốc tế trực thuộc Tổng thống phủ), Báo cáo Đệ bát cá nguyệt (từ 1/8/1959 đến 31/8/1959), số 145/ĐDCP/PQS/M, ngày 31/8/1959. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu Đệ I CH 9.194.

14 Hoàng Chí Hiếu - Đào Thị Giang, “Về sự kiện Việt Nam Dân chủ cộng hòa thiết lập kiểm soát đảo Cồn Cỏ (1959)”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 11/2021.

HOÀNG CHÍ HIẾU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 355

Mới nhất

Tập huấn kỹ năng viết phóng sự cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

3 Giờ trước

TCCVO  - Trong 3 ngày 12 - 14/9, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết phóng

Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm lần 3

5 Giờ trước

TCCVO - Trung thu năm nay tại vùng biên giới Việt - Lào đã diễn ra trong không khí ấm áp, đơn giản nhưng đầy nghĩa tình. Do tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn đang khắc phục, nên chương trình “Thiếu nhi Việt - Lào vui hội trăng rằm nơi biên giới lần 3” được tổ chức nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhưng vẫn ý nghĩa cho thiếu nhi hai bên biên giới...

Tỉnh Quảng Trị vận động quyên góp, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại cơn bão số 3

12/09/2024 lúc 09:58

TCCVO - Chiều 11/9, tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động kêu gọi, vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc

Vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024.

12/09/2024 lúc 04:01

Ngày 11/9/2024, tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ba Tầng, Trung tâm khám chữa bệnh từ thiện Thiện Lành và các nhà tài trợ tổ chức chương trình vui Tết Trung thu “Biên cương đêm hội trăng rằm Việt - Lào lần thứ 3” năm 2024. Đây là dịp để các cháu thiếu niên nhi đồng 2 nước Việt Nam và Lào được giao lưu, gặp mặt, vui chơi, phá cỗ đêm trăng.

Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

10/09/2024 lúc 10:27

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ảnh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về "Công nhân & Công đoàn Quảng Trị" do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn đồng tổ chức (từ tháng 4 đến tháng 8/2024) là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/09

25° - 27°

Mưa

18/09

24° - 26°

Mưa

19/09

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground