Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 14/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bích La Đông: đất và người

Bích La Đông là một trong những làng nổi tiếng của Quảng Trị, có bề dày văn hóa và lịch sử, là vùng đất địa linh nhân kiệt vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương đất nước.
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Bích La có nguồn gốc sơ khai tên là Hoa La, thuộc huyện Hải Lăng (gồm 49 xã trong đó có xã Hoa La), phủ Triệu Phong(1).

Nông dân làng Bích La Đông thu hoạch lúa - Ảnh Duy Hùng

Nông dân làng Bích La Đông thu hoạch lúa - Ảnh Duy Hùng

Làng Bích La được thành lập vào năm 1527, dưới triều Hậu Lê. Vào thời Lê - Mạc, xã Hoa La thuộc huyện Vũ Xương. Người lập nên làng Bích La là ngài Lê Mậu Doãn, giữ chức quan Chánh Chưởng Trủng tể dưới thời vua Lê Chiêu Tông, niên hiệu Thống Nguyên (1522 - 1527), là hậu duệ dòng họ Lê Mậu phát sinh từ đầu đời nhà hậu Lê ở xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ (sau này thuộc xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là người tinh thông binh pháp, tính tình trung hậu. Năm Lê Chiêu Tông lên ngôi (1522) cũng là năm Mạc Đăng Dung đã thâu tóm quyền lực, vì không muốn cộng tác với Mạc Đăng Dung, ông đã lĩnh mệnh vua vào cai quản xứ Tân Bình - Thuận Hóa, vùng đất biên cương phía Nam giáp với Chiêm Thành chưa được khai phá. Cùng đi có 14 hộ bộ tướng (gồm các hộ Lê Mậu, Lê Cảnh, Lê Văn, Lê Bá, Lê Phước, Lê Đức, Dương Đình, Nguyễn Thọ, Lê Thế, Lê Trọng, Trần Hữu, Phan, Phạm Xuân, Hồ, Đặng) và bầu đoàn thê tử, dọc đường, ông còn chiêu thêm lưu dân vào nam lập nghiệp(2). Đến năm 1527, ông chọn vùng đất xứ Hà Dương phía nam sông Thạch Hãn làm nơi định cư, khai khẩn đất hoang lập làng đầu tiên lấy tên là Hoa An. Như vậy, làng Hoa An ra đời trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa 31 năm. Sau khi chúa Nguyễn vào mở mang vùng đất phía Nam, ông cùng các bộ tướng đã một lòng trung thành, giúp chúa dựng nghiệp. Vì vậy, ông được xét công trạng phong tước Doãn Lộc Hầu, “Chí đức đại thần”(3). Về sau, ngài Lê Mậu Doãn được sắc phong Dực bảo Trung hưng linh phò tôn thần, 14 bộ tướng về sau là thập tứ tôn phái (14 họ tộc) của Bích La.

Năm 1802 dưới thời Gia Long, làng có tên là Hoa An, đến năm 1814 đổi tên thành Hoa La. Năm 1842 dưới thời vua Thiệu Trị, làng có tên Bích La cho đến tận ngày nay(4). Dưới thời Nguyễn, làng Hoa An được cải thành Bích La phân vi tứ giáp: Đông, Trung, Nam, Hậu. Qua đời vua Duy Tân thứ 9 (năm 1915), giáp Đông lại tách xứ Hà Dương chia ra thành lập thêm giáp Thượng thì gọi là Bích La ngũ giáp, lấy chữ Bích La danh hiệu chung đặt đầu tên mỗi giáp tự quản thành mỗi làng Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, Bích La Hậu và Bích La Thượng. Thời nhà Nguyễn, một đường nhỏ từ huyện lỵ (đóng ở xã Bích Khê, tổng Bích La) đi về phía tây đến xã Ái Tử tổng An Đôn, giáp đường quan lộ, dài hơn 6 dặm, rộng 5 thước(5) đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bích La tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội của Quảng Trị.

Dưới thời Pháp thuộc, sau năm 1885, tuy có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính của tỉnh cũng như các phủ huyện, nhưng về cơ bản, các làng/xã thuộc địa bàn của xã Triệu Thành hiện nay đều thuộc tổng Bích La huyện Thuận Xương/Đăng Xương. Từ năm Duy Tân thứ 2 (1908), huyện Thuận Xương đổi thành phủ Triệu Phong (tức huyện Triệu Phong sau này), quản lãnh 5 tổng 93 làng. Theo thống kê năm 1914, phủ Triệu Phong có 5 tổng, trong đó tổng Bích La có 26 xã, thôn, giáp. Bích La ngũ giáp bấy giờ thuộc tổng này(6).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Các đơn vị hành chính cấp phủ được đổi thành cấp huyện và tên gọi không thay đổi. Cấp tổng bị bãi bỏ. Sau bầu cử Quốc hội (6/1/1946) và Hội đồng nhân dân tỉnh, xã (2/1946), hệ thống chính quyền các cấp được hình thành một cách có tổ chức chặt chẽ hơn. Cuộc hiệp xã lần thứ hai diễn ra vào tháng 10/1946. Xã Phong La (một trong 14 xã của huyện Triệu Phong) được thành lập gồm các thôn: Nại Cửu, An Tiêm, Cổ Thành, Hậu Kiên, Trọng Đức, Tân Xuân, Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, Bích La Hậu, An Hưng, Phú Liêu, An Trú, Tài Lương, Đạo Đầu. Đến năm 1950, để phù hợp với tình hình mới, cuộc hiệp xã lần thứ ba được tiến hành, các xã được mở rộng thành những xã lớn hơn. 14 xã của huyện Triệu Phong hợp thành 7 xã, trong đó xã Phong La và Phong Quang (trừ các thôn An Lộng, Đại Hào, Vân Long) hợp thành xã Triệu Quang. Sau một thời gian ngắn, do địa bàn xã quá rộng, không đủ điều kiện quản lý, tổ chức cuộc kháng chiến, tỉnh chủ trương điều chỉnh lại quy mô xã; huyện Triệu Phong từ 7 xã lên thành 10 xã.  Bích La Đông lúc đó thuộc xã Triệu Vinh(7). Trong thời kỳ chống Pháp, nhiều con dân làng Bích La Đông tham gia kháng chiến trước cảnh:

Ai về Bích La Đông khỏi đau lòng xót ruột

Ai về Vân Hòa khỏi hậm hực thù Tây

Mả mồ cha ông, hắn cho xe xới, xe cày

Bao nhiêu hồn oan, nước mắt, nghĩ lại trăm đắng nghìn cay kẻ thù.

Sau Hiệp định Genève chia cắt hai miền, chính quyền Ngô Đình Diệm lập ra liên xã Bích La sau đổi thành xã An Đông. Đến năm 1958, toàn tỉnh Quảng Trị có 7 quận. Chữ cái đầu của tên quận lấy đặt làm chữ đầu cho tên xã thuộc quận đó. Quận Triệu Phong có 18 xã trong đó có xã Triệu Thành. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Quảng Trị hình thành hai vùng: vùng giải phóng chiếm 85% diện tích đất; phần còn lại là vùng tạm bị chiếm. Phần lớn địa bàn xã Triệu Thành thuộc vùng giải phóng trong đó có Bích La Đông. Sau khi đất nước thống nhất (4/1975), để phù hợp hơn với thực tế lịch sử và nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tháng 4/1976, tỉnh Bình Trị Thiên ra đời trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh. Đến ngày 11/3/1977, huyện Triệu Phong, Hải Lăng được hợp nhất thành huyện Triệu Hải. Thời điểm đó xã Triệu Thành thuộc huyện Triệu Hải và tách thành hai xã: Triệu Thành và Triệu Đông. Bích La Đông cùng với Bích La Trung, Bích La Nam và Nại Cửu thuộc xã Triệu Đông.

Ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá VIII ra nghị quyết phân chia lại địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ngày 23/3/1990, huyện Triệu Hải tách thành hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, xã Triệu Đông (bao gồm Bích La Đông) nằm trong huyện Triệu Phong thuộc tỉnh Quảng Trị(8).

Gần đây, thực hiện Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQHK14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, từ ngày 1/1/2020, xã Triệu Đông sáp nhập vào xã Triệu Thành, xã Triệu Thành gồm 7 thôn trong đó có Bích La Đông. Hiện nay, Bích La ngũ giáp bao gồm làng Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; làng Bích La Hậu thuộc xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và làng Bích La Thượng thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Làng Bích La Đông có truyền thống hiếu học từ xa xưa và đến nay là niềm tự hào của dân làng. Ngay từ rất sớm, sách Ô châu cận lục, Dương Văn An viết: Câu Nhi có người anh tuấn, Hoa La nổi tiếng văn học(9), điều này cho thấy người dân Bích La từ xa xưa đã ham học hỏi, thích văn chương, mảnh đất này đã là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Dân cư Bích La Đông phần lớn có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Buổi sơ khai là những người theo ngài Lê Mậu Doãn vào cai quản vùng đất này, bao gồm quan lại, binh lính, nông dân nghèo... trong đó nông dân nghèo chiếm vai trò chủ yếu. Sau đó là các cuộc di dân khai khẩn mang tính tự phát của người nông dân. Các thế hệ người dân Bích La Đông đã vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn cùng nhau xây dựng làng xóm. Sông đào Vĩnh Định ra đời chạy dọc theo địa bàn của làng, dân cư hai bên bờ sông ngày càng đông đúc, diện mạo xóm làng ngày càng thay đổi. Bích La Đông là nổi tiếng đất học, đất có nhiều tiến sĩ, cử nhân của tỉnh Quảng Trị. Làng từng nổi tiếng với câu “Lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử”. Tại cổng Tam quan đình làng có 2 câu đối: “Địa chung linh khí truyền thiên cổ - Thế xuất anh tài diễn ức niên”, nghĩa là: “Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa - Đời sinh hào kiệt khi nào cũng có”. 

Một điều cũng rất đáng lưu ý là vào thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, sau khi thủ phủ Phú Xuân do quân Trịnh chiếm đóng, chúa đã chạy vào miền Nam, có rất nhiều người Quảng Trị cùng chạy vào Nam phò chúa. Khi làm chủ được Gia Định, Nguyễn Ánh mở các khoa thi, thì đã có nhiều sĩ tử quê gốc Quảng Trị đỗ đạt, tiêu biểu trong đó có ông Lê Đăng Doanh (hay Lê Đăng Dinh), người Bích La và là một trong những người đỗ đạt sớm đầu triều Nguyễn. Lê Đăng Doanh (?- 1848) dự khoa thi 1796 do Nguyễn Ánh mở và trúng cách, được bổ làm Thị học viện Cống sĩ. Năm Gia Long thứ 4 (1805) được thăng làm Tri bộ thành Gia Định. Đến thời Minh Mạng ông được thăng Tham biện Hà Tiên, rồi trở về kinh thăng Thiêm sự bộ Lại, sung chức toản tu “Liệt thánh thực lục”. Ông làm quan trải qua 4 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; làm Thượng thư qua các bộ: Lại, Công, Hình, thăng Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), ông bị bệnh và mất, được truy tặng hàm Thiếu sư Văn minh điện Đại học sĩ và được vua Tự Đức ban tặng: “Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc / Tứ Triều thạc phụ đế vương tôn”. Nghĩa là: “Chỉ có mình lão mới được hưởng nghi lễ này / Do có công lao dạy dỗ bốn đời vua”.

Tiếp đó, ông Lê Đăng Trinh (1850 - 1909), Tự Hàm Chương, hiệu Bích Phong, người làng Bích La Đông. Ông đỗ Phó bảng năm 1875, làm quan đến chức Thượng thư Phụ chính đại thần dưới triều Duy Tân. Ông là vị quan thanh liêm, chính trực, có công giúp nhà chí sĩ Phan Chu Trinh thoát án tử hình dưới thời Pháp. Trên lĩnh vực ngoại giao ông là người có kiến thức uyên bác, trình bày những giải pháp canh tân đất nước rất khả thi nhằm chống lại nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây khiến triều Thanh rất khâm phục. Hoàng đế Quang Tự đã ban biểu tiến sĩ cùng áo mũ và danh hiệu “Lưỡng quốc tham mưu” cho ông. Lê Đăng Trinh có tác phẩm “Bích Phong thi thảo là tập hợp các bài thơ đề từ, xướng hoạ và một số bài nói lên nỗi lòng của tác giả trước vận mệnh đất nước(10) gồm 50 bài thơ và hơn 100 câu đối bằng chữ Hán mang giá trị văn học và lịch sử.

Từ năm khoa thi đầu tiên dưới thời Gia Long năm thứ 6 (1807) đến khoa thi Hội năm Kỷ Mùi Khải Định năm thứ 4 (1919) trở thành khoa thi cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam, thì cả nước có tất cả 47 khoa thi Hương (kể cả chính khoa và ân khoa) lấy 5.232 người đỗ Cử nhân. Trong đó Quảng Trị có 155 vị đỗ Cử nhân thì làng Bích La Đông có các vị sau:

- Lê Hữu Hằng còn gọi là Lê Hữu Thường (1817 - 1888), đỗ vào khoa thi Hương năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Ngay sau khi đỗ Cử nhân, ông được bổ làm Tri huyện Hà Đông, rồi kinh qua các chức Án sát Nghệ An, năm (1864) thăng Quang lộc tự khanh, lãnh Tuần vũ Quảng Yên. Qua năm sau, sung Khâm sai kinh lý Hải Phòng từ Quảng Bình đến Nam Định. Tự Đức thứ 33 (1880), ông được triệu về kinh làm Biện lý bộ Công, thăng Hồng Lô tự khanh, rồi thăng Tả thị lang bộ Công; đầu đời Hàm Nghi, ông được cử làm Phó Đổng lý, sung chức Sơn phòng sứ Quảng Trị. Đồng Khánh nguyên niên (1885) ông được thăng Hữu tham tri bộ Công, Tuần phủ Trị - Bình (Quảng Trị và Quảng Bình), sau đó được triệu về lại kinh và thăng chức Thượng thư bộ Công, kiêm quản ấn triện Đô sát viện. Năm Mậu Tý, Đồng Khánh thứ 3 (1888) ông xin nghỉ hưu vua không cho, lại thăng chức Hiệp biện Đại học sĩ, sung Thiên thành cục Đổng lý đại thần. Cuối năm ấy (1888), ông mất tại quê nhà(11).

- Lê Bá Nghị đỗ vào khoa thi Hương năm Tự Đức thứ hai (1849), làm quan đến chức Giáo thụ.

- Lê Thụy sinh năm Nhâm Dần (1842) đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn, Tự Đức năm thứ 21 (1868). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 24 (1871) năm 34 tuổi. Làm quan đến chức Tuần phủ Thanh Hóa, sau về kinh giữ chức Tham tri bộ Hình(12).

- Lê Hữu Tính đỗ vào khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 32 (1879), làm quan đến chức Trước tác lãnh Bang tá.

- Lê Cảnh đỗ vào khoa thi Hương năm Thành Thái thứ 15 (1903), làm quan đến chức Hành tẩu bộ Học...

Ngày nay, Bích La Đông còn có nhiều tiến sĩ khoa học tài danh đóng góp nhiều công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước như: Phó giáo sư, tiến sĩ sinh vật học Lê Thị Muội (1942 - 2008, là con gái cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), Tiến sĩ ngành Điện không gian tại Hoa Kỳ Lê Bá Lẫm; Giáo sư - Tiến sĩ viễn thông học tại Liên bang Nga Lê Bá Long, hiện công tác ở Trường Đại học Bưu điện thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Tiến sĩ hóa học Nguyễn Từ, Tiến sĩ Nguyễn Giang Thạch ở châu Úc, Giáo sư - Tiến sĩ kinh tế học Lê Bá Hải tốt nghiệp tại Anh, hiện đang công tác tại Trường Đại học Hoa Sen thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư - Tiến sĩ kinh tế Lê Cảnh Dũng, hiện công tác tại Đại học Cần Thơ… Và nhiều con cháu của làng đỗ đạt, thành công ở cả trong nước và nước ngoài. Hằng năm, hàng trăm con em Bích La Đông trúng tuyển vào các trường đại học.

Làng Bích La Đông ngày nay cách trung tâm huyện Triệu Phong 5 km, có diện tích tự nhiên 250 ha và diện tích canh tác 110 ha(14). Trên địa bàn làng có kênh đào Vĩnh Định đi qua, cung cấp nguồn nước tưới tiêu chính cho sản xuất nông nghiệp. Hệ thống ao, hồ và kênh mương đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho sản xuất, cung cấp nước và chống ngập úng. Người dân nơi đây hầu hết sống làm nghề nông. Cũng có một số nghề khác như mộc, chế biến nông sản,... nhưng quy mô sản xuất nhỏ và không tách rời khỏi nông nghiệp. Theo số liệu thống kê của UBND xã Triệu Thành (tính đến năm 2023), dân số hiện có của làng Bích La Đông là 511 hộ và 1629 nhân khẩu. Làng Bích La Đông là một làng đông dân cư, đây là nguồn lao động dồi dào, tạo ra nguồn thu nhập cao cho địa phương.

Từ buổi đầu dựng xây quê hương, người dân Bích La Đông sống bằng nghề trồng lúa nước, hoa màu là chính. Cho đến đầu thế kỷ XX, ruộng công chiếm tỷ lệ lớn. Diện tích ruộng bình quân tính theo đầu người tương đối thấp. Do canh tác còn lạc hậu nên năng suất không cao, điều kiện sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân làng Bích La Đông đoàn kết, góp công góp sức vừa đánh giặc cứu nước vừa cùng nhau tăng gia sản xuất.

Ngày nay, cùng với những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp của làng Bích La Đông đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Người dân ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một năm trồng lúa hai vụ và trồng hoa màu. Năng suất lúa cuối năm 2022 đạt 57,93 tạ/ha(15). Cùng với trồng trọt, người dân ở đây chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: gà, vịt, lợn, trâu, bò,... Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bích La nhiều năm liền là tập thể lao động sản xuất giỏi, đã được tặng cờ thi đua của Chính phủ vào tháng 5 năm 2023.

Người dân Bích La Đông có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo nhu cầu đời sống, các nghề phụ lần lượt ra đời như nghề mộc, may vá, buôn bán, dịch vụ,... Hiện tại, trên địa bàn làng có khoảng 50 cơ sở ngành, nghề, thương mại, dịch vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại các chợ trong và ngoài địa bàn. Hàng hóa sản xuất tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, thu nhập từ nguồn dịch vụ, ngành nghề ngày càng tăng, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của người dân trong thôn đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Bộ mặt nông thôn từng bước có nhiều thay đổi, nhà cửa kiên cố, khang trang, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

* * *

Là một vùng quê có bề dày lịch sử và văn hóa, Bích La Đông là nơi người dân có đời sống tâm linh khá phong phú, đa dạng. Từ hệ thống đình, miếu và các nhà thờ của các dòng họ cho thấy đời sống tín ngưỡng phong phú của người dân nơi đây. Thờ cúng tổ tiên, dòng họ là tín ngưỡng phổ biến của các gia đình, ngoài ra cộng đồng dân cư ở đây còn thờ Thành hoàng, các vị thần nông nghiệp và các ngài Tiến sĩ. Đình làng là trung tâm của làng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và là nơi cúng tế, thể hiện lòng biết ơn, tri ân của các thế hệ con cháu đối với các bậc tiền nhân. Ngoài các quy định của Đảng và Nhà nước, người dân nơi đây còn xây dựng hương ước, bắt buộc các thành viên của làng phải tuân theo, quy định quyền và nghĩa vụ của các thành viên, quy định phong tục, tập quán và các mối quan hệ ứng xử.

Về các thiết chế văn hóa của làng, khu đình, miếu và chợ đình Bích La nằm trên ngã ba một con đường liên thôn, ở đầu làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; cách quốc lộ 49C chừng 2 km về phía đông nam. Địa điểm này được bao quanh hai phía bởi cánh đồng rộng trải dài. Phối trí toàn cảnh của khu di tích trong khá hữu tình nhờ một con hói chạy vòng quanh bao lấy hai phía với nhiều cây cối um tùm mọc lan ra hai bên bờ. Thuật phong thủy ở đây đã được người xưa của làng Bích La khéo sử dụng để phát huy hết mọi khả năng vốn có của một thế đất địa linh nhân kiệt. Đây chính là nơi tọa lạc của ngôi đình làng và một khu miếu thờ các vị thần linh của làng Bích La. Trong khuôn viên của khu đình, mặt trước là một hồ nước rộng, ở giữa hồ có một cù lao nhỏ nổi, xung quanh có nhiều cây cối tỏa bóng xuống mặt nước. Cạnh hồ về phía phải là hai ngôi miếu thờ nữ thần là Bà Thủy và Bà Hỏa. Khu vực chính ở phía sau gồm tòa đại đình và một cụm miếu thờ các vị thần bao gồm cả nhân thần và nhiên thần.

Điểm nhấn của quần thể này là ngôi địa đình bố trí theo chiều dọc nằm ở rìa ngoài của khu vực chính. Khu đình, miếu Bích La được xây dựng vào thời gian nào thì không ai còn nhớ. Tương truyền rằng sau khi lập làng, “các ngài” khai khẩn đã chọn vùng đất phong thủy ở đây để xây dựng ngôi đình và miếu thờ. Nguyên xưa ngôi đình được xây dựng rất khang trang và có quy mô lớn nhất nhì trong vùng. Đó là một ngôi nhà rường ba gian hai chái mái lợp ngói liệt. Trong chiến tranh ngôi đình bị đỗ nát cùng với tất cả các ngôi miếu. Năm 1990, nhờ vào sự đóng góp tiền của, công sức của dân làng và của ông Lê Bá Đảng nên ngôi đình đã được tu bổ lại(l6). Tuy vậy, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên kiến trúc của ngôi đình đã không còn giữ được đầy đủ những yếu tố kiến trúc truyền thống xưa mà đã được hiện đại hóa bằng bê tông, cốt thép. Cũng từ lần trùng tu này, khu miếu thờ cũng được xây dựng mới.

Khu miếu thờ nằm phía bên ngoài ngôi đình, trong một khuôn viên có cổng, thành bao bọc cả thảy gồm có 11 ngôi miếu và án thờ được bố trí theo hình chữ U lần lượt từ bên trái sang gồm có: miếu thờ dân yên vật lợi; miếu thờ Thần Nông; miếu thờ Sấm Sét; miếu thờ Quốc an tôn thần; miếu thờ Cao Các; miếu thờ Thành hoàng; miếu thờ Ngài Khai khẩn; miếu thờ Tiến sĩ Cảnh Phiến Bá; miếu thờ Bà Chúa; miếu thờ Thập Tứ hộ; miếu thờ Cảnh Diệu Bá. Từ cách thờ cúng đa dạng trong khu miếu thờ ở làng Bích La, có thể thấy một điều gì đó khá đặc biệt mà điển hình trong quan niệm triết lý về vũ trụ quan và nhân sinh quan của người dân làng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh ngôi đình làng và các miếu thờ, trong khu vực đình làng Bích La còn là nơi diễn ra một hình thức lễ hội truyền thống khá điển hình và đặc trưng của các làng quê Quảng Trị. Đó là lễ hội chợ đình Bích La. Ngoài điểm chung như nhiều ngôi đình làng khác trên đất Quảng Trị có không gian phía trước dành cho hoạt động nhóm họp chợ để trao đổi buôn bán trong phạm vi của một làng hoặc một khu vực, chợ đình Bích La mang những đặc thù riêng. Chợ đình Bích La thực chất là một hoạt động lễ hội truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại. Tương truyền rằng: Từ xưa, mỗi độ tết đến xuân về, các cụ trong làng không thể đến thăm từng nhà nên các cụ tổ chức chợ đình để ra đó họp mặt đầu xuân trong không khí vui tươi, phấn khởi. Sau khi trao đổi việc làng, việc xóm, chúc sức khỏe đầu năm, các cụ tổ chức đánh cờ tướng, ngâm thơ, hò đối đáp, chơi các trò chơi dân gian như thổi gà đất. Về sau nhân dân trong làng bày bán thêm các mặt hàng cau trầu, muối, nhánh chè xanh, nhành lộc… những mặt hàng tuy đơn giản nhưng theo quan niệm của người dân từ bao đời nay nên mua mở hàng trước tiên (mua “mì xưa”, có nơi gọi là “mày xưa”, “mề xưa”, “mè xưa”...) khi tham gia phiên chợ đầu năm mới để cầu mong một năm đầy may mắn, phát lộc, phát tài, tình cảm mặn nồng như “muối mặn”…

Dần dần, lễ hội càng phát triển, thu hút hút nhân dân tham gia ngày càng đông, không chỉ ở địa phương mà còn lan tỏa ra các làng lân cận, rồi theo thời gian người dân từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các nơi khác về đây ngày càng nhiều, ước tính một năm có khoảng hàng ngàn lượt khách đến hành hương và tham quan. Người dân cũng bắt đầu mở rộng bán thêm nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công do chính mình làm ra nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu trao đổi, giao lưu đầu năm chứ không nặng về yếu tố kinh tế.

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, những phiên chợ tổ chức ở trước khu vực cửa đình, cửa chùa vào những dịp giao thời được coi là “chợ âm dương”. Trong phiên chợ này, sự giao hòa giữa âm và dương được thực hiện thông qua người bán, người mua (cái may mắn, tốt lành), giao lưu, hoán đổi cho nhau. Thời gian chợ thường diễn ra vào dịp nửa đêm về sáng, lúc giao hòa giữa tối và sáng, giữa ngày và đêm, bỏ lại những gì xấu xa, kém may mắn của năm cũ, mở ra một năm mới may mắn, tốt lành…

Chợ đình Bích La diễn ra vào đêm mồng 2 rạng sáng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, thời gian hình thành chợ đình không ai còn nhớ, chỉ được truyền miệng là đã hình thành cách đây hàng trăm năm về trước. Thuở sơ khai, lễ hội chợ đình Bích La được hình thành từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, để cố kết cộng đồng làng xã và thể hiện sự thành kính đối với ông bà, tổ tiên, các vị tiền nhân khai khẩn của làng. Ngày nay, ở chợ đình Bích La, các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, bao gồm là những sản vật của địa phương như: lá chè, cành cây phát lộc, cây mía, cau trầu, gói muối, cá chép… Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn. Địa chí Quảng Trị cho rằng: “Đây thực chất là một hoạt động Hội làng truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại”(17).

Ngoài ra, ở chợ đình còn bày bán các loại thịt cá tươi ngon do người dân địa phương nuôi được, các cửa hàng ăn uống trong ngày diễn ra chợ đình cũng thu hút khá đông khách vào thưởng thức các món ăn do người địa phương nấu. Chợ đình từ ngày lập ra đến nay dù thời tiết rét mướt hay những năm chiến tranh, không năm nào là không nhóm họp, chỉ có năm 1948 là năm lực lượng thực dân Pháp tàn sát nhân dân trong làng và năm 2021, 2022 do tình hình đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp là không nhóm họp, tuy nhiên các hoạt động lễ vẫn được Ban Tổ chức tổ chức thường niên. Lễ hội chợ đình Bích La được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó là cái đẹp mang cá tính riêng, bản sắc riêng của người Bích La trong văn hóa ứng xử. Từ trong tâm thức của người dân Bích La, lễ hội chợ đình là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, còn đối với khách thập phương, lễ hội chợ đình là một nét đẹp làng quê, phiên chợ mang dáng dấp bức tranh của một làng quê miền Trung yên bình.

Trong dòng chảy năm thế kỷ qua, người Bích La Đông luôn bảo lưu và góp phần gìn giữ, tôn tạo những những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do nhiều thế hệ tạo dựng. Bích La Đông là một ngôi làng có lịch sử lâu đời, có bề dày văn hóa, là một làng cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị. Với truyền thống hiếu học, ý chí tự cường, tinh thần đấu tranh cách mạng và sự nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương của bao thế hệ con dân Bích La Đông luôn làm rạng danh truyền thống cha ông đã dày công tạo lập.

L.Q.M

(Do tác giả bài viết nhầm lẫn trong việc trích dẫn và dẫn nguồn thông tin nên BBT liên hệ tác giả điều chỉnh lại thông tin, nội dung bài viết trên trang thông tin điện tử tổng hợp của đơn vị. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc).

Chú thích:

1 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục

2, 3, 6, 7, 8  Ban Chấp hành Đảng bộ xã Triệu Đông (2017), Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Đông (1930-2010), Công ty CP In và Dịch vụ Hỗ trợ Giáo Dục Quảng Trị.

4, 10,11, 12, 12, 13, 17 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị (2022), Địa chí Quảng Trị, Nxb Thuận Hóa.

5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh dư địa chí, Sách điện tử.

9 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình (2014), Ô Châu cận lục, Quyển 3: Môn bản đồ (danh mục làng), môn phong tục, bản điện tử, Trần Đại Vinh hiệu đính.

14, 15 Cung cấp thông tin từ ông Lê Mậu Hoài - Giám đốc Hợp tác xã Bích La

16 Theo lời kể của ông Nguyễn Lương - hiện sống ở làng Bích La Đông.

LÊ QUANG MINH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 391

Mới nhất

Trao giải Búa liềm vàng tỉnh Quảng Trị năm 2024

12/11/2024 lúc 10:47

TCCVO - Sáng ngày 12/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức lễ tổng kết, trao giải Búa liềm vàng năm

Tạp chí Cửa Việt khảo sát nhu cầu bạn đọc

10/11/2024 lúc 05:47

Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tiến tới cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung tờ tạp chí (bản in và trang thông tin điện tử tổng hợp), Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt xin ý kiến của bạn đọc về một số vấn đề để xây dựng ấn phẩm chất lượng, phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Kết nối văn hóa, củng cố tình hữu nghị qua giao ban kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt Nam - Lào

09/11/2024 lúc 10:34

TCCVO - Chiều ngày 09/11, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khóm Ka Tăng và khóm Ka Túp (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hai cặp bản là khóm Ka Tăng (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Đen Sa Vẵn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào); khóm Ka Túp (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Ka Túp 2 (huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào) đã tổ chức buổi giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới quý IV năm 2024. Đây là dịp tái khẳng định sự đoàn kết, bền chặt của các cộng đồng sinh sống nơi đường biên, trong tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Huyện Cam Lộ tiếp nhận các kỷ vật của vua Hàm Nghi và ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

07/11/2024 lúc 09:14

TCCVO - Ngày 7/11/2024, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh

07/11/2024 lúc 03:04

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

15/11

25° - 27°

Mưa

16/11

24° - 26°

Mưa

17/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground