Chiến dịch Trị Thiên - Huế, xuân 1975 nhằm giải phóng một phần đất còn lại phía Nam tỉnh Quảng Trị và giải phóng Thừa Thiên - Huế là một chiến dịch thần tốc, một thắng lợi có tính then chốt, quyết định cho bước khởi đầu của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch nầy, Đảng bộ quân và dân Quảng Trị đã đóng một vai trò quan trọng, kề vai sát cánh, phối hợp cùng với Thừa Thiên - Huế, trên một mặt trận: Chiến trường Trị - Thiên Huế, Quân khu Trị Thiên, Khu uỷ Trị - Thiên, ... đã làm nên một chiến thắng toàn diện, triệt để, thể hiện sự đoàn kết thuỷ chung, son sắt trong chiến dịch này.
1. Bối cảnh lịch sử
Cuộc tiến công chiến lược xuân - hè 1972 của quân và dân ta trên hướng chủ yếu Trị - Thiên Huế ở giai đoạn 1 giải phóng tỉnh Quảng Trị đã đập tan hoàn toàn hệ thống phòng thủ mạnh nhất của Mỹ nguỵ ở vùng địa đầu miền Nam, nơi được mệnh danh là lá chắn thép “bất khả xâm phạm” với tuyến hàng rào điện tử Mc. Namara đã làm tiêu hao phần lớn đội quân tinh nhuệ, chủ lực quân Ngụy, xương sống của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, đang trên bờ vực phá sản.
Tiếp đến cuộc chiến đấu, đánh địch phản kích tái chiếm Thị xã Quảng Trị, mà đỉnh cao là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã diễn ra vô cùng khốc liệt, đẫm máu, đã tiêu diệt phần lớn lực lượng tinh nhuệ, quân dự bị chiến lược của Nguỵ quân Sài Gòn. Tổng kết chiến dịch Quảng Trị 1972 ta đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu 24.000 tên, phần lớn là quân Dù và Thủy quân lục chiến, phá hủy hàng trăm xe tăng, thiết giáp và nhiều phương tiện khí tài chiến tranh, của địch.
Trước những thất bại nặng nề và toàn diện trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, đánh dấu sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn mà đế quốc Mỹ dựng lên ở Miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là một thắng lợi hết sức to lớn, toàn diện của quân và dân cả nước, sau 18 năm kiên trì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ hy sinh và đầy thử thách.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vùng giải phóng Quảng Trị (chiếm 85% diện tích và hơn 1/3 dân số) được nối liền với hậu phương lớn miền Bắc XHCN, có thế liên hoàn 3 vùng đồng bằng, giáp ranh, rừng núi vững chắc, giao thông thủy - bộ thuận tiện và trở thành nơi đóng trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là bàn đạp vững chắc cho chiến dịch Xuân 1975 giải phóng Trị Thiên Huế, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cục diện chiến trường đã thay đổi có lợi cho ta, thời cơ đã đến gần, tháng 4 năm 1973 Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng thực hiện chủ trương việc sáp nhập Mặt trận B4, B5 thành Quân khu Trị - Thiên Huế, đồng thời Thường trực Quân uỷ Trung ương cũng đã quyết định thành lập Đảng uỷ mặt trận Trị - Thiên Huế và chỉ định đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Khu uỷ Trị - Thiên Huế làm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận, để lãnh đạo hiệp đồng thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng bộ đội địa phương trên chiến trường.
Sau khi phân tích tình hình mọi mặt trên các chiến trường miền Nam và tình hình Trị - Thiên, Quân uỷ Trung ương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường Trị - Thiên Huế trong năm 1975 là: “Đánh bại cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị giành thắng lợi trong năm 1975, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên Huế” (1)
Bước vào năm 1975, trên chiến trường miền Nam, địch bị thất bại toàn diện và liên tiếp, âm mưu đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng đã giảm đi rõ rệt. Âm mưu bình định vùng chúng kiểm soát đã bị đẩy lùi một bước quan trọng. Nhiều kế hoạch bình định của chúng bị phá sản hoàn toàn.
Trước tình hình hoạt động mạnh mẽ của ta, hàng loạt chốt phòng thủ của địch suốt từ Động Ông Do, La Vang, đến các chốt ở Long Quang (Triệu Phong), chốt ở Hải Dương (Hải Lăng) liên tiếp bị ta uy hiếp đánh chiếm, địch tỏ ra hốt hoảng, bị động đối phó không phán đoán được hướng tiến công chủ yếu của ta trên chiến trường Trị - Thiên. Đây là thời cơ thuận lợi cho ta mở màn chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Trị - Thiên Huế bắt đầu.
2. Diễn biến chiến dịch
Theo kế hoạch thống nhất giữa Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên thì ngày mở màn cho chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế là 0 giờ ngày 08 tháng 3 năm 1975. Hướng chủ yếu của chiến dịch là phía đường 14 do Quân đoàn 2 đảm nhiệm.
0 giờ ngày 8 - 3 - 1975, một đại đội của Tiểu đoàn 8 tỉnh đội Quảng Trị và Du kích địa phương Hải Lăng mở đầu chiến dịch bằng trận tập kích vào Phân khu quân sự Hải Nhi. Cùng lúc đó, các đội vũ trang công tác cùng bộ đội địa phương và du kích tiến công các phân, chi khu quân sự Hải Kinh, Hải Vĩnh, Hải Lệ, Hải Lâm, Hải Phú, Triệu Sơn, Triệu Tài...
Phối hợp với hướng chủ yếu, các lực lượng vũ trang ở khu vực Quảng Trị đã đồng loạt tiến công vào các điểm cao 122, 118, 90, các trận địa pháo của địch ở Dốc Dầu, Tân Điền, Động Ông Do... làm tan rã hàng loạt cứ điểm quan trọng của địch. Đến 0 giờ ngày 9 - 3 - 1975, tiểu đoản 10 Đặc công Quảng Trị đã tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Mai Lĩnh, đã gây một tiếng vang lớn ở vùng đồng bằng Triệu Hải, lan đến Phong Điền, Quảng Điền làm cho bọn nguỵ quân, nguỵ quyền hết sức hoang mang, dao động. Ở Tây Hải Lăng, trước sự tiến công liên tục của ta, địch buộc phải bỏ chốt sông Nhùng, Nam Mỹ Chánh và một số điểm cao quan trọng trên tuyến phòng thủ.
Như vậy, chỉ sau mấy ngày đầu của chiến dịch, trước sự tấn công mạnh mẽ của ta, địch đã rơi vào thế bị động, lúng túng, lực lượng bị xáo trộn, tuyến phòng thủ rối loạn và dần bộc lộ dấu hiệu thu quân rút chạy. Thời cơ xốc tới quét sạch quân thù, giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Trị đã xuất hiện.
Ngày 15 - 3 - 1975, Thường vụ Quân uỷ Trung ương chỉ thị: “Địch có thể rút chạy khỏi Quảng Trị và Bắc Thừa Thiên, co cụm xung quanh thành phố Huế, do đó phải khẩn trương, mạnh bạo, không đánh theo kế hoạch từng bước như trước nữa”.(2)
Chiến thắng dồn dập ở Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột là nguồn cổ vũ to lớn đối với các chiến trường, đặc biệt đối với chiến trường Trị - Thiên Huế. Ngược lại, thất bại của địch ở Tây Nguyên làm lung lay tận gốc rễ tinh thần nguỵ quân trên các chiến trường, ở Trị Thiên Huế bọn địch đã có dấu hiệu co cụm bỏ chạy.
Thực hiện “Kế hoạch thời cơ”, Thường vụ Khu uỷ và Quân khu uỷ Trị - Thiên Huế đã có sự tập trung cao độ trí tuệ tập thể, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sâu sát, động viên tư tưởng kịp thời, tạo nên sự thống nhất ý chí, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật chiến trường, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bộ đội vững tin bước vào trận đánh lớn, quyết giành chiến thắng.
Thực hiện quyết tâm chiến đấu trên, đúng 23 giờ ngày 18 tháng 3 năm 1975 trên tất cả các mũi, hướng quân ta đồng loạt tấn công địch, đến 18 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1975 giải phóng toàn bộ phần đất, phần dân còn lại tỉnh Quảng Trị - tuyến phòng thủ địa đầu phía Bắc của địch “hoàn toàn sụp đổ không gì cứu vãn nổi”(3) , thêm một mốc son lịch sử đước xác lập, quê hương Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Quảng Trị, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu lực lượng vũ trang Quảng Trị: Không được dừng lại, phối hợp với quân dân Thừa Thiên - Huế thừa thắng xông lên, bám địch mà đánh và nhấn mạnh: “Dừng lại là một tội lỗi không thể tha thứ được”.(4)
Chấp hành mệnh lệnh Quân khu, Đảng ủy - Ban chỉ huy Tỉnh đội khẩn trương rà soát tình hình, phân công hướng, mục tiêu tiến công, động viên bộ đội phối hợp chặt chẽ với chủ lực mặt trận, thừa thắng xốc tới, quyết đánh, quyết thắng, quét sạch quân địch, giải phóng Thừa Thiên - Huế. Phấn khởi trước sự phát triển mau lẹ của tình hình, các đơn vị lực lượng vũ trang Quảng Trị nhanh chóng xốc lại đội ngũ, tiếp tục bước vào trận đánh lớn.
Ngày 22 tháng 3 năm 1975, trên hướng Bắc, Tiểu đoàn 3 bộ binh có pháo binh, xe tăng tăng cường, phát triển theo trục đường 68 đánh thẳng vào Thanh Hương, truy kích địch về Đại Lộc; sau đó phát triển vào cửa Thuận An, khống chế đường rút quân của địch ở Huế chạy vào Đà Nẵng theo đường biển.
Cùng thời gian, Tiểu đoàn 14 vượt sông Ô Lâu đánh vào Phong Hòa, Phong Bình, truy kích địch xuống Sịa, chốt giữ ngã ba Sình rồi tiến thẳng vào Bao Vinh; đến 5 giờ ngày 25 tháng 3, đánh vào Đồn Mang Cá 2 (nội thành Huế). Cùng lúc, Quân đoàn II với đòn tấn công vũ bão, thần tốc, táo bạo đã hình thành hai hướng thế gọng kìm bao vây, kẹp chặt quân địch ở Huế và cửa Thuận An.
Ở mũi tấn công hướng Bắc, từ ngày 21 tháng 3, Tiểu đoàn 8 theo đường Quốc lộ 1, vượt sông Mỹ Chánh, đánh tiêu diệt bọn địch ở xóm Bồ (Phò Trạch). Chiều 23 tháng 3, tuyến phòng thủ Mỹ Chánh thất thủ, địch rút về phòng thủ tuyến Sông Bồ; lập tức Tiểu đoàn 8 phối hợp với lực lượng vũ trang Phong Điền tiến công vào quận lỵ Phò Trạch, giải phóng quận lỵ Hương Trà, rồi dũng mãnh thọc thẳng vào thành phố Huế. Ngày 25 tháng 3, bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị được tự vệ dẫn đường tiến vào nội đô thành phố Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 8 cắm lá cờ giải phóng lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu - Huế báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn chế độ thực dân mới của Mỹ nguỵ trên đất cố đô. Thừa Thiên - Huế đã được giải phóng(5). Với chiến công xuất sắc nầy, ngày 25 tháng 3 - 1975, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gửi lẵng hoa tặng thưởng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 tỉnh đội Quảng Trị.(6)
Quá trình diễn biến chiến dịch từ ngày 8 tháng 3 đến 26 tháng 3 năm 1975, lực lượng vũ trang ba thứ quân của Quân khu Trị - Thiên Huế đã đánh 30 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức tác chiến linh hoạt: Phục kích, tập kích, hoả lực, xung lực, vây ép, vận động, tấn công... đã loại khỏi vòng chiến đấu 4576 tên địch (trong đó bắt sống và phóng thích 3126 tên) phá huỷ nhiều khu quân sự, tiếp quản tịch thu nhiều phương tiện khí tài quân sự của địch, tuyến phòng thủ, lá chắn thép mạnh nhất của địch ở phía Bắc đã bị phá huỷ hoàn toàn.
3. Một số nhận định, đánh giá bước đầu được rút ra
- Với chiến thắng trên chiến trường Trị - Thiên Huế Xuân 1975, ta đã đập tan hệ thống phòng thủ mạnh nhất của địch ở phía Bắc, tạo thời cơ cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 cùng với Quân đoàn 2 phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng. Hoà cùng chiến thắng Tây Nguyên, Quảng Nam - Đà Nẵng và thắng lợi toàn miền, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đập tan bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cách mạng giải phóng dân tộc.
- Thắng lợi vang dội của chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế, Xuân 1975 là biểu hiện cao nhất của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tấn công và nổi dậy. Khi thời cơ xuất hiện đã biết triệt để khai thác, kết hợp các đòn tấn công vũ trang, chính trị, binh vận, với phương châm liên tục tấn công, liên tục nổi dậy. Kết quả là trong một thời gian rất ngắn, trong ba tuần lễ, ta đã quét sạch, tiêu diệt tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên Huế.
- Với chiến công nầy lực lượng vũ trang, quân và dân hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ với tên gọi chung Quân khu Trị - Thiên Huế, Khu uỷ Trị - Thiên Huế đã kề vai sát cánh bên nhau, gắn bó keo sơn, phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ trách nhiệm trong từng hành động, việc làm, để góp phần làm nên một thắng lợi trọn vẹn, to lớn và triệt để; làm nên một chiến công kỳ tích giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên Huế kết thúc cuộc trường chinh chống Mỹ ròng rã 21 năm oanh liệt hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương, mất mát.
- Sự phối hợp gắn kết sẻ chia giữa Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế không những biểu hiện trong toàn bộ chiến dịch, trên từng mặt trận, trong từng trận đánh; mà còn thể hiện sau thắng lợi, kết thúc chiến dịch. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng giải phóng Thừa Thiên Huế, chiều 26 - 3 - 1975 Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị họp, quyết định các lực lượng vũ trang Quảng Trị tiếp tục ở lại phối hợp với lực lượng địa phương chốt giữ các mục tiêu, chi viện lương thực, nhu yếu phẩm kịp thời ổn định đời sống nhân dân mới giải phóng; tu sửa đường sá, cầu cống đảm bảo giao thông, thông suốt từ Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế. Tỉnh uỷ Quảng Trị còn huy động 850 cán bộ chính trị, an ninh, kinh tế tăng cường cho Thừa Thiên - Huế làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố Huế. Những bài học về sự đoàn kết, sẻ chia để làm nên một chiến thắng trong chiến dịch Trị - Thiên Huế ngày hôm qua, vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự - chính trị trong công cuộc dựng xây và đổi mới ngày hôm nay.
N.B
_____________
Chú thích:
1. Quảng Trị Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), NXB CTQG 1998 tr. 249.
2. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975) NXB CTQG Hà Nội 1999 tr 449
3. Bộ Quốc phòng. VLSQSVN. Lịch sử chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Đà Nẵng. Xuân 1975. NXB QĐND. H.2006. tr 69.
4. Trung tướng Lê Tự Đồng. Trị -Thiên - Huế Xuân 1975. NXB QĐND.H.1983. tr77.
5. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tậpII, (1954 - 1975) NXB Chính trị Quốc gia, 1999 tr453
6. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị ,Tập II (1954 - 1975) NXB CTQG tr 456